Mất con, ngay cả khi chúng đang trong nhà

Thứ Năm, 16/05/2019, 07:50
Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã nói như thế khi phân tích nguy cơ con trẻ bị vướng vào cạm bẫy đang giăng đầy trên mạng xã hội.

Trong hơn 100 triệu tài khoản Zalo, 46 triệu người dùng Facebook hiện nay, ai biết có bao nhiêu tài khoản được lập ra chỉ để săn tìm con mồi là những cô cậu "tuổi teen" thiếu kỹ năng giữ mình trong thế giới ảo.

Những lá đơn trình báo con em mất tích vẫn được gửi đến cơ quan Công an hằng ngày, và rất nhiều trong số đó khi được tìm về đều cho biết đã lỡ bước, sa chân theo tiếng gọi của bạn quen trên mạng.

"Xảy nhà, sa địa ngục"

Chưa đầy một tuần, hai người bạn của tôi hớt hải gọi điện báo tin con gái tuổi teen của họ đột ngột bỏ nhà đi đâu không rõ, gia đình đã lục tung các mối quan hệ bạn bè trong lớp, trên mạng, người quen nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Cảm xúc lo sợ, rối bời khiến bạn tôi không biết phải làm gì để tìm được con. Hàng loạt giả thuyết được đặt ra, nhưng đều "chụm" ở nhận định trẻ bỏ nhà theo tiếng gọi từ… trên mạng. Sau khi tìm hiểu sự việc, tôi tư vấn và kết nối để họ trình báo lên cơ quan Công an, đề nghị hỗ trợ truy tìm.

Thượng úy Trịnh Công Anh - Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: "Trẻ rời bỏ ngôi nhà của mình, dù với bất kỳ lý do gì, cũng đều tự đặt mình vào hoàn cảnh hết sức nguy hiểm.

Bộ đội biên phòng tiếp nhận nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài.

Cuộc đời nhiều cạm bẫy, các cháu có thể đối diện với vô vàn các nguy cơ, chịu nhiều bất hạnh, khổ đau, như bị xâm hại tình dục, bị bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bị lừa bán vào các động mại dâm, đưa ra nước ngoài cho mục đích hôn nhân cưỡng bức, lao động khổ sai và các hoạt động vô nhân đạo khác. Thậm chí là chúng có thể bị khai thác mô, tạng vì mục đích thương mại. Khi tìm được trẻ, thì chúng có thể đã trở thành nạn nhân của một loại tội phạm nào đó.

Phổ biến nhất là trẻ đã bị xâm hại về tình dục như bị hiếp dâm, cưỡng dâm, một số cháu bị rủ rê sử dụng ma túy. Cũng có nhiều cháu sau khi bỏ nhà, tụ tập sống "bầy đàn" cùng các nhóm thanh thiếu niên hư và bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật như cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sa vào vòng lao lý".

Một vụ điển hình từ việc bị "câu kéo" ra khỏi nhà của các nữ sinh tuổi "teen", là trường hợp cháu Tẩn Thị M. (SN 2004), là con gái ông Tẩn Láo Ú (ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai).

Một ngày trong tháng 6 năm ngoái, ông Ú tới Đồn Biên phòng Bát Xát (Lào Cai) trình báo về việc cháu M. bị một số đối tượng lừa đưa sang Trung Quốc. Sau khi kiểm tra thông tin, đơn vị này đã phối hợp với Công an Biên phòng Trung Quốc lập kế hoạch và giải cứu thành công, đưa nạn nhân Tẩn Thị M. trở về nước.

Nguyên nhân sự việc được làm sáng tỏ sau đó. Quá trình sử dụng mạng xã hội Facebook, có một nick tên Giàng Văn Thắng (trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) vào kết bạn, làm quen.

Sau một thời gian kết thân, Thắng rủ M. lên TP Lào Cai mua sắm, ăn uống, rồi rủ sang Trung Quốc chơi. M. không ngờ đó là cái "bẫy" mà Thắng đã giăng sẵn. Ngay khi đến Trung Quốc, Thắng bố trí người đón M. rồi chở đi thẳng vào "động" mại dâm.

