Miền Tây mênh mang mùa nước nổi lại về

Thứ Ba, 19/09/2017, 17:37
Nếu chưa một lần đến miền Tây vào mùa nước nổi, chắc chắn khi nghe bài hát “Quê em mùa nước lũ” sẽ rất xót xa, chạnh lòng về người mẹ quê nghèo khó với căn nhà dột nát, khi nước lũ lên cao, đứng ngồi không yên… Nhưng thực tế với người miền Tây, mùa nước nổi hằng năm luôn được người dân mong đợi vì nó mang lại cho đất phù sa màu mỡ, mang lại cho người dân nhiều sản vật thiên nhiên trù phú và cuộc sống cải thiện tốt hơn.

Với người dân An Giang, cụm từ “Mùa lũ” rất ít khi nhắc đến vì nó được thay thế bằng cụm từ “mùa nước nổi”. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã sản sinh ra khái niệm “sống chung với lũ”. Có cả một công trình thoát nước ra biển Tây mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nôn nao mùa nước nổi miền Tây

Hiếm có nơi đâu trên trái đất này như dân vùng nước nổi ở miền Tây: nhà nào cũng sắm hai loại phương tiện giao thông là xe gắn máy để chạy vào mùa khô và sắm cả xuồng máy, ca nô để chạy băng đồng mùa nước nổi. Ngày đầu tháng 9, tôi chạy về Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, An Giang) để thăm bà con và cũng để tận hưởng cảm giác nôn nao trong mùa nước nổi.

Chưa kịp thăm mấy người hàng xóm, anh Hiền - một giáo viên đã nghỉ hưu nổ máy xuồng chở tôi chạy băng đồng Láng Linh (xã Ô Long Vĩ), rồi cặp theo mé lộ để xuống xã Đào Hữu Cảnh cho tôi “đã mắt” nhìn ngắm bông điên điển và tấp nập xuồng ghe giăng lưới bắt cá linh. Vẫn cái giọng từ từ của ông giáo làng, anh Hiền bảo: mùa nước nổi lên là mọi người dân mình đi làm ở xa ai cũng đều bồn chồn quay về đây...

Bia tưởng niệm ở kênh Võ Văn Kiệt.

Mùa nước nổi, không đơn thuần là cuộc mưu sinh đầy hứa hẹn sung túc, cải thiện cuộc sống khấm khá hơn, mà còn là một thứ tập quán truyền thống văn hóa, nhân văn đã thấm đẫm vào trong máu thịt con người đồng bằng Tây Nam Bộ. Quê xưa, trong ký ức không hề có “cục đất chọi chim” vào mùa nước nổi, vậy mà ai cũng nhớ quay quắt và ghiền như con nghiện nhớ thuốc lào.

Chị Năm La, ngồi thu mua cá ngay đầu lộ, tay đeo lủng lẳng một chùm vòng si-men vàng chóe cho biết: “Năm nay được mùa lắm anh. Từ đầu lũ tới giờ mua cá mỏi tay luôn”. Nghe chị nói, tôi lại liên tưởng đến giá bán cá linh non đầu mùa tại Sài Gòn, có lúc leo lên nấc thang 180 đến 200 ngàn/kg, thì giá mua tại gốc chỉ vài chục ngàn cũng giúp cho những người như chị Lan đếm tiền “mỏi tay” rồi.

Nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch. Cả vùng Đồng Tháp Mười bao gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang dường như được đánh thức bởi muôn ngàn sinh kế của người dân. Sau hơn 3 năm “lũ nghèo” không về tràn ngập miền Tây Nam bộ, những người dân bồn chồn đứng ngồi không yên và cuộc mưu sinh gặp phải nhiều khó khăn.

Nheo con mắt nhìn ngước về phía Vàm Nao, ông Lê Văn Tâm cho biết: “Năm nay nước về sớm, lại cao hơn mọi năm, người dân phấn khởi lắm chú... Trời cho mà!”. Ông Tám Tâm rất thích dùng chữ “trời cho”, vì mỗi đêm đi giăng châu, thả lưới ông kiếm bồn bộn hơn chục kg cá linh non đầu mùa. Giá bán tại chỗ tuy vài chục ngàn, nhưng cuộc sống gia đình ông và hàng ngàn người dân đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đã xem như được lộc trời.

