Mái ấm kỳ lạ của bà giáo già

Thứ Tư, 14/09/2016, 15:45
Chủ nhiệm Mái ấm Camelo - nơi nuôi dưỡng nhiều cụ già đơn chiếc không nơi nương tựa là bà giáo già Trần Thị Kính. Năm 1993, thương những cụ già tứ cố vô thân sống lay lắt nơi đầu đường xó chợ với nhiều bệnh tật, lở loét, bà Kính đã đưa một số cụ về chăm lo như thể họ là đấng sinh thành của chính mình. Về sau, để có điều kiện tiếp nhận, chăm lo cho các cụ, bà Kính đã bán nhà, bán sạch mọi thứ và mua đất lập Mái ấm!

Mái ấm nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Cao Lỗ, thuộc địa phận phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Vòng vèo qua nhiều con hẻm trong khu dân cư lao động, chúng tôi cũng đến được Mái ấm Camelo (697/485/60 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8), một dãy nhà cấp 4 tươm tất nằm ẩn mình dưới tán cây xanh rì, gió thổi lồng lộng.

Đón khách là những gương mặt người già với nhiều tâm trạng buồn vui lẫn lộn. 100% các cụ ở Mái ấm đều ở tuổi gần đất xa trời, có cụ hơn 90 tuổi. Bác sĩ Trương Thế Dũng (trưởng đoàn y bác sĩ thiện nguyện Niềm Tin), người nhiều lần đến chăm sóc sức khỏe cho các cụ già, hướng mắt chỉ chúng tôi hình ảnh nhói lòng. Ngoài hiên dãy phòng cấp 4 là những chiếc xe lăn nối dài. Bên trong các căn phòng đơn sơ, nhiều cụ già nằm bất động vì những biến chứng của bệnh tật.

“Chuyện bị tai biến dẫn đến liệt bán thân, toàn thân... ở Mái ấm khá phổ biến. Những nguy cơ bệnh tật này càng khiến cuộc sống của các cụ già neo đơn ở Mái ấm thêm phần bi đát” - bác sĩ Dũng trăn trở.

Một góc Mái ấm Camelo.

Mỗi cụ già ở Mái ấm là mỗi số phận đắng cay đến cùng cực, là mỗi một thước phim quay chậm về sóng gió cuộc đời. Để được vào Mái ấm, các cụ phải thỏa điều kiện là không người thân thích, đơn chiếc, sống cùng quẫn, không nơi nương tựa.

Cụ Hồ Thị Quỳnh, sinh năm 1941, là một điển hình buồn đau. Dáng người gầy guộc, èo uột, lục trong trí nhớ già nua qua bao dâu bể, cụ Quỳnh cho biết cụ là người tỉnh Bình Định, cha đi Việt Minh và chết lúc cụ được 9 tuổi, sau đó thì mẹ đi lấy chồng và kể từ đó, cụ rời quê nhà sống lang bạt khắp nơi. Năm 18 tuổi cụ Quỳnh chuyển ra Quảng Ngãi, sinh sống bằng nghề buôn bán hàng chuyến.

Trong một lần đi buôn, cụ Quỳnh bị sốt thương hàn, vì biến chứng của cơn sốt mà cụ bị bại liệt, tứ chi co rút... Và cũng từ đó, đời cụ bầm giập, sống trầy trật trong những dập vùi của người đời. Hơn 10 năm trước, trong một dịp tình cờ, biết được hoàn cảnh của cụ, một vị cha xứ đã giúp đỡ đưa cụ đến Mái ấm Camelo...

“Vào Mái ấm là phước lớn của cuộc đời các cụ, cháu à” - cụ Soài, hơn 80 tuổi, chồng chết, không con, thổ lộ. Vào Mái ấm nghĩa là các cụ có gia đình, có anh chị em, mọi người sống đùm bọc, yêu thương nhau, người mạnh giúp người yếu, người đi lại được chăm sóc người nằm liệt giường. “Thoát cảnh cô đơn chết bờ chết bụi nơi xó chợ đầu đường là vui lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi!”.

Mỗi cụ già ở Mái ấm Camelo là một số phận chất chồng bi kịch. Khi được đưa vào Mái ấm, cuộc đời của các cụ rẽ vào một chương khác ấm êm hơn, đoạn tuyệt những cảnh ăn uống bụi bờ, những lúc đau bệnh phải cắn răng chịu đựng.

Mái ấm Camelo là lâu đài cổ tích yêu thương. Người viết nên câu chuyện cổ tích có thật gần 20 năm qua là cô TrầnThị Kính, một giáo viên về hưu trước ở phường 7, quận 3, sau chuyển về dạy tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), về hưu cách đây hơn 10 năm.

