Long đong mẫu nude
Người lặng lẽ ở đằng sau
Chúng tôi đến trường Mỹ thuật Việt Nam nhưng dịp này nghỉ hè, không có việc nên người mẫu đã “ai về nhà nấy” tìm việc khác phù hợp với khả năng của mình để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Chúng tôi tìm hiểu và đến nhà riêng của một vài nữ người mẫu. Nằm trong một hẻm sâu của phố Hàng Bông, căn phòng chục mét vuông của chị Ngân, một người mẫu đã có gần 30 năm làm nghề người mẫu khỏa thân tại trường Mỹ thuật Yết Kiêu (nay là Mỹ thuật Việt Nam) không có gì nhiều ngoài những vật dụng cần thiết phục vụ cuộc sống cho mẹ chị và chị.
Chị Ngân chia sẻ, chị sinh năm 1971 và hành nghề người mẫu từ năm 17 tuổi. Ban đầu, chị đi theo bạn và được thuyết phục làm mẫu vẽ bán khỏa thân cho các sinh viên khoa Mỹ thuật, trường Nghệ thuật Hà Nội. Một thời gian sau, chị được bạn giới thiệu sang làm mẫu vẽ cho các sinh viên trường Mỹ thuật Yết Kiêu và chị đã làm việc tại đây cho đến ngày hôm nay.
Người mẫu body painting Nga “Tây”. |
Theo chị Ngân, ngay từ khi mới bước chân vào nghề làm mẫu vẽ khỏa thân, chị đã chịu nhiều áp lực từ dư luận, vì rõ ràng gần 30 nãm trước, đây là một nghề chưa được nhiều người lựa chọn và cũng chưa được coi là một nghề. Cái nghề “lột quần áo” ra trước mặt bao nhiêu người như thế này, không phải là lựa chọn của các cô gái và dĩ nhiên, cũng sẽ bị kỳ thị ở một khía cạnh nào đó.
Khi được hỏi về trường hợp nữ người mẫu tố bị họa sĩ hiếp dâm, chị Ngân cười bảo, thực tế là có những câu chuyện tình cảm xảy ra giữa người mẫu và họa sĩ. Vì rõ ràng, khi làm nghề người mẫu khỏa thân có nghĩa là người mẫu sẽ chấp nhận có những nguy cơ tiềm ẩn, sẽ có những câu chuyện xảy ra ngoài giá vẽ.
Một người phụ nữ khỏa thân trước mặt một người đàn ông, thật khó để nói trước điều gì. Trước cái đẹp, không có sự rung động hẳn là các họa sĩ sẽ không thể cầm cọ và ngược lại, người mẫu cũng cần hợp tác ở mức cao nhất để có thể tạo được cảm hứng cho các họa sĩ. Tuy nhiên, rung động và hợp tác ở mức độ nào lại là câu chuyện khác.
Họa sĩ sẽ tôn trọng người mẫu của mình nếu họ có một giới hạn nhất định và ngược lại, người mẫu cũng sẽ có được sự tôn trọng đó nếu chỉ làm đúng phần việc của mình và sẽ có những thông điệp để họa sĩ hiểu và biết điểm dừng. Thế hệ của chi Ngân và những người làm mẫu vẽ tại trường Mỹ thuật Việt Nam, họ là nguyên mẫu của những bức tranh bán vài nghìn đô nhưng thực tế, họ chỉ chấp nhận việc mình là mẫu vẽ, một người lặng lẽ đằng sau và chắp cánh cho các họa sĩ.
Chính vì thế, dù bức tranh giá vài nghìn USD, song các chị cũng chỉ được trả 5-6 chục nghìn VNĐ (ở thời điểm ngày xưa), 200 nghìn VNĐ (ở thời điểm bây giờ) cho một buổi làm mẫu vẽ.
