Lính cứu hỏa và những điều chưa biết

Thứ Hai, 15/12/2014, 11:05
Hôm đi cứu hỏa cùng các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC Giảng Võ về, nhìn mấy cậu lính trẻ người ướt sũng, mặt lem luốc nhưng miệng thì huýt sáo, trên đỉnh đầu quệt sẵn một vệt dầu gội chờ đến lượt vào nhà tắm, thấy yêu quá sự trong sáng đầy nhiệt huyết ấy. Tuổi trẻ đã là hạnh phúc. Tuổi trẻ khoác lên vai trách nhiệm người lính cứu hỏa, giữ gìn bình yên cho nhân dân, sống có ích, thì còn gì hãnh diện cho bằng!

Không có được đất mặt tiền đẹp như Phòng Cảnh sát PCCC Giảng Võ, Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm (Phòng Hoàn Kiếm) hiện đang phải "chui rúc" vào mãi trong Cảng Hà Nội. Thực tình thì tôi cảm thấy thất vọng toàn phần khi nhìn thấy cái gọi là "cơ sở vật chất" mà những người lính cứu hỏa đang ngày đêm chiến đấu xông pha với giặc lửa ở đây đang sử dụng. Hình ảnh về những chiếc xe đỏ chót, bóng lộn với cảnh lính cứu hỏa tụt ống inox vèo vèo như trong nhiều cảnh quay hoành tráng đã bị lu mờ hoàn toàn. Thay vào đó là một nhà kho mái tôn được chia ngăn, với tường bao lấm tấm ẩm mốc và những bức vách ngăn phòng bằng gỗ dán tạm bợ mà nếu người ở phòng bên kia có nói thầm thì ở bên này dù không cần phải cố gắng lắm vẫn nghe rõ mồn một.

Phòng làm việc, phòng ở, phòng làm việc của lãnh đạo nằm tuốt trên một dãy hành lang. Cuối hành lang là phòng ăn. Thế nên anh em thi thoảng vẫn đùa nhau, nằm trên giường "nghe" bếp nấu mà đoán vị hôm nay sẽ được ăn gì? Cả một mặt sàn tầng 2 mặc dù cũng đã ngăn liếp chia phòng, song bỏ hoang thành kho chứa vật liệu với đạo cụ luyện tập, bởi theo các anh, mùa đông còn đỡ, mùa hè nóng không thể chịu nổi. Nhà kho mái tôn mà. Đông lạnh, hè nóng. Cho đến khi thành phố bố trí địa điểm mới khá hơn, thì cố mà tìm cách khắc phục vậy.

CBCS Phòng Hoàn Kiếm ăn ở, sinh hoạt và làm việc chung trên một mặt sàn, ngăn với nhau bởi các vách tường gỗ ép tạm bợ.

Thượng tá Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng dẫn chúng tôi đi xem một vòng cơ sở vật chất của Phòng Hoàn Kiếm. Qua câu chuyện được biết, trước đây đơn vị đóng tại số 5 Lê Phụng Hiểu. Từ khi chuyển về đây, tháng 10/2013, nghe bảo chỉ tạm khoảng 6 tháng, mà đến tận bây giờ vẫn "chưa thấy gì"? Người thì còn bảo trốn nóng, bỏ từ tầng 2 xuống tầng 1. Nhưng xe thì chịu. Không có nhà để xe nên tất cả đều phơi sương phơi nắng ngay rề đường. Xe chữa cháy phải bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Vậy mà cứ phủ bạt ở ngoài trời thế kia, ví như nắng nóng thì còn cố được, chứ trời mưa thì không hiểu sửa chữa kiểu gì? Mưa từ trên xuống thì che được, chứ nước chảy dưới gầm, chui vào mà sửa chữa làm sao?