“Gần 20 năm qua, cô Kính đã tiếp nhận, chăm dưỡng cho hơn 100 cụ già. Chẳng phải tình thân, hoàn toàn xa lạ nhưng cô đối với các cụ như thể là đấng sinh thành của mình. Cô nhịn ăn, nhịn mặc, ngày ngày tất tả ngược xuôi kết nối nhiều tấm lòng đến với Mái ấm, để các cụ già được chăm sóc tốt” - dược sĩ Tuyết Nhung, tình nguyện viên đoàn Niềm Tin thổ lộ.

Cô Kính thoạt nhìn chẳng khác gì các cụ già ở Mái ấm. Dáng đậm, gương mặt khắc khổ nhiều nếp nhăn. Cũng đúng thôi, để duy trì Mái ấm, cô Kính có biết bao điều phải lo, phải trằn trọc, thao thức...

Cô sinh năm 1949, là người Sài Gòn. Bố mẹ mất sớm, từ hồi còn trẻ đã khát khao tình mẫu tử, phụ tử biết nhường nào. Gần 20 năm trước, tình cờ biết được có 2 cụ già neo đơn gặp  nhiều khó khăn, túng quẫn, đau bệnh triền miên không nơi nương tựa, cô đã đưa các cụ về nhà chăm dưỡng. Sau này khi số cụ già đông dần, cô bán căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), tìm đến đây mua đất xây dựng Mái ấm để có điều kiện đón nhiều cụ hơn về ở với mình.

Bà Trần Thị Kính (bìa phải) lúc được các bác sĩ thăm khám.

Nói về mình thì cô Kính kiệm lời nhưng khi đề cập đến các cụ già ở Mái ấm, cô dành cho các cụ tình yêu thương dạt dào. Mỗi cụ ở đây, cô đều nhớ rõ ngày tháng năm sinh, quê quán, hoàn cảnh, ngày vào Mái ấm, tính tình, tình trạng bệnh tật... Nếu không có sự quan tâm, yêu thương sâu nặng, hẳn cô Kính khó có thể nhớ được những điều ấy.

Cô nói: “Các cụ chịu quá nhiều thiệt thòi rồi. Các cụ không có con cái, còn cô lại không còn mẹ cha. Khi quyết định đưa các cụ về Mái ấm, cô chỉ nghĩ đơn giản rằng xem các cụ như cha mẹ và hết lòng chăm lo vì điều đó. Người ta không có cha có mẹ nên ước ao được gọi mẹ gọi cha, còn cô có nhiều cha nhiều mẹ, thật là hạnh phúc quá lớn”.

Bà giáo già trải lòng: “Camelo là tên của một vị thánh giàu tình yêu thương với người nghèo và những số phận cùng khổ”. Cô nhớ lại, lúc mới về đây mua đất, khu vực này là cánh đồng nham nhở, 4 mặt gió thổi lồng lộng, nước ngập lênh láng. Trong tổng số 11 cụ ở với cô, có cụ đã lẳng lặng bỏ đi vì không nỡ thấy cô khổ. Mua được đất thì hết sạch tiền, không có điều kiện để xây dựng, cô tất tả ngược xuôi nhờ sự giúp đỡ.

Một người bạn có đồn điền cao su ở khu vực chợ Sặt (Biên Hòa, Đồng Nai) đã đồng ý cho cô dựng căn nhà lá đưa các cụ lên đó sinh sống. Hằng tuần, cô đi dạy và cứ 2 lần một tuần, cô nhờ người đưa lương thực lên cho các cụ. Ở đó được 1 năm thì bạn lấy lại đất, cô lại vất vả nhờ người khác và được đồng ý cho các cụ tá túc ở một đền thánh. Ở được 4 năm thì cô đưa các cụ về đây.

Những ngày đầu ở Mái ấm Camelo, ai đến cũng thương. Biết nhiệt tình của cô Kính với các cụ già neo đơn, nhiều bạn bè cảm động nhưng vì là nhà giáo với nhau, đồng lương eo hẹp nên mọi người chẳng thể giúp gì nhiều, chỉ giúp sức, giúp công. Các bạn cô đi mua gỗ cũ, tôn cũ rồi cùng nhau cưa xẻ, dựng nên những ngôi nhà sàn cho các cụ ở.

Đến năm 2005, do ảnh hưởng của bão, 1 trong 3 căn bị sụp, những người biết chuyện đến dựng lại nhà. Cũng từ đó ân nhân gần xa biết chuyện đã đến chung tay, góp sức giúp san lấp, xây cất nối dài những căn nhà cấp 4 như bây giờ.

