Lược thơm bồ kết tóc mây

Chủ Nhật, 05/04/2020, 09:50
Trên đường về làng làm lược sừng Thụy Ứng (Thường Tín, Hà Nội) tôi cứ xao xuyến với hình ảnh những cô gái làng chải tóc gội đầu bên giếng. Cô nào cũng có chiếc lược hình múi bưởi xinh xinh.

Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của cố thi sĩ Nguyễn Bính viết về cầu Tràng Tiền (Huế) rằng: “Cầu cong như chiếc lược ngà. Sông dài mái tóc cung nga buông hờ”. Đường làng Thụy Ứng đúng như mái tóc đang hong trong nắng vàng ươm. Hương bồ kết thoang thoảng bay từ ngõ xóm.

“Rẽ ngôi nàng chải thướt tha tóc bồng”

Ngày nay có tới cả chục loại lược trong quy trình làm đẹp mái tóc tại các trung tâm thẩm mỹ thời trang. Trong số đó có cả những loại lược theo công nghệ 3D để chải tóc uốn bồng theo yêu cầu. Với sinh hoạt hằng ngày, gia đình nào cũng không thể thiếu những chiếc lược nhỏ để dùng cho mỗi người. Đó là những chiếc lược sừng hoặc bằng nhựa cao cấp với nhiều kiểu dáng khác nhau.

Nhưng, có lẽ chiếc lược bằng sừng thường được các cô các bà ưa dùng bởi nó còn có tác dụng massage trị bệnh đau đầu. Chất liệu sừng trâu hoặc ngà voi chứa những chất khoáng cân bằng điện sinh vật mỗi khi ma sát. Ấy là kinh nghiệm dân gian khá bất ngờ mà các nghệ nhân ở làng cho biết.

Đình thờ tổ nghề lược sừng.

Xưa còn có một làng ở Hưng Yên chuyện làm lược bí bằng gỗ và tre để chải chấy nhưng nay đã không còn. Hiện nay ở miền Bắc và miền Trung chỉ còn làng Thụy Ứng làm lược sừng. Nghe nói ở Quảng Ngãi cũng có một làng làm lược sừng chính do người họ Trần làng Thụy Ứng vào lập nghiệp truyền nghề. Hơn nữa, làng nghề làm đồ sừng ở Thụy Ứng đã có hơn 400 năm theo gia phả trong nhà thờ tổ nghề ghi lại. Từ xa xưa dân gian đã lưu truyền: “Lược sừng Thụy Ứng chàng ơi. Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua”.

Thuở 36 phố phường trong kinh thành Thăng Long đã hiện diện những chiếc lược của làng Thụy Ứng trên phố Hàng Lược. Đây là con phố xinh xắn và gọn gàng tiếp nối phố Lương Văn Can luôn luôn rực rỡ mỗi độ xuân về. Phố Hàng Lược đã thành phố hoa đào và bán hàng tết gần chợ Đồng Xuân. Đó là con phố lưu dấu hình ảnh của làng nghệ Thụy Ứng hàng trăm năm qua.

Có một thuở thi sĩ Huỳnh Hữu Vô đã qua đây và ghi dấu lại những câu thơ rất lãng mạn: “Cây lược em cài trên tóc. Thắm vàng lá đẫm thu phai. Sương xưa chút hồn thơ đọng. Có nghe thềm nhớ trăng đầy”.

Ngày nay, làng nghề Thụy Ứng đã làm thêm các mặt hàng mỹ nghệ sừng khác như muôi, thìa, dĩa, khay, bát... Đặc biệt là các đồ trang sức và đồ thờ cùng những tượng rồng, cây đèn, vòng đeo tay và dây đeo cổ rất thu hút thị trường. Nhưng, mặt hàng lược sừng vẫn là chủ đạo và được cung cấp trên toàn quốc.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử.