Phòng Hoàn Kiếm hiện đang có 12 xe chuyên dụng, bao gồm 4 xe chữa cháy, 1 xe thang, 1 xe cứu hộ phá dỡ, 1 xe téc nước 5,5m3, 1 xe trạm bơm cùng xe tải nhẹ và xe chỉ huy. Do đặc thù địa bàn phố cổ là chính nên xe thang của đơn vị chỉ trang bị loại 32m (hiện Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội được trang bị xe thang cao nhất là loại 52m, thấp hơn một chút là 46m). Có thời gian mà trò chuyện kỹ với các anh mới thấy, để xử lý một vụ cháy thật ra rất nhiều "thành phần", "công đoạn" khác nhau mà nếu không phải là người trong ngành thì không hiểu hết những phức tạp của nó. Chính việc hiểu không hết về công tác cứu hỏa cũng như điều kiện trang thiết bị nên đôi khi, lính cứu hỏa bị "mắng" oan là vì thế!

Phòng Hoàn Kiếm, xe cứu hỏa phải đắp bạt, phơi sương gió ngày đêm.

Trước hết là về biên chế. Như ở Phòng Hoàn Kiếm, biên chế chia thành 4 đội: Đội tham mưu tổng hợp; Đội kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ; Đội chữa cháy chuyên nghiệp và Đội cứu hộ cứu nạn. Đặt một tình huống giả định có một vụ cháy xảy ra cho bạn đọc dễ hiểu: Khi có báo cháy và lệnh điều động từ trung tâm 114, chỉ huy trực hôm đấy sẽ phải nắm ngay một số thông tin như cháy ở đâu? Cháy cái gì? Cháy bao giờ? Có người bị kẹt trong đám cháy không?

Đến hiện trường, nếu có chướng ngại vật gây cản trở cho công tác chữa cháy, chỉ huy sẽ phải lựa chọn phương án ngay, ra lệnh phá dỡ nếu có thể. Đó là trường hợp vụ cháy ở lô E5, đường Dương Đình Nghệ, lực lượng chữa cháy đã phải phá tường để người và phương tiện có đường vào chữa cháy. Hay như gần đây nhất là vụ cháy tại quán karaoke Sao Xanh trên đường Hồ Tùng Mậu chiều 15/11 vừa qua. Cảnh sát PCCC đã phải dùng xe thang cẩu cứu hộ lên đập vỡ kính cửa sổ cho khói thoát ra ngoài, giảm bớt nhiệt... Việc đầu tiên, trong mọi trường hợp, nếu có thông tin còn người bị nạn mắc kẹt trong đám cháy, thì những người xông pha vào trong khói lửa để cứu người chính là lực lượng này. Sau đó là sơ tán tài sản, cách ly nguồn cháy và chất dễ cháy - nếu có thể - để hạn chế tối đa cháy lan, hay nói cách khác, hậu quả của đám cháy. Đó chính là đội cứu hộ cứu nạn.

Sửa chữa bảo dưỡng phương tiện trong điều kiện ngoài trời là chuyện thường đối với CBCS Phòng Hoàn Kiếm.

Đây có thể coi là lực lượng tinh nhuệ nhất của Cảnh sát PCCC. Làm công tác cứu hộ cứu nạn vừa phải có bản lĩnh, có sức khỏe, có kỹ năng và thật quả cảm. Tất nhiên, người chỉ huy luôn là người quan sát, phán đoán tình huống đảm bảo an toàn và đưa ra quyết định có điều động cứu hộ vào đám cháy hay không, nhưng nội chỉ việc lửa đang cháy bùng bùng, người ta tìm cách chạy ra, trong khi lính cứu hộ thì ngược lại, phải chui vào trong đám lửa thì đã là một kỳ tích. Hơn ai hết, những người lính cứu hộ, cứu nạn là hiện thân của tính kỷ luật, quá trình rèn luyện và một tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao.