Vậy có hay không câu chuyện người mẫu bị xâm hại hoặc bị “gạ tình” đằng sau mỗi bức tranh? Theo chị Ngân, là có, nhưng ở mức độ nào và thái độ ra sao? Trước hết là thời nay, các bạn trẻ có nhiều tham vọng, họ muốn nổi tiếng, họ muốn có thật nhiều tiền, nhưng con đường đi nhanh thì sẽ vấp phải những “ổ gà” và có lẽ vì thế, họ cũng gặp phải rất nhiều họa sĩ “hầm hố” muốn lợi dụng người mẫu để đạt được mục đích tầm thường của mình.
Với mục đích này thì sẽ thực sự khó tránh và sau khi bị xâm hại thì lại lên tiếng đấu tranh để bảo vệ cái gọi là “quyền lợi và danh dự” của bản thân mình. Bởi vì, theo kinh nghiệm của chị, các họa sĩ chân chính, họ sẽ chỉ có cảm xúc khi được sự cho phép của đối phương. Bản thân chị thời trẻ đã có một mối tình sâu sắc với một họa sĩ nổi tiếng sau khi làm mẫu vẽ cho anh.
Mối tình ấy kéo dài hơn một năm và để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc đời chị. Sau này, vì nghề nghiệp của mình, chị Ngân quyết định sẽ sống độc thân để yên tâm làm nghề và không gặp phải bất cứ một định kiến hay sự soi mói nào từ gia đình và xã hội.
Ủng hộ việc lên tiếng
Nguyễn Hiếu, nữ nhiếp ảnh trẻ tuổi và hiện chị đang theo học hội họa tại một trung tâm nghệ thuật, người cũng đã nhiều lần được mời làm mẫu nude và cũng đã nhiều lần vẽ mẫu nude, chia sẻ: chị là con gái còn cảm thấy rung cảm trước nét nữ tính, những xúc động rất thuần nghệ thuật trước mẫu nude, thì nam nghệ sĩ cũng có nhiều rung cảm khác là điều dễ hiểu.
Người mẫu chính là tư liệu quan trọng và nguồn cảm hứng bất tận xuyên suốt chiều dài lịch sử của nghệ thuật nhân loại. Để làm một người mẫu nghệ thuật chân chính, trước hết họ cần phải tôn trọng bản thân, tôn trọng nghệ sĩ, tôn trọng công việc của mình. Với thái độ tôn trọng, họ sẽ hiểu việc họ đang làm là cho ai và vì điều gì, để đi đến giá trị gì.
Sự việc người mẫu tố họa sĩ hiếp dâm gây xôn xao. |
Mỗi người mẫu khỏa thân bước chân vào con đường làm mẫu nghệ thuật đều có những câu chuyện rất riêng và có lẽ là đều thú vị cả, theo những gì Hiếu cảm nhận từ các mẫu mà chị đã trò chuyện. Và có lẽ vì người ta đã dám “cởi” ra với mình, tức là họ đã phần nào tin tưởng và mở lòng. Tất nhiên khi đã dám cởi là đã “nhón chân” vào “lùm xùm” rồi. Chuyện “lùm xùm” thực ra luôn luôn xảy ra đối với người mẫu, đặc biệt là mẫu nude vì xã hội có hàng tá thứ định kiến nói chung.
Thường thì chuyện mẫu vẽ và các nghệ sĩ tự họ sẽ giải quyết cùng nhau trong mức độ riêng tư, còn khi đã lên đến truyền thông tố cáo thì có nghĩa là việc đã đi quá đà, quá giới hạn. Việc họa sĩ lợi dụng, xâm hại mẫu vẽ là điều không thể chấp nhận được. Nên việc lên tiếng để bảo vệ bản thân và danh dự của mình là điều cần thiết phải làm trước mắt.
Họa sĩ Ngô Tuấn Anh. |
“Hotgirl” Nga “Tây”, người từng gây sốt với nhiều bộ ảnh body painting khi được hỏi, chị cho rằng, hành vi họa sĩ hiếp dâm người mẫu nữ là hành vi đồi bại, lệch lạc... đáng lên án. Qua những câu chuyện ồn ào gần đây, chị không thể chấp nhận được hành vi của nhiều đối tượng lợi dụng môi trường nghệ thuật để làm những chuyện đồi bại.
