Mẹ vào tù, con thật khổ

Chủ Nhật, 11/09/2011, 16:40

Khi đi cùng Thiếu tá Vũ Hồng Kiên vào nhà trẻ của Phân trại II, Trại giam Z30D lòng tôi ngổn ngang. Cứ suy nghĩ mãi về hoàn cảnh của các cháu, bởi mẹ thụ án, con còn nhỏ… không thể chia cách. Theo chính sách nhân đạo, các bé được nuôi dưỡng ngay trong trại để mỗi chiều về thì được gần mẹ. Đến ngày cuối cùng khi tròn 36 tháng, các bé sẽ được cán bộ trại chuyển ra ngoài theo đúng như luật định.

Gia đình nào có đủ điều kiện, thì đón con hoặc cháu mình về chăm sóc. Còn không, các bé sẽ được chuyển sang Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận…

Vài ngày nữa, vịt rời mẹ…

Vịt có nước da ngăm ngăm, khuôn mặt giống mẹ như đúc, đôi mắt sáng, tóc hoe hoe vàng. Mẹ Vịt là Trần Thị Thảo, sinh năm 1979. Có lẽ lâu rồi, Vịt mới gặp người lạ. Nên ánh mắt của Vịt nhìn tôi bao giờ cũng kèm theo thái độ dò xét… Mãi một lúc sau, Vịt mới bắt đầu quen. Vịt từ ngày sinh ra cho đến nay, vẫn chưa một lần được gặp gia đình bên ngoại. Mẹ Vịt, bỏ làng quê xã Quế Chung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vào Sài Gòn từ ngày xa lắc. Chuyện của mẹ Vịt, tức Trần Thị Thảo cũng buồn hắt hiu.

Thảo là người con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em, nhà Thảo nghèo, nên học đến lớp 5 thì Thảo thôi học. Năm 2004, như một trào lưu, Thảo theo bạn bè vào Sài Gòn làm công nhân hay bất cứ việc gì khác miễn là được rời khỏi làng quê. Trong suy nghĩ của Thảo ngày ấy đơn giản thôi, vào Sài Gòn, tức là có thêm cơ hội để đổi đời, thắp thêm một hy vọng… Ra đi từ thời khắc ấy, mãi cho đến ngày phạm tội và nhập trại, Thảo vẫn chưa một lần về lại quê.

Thời gian đầu vào Sài Gòn, Thảo làm người giúp việc cho một gia đình ở quận 12. Làm được ít lâu, Thảo xin nghỉ giúp việc nhà để trở thành nhân viên phục vụ quán nhậu.

Làm cái nghề tiếp viên quán nhậu thì hoặc trước, hoặc sau gì cũng xảy ra vài mối quan hệ tình cảm với những người khách quen. Thảo biết gã tài xế xe ôm chiều chiều hay ra quán ngồi uống rượu một mình, từ biết đến yêu là khoảng cách không dài lắm đối với những tiếp viên như Thảo.

Yêu nhau ít lâu, gã mướn phòng trọ cho Thảo ở riêng. Lúc này, Thảo mới biết gã đã có gia đình. Tôi hỏi Thảo, sao biết người ta đã có gia đình, em còn ở với người ta làm gì (?!). Thảo cười buồn, trả lời rằng: "Yêu mà anh, biết nói làm sao bây giờ".

Ở với nhau một thời gian, gã hiện nguyên hình là con nghiện ma túy. Gã nghiện đến mức dặt dẹo… Để có tiền, gã lấy ma túy từ các đầu nậu, mang về nhà trọ, xé lẻ ra để bán kiếm lời lấy tiền mua thuốc.

Ban đầu, thì Thảo phản đối chuyện này ghê lắm. Nhưng rồi, cũng chồng cũng vợ, dẫu Thảo chưa một lần biết chuyện trầu cau cưới hỏi, nên Thảo chấp nhận làm chân rết trong việc phân phối ma túy lẻ của gã.

