Lời xin lỗi muộn màng và giấc mơ hoàn lương

Thứ Ba, 25/11/2014, 21:25

Trong số gần 84 nghìn bức thư gửi lời xin lỗi của các phạm nhân, trại viên, học sinh từ các trại gửi về tham dự cuộc phát động viết thư "Gửi lời xin lỗi" do Cục Giáo dục, Cải tạo và hòa nhập cộng đồng - Tổng Cục VIII, Bộ Công an tổ chức, có nhiều bức thư đọc lên đầy xúc cảm vì giản đơn, đó là những bức thư được viết ra bằng tất cả tấm lòng hối cải muộn mằn, cay đắng vì những giây phút nông nổi... Cũng từ những bức thư đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, giữa phạm nhân và gia đình nạn nhân, thân nhân người bị hại… mang đậm tính vị tha.

Tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Trịnh Hữu Hợp và bà Đỗ Thị Phương trong con ngõ nhỏ của phố Kim Ngưu theo địa chỉ ở bức thư xin lỗi người nhà nạn nhân mà phạm nhân Bùi Mạnh Tưởng ở Đội 26, Phân trại số 1, Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội gửi tới. Ngôi nhà nhỏ của ông bà neo người, nay mất người con trai độc nhất lại càng vắng vẻ. Để vơi bớt đi sự trống vắng và mong có tiếng người qua lại, ông Hợp, bà Phương mở một quầy tạp hóa để bán cho những người trong cùng khu nhà. Cầm bức thư của phạm nhân Tưởng trên tay, bà Phương nước mắt lại lưng tròng. Những giọt nước mắt mặn đắng vì đã rơi quá nhiều trên gương mặt người mẹ ấy.

Những lời lẽ của Tưởng như cứa vào tim bà: "Cháu là Bùi Mạnh Tưởng, hiện đang chấp hành án (17 năm) vì đã cùng với nhóm bạn gây ra cái chết cho con trai bác vào đêm ngày 18/1/2010. Những ngày tháng sống trong trại giam đã được sự giáo dục của cán bộ quản giáo và Ban Giám thị Trại giam Thanh Xuân, cháu đã nhận ra lỗi lầm của mình... Cái đêm định mệnh ấy đã ám ảnh suốt phần đời còn lại của cháu. Cháu rất hối hận vì đã gây ra cái chết cho con trai hai bác, làm cho gia đình bác mất đi người con thân yêu nhất của mình... Thật lòng cháu không muốn khơi lại nỗi đau trong lòng hai bác và gia đình nhưng đây có lẽ cũng là cơ hội để cháu có thể trải lòng mình với lỗi lầm mà cháu đã gây ra, dẫu lời hối lỗi này của cháu có muộn màng nhưng cháu vẫn muốn gửi tới hai bác lời xin lỗi chân thành từ đáy lòng cháu. Hai bác có thể xem như đây là lời cầu xin sự tha thứ và lòng bao dung của cha mẹ dành cho những đứa con khi phạm phải những sai lầm".

Bùi Mạnh Tưởng cùng 3 đồng phạm Mạc Văn Hiệp (SN 1984 tại Hải Dương) Võ Ngọc An (SN 1987) và Nguyễn Viết Bằng (SN 1987) đều ngụ tại Thanh Hóa, thiếu suy nghĩ nên họ đã đánh mất tương lai phía trước của mình. Để "dạy một bài học" cho Trịnh Trung Hiếu (người yêu của cô bạn Mai Thủy cùng chỗ làm, tại quán Bar NEXT (Hai Bà Trưng, Hà Nội), vì mỗi khi đến quán đưa đón Thủy, Hiếu thường hay gặp Hiệp, nhân viên bảo vệ nhưng không chào, lại còn "nhìn đểu". Hiệp đã cùng tổ bảo vệ chuẩn bị kế hoạch đánh người. Sau lần phục đánh "hụt", khoảng 23 giờ ngày 18/1/2010, biết anh Hiếu sắp đến đón Thủy nên Hiệp, An, Tưởng và Bằng cùng nhau đứng đợi. Khi anh Hiếu đến đón chị Thủy đã bị nhóm của Hiệp đuổi theo kéo đổ xe máy, rồi xông vào đánh đấm tới tấp.

