Mệt mỏi với rùa tai đỏ

Thứ Sáu, 24/09/2010, 17:15
Việc Công ty CP Xuất nhập khẩu Cần Thơ (Caseamex) nhập số lượng lớn rùa tai đỏ (RTĐ - tên khoa học là Trachemys Scripta Elegens, xuất xứ từ thung lũng Mississippi - Bắc Mỹ, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế liệt kê vào sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới) từ Hoa Kỳ về Việt Nam đang vẫn là đề tài gây sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.

Ngày 20/9 vừa qua, ai cũng thở phào khi tưởng rằng, toàn bộ số RTĐ kể trên đã bị tiêu hủy theo tinh thần công điện của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN. Ai dè, hàng chục ngàn con RTĐ vẫn đang… giỡn nước sông Hậu. Xem ra, ngoài chuyện làm tốn khá nhiều giấy mực báo giới, con RTĐ cũng đã làm mỏi mệt chính quyền và ngành chức năng…

Mệt từ tỉnh về xã

Từ Quốc lộ (QL) 1A ở chân cầu Cần Thơ, PV Chuyên đề ANTG rẽ sang QL54 để về thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Rồi từ thị trấn Trà Ôn nổi tiếng với chợ nổi trên sông Hậu, chúng tôi tiếp tục nhảy phà vượt sông để đến cù lao mang tên Anh hùng, liệt sĩ Lục Sĩ Thành. Cù lao nằm giữa sông Hậu (còn có tên gọi khác là cù lao Mây) rộng khoảng 4.000ha, mùa này cây trái xanh rì.

Ngay từ khi bước chân lên phà, câu chuyện về RTĐ được người dân địa phương hết sức quan tâm. Mà không quan tâm sao được khi toàn bộ lô RTĐ gần 40 tấn - từ cách nay 5 tháng cho tới nay vẫn đang được nuôi nhốt tại Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản trực thuộc Caseamex tọa lạc tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành.

Một người dân Phú Thành đi cùng chuyến phà với tôi kể: "Nghe con RTĐ, tụi tui kéo tới coi thử. Nó đẹp hơn con rùa của mình, nhất là có hai cái vệt đỏ hai bên tai. Mà nó hung dữ quá, con gì nhỏ hơn nó là nó ăn tuốt, nghe cũng sợ thiệt".

Chị phụ nữ ngồi cạnh gánh rau nhúc, góp vào câu chuyện RTĐ: "Đẹp thì đẹp vậy chứ dở ẹt, nắng không ưa, mưa hỏng chịu. Hôm có chuyện đi ngang ao thả rùa, tui phải bịt mũi vì có mấy con rùa chết ai quăng ra ngoài, thúi rùm". Chị kể thêm "nhìn thấy con RTĐ sợ muốn chết vậy mà đám con nít cứ rình mò tìm bắt để nuôi, o bế chu đáo như mấy con cá kiểng". Còn riêng dân nhậu thì cứ háo hức tìm cách bắt cho được về để thịt với ý nghĩ: "Đặc sản ngoại nhập về ngàn năm mới có một lần". Cánh đàn ông có tuổi còn rêu rao rằng "ai mà uống được tiết RTĐ sẽ được... bà khen".

Và chính sự tò mò này của người dân địa phương về con RTĐ đã khiến chính quyền và ngành chức năng, trong đó có lực lượng Công an mệt nhừ. Đại úy Bùi Khắc Điệp - Trưởng Công an xã Phú Thành lật sổ thông tin cho tôi nghe mấy vụ việc liên quan đến RTĐ: Lúc 22h ngày 11/9 vừa qua, sau khi đã ngà ngà say, đối tượng Nguyễn Văn Lũy (31 tuổi, ngụ tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành) cùng hai ông bạn nhậu đã ngang nhiên xông vào Trung tâm nuôi nhốt RTĐ của Caseamex... lượm 4 con rùa nằm bên mé ao, lận vào áo về làm mồi, lai rai tiếp. Và lực lượng Công an xã Phú Thành cũng đã kịp có mặt và "mời" cả ba về xã cùng tang vật.