Cần phải lên án một cách mạnh mẽ, thậm chí tẩy chay hoặc xử lý mạnh tay theo quy định của pháp luật. Những hành vi này làm ảnh hưởng rất lớn đến giới body painting nói riêng và giới hội họa nói chung...
Không thể lẫn cảm xúc với bản năng
Thực tế cho thấy, những người hành nghề người mẫu khỏa thân chưa có một chính sách cụ thể nào hoặc một hành lang chuẩn nào để hành nghề, bảo vệ bản thân trước những hành vi của xã hội đối với mình. Bản thân họ cũng có một đời sống khá bấp bênh nên sự yêu nghề, hy sinh cho nghề cũng đã là sự dấn thân.
Chị Ngân chia sẻ, có lẽ bên ngoài xã hội nhiều người nghĩ rằng, làm nghề mẫu vẽ nude sẽ có thu nhập khá hoặc nghĩ rằng, tiền có được từ những nguồn khác nhau nào đó. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Mẫu vẽ sống thực sự là nghèo so với xã hội và cần những chính sách hỗ trợ, bảo vệ, trợ cấp cho nghề mẫu nude nếu có thể. 3 tháng hè chị thất nghiệp ở nhà và không có nguồn thu nhập nào khác.
Chị Nguyễn Hiếu. |
Những người như các chị khác hẳn những người mẫu khỏa thân thời đại mới, vì họ sống khép kín và thường lui vào phía sau với tư duy ẩn dật, nép mình tránh đám đông. Đã 30 năm làm nghề và nay thì đã già và không có khả năng kiếm thêm nghề khác vì đã quá tuổi, chị hoàn toàn không có tiền tiết kiệm vì đã tháng nào tiêu hết tiền tháng ấy. Hai mẹ con chị sống ở ngõ nhỏ phố Hàng Bông, con phố đắt đỏ nên nhiều khi, chị chỉ dám ăn mấy cái bánh mì qua bữa.
Chị Mai người cũng đã có hơn 20 năm làm mẫu vẽ trong trường Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, chị, chồng và con chị đều làm mẫu vẽ trong trường nhưng ngoài số tiền lương hằng tháng (khoảng 3-4 triệu đồng) thì không có một chế độ gì khác. Không có bảo hiểm, không có hợp đồng làm việc. Ngoài nghề mẫu nude thì thời gian rảnh chị phải làm thêm mới có đủ tiền tiêu cho gia đình. Trong tương lai, nếu già yếu và không còn sức để làm việc thì chị cũng không biết sẽ sống bằng nguồn thu nhập nào.
“Chị Mai” - “Chị Ngân”, tranh của Họa sĩ Tuấn Anh. |
Sự việc người mẫu lên tiếng tố bị họa sĩ hiếp dâm đã khiến cộng đồng có nhiều câu hỏi lớn trong vấn đề hành nghề người mẫu khỏa thân. Họa sĩ Ngô Tuấn Anh đã chia sẻ, thường thì các họa sĩ chuyên nghiệp sẽ không có chuyện hiếp dâm người mẫu. Bởi vì họa sĩ chuyên nghiệp người ta làm việc nghiêm túc để có một tác phẩm hội họa cho công chúng chứ không đơn thuần là chuyện nhục dục. Cảm xúc dành cho người mẫu là điều cần thiết, nhưng một họa sĩ chuyên nghiệp sẽ không lẫn lộn cảm xúc và bản năng nhất thời để đánh mất đi cái tôi, xa hơn nữa là cả sự nghiệp của mình vì những câu chuyện ngoài lề như thế.
Theo họa sĩ Tuấn Anh, điều cần thiết là không để “con sâu làm rầu nồi canh”, từ một trường phái tranh sẽ trở thành một thứ khiến dư luận tẩy chay, nhìn với một cách khác...