Mặc cho Hiếu van xin nhưng nhóm của Hiệp vẫn không tha, thậm chí Hiệp còn dùng mũ bảo hiểm đánh Hiếu vào sau gáy. Khi nạn nhân bất tỉnh, cả nhóm mới dừng tay. Hiếu đã tử vong sau đó dù được mọi người đưa đến Bệnh viện Việt Đức cứu chữa. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Mạc Văn Hiệp mức án tù chung thân, Võ Ngọc An 20 năm tù, còn Bùi Mạnh Tưởng và Nguyễn  Viết Bằng mỗi người 17 năm tù giam. Thời điểm này, bị cáo Tưởng và Bằng vốn đang là sinh viên theo học tại Hà Nội, họ đi làm bảo vệ để trang trải thêm cuộc sống.

Trong đợt sơ kết cuộc vận động viết thư "Gửi lời xin lỗi" dành cho phạm nhân, trại viên, học sinh, Ban Giám thị Trại giam Thanh Xuân đã mời ông Trịnh Hữu Hợp đến gặp gỡ phạm nhân Bùi Mạnh Tưởng cùng người nhà.  Ông đã chia sẻ: "Tôi đến gặp Tưởng cùng gia đình không phải để nhận lời xin lỗi, khi con trai độc nhất của vợ chồng tôi mất đi, có nghĩa là chúng tôi đã như mất tất cả. Và dù lời xin lỗi đã được chấp nhận thì cũng không thể đưa con chúng tôi trở lại cuộc đời. Sự ra đi của con quá đột ngột, quá oan uổng, để lại một vết thương lòng không thể nào khỏa lấp được trong tâm hồn và trái tim chúng tôi, nhưng tôi muốn tha thứ để Tưởng cũng như các bạn trẻ có niềm tin trở lại cuộc đời làm một người lương thiện. Bởi vì nếu không cải tạo tốt trở về con đường hoàn lương để mong có một tương lai phía trước khi được trở về cuộc đời, thì các cháu cũng đã để lại một nỗi đau cho cha mẹ các cháu, những người sinh thành, dưỡng dục để mong một ngày các cháu trở thành một người lương thiện, tử tế".

Chia sẻ với chúng tôi khi đọc hàng nghìn bức thư với nhiều đề tài khác nhau, Đại tá Nguyễn Hữu Tường (Giám thị Trại giam Ngọc Lý - Bắc Giang) chia sẻ: Trước đây, nhiều phạm nhân muốn viết thư xin lỗi nhưng còn mặc cảm, tự ti, e ngại vì sợ người bị hại, người thân sẽ không tha thứ lỗi lầm trong quá khứ nên chưa dám viết để giãi bày và nói lên lời xin lỗi chân thành đến họ. Khi có kế hoạch phát động, trại đã tác động đúng vào tâm lý, khơi dậy ước muốn, đồng thời cũng giúp họ trút bỏ được những nỗi day dứt, trăn trở, ân hận về hành vi phạm tội của mình đã gây ra. Qua đó xác định rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với những người bị hại, với những người thân của bị hại và người thân của chính mình.

Trại cũng đã khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho phạm nhân thể hiện, gửi gắm tâm tư nguyện vọng, mong ước của mình vào trong mỗi bức thư, nên có rất nhiều phạm nhân đã  tích cực tham gia. Chẳng hạn như thư của phạm nhân Bùi Đức Dũng trong vụ án tham ô tài sản gửi Ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Dịch vụ vận tải Việt - Nhật số 2 có đoạn viết: "Thời gian đã trôi qua khá lâu, nhưng với tôi, nó vẫn như diễn ra trước mắt. Trong 6 năm 6 tháng qua, không ngày nào tôi không nghĩ tới những việc làm sai trái và tội lỗi của mình gây ra để tôi phải trả giá 18 năm tù… Tôi đã phụ lòng tin của Ban lãnh đạo cơ quan, lợi dụng sự tín nhiệm của mọi người để trở thành một tên tội phạm… Mong rằng lời xin lỗi của tôi sẽ được chấp nhận để tôi cùng gia đình, đặc biệt là hai đứa con nhỏ của tôi sẽ vơi đi phần nào sự tủi hổ mà bố nó đã gây ra”.

