Lực lượng Cảnh sát PCCC: Cứu người không toan tính

Thứ Tư, 20/09/2017, 15:45
Xử lý đám cháy, tìm phương án cứu người bị nạn là nhiệm vụ, đồng thời cũng là thử thách liên quan trực tiếp tới tính mạng của người lính cứu hỏa. Không kể những hiểm nguy từ lửa, còn biết bao mối nguy khác rình rập người lính của lực lượng CS PCCC bởi họ còn được giao trọng trách cao cả - cứu nạn, cứu hộ (CNCH) ở những vụ việc không chỉ là cháy.

“Lính thủy đánh bộ”

Nửa đêm một ngày giữa tháng 8-2017, Phòng CNCH (Sở CS PCCC Hà Nội) nhận tin báo có một thanh niên bị nạn khi đang bơi trên hồ Đồng Chữ (Chương Mỹ, Hà Nội). Người dân và các lực lượng tại chỗ đã tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả, cần sự giúp đỡ của lực lượng CNCH chuyên nghiệp. Vào thời điểm trên, Đội CNCH dưới nước của Phòng Cảnh sát CNCH - Sở CS PCCC Hà Nội vừa được thành lập, đã ngay lập tức lên đường làm nhiệm vụ.

Hiện trường là một hồ thủy lợi lớn, chiều ngang rộng như một khúc sông, chiều dài khoảng 300-400m, sâu 5-6m. Nạn nhân là một thanh niên 20 tuổi, chủ một trang trại gà gần đó. Bình thường, nạn nhân là người bơi lội rất giỏi, thỉnh thoảng lại bơi qua hồ sang chơi với bạn rồi bơi về. Chiều tối cùng ngày, khi bơi về trang trại, đến giữa hồ thì nạn nhân đột nhiên chới với rồi mất tích. Sau khi phát hiện, người dân đã tổ chức mò tìm nhưng không có kết quả nên trình báo cơ quan chức năng.

Càng về đêm, nước càng lạnh. Các chiến sĩ sử dụng quần áo lặn, thiết bị thở, triển khai đội hình lặn tìm kiếm nạn nhân. Dùng dây làm định vị, lần lượt các chiến sĩ nối nhau lặn xuống đáy hồ, nơi chỉ có những lớp bùn và rong rêu đặc quánh, mò tìm nạn nhân. Gần 5 tiếng đồng hồ ròng rã lặn, quét khắp hồ, cuối cùng lực lượng CNCH cũng tìm thấy thi thể nạn nhân ở một góc cuối hồ. Do các hoạt động tìm kiếm trước đó của người dân sử dụng sào, lưới quét nên đã làm xáo trộn hiện trường khiến xác nạn nhân bị trôi dạt, cách xa vị trí phát hiện ban đầu hàng trăm mét.

Hoàn thành nhiệm vụ, cả đội ai cũng thấm mệt. Cơ thể tím tái vì lạnh. Người dân mang thức ăn, nước uống ra bồi dưỡng cho các chiến sĩ lấy lại sức. Vừa mệt, vừa đói, vừa rét, nhưng mọi người chỉ uống nước rồi lặng lẽ lên đường. Rút ngắn thời gian tìm được nạn nhân là thành tích nhưng trên gương mặt các chiến sĩ đều lộ rõ nỗi buồn.

Hiện trường một vụ cứu hộ cứu nạn.

Cho dù ngay từ khi lực lượng cứu hộ nhận được tin đã biết việc đi cứu người của họ, thực tế là đi tìm xác. Nhưng vẫn không tránh khỏi tâm trạng nặng nề bởi mọi nỗ lực, vất vả của cả tập thể  cũng không thể mang lại sự sống cho nạn nhân. Đó chính là lúc những người lính CNCH cảm thấy bất lực nhất.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống CNCH dưới nước mà lực lượng CNCH của Sở CS PCCC Hà Nội đã trải qua. Thành lập từ ngày 21-7-2017 với quân số bước đầu gồm 16 CBCS, Đội CNCH dưới nước (Phòng CNCH) được mệnh danh là đội “thủy quân lục chiến”, bởi trước khi được huấn luyện chuyên môn CNCH dưới nước thì bản thân mỗi người lính trong Đội đã là một lính CNCH trên cạn chuyên nghiệp. Nghĩa là khi có sự cố, dù trên cạn hay dưới nước thì đây sẽ là những người lính tinh nhuệ nhất.

