“Lên trời” tìm thần y online
- Vạch trần bộ mặt thật của “thần y” chữa bệnh câm, điếc
- Truy thu các khoản chi sai phục vụ "thần y" Võ Hoàng Yên
Khi bệnh nhân đi đóng quảng cáo
“Rất nhiều người tốn tiền oan khi dùng thuốc chữa xương khớp mà không khỏi, tốn kém và chán nản là điều không tránh khỏi. Khi nghe tới thuốc xoa bóp T.M không tránh khỏi nghi ngờ và lưỡng lự nhưng hãy nghe người bệnh đang dùng thuốc nói về công dụng thực tế của T.M nhé”. Đó là một trong những lời quảng cáo rót mật vào tai người bệnh của “thần y” online. Sau những lời mời gọi có cánh luôn kèm theo một clip ghi lại hình ảnh một bệnh nhân nữ tay cầm lọ thảo dược. Bà này nói như học thuộc, từng câu từng lời đều trôi chảy, không ấp úng ngượng ngùng. Nét mặt bà tỏ rõ sự hớn hở, hoan hỷ, vui mừng. Sau cùng, bà tha thiết, khẩn cầu khuyên thiên hạ những ai đang có bệnh khớp hãy mau mau đặt mua “tiên đơn” của shop gia truyền.
Bệnh nhân biến chứng nguy hiểm phải nhập viện sau khi dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc một thời gian dài. |
Sau nhiều lần dò dẫm, móc nối, câu nhử chúng tôi đã tiếp cận được bệnh nhân kiêm người mẫu quảng cáo cho thuốc chữa bệnh xương khớp T.M. Người phụ nữ tên Nguyễn Thị T. (50 tuổi, ngụ Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) có tiền sử bệnh khớp, thoát vị đĩa đệm khoảng 7 năm trở lại đây. Bà T. đã từng đi khắp các bệnh viện nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Bà bắt đầu quay sang dùng thuốc Nam, thuốc Bắc. Hễ ai mách ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi là bà tìm tới hoặc nhờ người mua giúp thuốc. “Có bệnh vái tứ phương” bà không quản khó khăn vất vả.
Có loại thuốc bà dùng một thời gian thì bệnh thuyên giảm nhưng sau đó do lao động vất vả, suy nghĩ lo toan nhiều nên bệnh lại tái phát, thuốc lúc này đã “lờn” không còn tác dụng nữa. Cách đây 2 năm, bà được một người bạn gửi cho một bài thuốc tận bên Campuchia. Thành phần thuốc là vôi, trầu kèm theo một loại rễ cây gì đó mà nghe quảng cáo chỉ có bên ấy mới có. Thuốc này có mùi thơm ngào ngạt, mỗi khi xoa bóp xong là bà T. cảm thấy buồn ngủ và ngủ li bì mấy tiếng liền.
Đúng là lúc ngủ thì không còn đau nữa nhưng bà lại chẳng thể làm việc được, người cứ đờ đẫn, thất thần, ngơ ngác như bệnh nhân tâm thần. Cảm thấy tình hình không ổn, chồng bà T. mang thuốc đi vứt bỏ, không cho vợ dùng nữa.
Sau khi “cai” thuốc, bà T. mất ngủ trở lại, những cơn đau xương khớp quay về cắn xé, cáo cấu khiến bà khổ sở từng đêm. Nguy hiểm hơn, da thịt những chỗ xoa bóp đều chuyển sang màu tím nhợt, ngứa ngáy, trào mủ trắng. Bà T. tới bệnh viện da liễu điều trị gần 1 tháng mới thuyên giảm.
Tưởng như sau cú thoát chết bởi thuốc “ngoại”, bà T. sẽ rút ra được bài học xương máu, từ đó tỉnh táo hơn với các loại thuốc “trời ơi đất hỡi”.
Giữa năm 2020, bà T. lên mạng vô tình nhấp vào trang quảng cáo “chữa bệnh xương khớp gia truyền”. Những lời quảng cáo ngọt lịm như mía lùi, nghe quá hợp lý và thuyết phục. Bà T. nhào vào đăng ký. Chỉ 1 phút sau khi nhận được tín hiệu của con bệnh, “thần y” đã hồi âm ngay. Trước tiên là lời thăm hỏi về bệnh tình, “thần y” hỏi rất cặn kẽ, chi tiết. Sau khi nghe bà T. than, “thần y” phán một câu xanh rờn: “Vậy là chị tìm đúng địa chỉ, đúng bài thuốc rồi đó. Chúc mừng chị”.