Dù đau xót nhưng ông Trịnh Hữu Hợp và bà Đỗ Thị Phương vẫn tha thứ cho phạm nhân Bùi Mạnh Tưởng.

Thư của phạm nhân Phạm Thị Cường gửi cho anh chị chồng, viết: "Khi em nhận ra lỗi lầm này thì đã quá muộn mất rồi, giờ đây mỗi khi nhìn thấy các con, em không thể ngăn nổi dòng nước mắt. Điều đau đớn nhất là các cháu chứng kiến cảnh mẹ giết chết cha, em đi tù, cuộc sống thiếu thốn khổ cực giờ đây các con em phải chịu… Em ngàn lần xin anh chị tha thứ cho em. Em chỉ mong sao sự ăn năn hối cải của em được tha thứ để em có thêm nghị lực, niềm tin cải tạo tiến bộ, sớm trở về với các con, trở về sám hối, nhận lỗi trước vong linh người chồng mà bấy lâu nay em đã từng yêu quý…".

Thư của phạm nhân Nguyễn Văn Bính gửi mẹ, có đoạn viết: "Từ ngày mẹ sinh ra con đến nay đã được gần 60 năm, nghĩ lại cả quãng thời gian dài hơn nửa thế kỷ con chưa làm cho mẹ vui hay được tự hào về con, đến bây giờ tóc mẹ đã bạc gần hết mái đầu, còn con tóc đã bạc phân nửa, con mới biết thương mẹ nhiều hơn. Con đã có tội, con phải trả giá cho tội lỗi mà mình gây ra. Nhưng còn với mẹ và gia đình bao giờ con xóa hết được. Một đời người, nặng nhất là tội bất hiếu, bất nghĩa vậy mà con trai của mẹ đã mắc phải. Điều con mong muốn là cầu xin mẹ và mọi người trong gia đình hãy tha thứ cho con, được như vậy con mới phần nào nhẹ nhõm lương tâm".

Điều đáng nói là để những lá thư đầy hối hận của phạm nhân, trại viên, học sinh đến được với người nhận thư, các trại đều đã áp dụng nhiều biện pháp để có được địa chỉ chính xác của người nhận thư. Ngoài ra, trại đã làm công văn gửi danh sách đề nghị các phòng nghiệp vụ Công an các tỉnh, thành có người nhận thư để phối hợp tiếp xúc. Qua tiếp xúc, tuy cảm nhận của mỗi người nhận thư khác nhau, nhưng nhìn chung là mang lại kết quả tích cực trong việc nhìn nhận sự hối hận của phạm nhân và mở lòng tha thứ. Cụ thể là sự nhận lời của một số người nhận thư sẽ đến dự chương trình sơ kết để gặp gỡ và có lời động viên phạm nhân cố gắng cải tạo thật tốt, sớm trở về hòa nhập cộng đồng.

Tiếp xúc với anh Trần Công Kiệm là người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản 100 triệu đồng do phạm nhân Nguyễn Ngọc Vân (án phạt 80 tháng) gây ra, anh Kiệm cho biết: "Tôi và Vân vốn là hai người bạn đồng ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau chiến tranh mỗi người chuyển một ngành làm một việc. Thế rồi bị sa ngã vì nền kinh tế thị trường, Vân đã đánh mất đi tính cách, lối sống của một người lính mà bản thân Vân là một bệnh binh. Sau khi sa ngã, Vân không vượt lên được mà còn tìm đến chính tôi để gây tội. Với đồng lương hưu ít ỏi, tôi đã đưa cho Vân cả trăm triệu đồng mà không nghĩ người bạn đồng ngũ năm xưa của mình đang thực hiện hành vi phạm tội với chính mình mà cho tới nay tôi vẫn chưa nhận lại được đồng nào... Nay qua bức thư xin lỗi của Vân và nghĩ lại, tôi sẵn sàng nhận lời xin lỗi chân thành này của Vân và mong anh cải tạo tiến bộ để trở về với gia đình, xã hội".

