Lính hình sự và những cuộc đấu trí với sát thủ máu lạnh

Thứ Tư, 21/01/2015, 07:15
Nhắc tới cảnh sát hình sự (CSHS), người ta dễ hình dung tới những anh chàng khỏe như lực sĩ, bắn súng hai tay, quăng lựu đạn cả chùm. Tuy nhiên, ít người biết rằng cuộc đấu trí với tội phạm hình sự vẫn luôn cần những bộ óc thông minh, những “miếng võ” khôn khéo, đầy mưu mẹo… Hai vụ án sau đây là minh chứng điển hình cho mưu trí của CSHS.

Dụ rắn vào rọ

Mặc dầu vụ việc xảy ra cách đây đã khá lâu, song Thượng tá Ngô Văn Đáp, nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội vẫn còn nhớ như in về một vụ việc được coi là "có một không hai" trong suốt 20 năm làm CSHS của mình. Bằng sự mưu trí tuyệt vời của anh và đồng đội, hung thủ của vụ giết người, cướp tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Trì đã bị "điều" đến cách Cơ quan Công an chỉ vài chục mét. Và việc hốt gọn đối tượng chỉ còn là việc rất đơn giản.

Thượng tá Ngô Văn Đáp, điều tra viên phòng CSHS - người đã nhiều lần đấu trí với sát nhân máu lạnh.

Thượng tá Đáp nhớ lại, sáng ngày 20/11/2002, tại địa bàn xã Hoàng Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) mấy người dân đi đánh cá về đã phát hiện một cô gái tầm 20 tuổi, nằm ngất trên bờ đê. Qua ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh sắp ló rạng, nhân chứng thoáng rùng mình khi thấy trên đầu, mặt cô gái có nhiều vết thương, máu chảy thành vệt. Trên cổ cô gái cũng có nhiều vết sây sát. Rất may, khi người dân khẽ chạm vào cơ thể của cô gái thì cô ú ớ - chứng tỏ là vẫn còn sống. Ngay lập tức, cô gái được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đồng thời, vụ việc cũng được báo lên cho Công an huyện Thanh Trì và Phòng CSĐT Công an TP Hà Nội.

Danh tính của cô gái nhanh chóng được làm rõ là Đồng T.N. (trú tại ngõ 192 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội). T.N. khi đó đang là sinh viên một trường đại học tại TP Hà Nội.

Qua khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Công an xác định đây là vụ án giết người, cướp tài sản. Hung thủ nhiều khả năng có quan hệ thân thiết với cô gái. Tài sản của cô gái bị mất là một chiếc xe máy Dream II.

Lực lượng điều tra đã tổ chức rà soát các thôn, xã quanh khu vực hiện trường, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng các cửa hàng mua bán xe máy, tiệm cầm đồ… để truy tìm tang vật của vụ án.

Sau khi tỉnh lại, T.N. cho biết, tối hôm trước (ngày 19/11/2002), T.N. đã được người bạn trai là Đỗ Văn Hưng (34 tuổi, trú tại thôn Cẩm Văn, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, TP Hải Phòng) rủ đi dự buổi sinh nhật của người bạn.

Gã sát thủ máu lạnh Đỗ Văn Hưng.

Hưng khi đó đang là sinh viên Trường đại học Dân lập Đông Đô. Vốn được trời phú cho vẻ cao ráo và khuôn mặt điển trai, Hưng đã lấy lòng được khá nhiều cô gái cùng trường. Trong số đó Đồng T.N. có mối quan hệ mật thiết với Hưng hơn cả. Hưng rủ đi đâu cô cũng đi.

Buổi sinh nhật kết thúc, Hưng cầm lái chở T.N. về nhà. Khi đi đến khu vực hồ Yên Sở (xã Hoàng Liệt, Thanh Trì), Hưng dừng lại và bảo với T.N. là bị rơi chùm chìa khóa, nhờ T.N. nhặt lên hộ. Tưởng bạn nói thật, T.N. vội xuống xe để tìm thì bị Hưng bất ngờ dùng gạch đập nhiều nhát vào đầu, vào mặt. Sau đó, Hưng còn dùng hai tay bóp cổ T.N. cho đến khi cô bị bất tỉnh nhân sự. Nghĩ rằng T.N. đã chết, Hưng đã cướp chiếc xe máy của T.H., rồi đi về thẳng phòng trọ của mình và lên giường ngủ.

Đội Điều tra trọng án sau khi đã dựng lên được đối tượng Đỗ Văn Hưng liền khẩn trương cử các cán bộ, trinh sát lên đường. Các tổ công tác được cử về An Lão, Hải Phòng để tìm gặp thân nhân gia đình của Hưng, giám sát chặt những di biến động. Một tổ khác thì làm việc với Ban giám hiệu Trường đại học Dân lập Đông Đô. Những mối quan hệ của Hưng cũng được rà soát một cách kỹ lưỡng.

Nhiều giờ trôi qua, các mũi trinh sát được cử đi đều báo về là chưa phát hiện ra được manh mối gì, dù là nhỏ nhất.

