Lời kể của một tử tù: Liên Khui Thìn - Những ngày đợi chết

Thứ Năm, 29/04/2010, 16:45
Ra tòa, lĩnh án tử hình, với Liên Khui Thìn thì đó là thời gian kinh hoàng nhất. Gần 5 năm nằm trong khu buồng giam dành cho những phạm nhân chờ ngày "đi". Ngày hai bữa, một chân trong cùm, thùng vệ sinh để ngay bên cạnh, Liên Khui Thìn ăn cơm trại, uống nước trại.

1. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu từ năm 1992, khi Minh Phụng nhảy vào lĩnh vực kinh doanh nhà đất dù nó hoàn toàn không nằm trong chức năng cho phép. Tính đến ngày bị bắt (tháng 3/1997), ngoài các cơ sở sản xuất ngành may, giày dép, đồ nhựa, Minh Phụng có trong tay 169 biệt thự, nhà xưởng, văn phòng, kho hàng với diện tích trên 1,2 triệu m²; cùng khoảng 2,6 triệu m² đất các loại. Tất cả những tài sản này nằm ở TP HCM,  Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng...

Tuy nhiên, theo lời Liên Khui Thìn, thì: "Cũng như tôi, phần lớn những cái anh Minh Phụng có, không phải từ sự thành công trong kinh doanh, cũng như không do thực lực mà từ vốn vay ngân hàng". Điều này có thể nhìn thấy tại hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm: Ngay sau khi mua được nhà, được đất, thì tất cả giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, đều phải nộp lại cho ngân hàng, nơi đã bỏ tiền để Minh Phụng, Epco vay, mua!

Sự sụp đổ của Công ty Epco, Công ty Minh Phụng bắt đầu từ năm 1996, khi châu Á bước vào cuộc suy thoái kinh tế. Khát vốn, nợ vay ngân hàng ngày càng nhiều trong lúc giá đất đóng băng. Thêm vào đó, quy định chỉ cho vay không quá 10% trên tổng vốn của một doanh nghiệp nên cả Minh Phụng lẫn Epco đã cho ra đời thêm nhiều công ty con như chúng tôi vừa nói. Đến ngày bị bắt, Công ty Minh Phụng đã ký  trên 600 hợp đồng tín dụng với 7 ngân hàng, tổng dư nợ hàng ngàn tỉ đồng và hàng chục triệu USD, dẫn đến tội danh lừa đảo.

Nói một cách sòng phẳng, hành vi lừa đảo của Minh Phụng, Epco là không thể chối cãi, nhưng vấn đề ở đây là lừa đảo để đầu tư vào đất đai. Hầu như mọi thủ đoạn, mọi phương cách mà Minh Phụng, Epco sử dụng để vay tiền từ các ngân hàng chỉ nhằm tiếp tục ném vào đất - một thứ tài sản không thể cất giấu hay thủ tiêu được, với niềm tin một ngày nào đó, sẽ bán với giá rất cao bởi lẽ đất đai là thứ hàng hóa chẳng bao giờ “sinh sản”.

Tuy nhiên, dù bị đánh giá là liều lĩnh, nhưng không thể phủ nhận tầm nhìn xa cũng như những định hướng mang tính chiến lược của Tăng Minh Phụng lẫn Liên Khui Thìn khi đầu tư vào nhà, đất. Thực tế sau này đã cho thấy, khi xử lý tài sản thế chấp tại các khu công nghiệp, thì hầu hết các tài sản ấy đều có giá trị lớn. Liên Khui Thìn, nói: "Nếu căn cứ vào thời gian thuê từ 40 đến 50 năm thì chỉ riêng tiền khai thác, có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỉ đồng". Đối với số tài sản là biệt thự, văn phòng tại TP HCM, phần lớn lúc đưa ra bán đấu giá, cũng đều bán được giá cao hơn rất nhiều so với giá thẩm định  tại tòa.

Liên Khui Thìn, nói tiếp: "Riêng với các lô đất mà Minh Phụng, Epco dự tính triển khai các dự án ở Thủ Đức trước đây - nay thuộc quận 2 -  thì theo quy hoạch của TP HCM, hầu hết đều nằm ở các vị trí "vàng", và nếu được thực hiện theo các dự án khả thi thì lợi nhuận sẽ rất lớn". Chả thế mà có ngân hàng được tòa án giao cho một số lô đất tại khu vực quận 2 để bán đấu giá thu hồi nợ, và họ chẳng cần phải làm gì hết mà chỉ qua một phiên đấu giá - chỉ với một lô đất thôi - ngân hàng đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD!

Một phần hồ sơ, tài liệu thu giữ trong vụ án Minh Phụng - EPCO.

Đó là chuyện của Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn, còn bây giờ là chuyện giữa tôi và Tăng Minh Phụng. Nếu không kể đến khoảng thời gian diễn ra phiên tòa xét xử vụ Minh Phụng - Epco - cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm, thì khoảng thời gian giữa hai phiên tòa ấy, tôi lại có dịp gặp Tăng Minh Phụng trong Trại tạm giam Chí Hòa.

