"Lò" đào tạo cầu thủ trên cao nguyên

Thứ Sáu, 11/07/2008, 11:00
Các cầu thủ “nhí”, một khi đã được tuyển, đều được tổ chức ăn, ở và tập luyện tập trung tại trung tâm mà gia đình sẽ không phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Đổi lại, các em sẽ phải chuyển toàn bộ các vấn đề liên quan đến giấy tờ tùy thân, cư trú, hồ sơ, học bạ học văn hóa lên Pleiku để theo học tại đây. Trong hai năm đầu, các em chủ yếu chơi các trò chơi với bóng bằng chân đất, không đi giày để có cảm giác thật với bóng.

Tiếp chúng tôi ngay giữa khuôn viên của Trung tâm Huấn luyện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Arsenal JMG nằm cách thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai chừng 12km là “người của bóng đá”, Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh.

Mở đầu câu chuyện, ông Vinh “mama tổng quản” của Câu lạc bộ HAGL kể về cái tên của Arsenal, nơi đang đào tạo những cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai, chứ không phải về đội bóng đá HAGL. Ông Vinh bảo, cũng giống như “ở bển”, tức là ở Câu lạc bộ Arsenal “mẹ” và hệ thống các “lò” đào tạo mang danh Arsenal ở các nước khác, họ đều dùng từ “Academy” để nói về trung tâm đào tạo bóng đá của câu lạc bộ. Ví như ở Thái Lan là JMG Thailan Academy Football, thì ở Việt Nam là HAGL Arsenal JMG Football Academy, và được dịch ra là Học viện Bóng đá HAGL.

Trở lại với thời điểm đầu năm 2007. Sau một chuyến đi thăm JMG Thái Lan về, ban huấn luyện đội bóng bèn tự đặt câu hỏi: Họ làm được, tại sao mình không làm được? Thế là Trung tâm huấn luyện HAGL Arsenal JMG ra đời.

Ông Vinh bảo, cho đến nay, đa phần nhiều người vẫn nhầm rằng, đây là nơi đào tạo đội tuyển trẻ cho Câu lạc bộ HAGL. Cùng tập trung, cùng ăn, cùng huấn luyện tại một chỗ nhưng Đội JMG (tạm gọi như vậy) khác hẳn về tính chất so với các đội U13, U16 và U18. Nếu các đội U là lực lượng kế cận của đội bóng HAGL theo như cách thông thường mà tất cả các câu lạc bộ khác đều đang làm, thì JMG lại phải được hiểu theo đúng nghĩa là một hoạt động đầu tư trong thể thao.

“Nhà đầu tư” ở đây, tất nhiên sẽ là Câu lạc bộ HAGL và Arsenal. “Mặt hàng” là các cầu thủ. Còn “thị trường”, có thể hiểu đại khái đó là một môi trường chuyển nhượng cầu thủ chuyên nghiệp, và trong tương lai, hoàn toàn có thể nghĩ đến tầm khu vực. Nói ngắn gọn: anh có tiền, và anh nuôi cầu thủ để... bán!

Theo đó, các “cầu thủ nhí” được tuyển chọn kỹ lưỡng về đây, được huấn luyện và đào tạo theo chương trình quy chuẩn Arsenal. Sau một thời gian huấn luyện nhiều năm, các cầu thủ trưởng thành, đủ tuổi lao động thì bắt đầu được chuyển nhượng. Cứ mỗi khóa huấn luyện, cầu thủ nào đạt kết quả xuất sắc nhất sẽ phải được dành cho Câu lạc bộ Arsenal “mẹ” một cách vô điều kiện.

Theo ông Vinh, thì đây cũng là một trong những điều khoản liên danh mà tất cả các JMG của Arsenal ở các quốc gia đều phải tuân theo. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Arsenal, nhìn từ khía cạnh đầu tư, là người chuyển giao công nghệ, nên phải được hưởng quyền lợi cao nhất. Từ cầu thủ xếp thứ hai trở đi, tất cả các câu lạc bộ trong nước hoặc nước ngoài muốn sở hữu, kể cả nếu đó là HAGL, đều phải mua.