Sáng gã mang ma túy về phòng trọ phân tép, trưa Thảo mang ra cầu vượt An Sương bán cho con nghiện. Trong một lần đang giao hàng, Thảo bị bắt giữ… Đó là một ngày tháng 8/2007.

Tòa án nhân dân TP HCM tuyên phạt Thảo án 8 năm tù cho tội danh "Mua bán trái chép chất ma túy", gã đàn ông chồng Thảo cũng bị tuyên cùng tội danh đó, mức án 18 năm. Gã cùng cải tạo tại Trại Z30D, Phân khu III.

Đầu tiên, Thảo nhập trại ở Chí Hòa. Khoảng thời gian này, Thảo biết mình mang thai. Mỗi tháng, cán bộ quản giáo cho Thảo 5 hộp sữa Dielac hay Cô gái Hà Lan để bồi dưỡng thêm cho thai nhi. Đến ngày sinh do Thảo sinh khó, nên cán bộ Trại giam Chí Hòa chuyển Thảo ra Bệnh viện Từ Dũ để bảo đảm an toàn cho hai mẹ con.

Rồi tự nhiên Thảo nói, ngày bé Vịt ra đời, nằm ở Bệnh viện Từ Dũ, thấy sản phụ nào cũng được người thân ríu rít thăm hỏi, Thảo tủi phận mình cứ ôm con khóc suốt.

"Vậy không có ai lên thăm hai mẹ con sao?", tôi hỏi. "Dạ, có. Bà nội bé Vịt có lên thăm em được hai lần, lúc còn giam ở Chí Hòa. Từ đó đến nay chắc là đường xa, nên bà không vào thăm nữa", Thảo đáp. Bà nội Vịt cũng nghèo, bà làm nghề bán cà phê cóc ở ngã tư An Sương. Ngoài đứa cháu nội là Vịt, bà còn có đứa cháu nội khác, là con riêng của người mà Thảo gọi là chồng.

Vịt ra đời được vài tháng thì theo Thảo từ Trại giam Chí Hòa lên nhập trại ở Z30D. Thương con, Thảo luôn ý thức chuyện phải cải tạo tốt để hy vọng vào chính sách khoan hồng, sớm được trở về với đời sống bình thường nhằm có điều kiện lo cho bé Vịt. Thảo đã được giảm hai mốc án. Mốc đầu tiên, được giảm 7 tháng. Mốc thứ 2, giảm 12 tháng. Thảo đang hy vọng vào mốc giảm án thứ 3 vào dịp tết này. "Giảm thêm mốc nữa, là em được biết ngày về rồi, anh ạ", Thảo khoe với tôi.

Hỏi Thảo có dự tính gì sau khi hoàn tất thời gian cải tạo không. Thảo nói, chắc Thảo sẽ đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận đón bé Vịt về. Hai mẹ con sẽ dắt nhau về Sài Gòn ở tạm trong căn nhà trọ của bà nội Vịt, rồi Thảo sẽ kiếm việc gì đó làm để nuôi con.

Vài ngày nữa, Vịt đủ 36 tháng. Cán bộ trại giam đang tiến hành làm hồ sơ gửi Vịt vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận theo đúng như luật định. Xa con, Thảo buồn lắm… Nhưng, có lẽ không còn cách nào hơn, bởi luật là luật.

Trước khi chia tay, Thảo có nhờ tôi một chuyện, chuyện nhỏ thôi, nhưng thương lắm. Thảo nhờ: "Anh là nhà báo, anh đưa hình em lên giúp em với, anh nha. Biết đâu mẹ em với mấy chị ở quê đọc được, họ sẽ biết em đang cải tạo trong này. Chứ từ hồi vô Sài Gòn đến giờ, em và gia đình bặt tăm nhau, em có viết thư về mấy lần mà không thấy hồi âm".