Nghe tiếng nổ máy ghe phành phạch đang xé nước chạy ngược chiều cập mé sông, nhận ra người quen, ông Tám Tâm hỏi lớn tiếng: “Có khá không vợ chồng Năm Sậu?”. Tiếng một phụ nữ trung niên ngồi trước mũi trả lời: “Cũng được lắm Tám ơi...”. Ông Tám giải thích thêm: “Vợ chồng Năm Sậu thuộc hạng giỏi khu vực này đó. Chịu khó lắm, có mùa nước nổi nó kiếm vài chục triệu từ cá và bông điên điển, rắn, rùa...”.

Màu nước sông mùa lũ đục ngầu có chỗ nước êm như đặc sánh màu đỏ pha sữa, báo hiệu mùa no ấm và đêm đêm trên mặt các dòng sông, mặt nước đồng mênh mông là xuồng ghe tấp nập, lấp loáng như trẩy hội. Anh Trần Văn Nhân, cán bộ quản lý nguồn lợi thủy sản An Giang cho biết: “Đã sinh ra và lớn lên ở đất này thì đến mùa nước nổi không thể không chạy ghe, bơi xuồng vào đồng để hái bông điên điển và giăng lưới bắt cá linh về ăn”.

Còn anh Nguyễn Văn An, làm thợ mộc ở thị trấn Cái Dầu (Châu Phú) đã phải “tạm ngưng” công việc, để về cánh đồng Láng Linh mưu sinh trong mùa nước nổi. Vẻ hớn hở hiện rõ trên mặt.

Lũ về miền Tây bao giờ cũng là nước lũ mang theo no ấm và rất vui. Hàng chục ngàn lượt khách tham quan du lịch mỗi ngày đến các địa danh mùa lũ như rừng Trà Sư, Búng Bình Thiên, Thoại Sơn, Ba Thê (An Giang) và Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp)... Mùa nước nổi còn là một nét văn hóa rất đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, một đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây với muôn điều kỳ diệu mà không nơi nào có được.

Chuyện lạ: thoát lũ ra biển Tây, xả lũ vào đồng

Nhắc đến câu chuyện thoát lũ ra biển tây, người dân khu vực tứ giác Long Xuyên muôn đời chắc có lẽ không bao giờ quên công ơn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Dạo đó, liên tiếp trong 3 năm từ 1994 đến 1996, lũ rất lớn từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ tràn vào sông Tiền, sông Hậu gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và khu vực Đồng Tháp Mười trong sản xuất nông nghiệp và hạ tầng giao thông khiến người dân miền Tây đứng ngồi không yên.

Đời sống vốn đã gặp muôn vàn khó khăn, lại chồng chất thêm nhiều gian truân trong cuộc mưu sinh. Những người dân sống chung với nước lũ, nhờ nước lũ mà sống đã thật sự khánh kiệt do nước nổi dâng cao tràn khắp nơi và kéo dài nhiều tháng ròng. Ngày đó, nước thoát ra biển tây từ trong nội đồng chỉ có kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà do Thượng đạo Khâm sai Thoại Ngọc Hầu đào xẻ từ thời khẩn hoang, mở cõi phương Nam chạy sát biên giới từ Châu Đốc đến Hà Tiên.

Đặc sản cá linh nấu cùng bông điên điển.

Ý tưởng thoát lũ ra biển tây, vừa giảm áp lực nước ngập cho vùng tứ giác Long Xuyên, vừa dùng rửa ngọt cho tứ giác Hà Tiên do cố GS Nguyễn Sinh Huy, PGS TS Hồ Văn Chín cùng các cộng sự ấp ủ đã lâu, nhen nhóm hình thành một tư duy khoa học đầy sáng tạo khi trình bày với Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền hai tỉnh An Giang, Kiên Giang lập kế hoạch mở rộng kênh Vĩnh Tế, xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ tràn, thoát lũ ra biển tây và sử dụng nước lũ vào việc cải tạo vùng đất hoang hóa khu vực Bắc Hà Tiên.

Đến tháng 4-1997, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi công thực hiện các dự án bao gồm: hệ thống tiêu thoát lũ ra biển tây từ các kênh T4, T5, T6 chuyển nước từ kênh Vĩnh Tế băng qua Bắc Hà Tiên đổ vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Mở rộng và nối các kênh Tuần Thống, Lung Lớn để tiêu nước từ tứ giác Long Xuyên ra biển tây.

Xây dựng các cống ngăn mặn và điều khiển dòng lũ tại đập tràn Tha La, Trà Sư (An Giang) đổi dòng nước lũ từ Campuchia, từ sông Hậu chảy vào tứ giác Long Xuyên. Tiến hành cải tạo, nâng cấp cống đập và nạo vét kênh Vĩnh Tế, kiểm soát hoàn toàn nước lũ những năm tiếp sau.

Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần ngày 11-6-2008, để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công lao của Thủ tướng, nhân dân và chính quyền tỉnh An Giang đã đổi tên kênh T5 thành dòng kênh mang tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau đó, vào ngày 11-6-2011, tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (An Giang), đảng bộ, chính quyền và nhân dân tổ chức long trọng lễ khánh thành khu công viên và văn bia kỷ niệm công trình thoát lũ ra biển tây ngay tại đầu vàm kênh T5 giáp với kênh Vĩnh Tế.

Văn bia ghi: “Người nhờ đất để sống, đất nhờ người có tên, người nhờ người dẫn lối. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta. Nơi đây, ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường khảo sát hướng thoát lũ ra biển tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy. Ngay sau khi khai thông dòng kênh, nhân dân đã gọi là “Kênh Ông Kiệt”. Tại kỳ họp lần thứ 14/2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã chính thức đặt tên “Kênh Võ Văn Kiệt”.

Mưu sinh mùa nước nổi.

Con kênh này là trục chính trong hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn khai mở vùng tứ giác Long Xuyên, đã đưa sản lượng lúa tăng gấp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng, ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Nhân dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”.

Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc!”.

Kênh Võ Văn Kiệt dài 48km, rộng từ 30 đến 36m, sâu 3m thông với kênh Vĩnh Tế chảy ra huyện Hòn Đất (Kiên Giang) rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Cùng với đó, hàng loạt công trình thủy lợi dẫn nước ngọt, tiêu chua, tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn và hàng vạn cây số đê, bờ bao bảo vệ lúa được dựng bảo vệ lúa hè thu.

Đây là công trình thủy lợi đi vào lịch sử đào kênh tại Việt Nam về tiến độ và ý nghĩa xã hội, kinh tế nông nghiệp. Cũng từ đó cụm từ “lũ đẹp” xuất hiện trong đời sống nông dân vùng tứ giác Long Xuyên và định nghĩa “sống chung với lũ” được ra đời. Ngày nay, An Giang là một địa phương rất ít khi dùng đến hai chữ “mùa lũ” như nhiều nơi thường dùng, mà chỉ là “mùa nước nổi” chỉ một hiện tượng rất bình thường diễn ra hằng năm. Nước lũ mang theo phù sa, rửa sạch đất phèn, cuốn trôi sâu rầy... mang về cá cua, rắn rùa và vô vàn sản vật khác.

Mùa nước nổi ở An Giang từ Tân Châu, qua Phú Tân, Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn... đi vào các xã vùng sâu như Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vĩ... chỉ có trời và nước nổi mênh mông, lênh láng bốn bề.

Đón lũ năm nay, hàng loạt đê bao khép kín ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp, người dân và chính quyền đã chủ động xả đón lũ vào đồng khiến cho nhiều người ngạc nhiên giật mình tưởng đang nghe nhầm. Đắp bờ bao ngăn lũ, sao lại thành nơi xả lũ tràn đồng?

Các nhà khoa học nghiên cứu về nông nghiệp và những bậc lão nông tri điền vùng Chợ Mới, Tân Châu (An Giang) và Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp) đều cho rằng, tình trạng ngăn lũ triệt để lâu nay đã khiến cho đất thoái hóa, kém màu mỡ và tạo ra tâm lý an toàn với nông dân tăng vụ, thâm canh đã làm cho môi trường tồn trữ nhiều chất thải hữu cơ, xác thực vật và sâu rầy phát triển mạnh.

Đê bao chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất trong tháng 8, thời gian còn lại - hầu như nhiều người ủng hộ quy luật tự nhiên của nước lũ tràn đồng. Do đó, mùa lũ nước dâng cao năm nay, nông dân hai tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang đã chủ động đón lũ vào đồng để tiếp nhận phù sa màu mỡ và vệ sinh đồng ruộng.

 Lão nông Lê Văn Ton ở xã Phú An, huyện Phú Tân cho biết thêm: khi nước rút, lượng phù sau nằm lại sẽ là nguồn lợi tốt không gì bằng cho cây trồng vụ sau. Không hề có chuyện chạy lũ, tránh lũ như thời xa xưa nữa. Những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, đến việc học tập, vệ sinh môi trường... tất nhiên là có, nhưng người dân vẫn háo hức chờ đón lũ. Năm nay, lũ lại về, hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no, khấm khá vào mùa sau cho người dân ở vựa lúa lớn nhất nước.

Hoàng Châu
.
.