Vì sự tinh nhuệ này nên việc tuyển chọn CBCS vào Đội CNCH dưới nước cũng hết sức kỹ lưỡng. Do môi trường CNCH dưới nước đặc biệt, khác với trên cạn nên ngoài thể lực tốt, những chiến sĩ CNCH dưới nước đòi hỏi có độ bền và đặc biệt, sự gan dạ, dũng cảm, khả năng ứng phó độc lập là rất cần thiết. Thiếu tá Vũ Trọng Sang, Phó trưởng Phòng CNCH phân tích, nếu như ở trên cạn, người lính CNCH còn có thể bao quát hiện trường, nhưng khi xuống nước rồi thì cho dù trời sáng hay trời tối cũng như nhau.

Cái khó của môi trường nước ngọt như sông, hồ... là không thể quan sát được xung quanh. Do đó, độ nguy hiểm càng tăng cao so với trên cạn. Ở dưới nước đòi hỏi người lính cứu hộ phải độc lập tác chiến. Trường hợp gặp nguy hiểm, rất khó để những người lặn cùng có thể quan sát thấy mà ứng cứu.

Khi xuống nước, những người lính cứu hộ phải dùng dây để định hướng đi và về. Chỉ cần một sơ suất nhỏ tuột tay khỏi dây, có thể đã bị trôi đi hàng chục mét. Lúc đó buộc chỉ huy trên bờ phải căn cứ vào tăm để tổ chức người xuống tìm đưa ngay lên bờ. Ở dưới nước, chỉ cần chậm trễ vài chục giây thôi có thể sẽ đánh đổi bằng cả mạng sống.

Chỉ sơ qua vài tình huống như vậy để thấy rằng CNCH dưới nước là công việc nguy hiểm vô cùng. Nếu như không có sức khỏe, có lòng quả cảm, gan dạ, bất chấp hiểm nguy thì khó có thể tồn tại và hết lòng với nghề nghiệp.

Sẵn sàng lao vào nguy hiểm

Thiếu úy Lê Văn Biển, 23 tuổi, là người trẻ nhất Đội CNCH dưới nước. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trung cấp CS PCCC, Lê Văn Biển về công tác tại Phòng CNCH. Thử thách đầu tiên và cũng ấn tượng nhất mà chàng trai trẻ bước vào nghề là chữa cháy và cứu hộ trong vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, khiến 13 người tử vong.

Nhiệm vụ của Biển là lên nóc nhà cùng mọi người phá mái tôn thoát khói, sau đó dùng lăng dập lửa. Do địa hình đám cháy là những ngôi nhà cao tầng liền kề, mặt trước quán karaoke lại bị bịt bởi khung biển quảng cáo nên để đưa được lăng vào chữa cháy, Biển và đồng đội phải đu dây từ trên mái xuống, phá cửa sổ vào các tầng. Cùng với việc chữa cháy thì nhiệm vụ cấp thiết của lính cứu hộ là tìm kiếm các nạn nhân.

Nụ cười của những người lính sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu giúp người khác.

“Nóng như tuột da, chỉ muốn chạy ra ngoài để đỡ nóng và hít thở cho đỡ tức ngực nhưng khi nghe thông tin có nhiều người bị kẹt trong đám cháy, em và mọi người lại cố gắng đi sâu vào trong, đi từ tầng 10 xuống tầng 2, lật từng ngóc ngách để tìm kiếm người bị nạn. Nhưng buồn là không có nạn nhân nào may mắn...” - Biển chùng giọng, một thoáng buồn trên khuôn mặt người lính trẻ.