Bố Thảo mất đã lâu, chỉ còn mỗi mẹ Thảo. Mà năm Thảo rời quê, bà cũng đã già. Khi tôi ghi hình hai mẹ con, Vịt có lẽ đã bắt đầu quen với khách lạ, nên chịu nhìn vào ống kính làm duyên.

Vịt xa mẹ, chắc Vịt sẽ khóc nhiều lắm. ở nơi này, sáng đến chiều Vịt ở trại chơi với 6 đứa trẻ con của các phạm nhân khác. Chiều tối được về phòng ở chung với mẹ. Còn chuyển đi sang trung tâm, Vịt phải xa mẹ mãi cho đến ngày mẹ Vịt được ra khỏi trại giam…

Mai Thị Anh tại xưởng dạy may của Trại giam Z30D.

Người phụ nữ chờ ngày sinh trong trại

Đầu giờ chiều, không khí trong trại giam rất tĩnh lặng. Một nhóm các phạm nhân nam đang ngồi dưới tán cây cao để chờ đến lượt cắt tóc. Quan sát, thấy phạm nhân cắt tóc bài bản lắm, không hề thua kém gì mấy anh thợ cắt tóc chuyên nghiệp ở ngoài.

Băng ngang qua nhóm phạm nhân ấy, là vào đến nhà xưởng dạy may cho các nữ phạm nhân ở Trại Z30D. Tôi xin phép nữ quản giáo phụ trách xưởng may cho tiếp xúc với phạm nhân Mai Thị Anh ngay trong nhà xưởng và được quản giáo đồng ý.

Mai Thị Anh quê gốc ở Vũng Tàu, năm nay 36 tuổi. Nhưng nhìn đã như phụ nữ ngoài ngũ tuần… Mái tóc được cột lại gọn gàng, điểm rất nhiều sợi bạc. Mai Thị Anh phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy", án 7 năm. Anh bị bắt khi đang giao hơn 10 tép ma túy cho con nghiện. Nói như kiểu của nữ phạm nhân này thì đó là kiểu đi "chung án". Trước đây, Anh được Cơ quan điều tra cho tại ngoại để có điều kiện uống thuốc đặc trị, chị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV. Hiện, Mai Anh đang mang thai đến tháng thứ 8, dự kiến sinh là vào tháng 10. Trước khi nhập trại chung án, phạm nhân này không biết mình đang mang thai… Anh nhập trại vào tháng 4 năm nay.

Tôi nói với Anh rằng, nhóc đầu tiên của vợ chồng tôi cũng chào đời vào tháng 10 này. Mắt Anh sáng rỡ, hỏi trai hay gái? Tôi đáp, con trai. Anh thở dài, bảo mình cũng chưa biết đứa bé trong bụng là nam hay là nữ. Anh vẫn uống thuốc chống phơi nhiễm dành cho bà mẹ nhiễm HIV đang mang thai theo đúng chỉ định của bác sĩ. Anh cứ hy vọng mãi vào cái chuyện, đứa bé sẽ không bị nhiễm căn bệnh mà mình mắc phải. Bởi như Anh nói, mình sai thì chịu, chứ con chị có lỗi gì đâu. Biết là vậy, nhưng sao vẫn cứ nặng lòng.

Nét kháu khỉnh của con một nữ phạm nhân.

Nghe chuyện của Mai Thị Anh, thấy tôi cứ thở dài hoài, Thiếu tá Vũ Hồng Kiên bảo như an ủi rằng, nếu như Anh được sinh mổ, thì khả năng lây nhiễm của đứa bé trong bụng là rất thấp. Sau cuộc trao đổi cùng Mai Thị Anh, vội vàng gọi điện thoại tham vấn một bác sĩ quen ở Sài Gòn, cũng được ông xác nhận chuyện mổ lấy thai sẽ giảm thiểu được khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, với điều kiện đứa bé được uống thuốc chống phơi nhiễm đầy đủ… Mong quá, sự kỳ diệu của tạo hóa sẽ thương tình mà đến với mầm sống đang hoài thai trong Anh.