“Thần y” tư vấn cho bà T. mua 3 tháng thuốc với giá 1,5 triệu đồng. Theo liệu trình, bệnh của bà T. chỉ cần uống 6 tháng là đứt điểm hoàn toàn xương khớp. Bà T. mừng rơi nước mắt, thấp thỏm vui sướng chờ ngày shop “thần y” giao hàng online.
Uống được 1 tuần, bà T. cảm thấy trong người khỏe ra, ăn ngon miệng và ngủ cũng ngon giấc. Bà vui quá nhắn tin phản hồi cho “thần y”. Ngay lập tức, shop “thần y” gọi điện cho bà T. chúc mừng, đồng thời, thông báo bà T. được chọn làm đại diện hình ảnh cho nhà thuốc.
Shop hướng dẫn bà T. tới phường Long Trường (Q.9). Do đường ngoằn ngoèo, nhà lại không có số nên bà T. đứng ở cổng chợ Long Trường chờ người của nhà thuốc ra đón.
Họ đưa bà T. đi qua mấy con hẻm ngoằn ngoèo, có ruộng lúa, bờ ao, vườn dừa chủ yếu để đánh lạc hướng làm cho bà T. không thể nhớ địa chỉ. Đó là ngôi nhà cấp 4, mái tôn thấp lè tè, xung quanh có vài xưởng gỗ. Trong căn nhà, phông bạt và một ít thuốc đã được chuẩn bị sẵn để làm background cho chương trình quay quảng cáo. Bà T. được hướng dẫn đọc thuộc lời thoại. Tuy nhiên, do run quá nên bà nhớ trước quên sau, lên hình cứ ấp a ấp úng. Họ liền viết ra tờ giấy thật lớn, để trước mặt máy quay rồi bà T. chỉ việc ngồi nhìn lên và đọc. Bà đọc đâu chục lần mới xong. Hoàn thành buổi ghi hình, bà T. được shop tặng thêm 1 tháng thuốc chữa khớp cùng một túi yến về tẩm bổ.
Tư vấn, khám bệnh và giao hàng miễn phí thuốc gia truyền trên mạng xã hội. |
Bà T. thắc mắc, tại sao không ghi hình tại nhà thuốc hoặc xưởng chế biến? Người đàn ông mặc áo dược sĩ kiêm quay phim trả lời: “Xưởng chế biến tận dưới An Giang, còn shop ở Tp. Hồ Chí Minh thì đang trong quá trình tu sửa nên không tiện”. Bà T. nghe có lý nên không nghi ngờ gì.
Cho đến ngày gặp chúng tôi, bà T. vẫn một mực tin tưởng vào công dụng tuyệt vời thuốc chữa xương khớp của “thần y” giấu mặt. Nếu có ai khuyên can hoặc nói xấu về loại thuốc này, bà T. tỏ thái độ ngay. Tưởng chúng tôi là con bệnh, bà T. vui vẻ hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Bà dạy chúng tôi: “Việt Nam là vương quốc của các loại thuốc lá. Dùng thuốc Nam phải tuyệt đối tin tưởng, cứ nghi ngờ thì có ngày chết oan”.
Chúng tôi đành ngậm ngùi lui ra, chẳng biết phải làm sao trước lối suy nghĩ mụ mị, mê trượt của người đàn bà tội nghiệp này.
Mỏi chân đi tìm “thần y”
Công nghệ thông tin phát triển trong vài năm trở lại đây, cũng là lúc có rất nhiều “thần y nổi danh” trên mạng xã hội, với câu khẩu hiệu tạc tượng: “Nhà tôi 3 đời làm thuốc Nam gia truyền; đảm bảo chữa khỏi 100%; không khỏi hoàn trả tiền...”. Tuy nhiên, hình ảnh quảng cáo và nhân vật minh họa khác xa so với ngoài đời. Trường hợp xây dựng nhân vật là bệnh nhân thật sự như bà T. rất ít, đa số các shop lấy người của mình đóng vai diễn viên quần chúng.
Hành nghề bốc thuốc gia truyền online thì tìm địa chỉ bằng cách nào? Chúng tôi đã đi tìm mỏi mắt trên hàng loạt địa chỉ dán vào bài thuốc đều không hiện trên bản đồ. Một vài địa chỉ ghi chung chung hoặc họ mượn địa chỉ nhà dân nào đó.
Chúng tôi đã nhờ người quen tại xã Sơn Giang (Phước Long, Bình Phước) đi tìm địa chỉ được ghi trên thang thuốc thì nhận được sự thật bất ngờ. Địa chỉ trên là nhà của gia đình làm nghề... xay bột và bán cám lợn.