Thực tế, đây không phải là lần duy nhất, người dân cù lao tìm cách vào Trung tâm để bắt rùa. Đại úy Điệp kể, ngay những ngày đầu đàn rùa được đem về đây nuôi nhốt đã gây sự tò mò cho dân địa phương. Rồi anh lục tìm từ hộc bàn ra bộ hồ sơ của một vụ khác liên quan đến RTĐ: Vào lúc 13h ngày 22/4/2010, 3 đối tượng Nguyễn Duy Phong (20 tuổi), Thạch Linh (16 tuổi) và Nguyễn Hồng Thái (13 tuổi), cùng ngụ ấp Phú Long, xã Phú Thành mang theo dụng cụ rồi lẻn vào hốt 3 con RTĐ (khoảng 5kg) đang nằm sát mé nước. Có điều, khi cả nhóm chưa kịp rời khỏi hiện trường thì bị phát hiện, bắt giữ.

Đại úy Điệp cho biết thêm: "Từ ngày rùa về xã, anh em cực lắm. Mấy ngày gần đây, nhất là khi nghe đàn RTĐ sẽ bị tiêu hủy, nhiều đối tượng càng tìm mọi cách để chôm rùa cho bằng được. Anh em chúng tôi buộc phải tăng cường thêm lực lượng".

Ở xã là thế, ở huyện, tỉnh, lực lượng Công an cũng lo đến phát sốt. Thượng tá Nguyễn Văn Tơ - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC36) Công an Vĩnh Long trong báo cáo gửi C36, cho biết: Ngày 15/4/2010, ngay sau khi nhận được tin tại Trung tâm của Caseamex có nhập từ nước ngoài về số lượng lớn RTĐ, có một số đã chết gây ô nhiễm môi trường, đơn vị đã cử cán bộ đến cù lao Lục Sĩ Thành.

Ông Nguyễn Chí Thảo - Phó tổng Giám đốc Caseamex cho biết sau khi nhập và đem về đây nuôi nhốt tới ngày thứ 5 (tức ngày 9/4/2010) thì rùa bắt đầu chết. Và chỉ trong vòng 1 tuần, lượng rùa chết đã lên gần 4,2 tấn. Trung tâm đào hố gần khu vực ao nuôi để chôn số rùa chết.

Kiểm tra thực tế số rùa kể trên thì PC36 Công an Vĩnh Long được biết toàn bộ số rùa kể trên được thả nuôi trong 3 hồ, có diện tích khoảng 5.000m2. Hầu hết rùa đều có sức khỏe yếu; một số chết nổi trên mặt nước và bốc mùi hôi.

Rùa tai đỏ - động vật nằm trong danh sách gây hại cho môi trường. Ảnh: Internet.

Dư luận tại Vĩnh Long trở nên xôn xao, bàn tán dữ dội hơn khi đọc được nội dung cảnh báo của PGS-TS Hoàng Đức Đạt - Viện Sinh học nhiệt đới TP HCM, rằng: "Nếu để RTĐ thoát vào thiên nhiên thì chúng sẽ nhanh chóng phát triển và hình thành quần thể theo hướng tự nhiên hóa. Khi đó chúng sẽ đe dọa các loài bản địa. Chưa kể một số nghiên cứu còn cho thấy loài này có thể mang vi khuẩn Salmonella, khi nhiễm vào thức ăn sẽ gây độc hại cho con người".--PageBreak--

Rùa tai đỏ "vượt biển" đến Việt Nam như thế nào?

Trước ngày đến cù lao Lục Sĩ Thành, chúng tôi đã "tìm" ra được tài liệu có liên quan đến đường đi nước bước của toàn bộ số RTĐ kể trên. Cụ thể, vào ngày 25/2/2010, Công ty Caseamex đã ký với Công ty Oakland Ninja (1949, số 10, Đại lộ Oakland, CA 94606, Hoa Kỳ) hợp đồng số 39/CSM.2010. Theo đó, phía Công ty Oakland Ninja sẽ bán cho Caseamex số lượng 40.000kg RTĐ sống theo đường tàu xuất từ Oakland (Mỹ) về cảng TP HCM. Chất lượng rùa còn sống, kích cỡ có trọng lượng từ 0,5kg/con trở lên, giá: 6 USD/kg.

