Lời kể của một tử tù: Dù thế nào, tôi vẫn lao lên phía trước
1. Ra khỏi trại giam, Liên Khui Thìn thành người trắng tay. Nhà thì ở nhờ, đi đâu cũng phải mượn xe của bạn bè. Những lúc bí quá hoặc thấy sức khỏe suy giảm, ông lại lên xe đò tốc hành hoặc xe lửa, về Nha Trang tá túc nhà người em ruột là Liên Khôi Dương. Một người bạn thân của ông từ những ngày còn học Đại học Khoa học Sài Gòn - nay là tiến sĩ - ở Mỹ về Việt Nam đầu tư, thỉnh thoảng lại dúi vào tay ông ít tiền để ông tiêu vặt hoặc mua sắm những thứ cần thiết. Ngay cả khi hẹn gặp ông để lấy tư liệu cho loạt bài này, lúc thì ông tiếp tôi tại văn phòng làm việc của bạn ông, lúc tại trụ sở tạm thời của "Quỹ hoàn lương" và có lúc, tại nhà riêng của một nhân viên cũ.
Tuy vậy, nhưng ông vẫn không chịu ngồi yên. Hễ cảm thấy khỏe lên một tí, ông lại đi hết nơi này đến nơi kia, tìm hiểu chuyện này, chuyện nọ. Có lần tôi nửa đùa nửa thật: "Anh không nghĩ gì đến chuyện riêng tư của anh sao? Hồi đó, anh ly dị vì anh nghĩ là anh sẽ chết. Nhưng bây giờ anh sống rồi mà". Liên Khui Thìn đáp: "Trước mắt, tôi chỉ tập trung vào hai việc. Một là đòi lại quyền lợi, tài sản hợp pháp của tôi trong Công ty Epco và các công ty do tôi lập ra như Công ty TNHH Hồng Long, An Khánh, Tây Sơn..., mà một số người đã tự ý đem bán. Hai là đưa "Quỹ hoàn lương" đi vào hoạt động mà trước đây tôi từng kể với anh, và Chuyên đề ANTG đã đăng bài nói về "Quỹ hoàn lương" trong số Xuân Canh Dần".
Trụ sở công ty EPCO hiện nay.
2. Vấn đề tài sản của Công ty Epco và của các công ty do Liên Khui Thìn lập ra bị một số người đem bán nó dài dòng lắm. Hơn nữa, phán quyết đúng sai là việc của các cơ quan chức năng nên chúng tôi chỉ đơn cử ra đây vụ ông Nguyễn Lộc Ri bán lô đất 5.000m2. Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, đều nhận định Liên Khui Thìn cùng Nguyễn Tuấn Phúc, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước 1.051 tỉ đồng. Liên Khui Thìn, nói: "Thời điểm ấy, ông Nguyễn Lộc Ri đang làm Phó giám đốc Epco nên được chỉ định là người đại diện Epco để phối hợp với các cơ quan chức năng cùng những cá nhân liên quan, giải quyết việc thi hành án".
Thế nhưng, tháng 6/2003, ông Nguyễn Lộc Ri đã lặng lẽ bán một cách bất hợp pháp lô đất 5.000m2 cho ông Huỳnh Anh Kiệt với giá 3 tỉ đồng. Theo lời Liên Khui Thìn, thì: "Chỉ bằng 1/10 giá thị trường thời điểm đó". Chưa hết, tháng 5/2003, cũng ông Nguyễn Lộc Ri tự chuyển nhượng một cách bất hợp pháp 3ha đất tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM cho ông Vũ Đình Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Tân với giá 21 tỉ đồng. Nhưng một năm sau, không rõ vì sao hai bên ký lại một hợp đồng khác, và lần này giá chuyển nhượng chỉ còn là 4,1 tỉ - thay vì 21 tỉ! (giá trị hiện nay của lô đất này thấp nhất là 300 tỉ).
Điều đáng nói là sau khi Liên Khui Thìn bị bắt, UBND quận 3 đưa ông Nguyễn Chúng sang nắm quyền điều hành Công ty Epco. Đến năm 2002, Epco phải đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp thì ông Nguyễn Chúng xin nghỉ, rồi ông Nguyễn Lộc Ri - lúc ấy là Phó giám đốc, lên thay. Và mặc dù ông Ri không phải là thành viên sáng lập Công ty Epco, đồng thời theo lời Liên Khui Thìn, thì suốt thời gian ông bị bắt, ra tòa, đi tù rồi được đặc xá, Hội đồng Quản trị Công ty Epco chưa hề có cuộc họp nào nhằm bãi miễn chức vụ Giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị của Liên Khui Thìn, nhưng ông Nguyễn Lộc Ri vẫn cho bán một số tài sản của Công ty Epco và một số tài sản cá nhân của ông Thìn đầu tư tại quận 2 mà không hề hỏi ý kiến của ông Liên Khui Thìn...