Một hôm, nhân cơ hội chúng lơ là, mất cảnh giác, M. đã trốn chạy, nhưng chưa kịp thoát thân thì bị chủ chứa gái mại dâm là Trịnh Thị Thu Huyền, quê ở tỉnh Yên Bái gọi người bắt lại. M tiếp tục bị bán vào "động" mại dâm khác. Nhẫn nhục chờ đợi thời cơ, lần này M lại trốn chạy và rất may gặp được một số người Việt Nam làm ăn buôn bán bên Trung Quốc để nhờ báo tin về gia đình. Từ đơn tố cáo của cháu M., các đối tượng Giàng Văn Thắng và Trịnh Thị Thu Huyền đã bị bắt giữ.

Theo ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người là làm quen và tiếp cận với nạn nhân hiện nay thường thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh, thay vì trực tiếp gặp gỡ như trước đây.

Ở một số nơi, các đối tượng phạm tội đã tìm đến các phiên chợ vùng cao, cổng trường học, nhất là trường dân tộc nội trú khu vực biên giới, để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh, xin số điện thoại, kết bạn qua mạng xã hội, tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê đi chơi, đi làm thuê thu nhập cao, sau đó lừa các em gái đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke… để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi, hoặc móc nối với đối tượng người nước ngoài đưa nạn nhân qua biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.

Ngoài ra, tại một số nơi các đối tượng giả danh lực lượng chức năng (dùng tên, hình ảnh đại diện giả mạo) để làm quen, kết bạn, rồi tiếp cận lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân hoặc lừa bán nạn nhân....Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn.

Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, khi đó đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Được biết trong những năm qua, các đơn vị Công an TP Hà Nội như Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an các quận, huyện, phường xã… đã tiếp nhận rất nhiều đơn trình báo của người dân về việc con cái đột ngột "mất tích".

Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã nói như thế khi phân tích nguy cơ con trẻ bị vướng vào cạm bẫy đang giăng đầy trên mạng xã hội. Trong hơn 100 triệu tài khoản Zalo, 46 triệu người dùng Facebook hiện nay, ai biết có bao nhiêu tài khoản được lập ra chỉ để săn tìm con mồi là những cô cậu "tuổi teen" thiếu kỹ năng giữ mình trong thế giới ảo?

Những lá đơn trình báo con em mất tích vẫn được gửi đến cơ quan Công an hằng ngày, và rất nhiều trong số đó khi được tìm về đều cho biết đã lỡ bước, sa chân theo tiếng gọi của bạn ảo trên mạng.

Giải mã chuyện trẻ bỏ nhà

Theo Thượng úy Trịnh Công Anh, ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", ham thích khám phá cái mới lạ trong cuộc sống bên ngoài gia đình, lại chưa có khả năng nhận biết những cạm bẫy, thiếu sức đề kháng với những lời dụ dỗ, chào mời hấp dẫn từ những mối quan hệ trong thế giới ảo… có thể nhân một sự việc cụ thể nào đó xảy ra trong đời sống, một cú hích không mong muốn tác động vào tư tưởng, tinh thần, trẻ rất dễ đi đến quyết định bồng bột là bỏ nhà đi theo tiếng gọi từ bạn bè trên mạng.

Đối tượng buôn bán người Giàng Văn Thắng.

Thượng úy Anh cho biết: "Trẻ bỏ nhà thường ở độ tuổi teen (từ 13 đến 19) và đa phần là con gái. Lý do thì rất đa dạng, như bị bố mẹ trách mắng, đánh đập, gây tổn thương tâm lý, hoặc chứng kiến những mâu thuẫn, bạo lực gia đình, cô đơn trong tình cảm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của người thân, bi quan chán nản cuộc sống, học hành sa sút, yêu đương sớm, ham vui… Trong số đó, theo ghi nhận của chúng tôi thì nguyên nhân khá phổ biến của hiện tượng trẻ bỏ nhà, đó là đi theo lời rủ rê, mời chào từ các đối tượng quen trên mạng xã hội". 