Đi vào thực hiện hợp đồng, ngày 2/3 và ngày 8/3/2010, Oakland Ninja đã lần lượt cho xuất 2 container rời bến từ Mỹ. Tương ứng với 2 chuyến hàng trên, vào các ngày 3/4 và 7/4/2010, tại cảng TP HCM, Caseamex đã lần lượt nhận với tổng cộng 35.539kg rùa sống, quy thành tiền là 213.234USD. Đó cũng là thời điểm RTĐ có xuất xứ từ Mỹ với số lượng lớn chính thức có mặt tại Việt Nam. Trước đó, ngày 5/3/2010, Cục Nuôi trồng thủy sản - Bộ NN&PTNT đã cấp giấy phép số 184/NTTS-GP cho Caseamex về việc cho phép Caseamex được phép nhập khẩu 40 tấn RTĐ có xuất xứ từ Mỹ để làm thực phẩm.

Cù nhầy chuyện kiện tụng, tiêu hủy...

Theo trình bày của phía Oakland Ninja, thực hiện theo hợp đồng đã ký, khi hàng xuất bến từ phía Mỹ thì Oakland Ninja đã chuyển toàn bộ chứng từ theo điều 4 hợp đồng sang cho Caseamex. Ngày 6/4/2010, Caseamex đã chuyển khoản cho Oakland Ninja số tiền 37.477USD; khoản còn lại 175.757USD, đại diện phía Oakland Ninja cho biết đã rất nhiều lần đến tận Công ty Caseamex trực tiếp đề nghị thanh toán nhưng chỉ nhận lời hứa chứ không thực hiện. Phía Oakland Ninja còn cho rằng, Caseamex đã chiếm dụng vốn của họ(?).

Về phía Caseamex, ngay sau khi nhận được thông báo của TAND TP Cần Thơ về việc Oakland Ninja kiện đòi tiền (vụ kiện tranh chấp mua bán hàng hóa), ông Võ Phước Hoàng - người đại diện theo ủy quyền của Caseamex cũng đã có văn bản giải trình với khá nhiều tình tiết đáng chú ý. Ông Hoàng cho rằng Caseamex từng có xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, và quen với ông Hùng - có tên khác là Dave Tu.

Ông Dave Tu nói: "RTĐ này thịt rất ngon. Nếu nhập về, bán được cho các nhà hàng thì lợi nhuận sẽ rất cao. Nếu tiêu thụ được nhiều đặc sản này thì Caseamex sẽ được độc quyền bán RTĐ tại Việt Nam". Thế là hợp đồng được ký kết; Caseamex đã đồng ý nhập hộ(?) cho ông Dave Tu số RTĐ như đã kể.

Đại diện Caseamex nói "đây là hợp đồng giả tạo, chúng tôi là bên đứng ra nhập hộ cho ông Dave Tu để ông lo việc tiêu thụ". Ông Hoàng tường trình tiếp: Sau khi số RTĐ kể trên về tới Việt Nam, lô hàng đã bị phong tỏa; lúc này Caseamex mới biết về sự nguy hại của loài RTĐ. Caseamex nhiều lần nhắc nhở nhưng ông Dave Tu không tìm được đầu mối tiêu thụ và cũng không đưa ra hướng giải quyết nào.

Ngày 28/6/2010, Caseamex đã thông báo đến ông Dave Tu rằng, số hàng trên phải tái xuất theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Ngay sau khi nhận được e-mail, ông Dave Tu đã cho người (ông Đinh Tiến Sử) tới để mua lại lô hàng này. Lúc này, toàn bộ số rùa đã được nuôi giữ tại xã cù lao Phú Thành. Để di dời đàn rùa này về Củ Chi (TP HCM), phải có giấy phép của cấp thẩm quyền nhưng Caseamex cho rằng ông Sử đã không đáp ứng được nên việc mua bán bất thành.

