Lê Xá những ngày bão tố

Thứ Hai, 21/06/2021, 10:31
Một ngôi làng đang bình an, yên vui, phút chốc như chuyển sang thời chiến. Những ngõ xóm đông đúc chợt như “bốc hơi” chẳng thấy bóng người, chỉ còn vườn không nhà trống. Nhà nhà cửa đóng then cài khi trời vừa sập tối. Thay cho những cuộc chuyện trò vui vẻ nơi cổng ngõ mọi khi, giờ đây bà con láng giềng lặng lẽ tìm nhau trên mạng xã hội. Chỉ trong vài ngày, cái thôn hơn 400 nóc nhà mà có tới 53 F0 (bệnh nhân nhiễm COVID-19). Làng Lê căng như dây đàn.


Nỗi buồn của ông Trưởng thôn

Sáng 15-6, chiếc xe tang lặng lẽ đi qua chốt cách ly “cứng”, rồi chốt cách ly “mềm”, không kèn không trống. Phía sau, con cái của người đã khuất mặc quần áo bảo hộ màu xanh theo xe ra cổng làng, nơi có chiếc xe ô tô của nhà tang lễ đến đưa đi nhà hỏa táng. Chỉ 2 người được theo xe, còn lại ai về nhà nấy.

Đường làng Lê Xá không bóng người trong thời gian cách ly xã hội.

Ông trưởng thôn ứa nước mắt nói với tôi: “Xót xa quá! Chưa bao giờ tôi phải chứng kiến đám ma không kèn không trống, ít người đưa tiễn như thế này. Hôm trước, ngày 2-6 đã có một đám như vậy rồi. Dù người mất không phải do COVID nhưng buộc phải tổ chức tang lễ như vậy để phòng COVID cho cả làng”.

Chỉ trong vòng nửa tháng, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng thôn Lê Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã phải chứng kiến 2 đám tang như vậy. Tổ COVID cộng đồng cùng cán bộ công an cắm chốt ngay trước cổng nhà người mất để đề phòng có người vượt rào lén đến viếng. Phải lập chốt gác ở nhà có người mất - đó là sự kiện đau thương. Người làng muốn chia buồn mà không thể đến. Nỗi buồn nhân lên gấp trăm lần.

Trên Facebook cá nhân, cô cháu gái N.T Hoa chia sẻ nỗi đau đớn của gia đình: “Còn gì buồn hơn nữa, ông ơi! Muốn gặp ông lần cuối sao mà khó quá...”. Ông mất, cháu không được đến tiễn ông lần cuối dù nhà chỉ cách vài trăm mét. Không ai được phép rời nhà trong những ngày này. Nỗi đau đành nén lại, chờ ngày yên ổn tới đây người thân mới được đến thắp nén hương cho người đã khuất.

Tính đến nay, làng Lê (người dân vẫn gọi tắt tên làng như vậy) đã trải qua tròn 1 tháng cách ly xã hội. Bao chuyện xảy ra trong khoảng thời gian đặc biệt này. Ngày 9-5, toàn huyện Thuận Thành thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Khi đó, COVID-19 đang hoành hành chủ yếu ở khu vực xã Mão Điền và một số điểm ở thành phố Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Giang thì bùng phát dịch căng thẳng trong khu công nghiệp. Lúc này, làng Lê vẫn bình yên.

Tình nguyện viên phơi thóc giúp người đi cách ly tập trung.

Ngày 11-5, một người làng đi chữa bệnh từ Bệnh viện Thuận Thành trở về đã không qua khỏi. Sau đám tang một tuần, 2 con của người đã mất phát hiện dương tính với COVI-19. Ngay lập tức, hàng chục hộ dân đi cách ly. Hôm “nổ” ca F0 đầu tiên, dân làng xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 suốt đêm. Những gương mặt đầy lo lắng, sốt ruột dưới ánh đèn vàng vọt ở sân nhà văn hóa giữa thôn. Nhân viên y tế cũng căng thẳng. Công tác xét nghiệm, truy vết diễn ra thần tốc.

Sáng hôm sau, những gia đình đầu tiên phải đi cách ly tập trung. Một gia đình có 2 ông bà già, 3 người con với 7 đứa cháu là F1 bìu ríu nhau ra xe giữa trưa. Hôm đó trời nắng gắt quá. Lên xã họp báo cáo tình hình trong thôn mà chảy nước mắt, ông trưởng thôn vừa nói, vừa mường tượng ra hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên như được đi du lịch, chúng chạy theo người lớn lòng nặng trĩu, mang theo bọc nọ đùm kia. Nỗi hoang mang, lo lắng bao phủ cả làng Lê. Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, tổ tình nguyện viên (Bí thư Đoàn thôn làm tổ trưởng) căng người phối hợp cùng các lực lượng: Công an huyện, công an xã, y tế... Các cổng ngõ kéo lưới thép B40 có khóa cẩn thận. 2 “chốt mềm” ở cổng làng có các lực lượng phối hợp trực 24/24. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Hơn 30 ngày không thể quên