Dọc đường làng, cửa hàng nào cũng có nhiều chủng sản phẩm bày bán. Riêng lược có hàng chục mẫu mã được trang trí khá sinh động. Người làm nghề ở đây luôn tự hào về sản phẩm của mình. Đi tới đâu họ cũng bắt gặp những chiếc lược của làng bày trên các cửa hàng. Những câu ca của làng vẫn văng vẳng đâu đây trên khắp phố phường: “Lược sừng Thụy Ứng đây mà. Rẽ ngôi nàng chải thướt tha tóc bồng”.

Hình ảnh chiếc lược của Thụy Ứng đã gắn bó với mọi gia đình. Đúng là chiếc lược đã làm nên “Mái tóc là góc con người”. Nó đã trở thành bảo vật của làng với danh xưng “Đệ nhất Thăng Long nghề” từ thời Lê Trung Tông, niên hiệu Bình Thuận (1548-1556). Những ký ức hàng trăm năm qua được ghi dấu tại đền thờ tổ nghề với hình ảnh chiếc lược giản dị và đơn sơ cùng với mái tóc quê hương.

Chiếc lược gắn bó với bao gia đình và hạnh phúc lứa đôi. Những câu thơ cổ được truyền trong làng đã gắn bó với hình ảnh quê hương: “Hỡi cô yếm thắm kiêu sa. Lại đây anh gửi lược ngà cùng gương”.

Cầm lược thì nhớ tới gương

Tôi lần mò hỏi đến hội làng nghề thì người ta giới thiệu tôi đến gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Sử ở gần đầu làng. Xưởng thợ làm hàng cũng nằm trong khuôn viên gia đình. Sân ngổn ngang những đống sừng bò châu Phi mới nhập về. Cơ sở sản xuất của gia đình mang tên hai vợ chồng là Mười Sử. Nhìn cơ ngơi rộng hơn một sào đất chất ngất hàng, ông Sử nhớ lại và kể cho tôi một quá khứ vật lộn và trầy trật trong cái nghề lao khổ này.

Ông nói gần ba mươi năm qua vợ chồng ông đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Hồi đó khó khăn lắm. Khi ấy Nhà nước cấm khai thác và mua sừng trâu bò vì ảnh hưởng tới sức kéo nông nghiệp. Còn riêng về ngà voi hay linh dương lại vi phạm luật bảo vệ động vật quý hiếm. Nếu mắc phải dễ đi tù như chơi. Nghề làm lược sừng đâu có dễ. Mua được ít sừng trâu thì dấm dúi bí mật đi đêm mới mang được về nhà. Sau đó còn âm thầm trong phòng tối chế tác sừng thành những lá mỏng để làm lược.

Các nghệ nhân hoàn chỉnh sản phẩm.
Góc phân xưởng chế tác sừng.

Ngày ngày lao động vất vả với chất độc hại vì phải nướng sừng rồi ép mỏng từng đoạn. Sau đó mới cưa, cắt, xẻ, mài răng lược. Tất cả các công đoạn đều phải làm bằng tay. Việc cuối cùng là tìm thị trường tiêu thụ. Đó lại là những ngày tháng lang thang khắp nơi bán hàng lẻ hay giao hàng ký gửi. Ngày ngày tháng tháng hai vợ chồng lầm lũi gìn giữ lấy nghề của ông cha truyền lại. Đôi bàn tay ông đã mòn vẹt theo năm tháng với những hiểm nguy và đói khát khi phải đi hàng trăm cây số để tìm mua sừng trâu bò của những người dân tộc trong những đêm mổ trâu mổ bò sau lễ hội. Những ký ức đó không bao giờ phai mờ theo năm tháng.

Sau này thị trường phát triển. Nền kinh tế mới được hòa nhập. Cùng với đó là máy cơ khí tự động được du nhập. Đặc biệt nguồn sừng trâu bò và voi được mua ở Ấn Độ, châu Phi và các nước trên thế giới đã trở nên dồi dào phong phú. Nghề làm lược sừng và các đồ mỹ nghệ sừng bùng phát nhanh chóng. Thụy Ứng trở nên trung tâm cung cấp các mặt hàng sừng mỹ nghệ lớn nhất Thủ đô.