Lần đó, sau khi trình công văn của Chuyên đề ANTG cho Ban giám thị trại, tôi được biết luật sư Loan cũng đã đăng ký làm việc với Minh Phụng cùng ngày với tôi. Một phó giám thị, nói: "Anh trao đổi với luật sư Loan đi. Nếu luật sư đồng ý thì chúng tôi giải quyết cho anh gặp luôn. Còn không, anh phải đợi đến hôm khác".

Sau khi nghe ý kiến của Ban giám thị, tôi sang phòng thường trực gặp luật sư Loan. Vốn là chỗ quen biết, thân tình nên luật sư Loan mau mắn gật đầu.  Nhưng bà dặn tôi: "Anh để tôi nói chuyện công việc với Minh Phụng xong, anh muốn hỏi gì thì hỏi".

Khoảng 20 phút sau đó, Tăng Minh Phụng được một cán bộ quản giáo đưa ra. Nhìn thấy tôi, Phụng cười rồi sau khi chào hỏi luật sư Loan, Phụng nói: "Nhìn anh mập hơn hồi quay phim ở tòa". Tôi cũng cười: "Anh cũng mập, và... trắng hơn trước".

Hồi diễn ra phiên tòa sơ thẩm, để phục vụ công tác nghiệp vụ, được sự đồng ý của chủ tọa - Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, tôi cùng một cán bộ thuộc Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã đặt máy quay phim, ghi lại tất cả mọi diễn tiến. Phụng nói tiếp: "Sau này, nếu tôi được về, tôi sẽ nhờ anh sang (in sao) lại cho tôi những cuốn băng đó để tôi rút kinh nghiệm  trong làm ăn kinh tế, và cũng là để làm kỷ niệm".

Tôi gật đầu, trong lòng cũng mong cho ước muốn "được về" của Tăng Minh Phụng trở thành sự thật, mặc dù việc in sao hơn 100 cuốn băng video C180 là việc không thể. Ngồi đối diện với Tăng Minh Phụng suốt gần một tiếng đồng hồ sau đó, câu chuyện giữa tôi và Minh Phụng chỉ là những chuyện vụn vặt, không đầu đuôi. Có lúc Phụng nói vui: "Khách đến chơi nhà mà chẳng nước nôi gì hết. Thôi thì anh thông cảm. Sau này được về, tự tay tôi sẽ pha trà mời anh. Tôi pha trà ngon lắm à!".

Rồi Phụng say sưa kể về cách pha một ấm trà sao cho đúng bài bản, từ việc "tráng chén" đến "rửa trà", rồi "nước nhất", "nước nhì" khiến đôi lúc, tôi cứ ngỡ Tăng Minh Phụng đang ngồi trong phòng khách nhà ông - vào cái thời mà Công ty Minh Phụng mới chỉ là Tổ hợp sản xuất bột nổi cao su - chứ không phải là một  tử tù trong trại giam, đợi ngày thi hành án. --PageBreak--

Tuy nhiên, cái vui ấy chỉ là thoáng qua vì theo Phụng, nếu tòa phúc thẩm vẫn y án thì đời ông thế là hết. Chỉ có điều khiến ông day dứt nhất, là người mẹ già cùng mấy đứa con. Ông nói: "Vợ tôi cũng vào tù, tôi sợ anh tôi, chị tôi  ở ngoài, không đủ sức giáo dục mấy đứa nhỏ, để chúng đi vào đường hư hỏng". Ông cho biết hàng tháng, con ông đều vào thăm và những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, ông vẫn khuyên các con nên ngoan ngoãn, cố gắng học hành.

Đôi lần, Phụng hỏi tôi: "Anh và anh Nguyễn Như Phong, Phó tổng biên tập đã theo dõi phiên tòa, đã viết nhiều bài báo về tôi, về anh Liên Khui Thìn. Trước ngày vợ tôi bị bắt để đảm bảo công tác xét xử, anh Phong đã tổ chức gặp gỡ vợ tôi tại Văn phòng thường trực Báo An ninh thế giới, và đã nghe vợ tôi nói về tôi. Vậy anh nghĩ tôi là người như thế nào?".

Luật sư Loan đang trao đổi với Tăng Minh Phụng trong giờ nghỉ giải lao tại phiên toà sơ thẩm.

Câu hỏi khó trả lời bởi lẽ về mặt luật pháp, thì bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã chính thức kết tội Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" qua những chứng cứ cụ thể, cùng những lời thú nhận của hầu hết tất cả các bị cáo. Nghĩ mãi, tôi nói: "Anh vi phạm pháp luật, anh có tội với luật pháp còn với tôi, anh và tôi cũng là người như nhau".

Theo lời một cán bộ quản giáo, lúc ấy là Thượng úy ở Trại tạm giam Chí Hòa, thì sau phiên tòa phúc thẩm và khi biết đơn xin tha tội chết bị bác, Phụng suy sụp hẳn. Tuy nhiên, ông vẫn cư xử rất đúng mực với các cán bộ trại giam và các bạn tù. Phần lớn những món quà do thân nhân gửi vào, Phụng đem chia sẻ cho những người đồng cảnh ngộ. Đêm nào cũng vậy, ông thức rất khuya, cầu nguyện. Thế rồi 4h sáng ngày 11/7/2003, cánh cửa buồng giam bật mở, Tăng Minh Phụng theo chân người quản giáo ra phòng ngoài để nghe công bố quyết định thi hành án. Bữa ăn cuối cùng có xôi, có thịt gà, có cà phê đá nhưng Minh Phụng không hề đụng tới. Ông xin giấy bút, viết lá thư cuối cùng cho con rồi bước lên xe, theo sau là Phạm Nhật Hồng.