Lúc cao điểm, Mái ấm Camelo có gần 40 cụ già sinh sống. Các cụ đau yếu, nhiều bệnh tật nên để chăm lo cho các cụ, quả là kỳ công. Nhiều tình nguyện viên thường xuyên gắn bó với mái ấm cho biết, khi biết việc làm hiệp nghĩa của bà giáo già Trần Thị Kính, bên cạnh sự cảm kích, cũng có dư luận e ngại cô không đủ sức lo cho các cụ dễ dẫn đến tình trạng bỏ mặc. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.

Chuyện về bà giáo già Trần Thị Kính là như thế. Không còn cha mẹ, cũng chẳng có chồng con, bà dành cuộc đời mình cho các cụ già, bà  chẳng bao giờ kêu gọi quyên góp, đóng góp như người ta, với đồng lương hưu và sự giúp đỡ từ những bạn bè chí cốt, người giúp gạo, người giúp rau xanh, thịt cá, đường sữa... cứ thế bà gồng mình lo cho các cụ theo phương châm khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.

“Đồng lương hưu eo hẹp, một mình cô không thể làm được gì cho các cụ nếu không có sự hiệp sức, san sẻ của nhiều người. Biết việc cô làm, bà con ở thành phố, có cả những người ở tỉnh xa cũng tìm đến ủng hộ nhu yếu phẩm, thuốc men để lo cho các cụ. Lại có những người thường xuyên đến tắm rửa, nấu ăn, tổ chức vui chơi cho các cụ... Họ, những người ấy mới xứng đáng nhận được lời khen. Nếu không có họ, Mái ấm không thể nên hình hài và tồn tại đến hôm nay” - cô Trần Thị Kính bày tỏ.

Hình ảnh cảm động thường thấy ở mái ấm, các cụ khỏe mạnh chăm sóc các cụ ốm đau.

Bên cạnh những sẻ chia sâu lắng ấy, bà giáo già cũng thổ lộ nhiều tâm tình đắng lòng. Cô từng trĩu nặng tâm can trước những hành xử ghẻ lạnh của không ít người con dành cho đấng sinh thành của chính mình: Có những bạn trẻ tìm đến Mái ấm, hỏi thăm nhiều điều về cuộc sống của Mái ấm rồi thổ lộ quyết định cho cha mẹ vào đây vì “nuôi không nổi”. Có người đề nghị “cho gửi” và hằng tháng sẽ gửi trả tiền sòng phẳng... vì bận làm ăn, không có thời gian. Có người thì thổ lộ do “ở với cha mẹ không hợp”!

Trước những đề nghị ấy, cô Kính đều tìm cách chối từ với lý do Mái ấm chỉ nhận những cụ không còn nơi nương tựa. “Có những người con thậm chí chở cha mẹ đến Mái ấm rồi lẳng lặng bỏ đi... Cách đây vài năm, có anh nọ chở mẹ là cụ Tâm đến Mái ấm nhờ gửi rồi chẳng thấy trở lại. Năm 2009, cụ Tâm vì đau bệnh, vì thương nhớ con mà buồn tủi, suy nhược mà qua đời trong một đêm mưa to gió lớn”.

Với cô  Kính, đáng lo nhất  là  tình trạng bệnh tật của các cụ già. Các cụ ở Mái ấm tuổi cao sức yếu, mắc nhiều chứng bệnh nhưng vì không có bảo hiểm y tế nên tốn kém nhiều chi phí trong quá trình chữa trị: “100% các cụ ở Mái ấm đều mắc các chứng bệnh cao huyết áp, tim mạch... Đây là những bệnh đòi hỏi phải có thuốc đặc trị đắt tiền. Nếu không được chữa trị kịp thời, các cụ sẽ khó thoát khỏi nguy cơ bị tai biến dẫn đến liệt bán thân, toàn thân. Ngay cả cô Kính cũng mắc những chứng bệnh ấy” - bác sĩ Thế Dũng, cho biết.

Rời Mái ấm Camelo với gần 30 cụ già ở tuổi gần đất xa trời (trong đó có 14 cụ đựơc chăm dưỡng tại cơ sở 2 của Mái ấm ở tỉnh Long An), nghĩ về bà giáo già Trần Thị Kính nhiều năm qua ôm vào lòng hơn 100 cụ già đơn chiếc, chăm dưỡng họ như đấng sinh thành của chính mình, chúng tôi lòng thầm cảm phục.  Chỉ mong cô Kính và mái ấm cổ tích của mình được nhiều hơn nữa những tấm lòng thơm thảo xa gần đến giúp sức, chung tay!

Nguyễn Thành Dũng
.
.