Vụ việc được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, và Thủ tướng đã yêu cầu Ban Thường trực chỉ đạo thi hành án vụ Minh Phụng Epco kiểm tra, làm rõ. 3 tháng sau đó, đoàn kiểm tra có văn bản báo cáo rồi ngày 26/1/2007, Văn phòng Chính phủ có công văn, thông báo ý kiến của Thủ tướng, là đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo, giao Bộ Công an điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật với ông Nguyễn Lộc Ri. Tuy nhiên, theo Liên Khui Thìn thì đến nay vẫn chưa thấy kết quả gì.
Riêng về "Quỹ hoàn lương", ý tưởng thành lập “Quỹ hoàn lương” của Liên Khui Thìn - dựa trên mô hình "Hội những người mãn hạn tù trở về" của Thụy Điển, đã nhận được sự ủng hộ của nhiều ngành, nhiều giới, từ trung ương đến địa phương, trong đó có người cam kết sẽ tặng cho quỹ 50 tỉ đồng (mà Chuyên đề ANTG sẽ có loạt bài nói về nhân vật đặc biệt này). Một nhà đầu tư lớn ở Đà Nẵng cũng bày tỏ nguyện vọng tham gia vào chương trình để phát triển ở khu vực miền Trung và vận động thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào Quỹ. Bên cạnh đó, nhiều công ty, xí nghiệp ở Khu Công nghiệp Bình Dương, Tân Tạo, TP HCM, Đồng Nai... cũng đồng ý ký kết hợp đồng với Quỹ, gia công sản phẩm cho họ.
Theo luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM, nguyên Phó ban Văn hóa tư tưởng Thành ủy TP HCM, thì "Quỹ hoàn lương" nhằm mục đích giúp cho những người sau khi mãn hạn tù, về lại TP HCM có điều kiện hòa nhập cộng đồng bằng cách sắp xếp cho họ học nghề đúng với khả năng, và tìm cách bố trí cho họ có công ăn việc làm ổn định. Ban đầu, dự kiến vốn quỹ là khoảng 600 triệu đồng, do những người sáng lập là Luật sư Trần Văn Tạo, cùng các ông Liên Khui Thìn, Lê Thanh Bình, Lê Minh Hải, Nguyễn Văn Liêm tự nguyện đóng góp.
Tôi hỏi: "Vậy mỗi phần góp là 120 triệu đồng, anh lấy đâu ra tiền?". Thìn cười: "Như tôi đã nói, bất cứ việc gì, nếu phù hợp với lợi ích cộng đồng thì sẽ luôn nhận được ủng hộ. Bạn bè tôi khi biết tôi làm "Quỹ hoàn lương", mỗi người cho tôi một ít". Bên cạnh đó, vẫn theo lời ông, thì: "Hội những người mãn hạn tù trở về" của Thụy Điển đã hứa sẽ tài trợ 10 triệu USD để xây dựng, mua sắm thiết bị cho các xưởng sản xuất, dạy nghề".--PageBreak--
3. Về với cuộc đời, Liên Khui Thìn lao vào học lại nhiều thứ. Ông nói: "Tôi phải cập nhật một số kiến thức về máy tính để có thể tự làm việc". Khi đã tương đối rành rẽ, ông lên mạng, tải xuống rồi in ra tất cả những bài báo đã viết về ông, về Tăng Minh Phụng, về Công ty Epco - Minh Phụng, đóng thành 2 tập dày. Ông nói tiếp: "Mỗi bài báo lại tái hiện trong tôi một khoảng thời gian, một hồi ức. Nó giúp cho tôi có thêm điều kiện để nhìn lại chính mình".
Và cũng nhờ những bài báo ấy, cộng với lời kể của những người liên quan, những phán quyết của cơ quan chức năng, những chuyến đi thực tế, ông mới biết rõ hơn về những tài sản của Công ty Epco và của các công ty do ông lập ra bị đem bán. Ông kể: "Công ty Hồng Long (HL) thành lập năm 1995, có 4 thành viên, gồm tôi, ông Nguyễn Xuân Kỳ, ông Đỗ Hữu Cảnh và bà Trần Kim Lệ, mỗi người góp 1 tỉ nhưng thực tế toàn bộ vốn góp là của tôi. Trong công ty này, tôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, và thuê ông Đỗ Hữu Cảnh làm Giám đốc, trụ sở đặt tại 282 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Căn nhà này do tôi mua từ ông Nguyễn Đăng Quang".
Tháng 10/1996, ông Nguyễn Xuân Kỳ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Liên Khui Thìn. Sau đó tại phiên tòa, bà Trần Kim Lệ đã nhìn nhận phần góp vốn của bà là đứng tên dùm cho ông Liên Khui Thìn. Như vậy, tại Công ty Hồng Long, Liên Khui Thìn nắm giữ 3/4 vốn - điều này đã được Cơ quan Thi hành án TP HCM xác nhận. Tuy nhiên, tháng 8/2005, khi Liên Khui Thìn đang chấp hành hình phạt trong trại giam, thì Công ty HL tự ý xóa tên ông Thìn ra khỏi danh sách thành viên góp vốn.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, giảng viên Đại học Luật TP HCM, đồng thời là Luật sư Đoàn Luật sư TP HCM nói: "Mặc dù lúc ấy Liên Khui Thìn đang ở tù, nhưng phần góp vốn trong Công ty HL - khoan chưa nói đến việc tiền góp ấy từ đâu ra, cũng như chưa nói đến số tiền mà Liên Khui Thìn phải nộp để thi hành án là bao nhiêu - vẫn là của ông Thìn. Vì vậy, chỉ ông Thìn mới có quyền quyết định. Việc Công ty HL tự ý xóa tên Liên Khui Thìn ra khỏi danh sách thành viên góp vốn là hành vi công nhiên chiếm đoạt".
