Lời ru buồn dưới chân hồ thủy điện Sông Ba Hạ

Thứ Ba, 06/12/2016, 14:45
Khởi công đầu năm 2004 và hoàn thành vào cuối năm 2009, công trình thủy điện Sông Ba Hạ (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) ngoài đem lại nguồn sáng cho núi rừng vùng cao còn để lại những nỗi buồn dai dẳng. Đó là việc không ít sơn nữ nơi buôn làng xa hút này ngày đêm nuôi con một mình vì trót “ăn trái cấm” cùng những công nhân theo công trình.

1. Ngót nghét đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện những sơn nữ Ê Đê bị phụ tình và phải nuôi con một mình, người dân xã Suối Trai vẫn những tiếng thở dài chua xót. Bởi ở nơi thung lũng hẻo lánh này, cuộc sống của đồng bào dù khó khăn thiếu thốn nhưng xưa nay luôn ấm áp tình nghĩa. Trai lớn có vợ, gái lớn bắt chồng, đó là điều hiển nhiên. Vậy nên việc đàn bà, con gái không chồng mà chửa, trẻ thơ sinh ra không biết cha mình là ai là một chuyện đau lòng chưa từng có.

Người dân buôn làng vẫn còn nhớ như in 7 người con gái từng trót dại và đang sống trong khổ đau, tủi nhục. Trước đây họ đều là những sơn nữ đang tuổi xuân thì, mang vẻ đẹp mộc mạc hoang dại lẫn tâm hồn trong veo như nước suối nguồn. Một ngày, công trình thủy điện được khởi công, họ gặp gỡ những người đàn ông miền xuôi xa lạ. Trước những lời đường mật, họ trao thân cho người yêu mà không hề biết rằng đó là những gã đàn ông bạc tình.

Đến buôn Thống Nhất, khi nhắc về những hoàn cảnh đáng thương ấy, mọi người chỉ ngay về căn nhà nhỏ nằm bên đường. Đó chính là mái ấm không trọn vẹn của 3 mẹ con H’Nhan. H’Nhan năm nay đã 34 tuổi nhưng chúng tôi lại quá bất ngờ với gương mặt già nua, khắc khổ in hình sự vất vả, cơ cực của chị. Ánh mắt chị cười nhưng vẫn đượm buồn, nỗi buồn hằn sâu vì những năm tháng chờ đợi người chồng, người cha của những đứa con chị đến hao gầy.

Sinh ra trong một gia đình đông con, H’Nhan lớn lên trong thiếu thốn nghèo khổ nhưng luôn mang ước mơ về một tấm chồng với một mái nhà đầy con trẻ. Năm ấy, khi H’Nhan đang tuổi 24, chị gặp một chàng công nhân xây dựng người Quảng Bình. Trước những lời tán tỉnh cùng vẻ đẹp trai, thông minh của anh ta, H’Nhan đem lòng yêu thương mà không chút nghi ngờ. Tin rằng người ta thật tình thật dạ với mình, chị gửi gắm cả đời con gái cho chồng tương lai.

Năm 2007, H’Nhan mang bầu và sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh, chàng công nhân tỏ ra khá tử tế khi đến nhà cha mẹ H’Nhan xin hỏi cưới để được chăm sóc 2 mẹ con. Đó có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất của H’Nhan bởi xưa nay trong làng được mấy ai lấy chồng người miền xuôi.

Một góc hồ thủy điện Sông Ba Hạ.

Tên con trai chị là A Lê Y Kỳ, cái tên nhắc nhở về quê hương gốc gác của chồng. Rồi ngày tháng đó qua nhanh không ai ngờ, lúc con trai thứ hai - A Lê Y Huy được 1 tuổi thì bố nó từ bỏ 3 mẹ con để theo người đàn bà khác. Gia đình đổ vỡ, H’Nhan một thân một mình làm lụng nuôi con qua ngày, trong lòng lúc nào cũng ước mơ chồng mình sẽ quay trở lại, mình sẽ có một mái ấm gia đình bên chồng và những đứa con.

Chưa hết, em gái H’Nhan là H’Hia (29 tuổi) có hoàn cảnh cũng trớ trêu giống chị. Tháng ngày cơ cực cùng với bao nhiêu hy vọng rồi thất vọng khiến người mẹ một con này trở nên gầy mòn. Năm đó, H’Hia mới tuổi đôi mươi mang vẻ đẹp tràn đầy thời con gái thì có anh đồng nghiệp của “anh rể” đến làm quen. Vì anh ta luôn miệng bảo H’Hia bắt mình về làm chồng nên cô gái nghĩ anh chàng cũng thật lòng như đám trai trong buôn. Khi anh công nhân đòi hỏi chuyện ấy, H’Hia cũng gật đầu đồng ý với suy nghĩ trước sau gì anh ấy cũng là chồng mình. Thế nhưng khi chị bụng mang dạ chửa đi tìm thì chẳng biết cha đứa bé nơi nào.