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác truy tìm trẻ bỏ nhà, Đại úy Nguyễn Văn Sơn, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nói: "Hoạt động tìm kiếm trẻ mất tích của cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì lượng thông tin về nạn nhân rất ít ỏi. Rà soát qua các mối quan hệ bạn bè ở trường lớp thường không có kết quả. Vì hiếm khi có chuyện bạn bè đồng học rủ nhau cùng bỏ nhà đi.

Do đó, công tác truy tìm chủ yếu "bấu víu" vào các thông tin trên mạng xã hội của trẻ như Facebook, Zalo. Tuy nhiên, thường thì sau khi rời khỏi gia đình, những tài khoản mạng của trẻ bị khóa, hoặc không cập nhật thông tin, số điện thoại cũng bị ngắt liên lạc.

Tuy nhiên sau một thời gian, có thể xuất hiện thông tin mới. Nếu trẻ chưa bị đưa ra nước ngoài, thì chúng có thể liên lạc về với gia đình, người thân, bạn bè… Khi đó mới có những căn cứ để triển khai các biện pháp truy tìm. Vì vậy hoạt động này mất rất nhiều thời gian và phải có sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình".

Giữ con, ngay lúc ở nhà

Theo Thượng tá Phạm Đức Hà, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, các bậc cha mẹ đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày, cần luôn để mắt quan tâm, theo dõi sâu sát sinh hoạt, công việc, học hành, quan hệ, cùng những biểu hiện tâm lý của trẻ.

Chủ chứa gái mại dâm, buôn bán phụ nữ Trịnh Thị Thu Huyền.

Đặc biệt, cần đi sâu tìm hiểu về các mối quan hệ của con trên "thế giới ảo", thường xuyên trao đổi, trò chuyện, phân tích cho chúng hiểu ra những nguy cơ rình rập khi tham gia vào mạng xã hội, tư vấn cho chúng cách chọn bạn, kết bạn, không được tùy tiện, định hướng trẻ vào những công việc có ích, xác định mục tiêu của cuộc đời, tránh việc sa đà vào các mối quan hệ "ảo" vừa mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc, vừa có nguy cơ bị lôi kéo, dẫn dắt tham gia vào các nhóm xã hội tiêu cực.

Theo ông Hà, cha mẹ nên kiểm soát việc lên mạng của con, quy định rõ thời gian, nội dung thông tin nào trên mạng được phép tiếp cận.

"Chỉ cần chúng ta thiếu sự quan tâm, trẻ có thể bị thu hút vào những điều mới lạ, các mối quan hệ trên không gian mạng. Thường thì trước lúc trẻ bỏ nhà, chúng luôn có một thời gian đủ dài để "chập" với những quan hệ phức tạp trên mạng thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại có sẵn trong gia đình. Không nhận ra điều này, lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ.

 Trường hợp con cái đã bỏ nhà đi, cha mẹ cần trình báo với cơ quan chức năng càng sớm càng tốt, cung cấp tất cả những thông tin liên quan đến trẻ, như hình ảnh mới nhất, đặc điểm đồ vật, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, vật dụng đem theo khi bỏ nhà đi, các mối quan hệ bạn bè ở trường lớp, khu dân cư, cùng các quan hệ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… của trẻ. Càng nhiều thông tin càng tốt, để tăng thêm cơ hội cho hoạt động truy tìm.

Quá trình tìm kiếm trẻ, gia đình phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng. Khi xuất hiện thông tin mới, phải báo cáo ngay để định hướng truy tìm có kết quả, kịp thời giải cứu, ngăn chặn nguy cơ trẻ trở thành nạn nhân của tội phạm" - Thượng tá Hà tư vấn.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, những năm gần đây tội phạm mua bán người đã xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mua bán người xảy ra dưới 2 dạng: Mua bán trong nước (lừa nạn nhân từ nông thôn ra thành thị bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động…) và mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ). Hoạt động mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào; trong đó Trung Quốc chiếm trên 75%.

Đào Trung Hiếu
.
.