Giá bán tất nhiên sẽ theo thỏa thuận. Tiền bán cầu thủ sẽ chia làm ba phần. Gia đình và bản thân cầu thủ được hưởng 10%. 90% còn lại sẽ được chia đôi, Arsenal và HAGL, mỗi bên một nửa. Tất nhiên là tiền lương cầu thủ không nằm trong khoản này, và sẽ được trả tùy theo thỏa thuận dựa vào năng lực thực tế của cầu thủ đó. Như thế là khoản “đầu tư” này có lãi hay lỗ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tuyển chọn cũng như đào tạo. Sòng phẳng, chuyên nghiệp và khá mới mẻ tại Việt Nam.

Đãi cát tìm vàng

Sau khi “Dự án” được thông qua, tháng 6/2007, JMG bắt đầu tuyển lứa đầu tiên. 2 chuyên gia đến từ Arsenal và một đoàn tùy tùng với toàn bộ kinh phí do Câu lạc bộ HAGL chi trả, lần lượt đi tổng cộng 21 tỉnh, thành để tuyển người. Địa bàn tập trung chính trong đợt “tuyển quân” lần ấy phần lớn tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai...; các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận... và Đông Bắc, Tây Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên... nhưng đặc biệt trừ các thành phố lớn.

Lý do, ông Vinh giải thích, đó là vì ở các thành phố lớn thường có các phong trào thể dục thể thao phát triển hơn. Ở những nơi này cũng đều có, dù ít dù nhiều, quan tâm tới phát triển bóng đá trẻ bằng việc tổ chức các U. Bởi vậy, xét cho cùng thì đó là nguồn của họ, không dễ gì mà cạnh tranh được.

Lại nữa, các em ở các thành phố lớn thường có cuộc sống đầy đủ, môi trường thuận tiện hơn. Thế nên kéo được các em tập trung “nội trú” về phố Núi cũng không phải chuyện đơn giản. Hợp đồng thì hợp đồng, có điều khoản ràng buộc hẳn hoi đấy, nhưng một khi các em không thích hoặc gia đình thay đổi, thì cũng rất dễ xảy ra bỏ dở giữa chừng. Khoản đầu tư sẽ có nguy cơ mất trắng.

Tiêu chí xét tuyển là các bài kiểm tra cũng khá đơn giản, bao gồm các bài dắt bóng, chuyền bóng, kiểm tra tốc độ và bài kiểm tra chiến thuật 3 đấu 3 (3 vs 3) không có thủ môn trên một mặt sân dài 20m, rộng 15m. Có điều này, tuy các chuyên gia tuyển chọn của Arsenal không nói ra, nhưng bằng sự nhạy cảm của người lâu năm trong nghề, ông Vinh khẳng định bài kiểm tra quan trọng nhất là kiểm tra chiến thuật 3 vs 3.

Qua đó, các chuyên gia mới đánh giá khả năng di chuyển vị trí, khả năng tổ chức chiến thuật cũng như sáng tạo ban chuyền bóng của các em, hơn là độ khéo léo cá nhân. Đến đây, tôi bỗng chợt nhớ nhiều lúc xem bóng đá, người ta đã phải phát điên lên với một cầu thủ nào đó quá coi trọng “trình diễn cá nhân” để rồi mất bóng một cách đáng xấu hổ trước sự tức tối của đồng đội và các cổ động viên nhà.

Có lẽ chuyên gia của những khẩu thần công Arsenal ý thức rằng cầu thủ đỉnh cao không chỉ biết đá giỏi mà còn phải biết cách phối hợp với đồng đội để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Bởi thế, bóng đá nhà nghề chú trọng đến việc các cầu thủ tư duy như thế nào khi đá bóng, hơn là kỹ thuật cá nhân của họ. Hiểu theo cách khác, một động tác kỹ thuật, dù khó đến đâu cũng đều do con người ta nghĩ ra, học riết rồi cũng làm được. Nhưng để thay đổi một tư duy thì mất thời gian hơn rất nhiều, có khi là cả vài thế hệ.