Trở lại câu chuyện của Mai Thị Anh. Đây là đứa con thứ ba của chị. Chồng Anh làm dịch vụ mai táng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính anh hiền, vợ nói sao thì nghe vậy, cấm dám cãi nửa câu. Thậm chí, mãi đến khi vợ bị bắt, anh mới hoảng loạn vì không biết vợ mình nghiện ma túy. Nghiện đến độ, mang ma túy về bán cho con nghiện khác để kiếm tiền lãi mà chơi tiếp.

Các bé con phạm nhân ở Trại giam Z30D, luôn là đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên số một của các cán bộ trong trại. Các bé được chăm sóc đến nơi đến chốn, nhà trẻ sạch sẽ, đồ chơi nhiều… Vào những dịp tết Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi, các bé sẽ được cán bộ trại tổ chức cho chung vui cùng các con em của những cán bộ đang công tác tại trại giam. Đó là những cuộc vui không có khoảng cách.

Hiện, Trại giam Z30D có tổng cộng 9 bé trong nhà trẻ, tính luôn 2 bé vừa mới sinh được vài tháng tuổi. Hai phạm nhân nữ có quá trình học tập tốt chuyên trách nhiệm vụ lo cho các bé vào mỗi ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, khi mẹ của các bé phải đi học tập. Chiều các bé sẽ được mẹ đón về phòng ngủ chung. Cuối tuần, các bé sẽ được vui chơi với mẹ từ sáng cho đến tối… Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi các bé được đúng 36 tháng tuổi. Nếu như không có gia đình đón về, các bé sẽ được cán bộ trại giam làm hồ sơ gửi sang Trung tâm Bảo trợ xã hội. Các bé sẽ được trung tâm nuôi dưỡng, dạy dỗ cho đến ngày mẹ được ra trại.

Ban giám trị Trại giam Z30D cũng đang cho tiến hành xây dựng nhà trẻ mới để các bé được thụ hưởng điều kiện sống tốt hơn.

Anh có thai, nên quản giáo ưu tiên, Anh chỉ học may khi sức khỏe cho phép, mệt thì được nghỉ. Đứa bé trong bụng đã lớn, nên cứ đạp thúc liên tiếp. Đêm nào, nằm nghĩ về con, Mai Anh cũng khóc.

Anh nói, đợi đợt này chồng lên thăm, Anh sẽ hỏi chồng về cái tên đặt cho bé. Một cái tên gì đó, để mong vào sự yên ổn hạnh phúc cho con sau này. Đời Anh lầm lỡ một lần, đã là quá khủng khiếp.

Mai Thị Anh còn nói với tôi nhiều chuyện về các dự tính tương lai. Điều hay nhất chính là sau khi bé ở với mẹ đến 36 tháng tuổi, thì chồng Anh sẽ lên đón bé về để nuôi dạy. Còn Anh, sẽ cố gắng học tập tốt để được giảm án, sớm được đoàn tụ cùng gia đình.

Thật ra, có ai làm cha làm mẹ mà không xót xa khi con mình phải vô tình chịu liên đới cho hành động do chính mình gây ra. 36 tháng được gần gũi con, rồi cũng đến thời điểm phải xa cách, ai mà không đau lòng.

Trong phòng giam ở trại nữ, tôi còn thấy hai cái màn chống muỗi, loại dùng cho trẻ sơ sinh. Cán bộ trại giam giải thích với tôi đó là vật dụng của hai nữ phạm nhân vừa sinh con được 3 tháng…

Vậy thôi, nếu như không muốn phải hối hận về khoảng cách của tình mẫu tử  hay sự thiệt thòi mà những đứa con của họ gặp phải, họ phải cố gắng cải tạo tốt để hy vọng vào các cột mốc giảm án.

Trên hết, có lẽ cần phải ý thức được rằng hành vi cần có điểm dừng hợp lý để những ân hận đừng xảy đến

Ngô Nguyệt Hữu
.
.