Gặp 3 chàng trai trở về từ đỉnh Everest - Kỳ 2:

Lịch sử Everest ghi tên… Việt Nam

Thứ Hai, 18/08/2008, 08:45
7h15’ giờ Việt Nam ngày 22/5/2008, Bùi Văn Ngợi cắm cờ Tổ quốc lên đỉnh cao Everest, tiếp đó đến Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên. Lịch sử Everest đã ghi thêm tên: Việt Nam... Không nước mắt, không nhiều thời gian suy nghĩ, cả nhóm chỉ cố dùng đôi tay tê cóng vì lạnh của mình để nâng cao lá cờ Tổ quốc, hướng về phía Việt Nam...

Những xác người bỏ lại

Những nhà thám hiểm đến Everest từ khắp nơi trên thế giới, song không phải ai cũng có được sự may mắn chinh phục đỉnh cao 8.848m của Everest. Hơn 200 nhà leo núi đã phải vĩnh viễn chôn mình nơi tuyết lạnh...

Ba chàng trai trẻ nhỏ bé người Việt Nam không ai biết trước được những hiểm nguy trước mắt mình sẽ như thế nào. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng...

Với dáng vẻ hùng vĩ, huyền bí, Everest, từ nhiều ngàn năm trước đây đã được người dân Nepal tôn kính đặt tên Sagarmatha (nữ thần của bầu trời); trong khi đó người Tây Tạng chiêm ngưỡng nó như một Chomlungura (nữ thần của vũ trụ), thổ dân quanh vùng, với sự kính trọng tuyệt đối, không mấy ai dám bén mảng đến ngọn núi được coi là linh thiêng này...

Nhà thám hiểm đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào năm 1953 là Sir Edmund Hillary, người New Zealand và Tenzing Norgay, người Sherpa thuộc Nepal (một tộc người sống dưới chân núi Hymalaya, thường dẫn đường cho các VĐV leo lên đỉnh Everest). Ông Hillary vừa qua đời vào đầu năm 2008. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc chinh phục các ngọn núi trong nước và trở thành nhà leo núi băng nổi tiếng. Ngay sau kỳ tích chinh phục đỉnh Everest, ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hầu và tên ông được gắn thêm chữ Sir. Năm 2003, Edmund Hillary được công nhận là công dân danh dự của Nepal.

Từ trái qua: 3 chàng trai “hổ tuyết” chinh phục đỉnh Everest Nhiên, Linh, Ngợi giữa đời thường.

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới cắm cờ trên đỉnh Everest là Junko Tabei, người Nhật Bản. Trải qua hành trình khó khăn, bà đã vượt qua những cơn bão tuyết, địa hình hiểm trở để cắm lá cờ Nhật Bản tung bay trên đỉnh Everest vào năm 1975. Bà Junko Tabei được cả thế giới biết đến là một trong những người phụ nữ dũng cảm nhất thế kỷ XX. Khu vực Đông Nam Á, đến nay, đã có 3 VĐV nữ người Philippines gồm Noelle Wenceslao, Karina Dayondon và Janet Belarmino chinh phục thành công đỉnh Everest vào ngày 17/5/2007.

Đến cuối năm 2006, trên thế giới có khoảng 2.062 người chinh phục được đỉnh Everest. Tuy nhiên, cái giá của thất bại cũng không phải là nhỏ: có đến hơn 200 người phải bỏ mạng vì Everest; phần lớn trong số này, khoảng 120 người, bị mất xác hay được tìm thấy nhưng phải bỏ lại vì sự hiểm trở của địa hình. Có một nơi, được coi như là nghĩa địa, nằm dưới chân Everest dành để tưởng nhớ những người xấu số. Đó là chưa kể tới rất nhiều nhà leo núi chịu thương tật vĩnh viễn vì các ngón tay và ngón chân bị hoại tử do nhiệt độ quá thấp.