Liên Khui Thìn vào tù ít lâu, thì tại trụ sở Công ty HL, xuất hiện thêm nhóm "Công ty Cổ phần Đông Dương", gồm 12 thành viên như Công ty Tư vấn thiết kế Đông Dương, Trung tâm Du lịch Rồng Đông Dương, Công ty Cổ phần Đông Dương... Phải chăng sự ra đời của "nhóm công ty" này, là nhằm mục đích tiêu hóa một số tài sản lớn của Công ty HL do Liên Khui Thìn lập ra, chẳng hạn trong số đó lô đất 107.456m2 thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, đã bị Cơ quan Thi hành án kê biên, nhưng vẫn được Công ty HL xẻ ra bán.
Ông Thìn, nói: "Mảnh đất này tôi dùng danh nghĩa Công ty HL, liên doanh với Công ty Đông Phương của Trần Văn Giao nhưng sau đó, liên doanh tan vỡ". Khi xảy ra vụ án Minh Phụng - Epco và sau bản án phúc thẩm, ngày 25/11/2002, Cơ quan THA đã ra quyết định kê biên toàn bộ mảnh đất vừa nói. Nhưng, từ giữa năm 2003, Công ty HL cho phân mảnh đất thành 484 nền nhà rồi ông Đỗ Trường Sơn (con ông Đỗ Hữu Cảnh), lúc là Giám đốc Trung tâm giao dịch, kinh doanh địa ốc, lúc là Phó giám đốc Công ty HL, ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng chuyển nhượng, mà thực chất để bán cho hàng trăm người khác với giá từ 1,4 đến 1,7 triệu đồng/m2, và cho đến nay không thể ra sổ đỏ cho người mua, vì việc phân lô bán nền trên mảnh đất này là bất hợp pháp.
4. Trong vụ án này, tổng số tiền mà Liên Khui Thìn, Nguyễn Tuấn Phúc, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Nhật Hồng phải liên đới thi hành án là hơn 1.000 tỉ đồng. Cho đến nay, riêng ông Liên khui Thìn đã trả được gần 600 tỉ. Ông nói: "Tôi đang làm thủ tục xin lại thương hiệu và con dấu của Công ty Epco và của các công ty do tôi lập ra. Với những tài sản của các công ty này đã bị đem bán một cách bất hợp pháp, tôi mở ra một cánh cửa: Đó là người mua có thể hợp tác với tôi...". Vài tháng sau khi ông trở về, một số công ty trong, ngoài nước đã tìm gặp ông, mời ông cộng tác.
Một tổng giám đốc của một công ty hiện đang đặt vấn đề mời ông, nói: "Anh Thìn là người có tâm và có tầm nhìn chiến lược". Hôm gặp ông để xác minh lại một vài thông tin nhằm đảm bảo tính chính xác cho loạt phóng sự này, thì cũng là lúc ông đang tiếp những người lãnh đạo của Tập đoàn CMG - một tập đoàn lớn trên thế giới với tổng tài sản quản lý là 200 tỉ USD..., trụ sở tại Hồng Công, hoạt động trong các lĩnh vực cảng biển, vận tải biển, sửa chữa và hậu cần tàu biển, tài chính ngân hàng, sản xuất container, sản xuất sơn chuyên dùng cho tàu biển, xây dựng và quản lý các khu công nghiệp..., mà hiện nay, những tên tuổi tầm cỡ như Coca- Cola, Pepsi - Cola, hệ thống cửa hàng bán lẻ Wall Mart, dầu khí BP, Samsung Electronics, thép Nippon, Dầu khí Exxon Mobile, Hóa chất Maersk..., đều đang sử dụng dịch vụ của tập đoàn này.
Đưa tôi xem biên bản cuộc họp với lãnh đạo một tỉnh cùng các ban ngành liên quan và tập luận chứng kinh tế khả thi, Liên Khui Thìn nói: "CMG đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho vay khoảng 1.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng của một dự án tại tỉnh này". Nhưng nếu đòi lại được tài sản thì theo ông, có lẽ sẽ chẳng cần đến khoản vay ấy.
Liên Khui Thìn đứng dậy, bước đến bên cửa sổ. Từ tầng thứ 18 - nơi đặt văn phòng công ty của bạn ông, ông kéo rèm nhìn xuống rồi vẫy tôi lại, chỉ vào dòng sông Sài Gòn với những con tàu lớn, nhỏ đang rẽ sóng: "Trong vụ án Epco, tôi xác định là tôi có tội, và tôi đã trả xong tội lỗi của mình. Bây giờ, tôi cũng như những con thuyền kia, dù nước ngược hay xuôi, nước lớn hay ròng, vẫn cứ lao về phía trước..."