Trở lại với HAGL Arsenal JMG, hiện đang đào tạo 18 em. Kế hoạch tuyển chọn hai năm một lần, nên năm nay, họ sẽ không đi tuyển nữa mà mời gọi những em đã tham gia dự tuyển và vào được vòng chung kết tuyển chọn năm ngoái để kiểm tra lại. Những trường hợp dự bị này, có thể là do các em còn chưa đạt về một mặt nào đó, hoặc chưa đủ 10 tuổi. --PageBreak--

Ông Vinh cũng cho biết thêm, tất cả các trường hợp trúng tuyển, vào thời điểm năm ngoái đều chỉ nằm trong lứa tuổi 10 đến 11 tuổi, và điều này sẽ còn được lặp lại trong các lần tuyển tiếp theo. Tại sao lại phải là 10 và 11 tuổi mấy lý do: Thứ nhất, ở tuổi này các em bắt đầu chơi bóng có ý thức, bắt đầu tiếp thu được sự truyền dạy về chuyên môn. Thứ hai, ở độ tuổi này, các em đã khá cứng cỏi chịu đựng được cuộc sống xa gia đình. Và thứ ba, đó là sau một chương trình đào tạo kéo dài 7 đến 8 năm, các em sẽ vừa đủ 18 tuổi, có quyền lao động để tham gia vào sân chơi nhà nghề.

Các cầu thủ “nhí”, một khi đã được tuyển, đều được tổ chức ăn, ở và tập luyện tập trung tại trung tâm mà gia đình sẽ không phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Đổi lại, các em sẽ phải chuyển toàn bộ các vấn đề liên quan đến giấy tờ tùy thân, cư trú, hồ sơ, học bạ học văn hóa lên Pleiku để theo học tại đây. Trong hai năm đầu, các em chủ yếu chơi các trò chơi với bóng bằng chân đất, không đi giày để có cảm giác thật với bóng. Điều này, theo ông Vinh, cũng có thể đúng hoặc chưa đúng, nhưng “đóá là Arsenal”, và họ giỏi hơn mình.

Thăm nom được tổ chức vào những ngày cuối tuần. Đối với các gia đình ở xa đến sẽ được bố trí nơi ăn nghỉ miễn phí. Nếu trong quá trình đào tạo, em nào bỏ hợp đồng sẽ phải chịu đền bù. Ngược lại, nếu có xảy ra tai nạn ngoài ý muốn có thể khiến cho em không thể tiếp tục được nữa thì câu lạc bộ sẽ chịu mọi kinh phí giúp cho em đó hòa nhập lại được với cộng đồng.

Ông Vinh còn nói, một trong những nội quy ở đây là nếu em nào không đạt yêu cầu về học lực (bị lưu ban) thì sẽ buộc phải trả về địa phương. Em nào học giỏi thì lại được thưởng. Một quy định bắt buộc khác nữa là các em không được tự tiện sang khu của các anh lớn nếu chưa được phép, và ngược lại.

Các em sẽ là danh thủ hay “cỗ máy đá bóng”?

Qua cổng, đi thẳng vào bên trong thì Trung tâm HAGL Arsenal JMG nằm ở bên tay trái. Một dãy nhà mới xây theo lối kiến trúc 2 tầng, giả mái ngói, phía trước là sân bóng, phía sau là bể bơi nên rất đẹp, thoáng và nổi bật. Trong 2 dãy nhà của các em có đủ cả phòng học, phòng ăn, phòng Internet và cả phòng chơi game. Mỗi phòng ngủ kê 2 giường tầng, vị chi là 4 em một phòng, khép kín với đầy đủ tiện nghi, bên trong có 2 chiếc vòi hoa sen bắt trên tường, mỗi cái cách nhau chừng 1 mét. Bàn ghế, giường tủ, phòng học, phòng ăn đồ nội thất chủ yếu là gỗ. Đẹp và rất tiện nghi.

Khu nghỉ và vui chơi của các cầu thủ nhí.