Ngày nay, mỗi năm vẫn còn hàng trăm người hăm hở tìm cách chinh phục Everest, và năm nào cũng có ít nhiều thương vong. Năm 1996, tại Everest được coi như năm thảm họa, chỉ có 98 lượt người thành công nhưng có tới 15 người thiệt mạng, trong đó, 8 người chết chỉ trong một ngày: 11/5/1996. Theo số liệu thống kê từ nhiều thập niên nay, cứ 100 người lên đường thì chỉ có khoảng 35 người thành công; và 3 người phải bỏ mạng, bất kể là có lên được đỉnh hay chưa. Phần lớn tai nạn lại xảy ra lúc trên đường xuống núi vì nhiều người, không tự lượng được sức mình, đã dốc toàn lực để lên đỉnh, và sau đó không còn đủ khả năng hoàn tất đoạn đường xuống nơi an toàn nữa...

Người ta nói rằng, khởi hành chinh phục Everest là chấp nhận đi vào một thế giới khác. Đây là một thế giới mà trong đó mọi người đều có cùng một mục tiêu đầy ma lực là làm mọi cách để lên đỉnh cho bằng được, mọi việc khác chỉ còn là thứ yếu, kể cả cứu người hoạn nạn. Do đó, không mấy ai muốn, hoặc có muốn cũng không có đủ sức, giúp ai được. Mỗi người cố tự đứng vững trên đôi chân của mình để lần bước mà đi đã là khó nhọc, không thể giúp người bị nạn đến nơi an toàn. Khi có một người gặp nạn, người ta chỉ có thể giúp một việc duy nhất, cố gắng lấy di vật của người bị nạn đem xuống núi...

Sau hơn 1 tháng trở về, Nguyễn Mậu Linh, vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Chúng tôi thật sự rùng mình khi chứng kiến cảnh xác người xấu số bị rơi xuống vực, đầu nằm một nơi, mình nằm một nẻo và bị “ướp” trong tuyết mà không cách gì lấy lên được”.

4 ngày lịch sử và cuộc chinh phục phi thường

Khi đoàn Việt Nam đặt chân lên đến Everest Base Camp, ngoài 20 túp lều của những người Sherpa, một bộ tộc người Nepal chuyên làm công việc khuân vác và dẫn đường chinh phục Everest, rất nhiều đoàn leo núi đến từ khắp nơi trên thế giới cũng đến để chinh phục Everest năm nay. Mỗi đoàn leo núi đều phải thuê những người Sherpa, còn gọi là những người dẫn đường, họ như những huấn luyện viên, phụ mang theo thực phẩm, bình dưỡng khí, lều, thuốc men và nhiều dụng cụ khác để dự trữ ở các trạm trung chuyển 1, 2, 3 nhằm chuẩn bị cho chuyến đi thẳng lên đỉnh. Các trạm trung chuyển thật ra chỉ là những bãi băng tuyết trống bên sườn núi lưng chừng trời đất...

Sau hơn một tháng tập luyện đầy gian khổ tại trại căn cứ Everest (Nepal), với các đợt tập huấn thích nghi độ cao và thời tiết khắc nghiệt ở trạm 1 (5.950m), trạm 2 (6.500m), trạm 3 (7.300m). Cả ba chàng trai đều phải ngủ, sinh hoạt, leo... với bình ôxy trên vai...

Hơn 4h sáng ngày 18/5/2008, ba nhà leo núi Việt Nam bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest huyền thoại từ trạm căn cứ Base Camp. Theo dự kiến, cuộc chinh phục sẽ mất đến 4 ngày. Phan Thanh Nhiên cho biết, khi gần lên tới trạm 2 cao 6.500m, Nhiên gần như kiệt sức, thấy trạm 2 chỉ cách chừng vài chục thước nhưng không thể tiến lên, cứ mỗi bước lại phải lấy hơi để tiến lên, chân tay như muốn đông cứng. Mỗi bước như bước thẳng vào địa ngục...--PageBreak--

Sau hai đêm nghỉ tại trạm 2 thích ứng độ cao, cả nhóm mất thêm 7 giờ leo trên những dốc băng thẳng đứng 80 - 90 độ để đến trạm 3 cao 7.300m.

Xin nói thêm, sở dĩ cuộc hành trình chinh phục Everest phải bắt đầu từ 4 giờ sáng vì con đường từ trạm 3 lên tới đỉnh chỉ có khoảng 1.000m nhưng do ở trong vùng “tử thần”, đoạn đường gian nguy nhất, phải mất khoảng 10 - 15 tiếng đồng hồ mới vượt qua được. Trong khi đó, phải đến đỉnh trước 2 giờ chiều cùng ngày để còn kịp thoát khỏi vùng “tử thần” trở về kịp các trạm trung chuyển để nghỉ ngơi trước khi đêm về; nếu không thì tính mạng khó được bảo toàn vì trời lạnh, thiếu dưỡng khí, kiệt sức; chưa một ai sống sót qua đêm ở vùng “tử thần”, không ít người đã phải chịu thương vong trong những trường hợp sai lệch về tính toán thời gian như thế.