Mấy ngày sau, con số F0 được phát hiện làm cả làng choáng váng. Từ ngày 25 đến 31-5 phát hiện 17 F0 trên địa bàn. Tổng số F0 của Lê Xá chỉ trong thời gian ngắn (cả phát hiện khi đã cách ly) là 53 trường hợp. Ông Bí thư, Chủ tịch UBND xã bị tạm đình chỉ công tác một tuần vì để xảy ra chùm ca bệnh trên địa bàn. Ông Bí thư, ông trưởng thôn cùng một số thành viên trong tổ COVID cộng đồng là những người được phép đi lại trong làng phải lấy mái đình làm nhà. Một số thanh niên tích cực xung phong hỗ trợ lực lượng chức năng. Họ họp bàn, phối hợp thực hiện công tác truy vết, tổ chức chăm lo cho đời sống nhân dân ổn định.

Những ngày này, những người đứng đầu thôn cả đêm chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng. Có hôm 7 giờ sáng, tại nhà văn hóa thôn đã có cuộc họp triển khai truy vết và lên kế hoạch giải quyết những vấn đề cấp bách. Tôi gọi điện hỏi thăm ông Quỳnh trưởng thôn, ông chỉ trả lời vội vã được mấy câu với giọng khản đặc rồi tắt máy. Ông trưởng thôn nguyên là bộ đội về hưu, cựu lính Trường Sa nên trong cuộc chiến này, ông lại trở thành một lính chiến chính hiệu.

Một tối, tin báo khẩn cấp đến ông trưởng thôn: Có một nhóm người lao động thuê trọ tại thôn định bỏ trốn về nhà. Ngay lập tức, ông cùng đại diện Mặt trận Tổ quốc của thôn tìm đến nơi nhóm người lao động ở trọ tại khu chợ nắm tình hình. Thì ra, không phải họ không có ý thức phòng dịch, mà họ sợ những ngày tới không còn lương thực, tiền bạc, lấy gì để ăn. Trong khi dịch giã đang căng thẳng, chẳng biết ngày nào được trở về nhà. Nỗi lo lắng của lao động ngoài thôn ấy kịp thời được xua tan. Một lượng lương thực cần thiết được tổ tình nguyện đưa đến. Họ được đảm bảo sẽ sống ổn trong thời gian cách ly.

Trong khi đó, số F0 của thôn vẫn không ngừng tăng lên, số F1 phải đi cách ly tập trung vẫn diễn ra từng ngày. Trên đường làng, chỉ duy nhất hình ảnh hoạt động của những con người trong bộ đồ bảo vệ lụng thụng. Trông họ như những chiến binh, những nhà du hành vũ trụ đang đổ bộ lên mặt trăng - hình ảnh vô cùng lạ lẫm ở cái thôn bình yên xứ Kinh Bắc này. Họ ngồi trên chiếc xe tải nhỏ chở thực phẩm đến từng nhà tiếp tế mỗi ngày. Mở khóa “chốt cứng”, họ đặt túi đồ xuống sân, cổng nhà rồi rút lui. Lúc đó người trong nhà mới ra nhận đồ. Mọi hoạt động được đảm bảo an toàn, tuyệt đối không tiếp xúc.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Quỳnh chuyển thực phẩm cho một hộ dân.

Có một con ngõ gọi là ngõ Ngắn của làng Lê, cả ngõ phải đi cách ly. Ở nhà chỉ còn những con vật nuôi như chó, mèo, lợn, gà. Có nhà nhờ được người ở gần chăm sóc vật nuôi, còn lại phần lớn các tình nguyện viên giúp các gia đình chăm sóc trong thời gian đi cách ly.

Dịch bệnh xảy ra đúng vào vụ lúa chín. Bà con nông dân ngồi trong nhà mà lòng như lửa đốt. Trời nắng rát, hạt lúa căng tròn, vàng ruộm, người đi cách ly sốt ruột không thể tả. Nhưng, phương án giải quyết đã được đưa ra. 2 máy gặt được huy động về cánh đồng. Lãnh đạo thôn sắp xếp cử người theo nấu cơm cho người điều khiển máy gặt, đảm bảo tuyệt đối không tiếp xúc với người làng. Họ dựng lều ngủ lại qua đêm trên cánh đồng. Khi xong việc, ra khỏi đồng làng thì cả người điều khiển và máy gặt đã được phun khử khuẩn, an toàn ra khỏi vùng cách ly.

Người làng được phát phiếu ra ruộng. Máy gặt chạy đến đâu, nhà đó được gọi ra bê thóc về. Những gia đình đi cách ly tập trung thì được các tình nguyện viên mang thóc về làng phơi giúp. Thôn dùng tiền ủng hộ mua 2.500 bì tải đựng thóc, bà con nào thiếu bì tải đựng thóc sẽ được tặng luôn. Người đi cách ly yên tâm vì hậu phương đã lo trọn vẹn.

Tình làng xóm, nghĩa đồng bào

Bà con làng Lê chủ yếu làm nghề nông nên gạo trong nhà không thiếu. Ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, dân làng không lo thiếu cơm nhưng rau xanh, thức ăn thì chỉ đủ cho 1-2 bữa. Còn những bữa tiếp theo như thế nào, họ chưa biết. Ở thời điểm đó, lực lượng phòng, chống COVID thêm tất bật, vất vả bởi phải cắt cử người tiếp nhận hàng hỗ trợ, phân phát thực phẩm.