Trong lúc vụ án gần như bế tắc, thông qua một quần chúng tốt, một điều tra viên Đội Điều tra trọng án đã bất ngờ bắt liên lạc được với Hưng. Sau này tại Cơ quan Công an, Hưng đã thú nhận rằng do đinh ninh là T.N. đã chết, nên Hưng có phần chủ quan. Hắn không trốn đi đâu mà vẫn đi học, đi chơi game bình thường…

Sau khi đã có được tín hiệu là Hưng vẫn còn chưa trốn đi đâu, và nhiều khả năng vẫn còn ở Hà Nội, các điều tra viên đã vạch một kế hoạch táo bạo là "nhử" Hưng về tận Cơ quan Công an để bắt giữ.

Rất nhiều phương án đã được đưa ra để lựa chọn. Cho đến cuối ngày 20/11/2002, các điều tra viên đã thống nhất một phương án do Đại tá Chu Sơn Thọ (khi đó là Đội phó Đội điều tra trọng án) đưa ra. Sau đó một trinh sát đã khéo léo lên mạng giăng một cái "bẫy" để dụ Hưng vào.

Khi thấy miếng mồi đưa ra, Hưng vội liên lạc ngay với trinh sát. Và khoảng 17 giờ cùng ngày, Hưng được hướng dẫn đến một quán cà phê tại ngã tư phố Quang Trung - Lý Thường Kiệt để thực hiện việc giao dịch. Khi đó trụ sở Phòng CSĐT Công an Hà Nội lcòn nằm tại số 55 phố Lý Thường Kiệt, chỉ cách ngã tư kia vài bước chân.

Các trinh sát đã bố trí người bao vây quanh khu vực, đón lõng đối tượng. Và khi Hưng vừa xuất hiện, lập tức 3 trinh sát áp sát, không cho Hưng một giây để nghĩ đến việc chạy trốn. Tại Cơ quan điều tra, Hưng mới biết T.N chưa chết. Và Hưng cũng nhanh chóng khai nhận tuốt tuồn tuột hành vi giết người, cướp tài sản của mình.

Lật tẩy kỳ án "bác sĩ quái dị"

Cũng trong nhiều năm làm lính hình sự, Thượng tá Ngô Minh An không bao giờ quên quãng thời gian 9 giờ đấu trí với "bác sĩ quái dị" Trần Chí Công, buộc hắn phải khai nhận là thủ phạm giết một nữ y tá.

Thượng tá Ngô Minh An họp Ban Chuyên án cùng đồng đội tại PC45.

Thượng tá An kể lại. Đêm 7 rạng ngày 8/2/2007, tại số nhà 16 ngách 68 ngõ chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Trong đám tro tàn, người ta phát hiện một thi thể phụ nữ bị cháy đến mức trơ xương, rụng cả chân tay. Nạn nhân nhanh chóng được xác định là bà Nguyễn Thị Minh Ngân (46 tuổi, là hộ lý Bệnh viện Phụ sản Hà Nội).

Ngay sau khi vụ án xảy ra, một ban chuyên án đã được thành lập bao gồm lực lượng điều tra hình sự của Phòng PC45, PC54 và Công an quận Hai Bà Trưng. Tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi, Cơ quan Công an phát hiện trong phổi nạn nhân không hề có khói. Như vậy nhiều khả năng đây không phải là một vụ hỏa hoạn thông thường mà là một vụ giết người.

Công tác rà soát mối quan hệ của nạn nhân được đặc biệt chú ý. Qua khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Công an xác định kẻ thủ ác phải là người quen biết, thậm chí khá thân thiết với nạn nhân. Đồng thời, nạn nhân chỉ mất hai chiếc điện thoại di động và một ít tiền; còn đồ trang sức, nhẫn vàng lại không mất - chứng tỏ không thể là vụ trộm.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cũng nhận định đối tượng chắc chắn là một kẻ có "cái đầu lạnh". Hắn ra tay nhanh, lại có đủ thời gian để xóa dấu vết, thậm chí dùng chính quần áo chăn màn ở nhà nạn nhân để phóng hỏa.

Suốt gần một tháng trời, hàng trăm trinh sát đã được tung ra rà soát khắp các khu vực tình nghi ở phường Ô Cầu Dền, dựng lại hành trình của bị hại và tất cả các đối tượng tình nghi vào trước đêm xảy ra vụ án… Cho đến ngày 7/3/2007 thì các trinh sát tìm thấy một "điểm sáng". Đó mà mối quan hệ tưởng như mờ nhạt giữa nạn nhân và một bác sĩ làm việc tại Khách sạn Điện lực. Vị bác sĩ tên là Trần Chí Công (50 tuổi, trú tại số 9 ngõ 15 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, Hai Bà Trưng).