“Bố mẹ có biết công việc nguy hiểm của em không?” - tôi hỏi Biển. Chàng trai trẻ cười hiền: “Chắc không biết đâu chị ạ. Vì em không bao giờ kể cho bố mẹ biết công việc cụ thể, sợ mọi người lo lắng. Bố mẹ chỉ biết em là lính cứu hỏa thôi”.

Ngay cả khi được lựa chọn vào Đội CNCH dưới nước, Biển cũng không cho bố mẹ biết. Cho đến hôm đi cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân đuối nước ở hồ Đồng Chữ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, do gần nhà nên Biển xin phép lãnh đạo đơn vị được về qua nhà nghỉ ngơi. 4h sáng, nghe tiếng gọi cửa, mẹ Biển hốt hoảng khi thấy cậu con trai người ướt sũng đang đứng run cầm cập trước nhà.

“Em bảo mẹ lấy giúp tờ báo đốt lửa cho đỡ lạnh, lúc đó mẹ mới biết em vừa đi vớt xác người chết đuối. Mẹ bảo sao lính cứu hỏa lại phải xuống nước?” - Biển cười hồn hậu khi kể lại chuyện cũ.

“Cứng tuổi” nhất trong Đội CNCH dưới nước là Trung úy Đinh Văn Quang. 32 tuổi, “chưa mảnh tình vắt vai”, trong tất cả các vụ CNCH, anh luôn là người có mặt ở những vị trí nguy hiểm nhất. Mới đầu gặp Quang, tôi có phần thắc mắc vì so với đội hình đa phần là những chàng trai to cao, Trung úy Quang có phần nhỏ con.

Thế nhưng theo Thiếu tá Vũ Ngọc Sang, Phó trưởng Phòng CNCH thì đối với lực lượng cứu hộ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thể lực, sức bền và kỹ thuật. Hơn nữa, thực tế có vô vàn tình huống cứu hộ cứu nạn xảy ra. Có không ít vụ việc mà địa hình nhỏ hẹp, chỉ những người như Trung úy Quang mới có thể tiếp cận.  

Điển hình như vụ cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập nhà ở 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình), để tìm kiếm các nạn nhân trong căn nhà đổ sập, lực lượng CNCH phải dựng tạm giàn chống sập đổ. Trong điều kiện hiện trường đổ nát chật chội như vậy, chỉ những người lính cứu hộ thể hình nhỏ mới có thể lách sâu vào trong và chui dưới giàn chống sập để đào bới, lật từng viên gạch tìm kiếm các nạn nhân.

Một tổ lính cứu hộ, trong đó có Trung úy Quang được phân công dùng các thiết bị chuyên dụng như camera dò tìm, kích chống đỡ, chui sâu vào phần giữa của 2 sàn nhà sập đổ để đưa các nạn nhân còn sống ra ngoài. Giữa đống đổ nát chồng chồng lớp lớp, các chiến sĩ phải lựa từng động tác, vừa đào bới, vừa chống đỡ, tạo một “hầm ếch” lấy chỗ để chui vào tìm kiếm nạn nhân.

Sau 8 giờ chiến đấu liên tục và căng thẳng bởi dầm nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào, Trung úy Quang và đồng đội gần như không nghỉ, thay phiên nhau làm việc, chạy đua với thời gian để giải cứu thành công 6 nạn nhân, giành giật sự sống cho họ từ tay tử thần. 

Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong các vụ CNCH, song theo Trung úy Đinh Văn Quang thì đối với công việc của lính cứu hỏa nói chung, những người lính CNCH nói riêng, lúc nào cũng phải xác định rủi ro có thể xảy ra. Việc lao vào đám cháy là họ đã chấp nhận và sẵn sàng đối diện với hiểm nguy. Không kể nguy hiểm từ lửa, áp lực khói, khí độc trong đám cháy, những ngôi nhà xi măng cốt thép có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Như trường hợp của Đại úy Phạm Phi Long và đồng đội. Khi anh cùng đồng đội tiếp cận điểm cháy, bất ngờ cả sàn tầng một đã đổ sập xuống khiến Đại úy Long hi sinh và 2 chiến sĩ bị thương.

Nhắc đến sự hi sinh của người đồng đội tại TP HCM, Trung úy Đinh Văn Quang bảo khi nhận tin, những người lính chữa cháy - CNCH Thủ đô đều bàng hoàng. Đứng trước một vụ cháy, hay thực thi nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, không ai có thể nói trước điều gì. Đô thị ngày càng phát triển hiện đại, đồng nghĩa với tiềm ẩm những nguy cơ về cháy nổ, về những tai nạn có xu hướng gia tăng và khó lường.

Thực tế đi chữa cháy, anh em bị đứt tay đứt chân do kính vỡ, bị thương vì mái nhà bất ngờ sụp xuống là điều đã xảy ra. Hay như thời gian gần đây, thường xảy cháy do hàn xì tại các công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện. Có vụ cháy dưới tầng hầm, khói mù mịt không có dưỡng khí. Có người lính cứu hỏa vào sâu tìm kiếm nạn nhân đã không đủ dưỡng khí để trở ra. May mà đồng đội kịp thời phát hiện. Nhưng không phải vì thế mà chùn bước.

Trái lại, một khi đã xác định nguy hiểm luôn rình rập thì đòi hỏi những người lính cần cẩn trọng hơn trong công việc và thường xuyên tập luyện hằng ngày để rèn luyện bản lĩnh, ý chí. Tập luyện thường xuyên để quen với môi trường và các tình huống có thể xảy ra. Bởi đối với công tác cứu hộ cứu nạn thì thời gian là một áp lực.

Buổi tập luyện của lính CNCH dưới nước thuộc lực lượng CS PCCC Thủ đô.

Trung úy Quang tâm sự rất thật rằng, nếu nói để tự nguyện thì chắc khó có người xung phong về lực lượng CNCH. Bản thân anh ban đầu cũng vậy. Nhưng khi vào nghề rồi, càng ngày Quang càng đam mê và tự hào với công việc hơn bởi CNCH giống như một việc làm từ thiện. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm bởi đã giúp đỡ được mọi người. Những người lính chữa cháy - CNCH thường tự động viên nhau rằng, công việc của các anh là tích phúc tích đức cho đời sau.

Trên chuyến xe của những người lính cứu hỏa - CNCH trở về sau một buổi tập luyện, tôi đặt câu hỏi với những khuôn mặt trẻ măng rằng vì sao họ lại lựa chọn công việc nguy hiểm này? Không do dự, các chiến sĩ trả lời rằng họ đến với nghề như một cơ duyên. Có người trưởng thành từ lính nghĩa vụ, có người được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, chuyên ngành PCCC và CNCH. Có người nối nghiệp cha anh. Cũng không ít lính trẻ xuất thân chỉ là con em nông dân.

Cho dù xuất phát điểm có khác nhau, nhưng tôi nhận ra rằng, những người lính CS PCCC - CNCH đều có điểm chung ở nụ cười hồn nhiên, vô tư. Nụ cười ấy, tôi đã bắt gặp nhiều lần, sau những giờ tập luyện căng thẳng, phút nghỉ ngơi chia nhau từng chai nước, từng mẩu bánh mì ngay tại hiện trường các vụ cháy. Nụ cười sáng bừng trên những gương mặt lấm lem khói bụi. Nụ cười thánh thiện của những người trẻ tuổi không hề toan tính khi sẵn sàng lao vào chỗ hiểm nguy để cứu giúp người khác.

Hương Vũ - Minh Trí
.
.