Những người con xa quê khi nghe tin làng mình bị cách ly đã gửi về tiền và hàng hóa. Toàn những thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn hằng ngày như: Mì tôm, khẩu trang y tế, đường, lạc, dứa, bí ngô, bí đao, dầu ăn, gia vị, trứng... Có người làm ăn từ TP Hồ Chí Minh gửi về cả 1 tấn bí đao, hàng nghìn quả trứng, hàng tạ cá khô...

Trong làng cũng có thể tự cung tự cấp một số thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, rau xanh. Một hộ gia đình thịt lợn sẽ thông báo để người có nhu cầu đăng ký mua qua điện thoại. Người bán lợn cho sẵn thịt vào từng túi, ghi tên theo đăng ký rồi đội tình nguyện viên sẽ đến nhận và vận chuyển tới từng gia đình. Còn rau xanh, đội tình nguyện viên ra đồng tìm rau, hái về phát cho các nhà. Rau sẽ được phát luân phiên theo các xóm. Ngoài chiếc loa truyền thanh, loa cầm tay của tổ COVID cộng đồng, tổ tình nguyện viên thì một kênh thông tin khác chính là mạng xã hội Facebook, Zalo. “Chiều nay tình nguyện viên phát từ xóm Chùa... thiếu đâu mai tình nguyện viên chúng em cắt nốt phát sau ạ” - một tình nguyện viên thông báo trên Facebook cá nhân.

Gia đình ông Khanh - bà Bắc làm đậu phụ tặng bà con.

Vợ chồng ông Nguyễn Khanh kinh tế không dư dả, hằng ngày cặm cụi làm đậu phụ bán trong làng nhưng đã tình nguyện làm khoảng 400 suất đậu phụ (mỗi suất 4 chiếc), tương ứng với 4 triệu đồng tặng bà con trong những ngày cách ly. Hình ảnh bà Bắc, vợ ông Khanh giao cho đội tình nguyện viên những khay đậu phụ vừa làm xong đã được quay clip và chia sẻ trên mạng cùng nhiều bình luận cảm ơn. Câu chuyện đầy cảm động về tình làng nghĩa xóm.

Cuộc sống hằng ngày với những tất bật, lo toan khiến người ta xao nhãng quan tâm tới nhau. Những ngày chiến đấu với đại dịch COVID-19, dù vất vả, khó khăn và nguy hiểm nhưng trong cái mất lại có cái được. Người ta có dịp lắng lại để cho tình làng nghĩa xóm được thổi bùng lên, gắn kết hơn bao giờ hết. Dịch bệnh tạo ra sự chia cách cơ học giữa các nhà, các xóm ngõ, bù lại là một mối liên kết mới trên những chiếc điện thoại thông minh, là sự nhiệt tình hỗ trợ nhau, là tinh thần tình nguyện của thanh niên, là sự rộng lòng của người dân thôn quê dù còn nhiều khó khăn, là ân nghĩa của những người con xa quê.

Khuya 13-6, ông Nguyễn Văn Quỳnh lên Facebook viết lời cảm ơn xúc động gửi tới những người đã chia sẻ cùng bà con trong thôn sau gần 1 tháng chống chọi với “cơn bão” COVID-19. Khi ông trưởng thôn cầm điện thoại vào “phây” viết “tút” thì tức là ông đã bớt bận rộn, bớt căng thẳng với bộn bề công việc từ khi “nổ” ca F0 đầu tiên. Đó cũng là ngày có 33 thôn thuộc 8 xã của huyện Thuận Thành được điều chỉnh áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg. Ông và bà con trong thôn mong lắm ngày này. Dù chưa được nằm trong danh sách 33 thôn kia nhưng mong rằng ngày đó đang ở thật gần.

Sáng 18-6 ông Quỳnh cho tôi biết, từ ngày 30-5 đến nay làng Lê không bị “nổ” F0, hi vọng những khó khăn, thách thức và những điều lo sợ đã ở lại phía sau, những ngày bão tố đang dần xa. Bớt việc, ông trưởng thôn cũng tranh thủ cùng đội tình nguyện viên đi chuyển thực phẩm cho các gia đình. Tôi đùa: “Hết cách ly, cả làng phải làm bữa liên hoan”, ông Quỳnh cười sảng khoái.

Thôn có 53 F0

Thôn Lê Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành có 405 hộ dân với khoảng 1.400 nhân khẩu. Đợt dịch COVID-19 lần 4, thôn có 53 F0 và 97 F1, 26 hộ dân đi cách ly cả gia đình. Thôn phải lập 18 chốt cứng tại các ngõ, xóm, cấm hoàn toàn người dân ra ngoài. 2 “chốt mềm” có tổ trực chốt 24/24h. Đến ngày 18-6 đã có hơn 30 F0 được chữa khỏi bệnh, trở về.
Việt Hà
.
.