Ban đầu, một số trinh sát cho rằng Công là một bác sĩ chứ không phải là giang hồ thì chắc cũng dễ khai thác thôi, nhưng chỉ cần ngồi với hắn nửa giờ thì không ít người nản. Từ khi bị đưa về Cơ quan Công an cho đến cả ngày sau, dù một số điều tra viên thuộc hàng cao thủ, kinh nghiệm đầy mình song vẫn không moi được một lời nào của Công về vụ án. Thượng tá Ngô Minh An (khi đó là Đội phó Đội điều tra trọng án) đề nghị cấp trên được thử sức.

Qua nghiên cứu kỹ hồ sơ của đối tượng, Thượng tá An nắm được năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Công thi đậu Trường đại học Y Hà Nội. Ra trường, Công về quê công tác tại Sở Y tế Hải Dương. Đến năm 1986, Công chuyển lên Hà Nội, làm việc tại Viện Khoa học Lao động. Một năm sau, Công nghỉ làm xin đi lao động ở Đức.

Bác sĩ lì lợm Trần Chí Công.

Năm 2002, vợ Công đột ngột qua đời vì bệnh ung thư, để lại cho Công hai đứa con nhỏ. Cả hai con của Công đều ngoan và học giỏi. Sau khi vợ mất, Công xin được việc làm ổn định ở Khách sạn Điện lực Hà Nội. Tưởng như cuộc sống của ba cha con sẽ trôi đi một cách yên bình, hạnh phúc. Nhưng cũng kể từ đó, Công lao vào cờ bạc và những mối quan hệ bồ bịch, trăng hoa. Công mắc nợ và ở trong thế cùng quẫn…

Sau khi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ về Công, được sự đồng ý của thủ trưởng Cơ quan CSĐT, điều tra viên đưa Công xuống phòng y tế. Trước hết, anh nói rõ cho Công biết là anh chỉ muốn nói chuyện, không hề ghi âm. Điện thoại di động tắt hoàn toàn, điện thoại cố định cũng ngắt dây…

Điều tra viên đã cùng tâm sự với Công hàng giờ về ngành y, rồi về cuộc sống hiện tại… Điều tra viên nắm được hiện Công đang ở với hai đứa con, và Công thể hiện là một người cha cực kỳ yêu thương con cái. Đồng thời, điều tra viên này cũng "bắt" được những suy nghĩ của Công, rằng Công sợ khai ra thì sẽ phải nhận cái chết. Anh nói thẳng với Công rằng, kẻ nào gây ra hành vi cướp của, giết người rồi đốt xác phi tang như vậy đều khó tránh khỏi án tử. Song nếu đặt vào tình huống vợ anh, người thân của anh bị một kẻ nào đó đối xử như vậy thì anh có thấy tội ấy đáng chết hay không?

Đặc biệt, điều tra viên phát hiện ra Công rất sợ… mất nhà - ngôi nhà hiện tại mà Công đang sống. Công sợ mình đi tù thì hai con sẽ bơ vơ, phải ra đường… Rõ ràng theo pháp luật thì Công phải chịu trách nhiệm về cái chết của chị Ngân, phải bồi thường những tổn thất về vật chất và tinh thần cho người thân của chị - song ngôi nhà Công đang ở hẳn nhiên là sẽ không thể bị kê biên.

Điều tra viên đã hứa với Công, thậm chí hứa trước mặt con gái Công rằng anh sẽ đứng ra bảo lãnh về chuyện căn nhà. Điều tra viên cũng nhờ người thân tác động tâm lý để Công hiểu được tội lỗi của mình gây ra, "sự thật luôn là sự thật" và sớm muộn gì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Với chừng ấy biện pháp, dần dần Công cũng có những biến chuyển về tâm lý. Công ngập ngừng đồng ý khai. Nhưng khi đưa giấy bút cho Công, y ngẫm nghĩ một lúc rồi lại… quyết định không khai nữa!

Một số trinh sát đã rất khó chịu trước tính khí "sáng nắng chiều mưa" của Công. Tuy nhiên, Thượng tá An vẫn kiên trì với chiến thuật của mình. Thấy Công mặc áo phong phanh, anh cởi áo của mình mặc cho hắn; hai bàn chân Công tím ngắt vì lạnh, anh cúi xuống đi tất cho Công. Một vài giờ nữa trôi qua, Công vẫn trong tình trạng "đấu tranh tư tưởng" là khai hay không khai. Có lẽ vì thế mà huyết áp của Công tăng đột ngột. Công bủn rủn tay chân rồi nằm quay lơ ra đất. Điều tra viên vội gọi cho nhân viên y tế của phòng đến tiêm thuốc hồi sức cho Công, rồi anh kiên nhẫn chờ Công tỉnh.

Khoảng một giờ sau thì Công mở mắt, điều tra viên dùng khăn ấm lau chân lau tay cho Công, lại đi mua một bát phở nóng cho Công ăn. Ăn xong, có lẽ Công nghĩ không nên và cũng không thể che giấu tội ác của mình nữa. Công đã viết những dòng đầu tiên: "Tôi là Trần Chí Công. Tôi đã giết chị Ngân để nhằm cướp tiền…". Như vậy là sau nhiều giờ đấu trí căng thẳng, Công đã chịu khuất phục.

Minh Tiến
.
.