2. Trở lại chuyện của một tử tù. Suốt gần 2 năm nằm trong trại tạm giam, Liên Khui Thìn đã làm việc với các cán bộ điều tra hàng trăm lần, trong lúc ở ngoài, nhiều công nhân viên Công ty Epco, gửi đơn đến các cấp, xin cho ông được tự do. Trong những buổi hỏi cung ấy, các điều tra viên đã cẩn thận xác minh, làm rõ từng hợp đồng mua bán giữa Công ty Epco và Công ty Minh Phụng, giữa công ty con này với công ty con kia, giữa các công ty con và công ty mẹ, các hợp đồng bảo lãnh của một số ngân hàng với Công ty Epco để tránh oan sai.

Thìn kể: "Ngay cả một số con em của cán bộ, công nhân viên trong công ty, được công ty đưa đi học nước ngoài nhằm đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho Epco, tôi cũng phải khai báo rõ ràng từng trường hợp một". Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, thì: "Suốt gần 2 năm điều tra, không ai phân tích cho tôi biết tôi đã lừa đảo như thế nào. Thậm chí nhiều lần tôi đề nghị cho đối chất với Tăng Minh Phụng, với giám đốc các công ty con, nhưng cơ quan chức năng không chấp thuận".

Sau này, khi ra tòa, Hội đồng xét xử đã chứng minh rằng Công ty Epco đưa tài sản là nhà, đất giá trị thấp, thế chấp cho ngân hàng. Và bởi vì móc ngoặc với một số cán bộ thẩm định, cũng như với một số lãnh đạo, nên nó được định giá cao, giúp Epco vay được những khoản tiền lớn. Số tiền ấy, Epco lại đầu tư vào nhà xưởng, đất cát rồi lại dùng nhà xưởng, đất cát thế chấp ngân hàng cũng với hình thức như vừa nêu. Bên cạnh đó, Epco mua hàng trả chậm của nước ngoài với sự bảo lãnh của ngân hàng. Khi hàng về, Epco đem bán nhưng không trả cho ngân hàng để ngân hàng thanh toán cho đối tác (mặc dù trước tòa, theo lời ông Thìn, thì nhiều hợp đồng vẫn chưa đến thời hạn phải trả nợ), dẫn đến các khoản nợ hàng nghìn tỉ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, tính chất nguy hiểm của Liên Khui Thìn gói gọn trong hành vi "câu kết với Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích và các cá nhân khác để thực hiện hàng loạt thủ đoạn gian dối, thông qua pháp nhân Epco, cũng như một số công ty khác, lập hợp đồng vay vốn, xin bảo lãnh mở tín dụng thư, lập các hợp đồng mua bán với các chứng từ, hóa đơn giả mạo, nâng giá tài sản nhằm rút tiền, chiếm đoạt tài sản Nhà nước...". Có lẽ vì thế nên lúc nhận tống đạt bản kết luận điều tra, rồi sau đó là cáo trạng, Liên Khui Thìn không có ý kiến phản đối gì, mà ông chỉ đề nghị bổ sung vào phần tài sản của Công ty Epco cùng những công ty khác do ông lập ra nhưng trong cáo trạng, không thấy nói đến.

3. Ra tòa, lĩnh án tử hình, với Liên Khui Thìn thì đó là thời gian kinh hoàng  nhất. Gần 5 năm nằm trong khu buồng giam dành cho những phạm nhân chờ ngày "đi". Ngày hai bữa, một chân trong cùm, thùng vệ sinh để ngay bên cạnh, Liên Khui Thìn ăn cơm trại, uống nước trại. Ông kể: Mặc dù khát vọng sống vẫn không ngừng sôi sục trong người, nhưng tôi tự coi mình như đã thuộc về một thế giới khác". Có hơn một năm, ông nằm chung với Trần Đàm, cũng bị kết án tử hình trong vụ buôn lậu Tân Trường Sanh. Một già, một trẻ, miên man kể cho nhau nghe chuyện người, chuyện đời, chuyện làm ăn. Kể mãi rồi cũng hết nên lắm khi cả tuần lễ, chẳng ai nói với ai một lời nào...

Sau này lúc gặp Liên Khôi Dương, em ruột Liên Khui Thìn, tôi hỏi, và ông Dương cho biết: "Ngày ấy em cũng khổ lắm, chật vật chạy ăn từng bữa vì các cơ sở anh Thìn tạo ra ở Nha Trang, bị kê biên rồi bị một số người chiếm đoạt. Chưa kể có thời gian em cũng bị bắt nên dù biết anh mình như vậy, cũng đành để trong lòng".

(Còn nữa)

Vũ Cao
.
.