Một người phụ nữ khác cũng cùng cảnh ngộ với 2 chị em H’Nhan, H’Hia nhưng mỗi khi nhắc đến mọi người khá tiếc nuối, đó là chị A Lê H’Mâu (35 tuổi). Khác với những bạn bè cùng trang lứa chưa biết hết con chữ đã phải lên nương, H’Mâu được đến trường, được học hành, chẳng phải đến nơi đến chốn nhưng thuộc “hàng trí thức” trong xã. Ngày ấy, H’Mâu là nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã, tại đây, H’Mâu gặp một gã “Sở Khanh” quê ở Nghệ An khiến người con gái rơi vào bi kịch.

Điều đến giờ H’Mâu vẫn còn khắc ghi là gã ăn nói ngon ngọt, biết lấy lòng con gái chứ không khô khan như trai trong buôn. Thế nên chẳng mấy chốc, cô gái ưng cái bụng rồi trao thân. Lúc H’Mâu mang bầu đến gặp gã nói chuyện bắt chồng thì gã chỉ ậm ừ hẹn ngày hẹn tháng. H’Mâu không biết rằng ngày gã công nhân chịu làm chồng mình cũng chính là ngày công trình hoàn thành và rồi gã cao chạy xa bay.

2. Cùng chung hoàn cảnh như nhau nên cả 7 người mẹ không thừa nhận 8 đứa con mang hai dòng máu, khiến ai cũng xót xa. Người làng cho biết, những năm trước khi bọn trẻ lọt lòng, chiều về buôn làng lại vang lên những tiếng ru buồn. Rồi khi những đứa trẻ ra đời, với sự ngây thơ chưa biết gì thỉnh thoảng òa khóc xen vào lời ru khiến nỗi buồn thành nỗi đau. Người lớn tiếc cho con em trong buôn bị lừa gạt, trẻ thơ sinh ra bị chính cha nó từ chối, trai tráng trong làng chua xót khi nhìn người con gái mình từng để mắt tới bị làm hại.

Từ ngày công trình thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, cuộc sống của 3 mẹ con H’Nhan cứ lặng lẽ buồn trôi. Ngày ngày, người mẹ này mang gùi lên rẫy chăn bò, cặm cụi làm thuê, làm mướn mà chưa bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo túng.

“Cách đây 4 năm, tôi có quen một người đàn ông khác ở xã bên, nhưng người ta cũng chỉ lời ngon tiếng ngọt, ong bướm thôi. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ nếu đến được với anh ta thì con mình cũng có cha dượng, nhưng rồi tôi phát hiện anh ta trăng hoa với nhiều cô gái nên thôi. Có lẽ 2 đứa trẻ lớn lên sẽ phải biết chấp nhận sự thật phũ phàng rằng mình là con hoang”, chị H’Nhan bộc bạch.

Nhà có đến 8 anh chị em, cha mẹ H’Nhan lao động cả đời vẫn không có được một mái nhà che mưa che nắng cho các con. Vậy nên mới có cảnh 4 mẹ con H’Nhan, 2 mẹ con H’Hia, cùng cha mẹ, các anh chị em lần lượt chui ra chui vào trong căn nhà tình nghĩa trống trơn không có gì ngoài 4 bức tường. Căn nhà này trước đây vốn là cửa hàng tạp hóa của một tiểu thương dưới xuôi lên. Sau khi công trình thủy điện hoàn thành, cửa hàng đóng cửa và được chính quyền địa phương mua lại để cấp cho gia đình H’Nhan.

Cũng giống như chị gái, H’Hia chỉ biết lủi thủi lên nương lên rẫy làm lụng nuôi con. Cái nghèo cái khổ đã đành, điều đau đớn nhất với chị là mỗi khi con trai hồn nhiên hỏi về cha của nó.

Cô bé A Lê Toàn Hão Huyền và bà ngoại.

Hoàn cảnh của H’Mâu khiến mọi người ai cũng phải động lòng. Chị từng làm trong bưu điện văn hóa xã nhưng từ ngày thủy điện hoàn thành, bưu điện vắng tanh không một bóng người lui tới. Vì thế, sau khi sinh con xong, H’Mâu không còn làm ở đây nữa. Bà H’Tang (64 tuổi, mẹ của H’Mâu) bảo, con gái của H’Mâu tên A Lê Toàn Hão Huyền. Một cái tên ban đầu đọc lên nghe khá thú vị, nhưng ngẫm lại thì ai cũng cảm nhận được nỗi buồn mỗi khi gọi tên cô bé, Hão Huyền!