Bùi Văn Ngợi cho biết, người ta gọi đoạn đường từ trạm 4 lên đỉnh rồi xuống trở lại, khu vực chóp núi có độ cao từ 8.000m trở lên là vùng “tử thần” quả không ngoa, cái chết như chỉ cận kề một bên. Trên vai mang hành lý nặng không dưới 15kg, đầu óc lơ mơ vì thiếu dưỡng khí, mỗi bước chân như là một cực hình mà phải di chuyển gần như liên tục không ngừng nghỉ suốt 15 - 20 tiếng đồng hồ trong những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết cũng như địa hình của vùng “tử thần”; đây là những giờ phút gian lao nhất quyết định sự thành bại và an nguy của người leo núi.

Cả nhóm leo vách băng bằng những đôi giày móc sắt, bám vào mặt băng và tay thì vịn vào dây thừng đu người lên. Có những khe nứt sâu 100m và cả ba phải bước qua trên những chiếc thang nhôm mỏng manh. Những gì đã trải qua ở Island Peak dường như không thấm tháp gì so với Everest. Ngợi, Linh, Nhiên đều khẳng định, dù đã được cảnh báo, nhưng sự khắc nghiệt ở vùng “tử thần”, nằm ngoài sức tưởng tượng.

Do áp suất thấp, năng lượng cung cấp cho cơ thể bị giảm đáng kể vì con người không thể tiêu hóa được thực phẩm nên phải “đốt” tế bào để thay thế; một hình thức tự “ăn thịt” mình để kéo dài sự sống; trong khi đó, leo núi là một hoạt động cần rất nhiều năng lượng nên con người rất dễ bị kiệt lực.

Cùng lúc, lượng dưỡng khí trong không khí, ở độ cao hơn 8.000m, chỉ còn khoảng 1/3 so với mức bình thường ở mặt đất; trong khi số bình dưỡng khí mà một người có thể mang theo lại có hạn vì trọng lượng lớn nên không sao cung cấp đầy đủ cho cơ thể được. Tình trạng thiếu dưỡng khí thường trực này làm suy nghĩ thiếu nhạy bén, hành động lờ đờ, có ảo giác về sự việc chung quanh... như một người “nửa tỉnh nửa say”, dễ dẫn tới tai nạn do chính mình gây ra.

Thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ có khi xuống tới 30 - 40 độ âm, nhất là về ban đêm; trong khi đó, gió có thể lên tới 100km/giờ; mà mây mù, bão tuyết lại thường ập đến bất ngờ; nên có nhiều khả năng nếu không bị nạn vì lạnh cóng thì cũng bị lạc đường mà rơi vào vách sâu vực thẳm. Hiện nay, trên đường dẫn lên đỉnh núi, người ta vẫn còn có thể nhìn thấy một số xác chết đã đóng băng nằm ở đấy từ... nhiều năm qua.

Mặc cái chết rình rập, hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay trên Everest thôi thúc cả ba tiến lên từng bước một...

Tại trạm căn cứ, ở nơi nhiệt độ xuống âm hàng chục độ, nhưng những người còn lại trong đoàn leo núi lòng như lửa đốt. Ngày 21/5, thời tiết tại trại căn cứ đổ lạnh đột ngột, gió thổi mạnh, những căn lều rung lên bần bật. Sương mù giăng kín, tuyết rơi dày đặc. Từ trại căn cứ, không thể thấy được gì, ngay cả thác băng Khumbu chỉ cách vài trăm mét. Hơn 30 ngày ở trại căn cứ, hôm nay là ngày thời tiết xấu nhất. Không ai biết trên đỉnh núi mù tuyết kia thời tiết còn tồi tệ như thế nào, trại căn cứ hầu như không ngủ...