Cơ sở Mười Sử phát triển thành một tổ hợp sản xuất dây chuyền trong tất cả các khâu. Những đơn hàng từ khắp nơi gửi về. Trong đó không ít công ty nước ngoài đã làm hợp đồng mua hàng tấn hàng mỹ nghệ sừng để cấp cho các đại lý. Riêng cơ sở Mười Sử còn có cửa hàng đầu tiên trên trung tâm Plaza để làm cơ sở giao lưu và tiếp thị hàng với các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc.

Nay, người làng còn ví ông là một “đại gia” Sử với sự nghiệp khôi phục và dựng lại làng nghề sau khi đi nghĩa vụ trở về (1979-1983). Chiếc lược sừng ông đã mang theo trên chiến hào trở về như lời thôi thúc tình yêu với nghề nghiệp của ông cha để lại. Chiếc lược như kỷ vật thiêng liêng với quê hương trong câu thơ mà ông luôn nhắc nhở cho con cháu ghi nhớ: “Cầm lược thì nhớ tới gương. Cầm khăn nhớ túi đi đường nhớ nhau”. Nghĩa là không bao giờ rời xa nghề tổ. Hay đứng lên từ đất quê hương. Chính vì thế mà nay các con ông đều ở lại quê làm nghề chế tác mỹ nghệ sừng và làm lược với gia đình.

Khi được ông dẫn đi tham quan xưởng làm lược, tôi mới hay mọi công đoạn kỹ thuật đều được theo dây truyền và tự động hóa. Nhưng, ông cho biết việc xẻ răng lược, mài nhẵn và trang trí vẫn phải trông cậy vào bàn tay tài hoa của người thợ. Cái hồn cốt của chiếc lược vẫn nằm ở trái tim rung động và say mê với cái đẹp. Chính vì thế, mỗi cái lược lại có độ mềm mại riêng, thể hiện nét hoa văn tinh tế và độ ấm áp của một tâm hồn nghệ sĩ.

Còn đó những nỗi niềm

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử dẫn tôi đi vòng quanh làng để xem màu sắc thị trường nay đã đổi mới sau ba mươi năm ra sao. Một nhịp điệu mới trong công nghệ 4.0 đang hình thành. Những mẫu mã mới được thiết kế khá thuận lợi cho đời sống tiêu dùng hiện đại. Nhưng, phía sau sự khởi phát mạnh dạn ấy còn những điều trăn trở mà chính những người lao động sản xuất phải đương đầu. Nghệ nhân cho biết, để tạo dựng thương hiệu cho làng nghề không hề đơn giản.

Đây là hình ảnh tiêu biểu cho làng nghề chưa được các cấp chính quyền quan tâm. Trong khi đó tổ chức hội làng nghề còn lúng túng và chưa định hình hoạt động rõ nét. Bên cạnh đó còn vấn đề môi trường cũng là câu chuyện khá nan giải cho làng ngh. Việc chế biến sừng, ngà, móng với những công đoạn nướng hay luộc và ép sừng đã ảnh hưởng tới sức khỏe mà những người thợ vẫn canh cánh lo toan.

Đó là một hệ lụy kéo dài bấy lâu nay. Sau đó còn là việc xả thải nước và dung dịch trong quá trình chế tác. Nhiều cơ sở đã lo toan và thu xếp giữ gìn an toàn cho môi trường nhưng vẫn còn chưa đồng bộ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử ước mong Thụy Ứng xây dựng được một nếp văn hóa làng nghề. Có sự chung tay góp sức và liên kết kinh doanh cùng nhau khắc phục những nguồn gây ô nhiễm đất và nước của làng xã.

Đó là những nỗi niềm xao xuyến trong lòng nghệ nhân. Ông mong làng nghề của mình khôi phục lại con đường và những phố hàng đông vui một thuở trong kinh thành Thăng Long xưa. Nhưng, vẫn giữ được cái thanh lịch tinh tươm sạch sẽ mà các cụ xưa đã truyền lại.

Vương Tâm
.
.