Theo bà H’Tang, vài năm gần đây H’Mâu mướn nhà để 2 mẹ con ở riêng vì nhà bà quá chật. Hằng ngày, khi mẹ đi làm, Hão Huyền đi học xong lại về nhà chơi với bà ngoại.

Nhắc lại chuyện buồn của con gái, bà xót xa: “Ngày cái bụng nó to ra, hai mẹ con cùng dìu nhau xuống công trình nhưng người đó không chịu nhận đứa bé. Về sau, người ta hẹn ngày hẹn tháng, rồi cũng cùng bi kịch với những người con gái khác ở buôn làng. Sau khi sinh, nó đặt tên con gái như vậy là vì tự trách mình khờ dại đấy. Giờ thì nó chỉ biết ở vậy làm nương làm rẫy nuôi con thôi chứ không dám nghĩ đến chuyện kiếm chồng, vì dù có người chịu để nó bắt làm chồng thì mình cũng mất tiền nhiều lắm. Phong tục của làng là phụ nữ bắt chồng phải có của hồi môn, thường là 2 con bò cùng nhiều sính lễ khác, nếu có con riêng thì phải 4 con bò và thêm 1 con nữa để người cha dượng nuôi đứa bé”.

3. Chị Sô Thị Thêm, cán bộ thực hiện công tác dân số - gia đình và trẻ em xã Suối Trai, cho biết: “Khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ còn đang thi công, thời đỉnh điểm, lượng công nhân tập trung lên đến 5-6 ngàn người. Từ ngày có công nhân đến, cuộc sống buôn làng ở đây thay đổi hẳn với số lượng người đông đúc, xe và các quán xá mọc lên như nấm sau mưa. Mấy năm trôi qua, rồi công trình cũng đến ngày hoàn tất. Niềm vui lớn là công trình đã đem lại ánh điện cho bà con nơi đây, nhưng đằng sau nguồn sáng ấy còn có một thực tế đáng buồn vì có không ít sơn nữ ngày đêm nuôi con một mình vì trót “ăn trái cấm” cùng những công nhân thủy điện mang họ Sở”.

Chị Thêm bảo, khi tâm tình với một vài chị em trót “ăn trái cấm”, họ bảo một mình mang thai, sinh đẻ, nuôi con khổ cực trăm đường, nên lượm lặt được gì ăn nấy, nhiều khi con bệnh không có tiền mua thuốc, thấy con người ta uống sữa mà tủi thân nhưng rồi cũng quen.

“Nhiều công nhân theo thủy điện, có lối sống không biết đâu mà lường. Còn chị em trước giờ chưa ra khỏi làng, bị lợi dụng thì chẳng biết địa chỉ nào mà tìm theo. Nói thật, đàn ông ở đây rất thật thà và thụ động trong chuyện quan hệ nam nữ, vì tục “bắt chồng” vẫn còn tồn tại. Thế nên chị em rất khó trở tay với những lời đường mật của những kẻ dã tâm như những công nhân họ Sở kia”, chị Thêm cho biết.

3 đứa con của 2 chị em H’Nhan và H’Hia.

Gia đình của 7 người phụ nữ không chồng mà có con đều rất nghèo nên những đứa bé sinh ra đã thiếu đi tình cha lại càng còi cọc. Quả vậy, ngay cả những đứa bé có gia đình đầm ấm cũng rất gầy gò, thiếu thốn huống chi những đứa bé không cha.

“Bọn trẻ đa số thiếu ăn, thiếu mặc nên cả 8 đứa đều bị suy dinh dưỡng. Điều đáng lo nhất là trong số công nhân từng làm việc tại công trình thì có vài người bị nhiễm HIV. Không biết có chị em và cháu bé nào bị lây nhiễm không, hy vọng là không có ai mắc phải”, chị Thêm cho biết.

Thủy điện Sông Ba Hạ phát điện đã hơn nửa thập kỷ, những công nhân tiếp tục nay đây mai đó theo công trình. Nhưng dù họ đi đâu chăng nữa thì một số người trong đó cũng để lại nơi đây bao nỗi buồn, bao sự chờ đợi mòn mỏi. Giây phút chúng tôi về lại miền xuôi, cô bé Hão Huyền thủ thỉ về điều bí mật của mình: “Lúc trước cháu có gặp bố qua điện thoại, cháu nói cháu nhớ bố lắm, cháu đòi bố mua quần áo mới để đi học. Cháu chờ đã được một năm rồi mà không thấy bố về”.

Đường về đi qua con dốc đầu làng, bước chân chúng tôi thêm nặng trĩu bởi những suy nghĩ hồn nhiên của cô bé: “Bố cháu tên Thắng, chú có gặp thì nói bố về thăm cháu và mẹ, nói bố nhớ mua quà cho cháu nữa”.

Phan Nhuận Phin
.
.