Đêm 21/5/2008, cả ba đã ở trạm 4, độ cao 8.016m và chia thành hai nhóm. Nhóm của Bùi Văn Ngợi và nhà quay phim người Mỹ Brad (từng chinh phục Everest) cùng với nhóm của Phan Thanh Nhiên, Nguyễn Mậu Linh (nhà quay phim người Thái Lan tên Nừng đi cùng). Sau mấy ngày không ăn được gì, chỉ uống nước cầm hơi. Những bước chân nặng nề lê từng bước một, lặng lẽ trong màn đêm! Ngợi, Linh, Nhiên đều biết rằng mỗi sai lầm trong thời khắc này sẽ trả giá bằng tính mạng của mình...

Vách băng dựng đứng, do chỉ có thể sử dụng một bao tay, tay của Nhiên tê cóng đến có cảm giác như bị hoại tử, liên tục phải chà xát đôi tay, nhiều lúc không thể nắm được dây thang. Người dẫn đường đã không thể giúp Nhiên, lên tới đây, chính những người dẫn đường đầy kinh nghiệm cũng biết rằng mình không thể giúp ai, họ phải tự lo cho mình. Không thể lên tới đây để bỏ cuộc, Nhiên lặng lẽ leo lên từng centimét... 

7h15’ giờ Việt Nam ngày 22/5/2008, Bùi Văn Ngợi cắm cờ Tổ quốc lên đỉnh cao Everest, tiếp đó đến Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên. Lịch sử Everest đã ghi thêm tên: Việt Nam...

Không nước mắt, không nhiều thời gian suy nghĩ, cả nhóm chỉ cố dùng đôi tay tê cóng vì lạnh của mình để nâng cao lá cờ Tổ quốc, hướng về phía Việt Nam...

Ngợi kể, dù rất muốn mang theo ảnh của Bác Hồ nhưng với một hành trình nguy hiểm như thế, mang thân mình lên đến đỉnh, rồi trở xuống đã là may mắn. Tuy nhiên trước khi đi, Ngợi có “thủ” trong túi những đồng xu loại 5.000 đồng. Trước khi rời đỉnh, mặt đồng xu cũng có chân dung Bác Hồ và Ngợi đã trân trọng để lại những đồng xu ấy trên đỉnh Everest.

Không nhiều thời gian để hưởng những phút giây ngắn ngủi trên nóc nhà thế giới, cả nhóm phải ngay lập tức trở xuống. Sau một đêm nghỉ ngơi để lấy lại sức ở trạm 4, vẫn phải đeo bình ôxy để ngủ. Về đến đây, cả nhóm hay tin, một nhà leo núi người Thụy Sĩ đã tử nạn. Như nhiều người đã tử nạn khác, anh chàng người Thụy Sĩ dốc hết sức để lên tới đỉnh và đã kiệt sức trên đường trở về. Sau đêm này, bình ôxy của Linh bị đông đá, Nhiên, Linh chia nhau từng... hơi thở chung trong một bình ôxy.

Ngày 25/5/2008, cả ba đã trở về trạm căn cứ Base Camp an toàn. Cuộc chinh phục Everest của đoàn leo núi Việt Nam thành công!

Cả ba chàng trai dũng cảm đã trở về với cuộc sống thường nhật, Ngợi, Nhiên, sau một năm tạm dừng chương trình học, phải tiếp tục theo học tại Trường Thể dục - Thể thao Trung ương II. Còn Linh, sau một năm bôn ba với ước mơ chinh phục Everest, anh thành người... thất nghiệp!

Tôi, thật may mắn khi được gặp cả ba người, cũng như nhiều người trẻ Việt Nam, tôi chỉ muốn nói lên lòng cảm phục, biết ơn họ! Nhờ nỗ lực, ý chí phi thường của ba chàng trai rất trẻ này mà đỉnh Everest khắc sâu tên Việt Nam. Sau nhiều ngày, tôi vẫn bị ám ảnh về câu chuyện Linh, Ngợi, Nhiên kể về bàn tay của những người xấu số giơ lên giữa biển băng, những xác người bỏ lại, cho tới khi nằm xuống, những người quyết tâm chinh phục đỉnh Everest vẫn cố gắng hướng tay về phía nó. Trên đỉnh núi huyền thoại ấy, lá cờ Việt Nam đã tự hào tung bay...

Thuận Thiên
.
.