Từ đó đến nay, ông Dave Tu vẫn không đưa ra được phương án giải quyết mới... Trong khi đó, phía Caseamex cho rằng do bị phong tỏa ngay sau khi được nhập về Việt Nam, sau đó là bị cách ly trong các ao nên đã có khoảng 15% rùa bị chết. Để duy trì đàn rùa này, Caseamex cho biết đã tốn trung bình 5 triệu đồng/ngày. Tính đến nay con số chi phí kể trên đã hơn 600 triệu đồng.

Mấy ngày qua, dư luận tại ĐBSCL trở nên xôn xao khi hay tin RTĐ xuất hiện ở nhiều nơi dù lệnh cấm nuôi, cấm bán đã được chính quyền, ngành chức năng ban hành.

Tại Hậu Giang, một số người dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp cách nay mấy hôm đã phát hiện có nhiều RTĐ có mặt trên sông và người dân đã bắt được 4 con nhờ đặt dớn.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cho biết, ngoài Phụng Hiệp, ở địa bàn thị xã Vị Thanh cũng có RTĐ xuất hiện.

Tại Sóc Trăng, đã có 20 con RTĐ bị tiêu hủy. Tại Bến Tre, số RTĐ đã bị ngành chức năng tiêu hủy là 29 con, trong đó có 6 con người dân bắt được dưới sông rạch.

Tại An Giang, số rùa tiêu hủy là 39 con, đây là bầy rùa do du khách phóng sinh trên núi Cấm. Ngành chức năng An Giang đã nghiêm cấm phóng sinh và bán RTĐ.

Cũng cần kể thêm, ngày 11/8 vừa qua, sau khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long, kiểm tra nơi đang "tạm giữ" đàn RTĐ, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng, hoạt động nuôi nhốt đàn RTĐ tại đây không an toàn và rùa có khả năng thoát ra môi trường tự nhiên. Do đó, ông Chu Tiến Vĩnh đề nghị Caseamex phải tái xuất đàn rùa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy chậm nhất là ngày 31/8/2010. Hết thời hạn kể trên, ngày 1/9, phía Caseamex có đơn xin được gia hạn để giải quyết vụ việc do hai bên mua - bán đang có tranh chấp và đang chờ phán quyết của Tòa.

Trong khi đó, ngày 31/8, TAND TP Cần Thơ đã tiến hành hòa giải giữa 2 bên, nhưng cuộc hòa giải không thành.

Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát đã có Công điện số 19/BNN-TCTS gửi UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND TP Cần Thơ yêu cầu tiêu hủy triệt để số RTĐ kể trên. Công điện viện dẫn lại tinh thần Giấy phép nhập khẩu số 184/NTTS-GP ngày 5/3 của Cục Nuôi trồng thủy sản rằng giấy phép nêu rõ yêu cầu phải sử dụng đúng mục đích làm thực phẩm, không được phép nuôi. Sau khi nhập khẩu về Việt Nam, số RTĐ trên vẫn chưa được Công ty Caseamex tiêu thụ làm thực phẩm, vi phạm nội dung của giấy phép, gây bức xúc trong dư luận.

Thời hạn mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ấn định cho việc tiêu hủy số RTĐ là ngày 20/9/2010 nhưng cận kề giờ G, phía Caseamex đã có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Vĩnh Long, đề nghị tỉnh ban hành quyết định hành chính buộc công ty này tiêu hủy hết số RTĐ đã nhập thì công ty mới tiến hành tiêu hủy theo như chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Ông Liêu Cẩm Hiền - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chấp nhận đề nghị trì hoãn thời gian tiêu hủy RTĐ của Caseamex. UBND tỉnh này cũng sẽ có cuộc làm việc cụ thể với Bộ NN&PTNT có hướng xử lý tiếp theo.

Vậy là câu chuyện tiêu hủy RTĐ vẫn là câu chuyện của "thì tương lai".

Thái Bình
.
.