Trong vụ cháy xảy ra tại Zone 9, chiến sĩ Cao Như Long của Phòng Hoàn Kiếm là một trong những chiến sĩ cứu hộ đầu tiên bò qua đám giàn giáo vào bên trong tìm người bị mắc kẹt. Căn phòng chỉ có một cửa ra vào, lửa cháy không hết nên khói bít dày đặc. Chiến sĩ Long phải vừa khom lưng, vừa sờ soạng tìm người. Khi chiếc bình dưỡng khí bắt đầu báo hiệu hết oxy thì cũng là lúc Long sờ thấy người bị nạn. Đưa được người ra đến ngoài, Long đã ngất xỉu trên tay đồng đội.

Có lẽ phải nói thêm một chút nữa để bạn đọc hình dung về mối nguy hiểm luôn rình rập những người lính cứu hỏa như thế nào. Nếu ai đó còn nghĩ rằng nhà xây bằng gạch, trần bằng bê tông thế kia, có cháy thì chỉ cháy đồ đạc thôi, nhà không bị làm sao thì là một sai lầm cực nguy hiểm. Nhà thì không thể cháy, nhưng có thể sập. Là bởi tường gạch hay bêtông thì cũng chỉ chịu được nhiệt độ ở mức nhất định. Nếu nhiệt độ quá cao, sắt trong bêtông sẽ trở nên mềm oặt, không chịu lực kéo được nữa. Tường gạch như bị nung vôi, không chịu lực nén được nữa. Cái này, từ chuyên môn gọi là mất kết dính. Với sức nặng của ngần ấy vật liệu xây dựng, nhà sẽ sập ngay.

Một ví dụ rất cụ thể đó là thảm họa xảy ra tại Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ trong vụ khủng bố 11/9/2001. Hơn 300 lính cứu hỏa Mỹ đã hy sinh khi làm công tác cứu hộ đúng lúc tòa nhà, tưởng như vĩnh cửu bởi bêtông cốt thép, sập xuống không hề báo trước. Lửa cháy đồ đạc được đổ thêm dầu của chiếc máy bay đâm vào nó đã tạo ra nhiệt lượng khủng khiếp, thiêu đốt mọi kết cấu bền vững nhất. Tòa tháp đã sập xuống bởi chính sự đồ sộ của nó.

Đối với đội chữa cháy chuyên nghiệp cũng có thể tham gia cứu nạn trong các tình huống cụ thể khi gặp người bị nạn, nhưng nhiệm vụ chính là dập lửa. Như đã nói ở trên, hiện Phòng Hoàn Kiếm có 4 xe chữa cháy. Đây đều là những xe mới được trang bị, đời mới và tốt. Mỗi xe như thế mang theo được khoảng hơn 4m3 nước. Nếu dùng lăng vòi loại 7 lít/giây, nó có thể kéo và phun tới tầng 15. Còn trong trường hợp ngõ sâu với quãng đường quá xa, sẽ phải triển khai xe trạm bơm để tăng lực phun.

Rất nhiều người không biết điều này mà cứ tưởng xe cứu hỏa muốn kéo vòi ra đến đâu thì kéo? Bởi thế, trong công tác xét duyệt phương án phòng cháy chữa cháy đối với các tòa cao ốc, nếu cao hơn tầng 15 bắt buộc phải có hệ thống trung chuyển dành cho cứu hỏa. Ngay cả xe thang, loại cao nhất là 52m như hiện nay cũng chỉ tương đương tầng 18, trong khi việc triển khai không phải lúc nào cũng thực hiện được. Để có được góc nâng đến tầng 18 đòi hỏi phải có độ choãi, hay nói cách khác là mặt bằng đủ rộng. Điều mà không phải khuôn viên tòa nhà cao tầng nào hiện nay cũng có thể đáp ứng. Chính vì điều này, có thể nói, đối với mọi tòa nhà cao tầng thì các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chỗ là cực kỳ quan trọng. Bản thân tòa nhà đã không an toàn thì chẳng ai có thể đảm bảo an toàn cho người trong tòa nhà đó được.