Thuốc chữa viêm khớp, thoát vị đĩa đệm bà T. mua trên mạng. |
Chị Hoàng Thị C. (39 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) từng có thâm niên 2 năm làm việc cho một nhà thuốc gia truyền chuyên chữa tiểu đường và gout đã tiết lộ những thâm cung bí sử của nghề. Nhiệm vụ của chị C. là túc trực 24/7 trên mạng xã hội để trả lời các tin nhắn của bệnh nhân phản hồi. Chị C. xuất thân từ công nhân cạo mủ cao su, trình độ văn hóa vừa hết lớp 5. Được người quen giới thiệu nên người ta mới cho chị làm.
Để trả lời, tương tác trôi chảy với khách hàng, chị C. mất 1 tháng học làm quen máy tính và gõ chữ trên bàn phím. Về chuyên môn thuốc và các bệnh liên quan, chị C. được cung cấp một tờ giấy ghi sẵn nội dung. Hễ ai hỏi gì, bệnh tật ra sao cứ trả lời theo khung cố định ấy. Tiểu đường thì liên quan đến gan, thận, động mạch, còn bệnh gout thì ảnh hưởng trực tiếp liên đến xương, khớp... Cứ thế, bệnh nặng bệnh nhẹ, ai cũng giống ai và đều uống chung một loại thuốc được phong là “thần dược” đặc trị.
Chị C. cho biết, nhà thuốc không hề bào chế hay sản xuất thuốc mà nhập từ một cơ sở ở Cao Bằng, sau đó cải biến thành của mình, lấy thương hiệu “thuốc lá gia truyền”. Ông bà chủ là người dân tộc Tày, trước kia làm nghề nông, sau tự nhiên trở thành “thần y” lúc nào không ai biết. Nhà thuốc chủ yếu bán hàng trên mạng, nhân viên là con cháu của ông bà chủ. Thời điểm đơn hàng nhiều, họ nhận thêm chị C. và một người đàn ông phụ trách khâu đóng gói, vận chuyển. Nhân vật đóng là bệnh nhân trong clip chính là bà ngoại của gia đình.
Việc làm ăn “xuôi chèo mát mái” được hơn 1 năm thì khoảng thời gian cuối năm 2019, chị C. nhận được một số phản hồi về hậu quả của thuốc. Có người sau khi uống 3 tháng thì có triệu chứng phù nề chân tay, mặt mũi nổi mẩn đỏ. Người bị bệnh gout thì càng đau hơn, chân sưng những cục đỏ tấy. Có người gửi hẳn kết quả xét nghiệm gan, thận trở nặng sau khi dùng thuốc.
Chị C. cảm thấy hoang mang. Chị báo lại với ông bà chủ thì bị nói té tát vào mặt: “Mày biết gì về thuốc mà nói. Đó là hiệu ứng thải độc tố, không sao cả”. Chị C. đem những lời này trấn an khách hàng. Cuối năm 2020, chị lại nhận được phản hồi tức giận của bệnh nhân. Họ nói sẽ tìm tới tận nhà thuốc để “xử” thần y. Sợ quá, chị C. đã xin nghỉ việc. Trước khi nhận những đồng thù lao cuối cùng, chị C. được quăng cho một lời cảnh cáo đầy đao búa: “Muốn sống thì im cái mồm lại”.
Thời gian gần đây, các bệnh viện chuyên khoa lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Ung Bướu... liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị do biến chứng từ việc dùng thuốc Nam trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc mua từ người quen giới thiệu. Lương y Lê Quang Hùng (Viện Nghiên cứu dược học phương Nam) cho biết, loại thuốc mà bệnh nhân tiểu đường mua trên mạng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu khác nhau như hồng, vàng, nâu, xanh lá. Các loại thuốc này do thầy lang vườn “sáng tạo” ra hoặc nhập từ Trung Quốc và chủ yếu có pha chế thêm các hoạt chất như phenformi, metformin, biguanides, đây là những hoạt chất kiểm soát đường huyết tốt nhưng đã bị cấm sử dụng vì tỷ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao. Đa số bệnh nhân ưa chuộng loại thuốc này vì thời gian đầu thuốc có hiệu quả tốt trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thường có triệu chứng buồn nôn, ói, chán ăn, đau bụng giống như viêm dạ dày nhưng do người bệnh không biết nguyên nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khiến rơi vào tình trạng ngộ độc, biến chứng suy đa tạng gây nguy hiểm đến tính mạng. Trước thông tin về “thần y” mạng xã hội, ngày 30-3-2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp. |