Bà Võ Hoàng Anh (Sa Đéc, Đồng Tháp), mẹ của người bị hại là anh Tâm gửi hồi âm tới phạm nhân Thạch Hảo (tội danh giết người - Trại giam Thạch Hòa) đã chia sẻ: "Chuyện đã qua bác không muốn nhắc lại nữa vì càng làm bác đau lòng. Thư con viết bác đọc rất kỹ và cảm động, khi thấy con suy nghĩ trưởng thành. Bác sẵn lòng tha thứ cho con vì đã nhận ra lỗi lầm và biết sửa sai. Tâm là niềm hy vọng, là điểm tựa của bác, mất Tâm bác chẳng còn gì nữa. Bác chỉ mong con cải tạo tốt để sớm được về cùng gia đình, hòa nhập cộng đồng làm một người tốt, đừng bước vào con đường lầm lỗi. Khi nào con về, con cứ xuống gia đình bác sẵn sàng đón nhận đứa con nuôi biết quay về làm lại người tốt. Gia đình bác rất nghèo nhưng tình cảm sống ở đời không thiếu. Bác sẵn sàng nhận con làm đứa con trai và yêu thương như Tâm vậy".

Có nhiều bức thư tới được tay người nhận thư, nhưng cũng có những bức thư gửi đi mà không thể nào có lời hồi đáp, đó là bức thư của phạm nhân Phạm Thị Hằng (Trại giam Xuân Lộc), người mẹ trong lúc tuyệt vọng vì giận chồng đã tự tử cùng hai con, nhưng phạm nhân Hằng đã được cứu sống, trong khi hai con của phạm nhân thì không có cơ hội trở lại cuộc đời: "Hôm nay, mẹ viết lá thư này, cũng không biết phải gửi về đâu. Mẹ mong rằng nơi bên kia thế giới, hai con sẽ tha thứ cho tội lỗi của mẹ đã gây ra với hai con. Làm cho hai con phải tức tưởi ra đi về bên kia âm cảnh. Mẹ sai rồi con ạ! Trăm vạn lỗi đều là tại mẹ. Mẹ ân hận lắm. Mẹ xin lỗi hai con, dù mẹ biết giờ đây mẹ nói lên lời này cũng đã quá muộn màng...

Hai con có biết không, giờ đây mẹ sống không bằng chết. Mẹ ước gì mẹ không được cứu sống và không còn tồn tại trên thế gian này nữa. Mẹ đau đớn vì đám tang của hai con mẹ cũng không có mặt, không ở bên cạnh để nhìn hai con lần cuối. Chỉ duy nhất có ngoại đưa tiễn hai con về nơi yên nghỉ cuối cùng, còn hàng xóm thì chửi bới triền miên, danh dự gia đình bị dày xéo, bị khinh thường bởi do mẹ cả. Hai con biết không, chuyện đã qua mười mấy năm rồi nhưng cho đến bây giờ, ba con chưa hề lên thăm mẹ. Nhưng mẹ không buồn vì mẹ vẫn còn đôi tay, mẹ quyết tâm cải tạo tốt, chấp hành nội quy và không làm  gì vì phạm để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước được trở về sớm phụng dưỡng cho ngoại của các con và chăm sóc mồ mả cho hai con được toàn vẹn…".

Cuộc vận động viết thư "Gửi lời xin lỗi" do Cục Cải tạo và hòa nhập cộng đồng - Tổng cục VIII, Bộ Công an đã tác động trực tiếp vào những cảm xúc suy tư của phạm nhân và hầu hết họ cảm thấy đây là cơ hội để bày tỏ lương tri đã thức tỉnh của mình, nhận rõ tội lỗi và đồng thời cũng vợi bớt đi những nỗi day dứt, trăn trở, ân hận về những hành vi phạm tội của mình gây ra, qua đó xác định rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với người bị hại… giúp họ trút bỏ phần nào mặc cảm tội lỗi để phấn đấu học tập, cải tạo tốt hơn, sớm hoàn lương để trở về hòa nhập với cộng đồng xã hội

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.