Có một phương án phun nước dập lửa khác, đó là dùng lăng giá ngay trên nóc xe. Vòi phun này có cường độ rất mạnh, chừng 2.000 lít/phút (tương đương với 34 - 35 lít/giây). Cách phun này thường được dùng trong trường hợp cháy diện rộng hoặc mặt bằng thoáng, xe chữa cháy tiếp cận trực tiếp được với đám cháy. Tuy nhiên, vì cường độ phun quá mạnh như vậy, nên với một xe chữa cháy khoảng 4 khối nước, nếu không được tiếp nước thì chỉ đủ phun trong vòng 2 phút, "làm" đánh rẹc cái là hết ngay. Bởi thế, Thượng tá Nguyễn Văn Nguyện mới bảo, có những cuộc xe trước đến, triển khai lăng giá phun áp đảo ngay, đúng chiến thuật. Khổ nỗi xe sau tiếp nước đến không kịp do bị tắc đường. Người hiếu kỳ đến sau mới hô toáng lên rằng "xe cứu hỏa gì mà không có nước?". Kỳ thực là đã phun hết nước rồi!

Nói đến câu chuyện nước mới nhớ ra rằng hôm ấy tôi cũng thắc mắc anh em ở ngoài cảng thế này, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn thế này, vậy thì nước trong bình, vốn lúc nào cũng phải sẵn sàng cho chữa cháy, thì lấy ở đâu? Thượng úy Lê Văn Thịnh, Đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ bảo: Anh lo chúng tôi lấy nước không sạch, phun ra người ta chê có mùi chứ gì? Không phải đâu. Nước trong các xe ở đây đều lấy đầy ở họng nước ngoài phố, toàn nước sạch cả đấy. Trong lúc khẩn kíp thì có thể lấy tạm nước ao hồ, nhưng sau đó phải súc, rửa sạch xe. Nước bẩn để lâu trong xe, hỏng hết thiết bị. Như xe téc kia còn thường xuyên chở nước ăn cho anh em đấy…

Lại nhớ hôm đi chữa cháy cửa hàng sắt tại 371 Đê La Thành cùng các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC Giảng Võ. Khi về đến đối diện trụ sở xe không vào ngay, mà tấp vào lề đường đối diện. Thì ra phía bên này có một họng nước. Xe đi chữa cháy về là lại nạp nước vào ngay, sẵn sàng cho lần báo động tiếp theo. Họng nước này không phải có bể ở bên dưới, mà trực tiếp nối vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố. Nghĩa là nước máy, nước ăn hẳn hoi. Thế lúc ấy mới tin có lẽ anh em bên Phòng Hoàn Kiếm bảo thường xuyên dùng xe téc lấy về làm nước ăn là thật. Xe số 2 đi sau về trước, gỡ vòi tháo van, "uống" nước ừng ực.

Đến khi xe số 1 về, có một chiếc xe con dân sự, loại bán tải, đỗ ngay phía sau họng nước. Xe số 2 đỗ phía trên thì được, nhưng xe số 1 không thể tiếp cận. Anh em nhảy xuống hỏi quanh mấy cửa hàng, quán nước không tìm được chủ phương tiện, đành dúi đầu xe cứu hỏa số 1 vào vỉa hè để khỏi cản trở giao thông, rồi lấy vòi bơm truyền từ xe số 2 sang. Mới thấy, xe con đi trong phố, tìm được chỗ đỗ đã vất vả rồi, nhưng đỗ mà không để ý ngay trước họng nước cứu hỏa như thế, có ngày "oan gia". Nghĩ bụng bảo đây là anh em đi chữa cháy về xong rồi, chẳng vội vàng gì thì mới thế này. Chứ có cháy to, tình huống cấp tập mà ngáng đường vào tiếp nước như thế, nhẹ thì bị cẩu xe đi, nặng thì bị va quệt, húc phải là chuyện bình thường. Các chủ phương tiện từ nay nên chú ý: dừng, đỗ xe tránh họng nước phục vụ cứu hỏa ra.

Việt Ba
.
.