Tôi đến vào lúc các em vừa ngủ dậy, đang làm công tác dọn dẹp vệ sinh phòng ở. Những em ở đây rất lễ phép. Cầu thủ “nhí” Trần Hữu Đông Triều, người Đại Lộc, Quảng Nam đang cẩn thận xếp tấm giấy khen học sinh giỏi học kỳ I 2007 – 2008 và giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ do Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Pleiku Võ Thị Bảo Ngân ký còn mới tinh vào balô. Triều bảo sắp được về thăm nhà rồi, sẽ mang về khoe với bố mẹ.

Phía trong, em Nguyễn Văn Đạt, người Lâm Hà, Lâm Đồng đang loay hoay với cái vòi xịt dọn bồn cầu. Đạt bảo ở nhà em chẳng phải làm việc này, nhưng đến đây, 4 đứa một phòng nên phải chia nhau ra mà làm.

Nguyễn Tiến Hoài, nhà ở An Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Bố mẹ ở nhà bán hàng nuôi 4 anh chị em, Hoài là thứ hai. Trúng tuyển vào đây, được nuôi ăn, nuôi ở, học bóng đá.

Ở phòng bên là Ksor Úc, da đen cháy, tóc cứng như lông bàn chải. Ksor Úc nhà ở ngay Pleiku, bố mẹ ở nhà làm nông nghiệp. Nhà có 6 anh chị em, Úc là thứ năm. Bình thường ở nhà Úc đã thích đá bóng, mấy chị em vẫn hay quấn vải làm bóng tự đá với nhau. Hồi đầu nhớ nhà, Úc và một số bạn khác cũng khóc suốt. Giờ thì cũng gần một năm, quen cả rồi.

Trên đường rời trung tâm, tôi lại nhớ đến buổi trò chuyện tối hôm trước với ông Nguyễn Văn Vinh. Chúng tôi đã nói rất nhiều về lịch ăn, lịch tập và cái cách mà người ta đang nuôi dưỡng và đào tạo những đứa trẻ ở đây. Một cuộc sống đầy đủ về vật chất, mang tính tập thể và chuyên nghiệp cao là điều khỏi phải bàn.

Tuy nhiên, với các em, như thế thôi chưa đủ. Ở lứa tuổi này, các em đang có nhu cầu phát triển rất mạnh về mọi mặt để từ đó, dần hình thành một nhân cách. Vậy mà thử xem: Sáng đi học, có xe ôtô đưa đi tập thể. Trưa có xe đón về đồng loạt. Ngày nghỉ cuối tuần, nếu có đi chơi thì cũng có xe đưa đi chơi chung, cùng chơi và cùng... về. Sự giao lưu với bên ngoài bốn bức tường trung tâm huấn luyện hầu như không có.

Liệu cái cách “nuôi nhốt”, tôi nói đùa với ông Vinh như nuôi “gà công nghiệp” này, có tránh khỏi việc biến bọn trẻ thành “những cỗ máy biết đá bóng” về sau này không?

Cũng trong câu chuyện với tôi, ông Giám đốc kỹ thuật từng than phiền về cái gọi là học lực (chẳng qua là cách nói tránh, chứ đằng thẳng ra, nó phải là vấn đề văn hóa của cầu thủ) “quá yếu” của cầu thủ chuyên nghiệp hiện nay. Nhưng rồi khi tôi đặt vấn đề này ra đối với hàng ngũ cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai mà các ông đang đào tạo, ông cũng không trả lời được.

Thử đứng thẳng lên và nhìn rộng ra hơn, khi những lứa cầu thủ thực sự nhà nghề này được tung ra, họ sẽ không chỉ hoạt động trong môi trường bóng đá Việt Nam mà sẽ cả với thị trường chuyển nhượng cầu thủ chuyên nghiệp trong khu vực (có thể lắm chứ?), thì “những cỗ máy biết đá bóng” có đủ khả năng đem được cái "chất" Việt Nam ra ngoài cho người ta vị nể hay không? Đây không phải là chuyện nhỏ

Việt Anh
.
.