Miệt mài gieo mầm thiện

Thứ Ba, 18/02/2020, 12:26
Với những việc làm nhân văn, nhân ái và thấm đẫm tình người của mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đây, hơn nửa thế kỷ qua, Trại giam số 3 đã giúp nhiều người lầm lỗi sớm tìm lại chính mình, hướng thiện để trở về với gia đình và cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Chúng tôi đến Trại giam số 3, Bộ Công an khi không khí của những ngày tết cổ truyền đã lắng lại phía sau, cũng là thời điểm cán bộ, chiến sĩ và Ban giám thị trại giam vừa tất bật kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đơn vị. Để đảm bảo cho quá trình giam giữ, cải tạo và giáo dục, cảm hóa cho hơn 2.200 phạm nhân đang thụ án tại đây không bị gián đoạn, ngay từ những ngày đầu xuân, hoạt động giáo dục, tăng gia lao động sản xuất đã được Ban giám thị và Hội đồng cán bộ phát động thi đua, tạo nên không khí vừa sôi nổi, phấn khởi, vừa ấm áp và thấm đẫm tình người.   

Dẫn chúng tôi tham quan khuôn viên đơn vị, Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị trại giam số 3 phấn khởi giới thiệu những đột phá của đơn vị trong suốt thời gian qua. Hơn 5 năm rồi kể từ khi rời Trại giam Nghĩa An (Quảng Trị) về nhận nhiệm vụ tại đây, Đại tá Thành đã dốc hết tâm sức, trí lực để vừa xây dựng đơn vị khang trang, sạch đẹp vừa đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, cải tạo. Từ đó, giúp phạm nhân sớm xác định được giá trị của bản thân, đặng tích cực học tập, lao động, cải tạo và chấp hành án để sớm được trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ chiến sĩ Trại giam số 3 vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công Hạng Ba, năm 2015.

Xứng danh đơn vị anh hùng

Lật lại những trang sử của ngày đầu thành lập với muôn vàn gian khó nhưng cũng không ít vẻ vang, tự hào, Đại tá Phan Đình Thành cho biết: Để có được thành quả như hôm nay, đã có biết bao công sức gây dựng, vun đắp, thậm chí phải đổi bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ qua các thời kỳ.

Tháng 2-1955, Trại cải tạo Trung ương số 3 - tiền thân của Trại giam số 3 ngày nay - ra đời tại thôn Quý Cao, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, cải tạo các đối tượng, phục vụ công cuộc cải cách ruộng đất và đấu tranh trấn áp các đối tượng phản cách mạng. Sau 2 lần di chuyển địa điểm, từ tháng 3-1959, đơn vị chuyển về xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Đến tháng 12-1994, Trại chính thức được đổi tên thành Trại giam số 3. Trại giam số 3 từ trước đến nay là nơi đây chỉ tiếp nhận và thụ án riêng phạm nhân nam, không có phạm nhân nữ. Theo Đại tá Thành, trong bất cứ thời kỳ nào thì tình hình tội phạm cũng có những diễn biến phức tạp riêng, đối tượng đưa vào trại chấp hành án tăng nhanh, thành phần phạm tội đa dạng, tính chất ngày càng tinh vi, nguy hiểm.

Số phạm nhân án dài, án chung thân, nhiều tiền án tiền sự, bệnh tật hiểm nghèo, số phạm nhân bóc tách từ các trại giam khác chuyển đến ngày càng nhiều. Quá trình thụ án, những phạm nhân này luôn tìm mọi cách để trốn trại, chống phá, gây rối, đe dọa, khống chế, tấn công cán bộ đòi yêu sách, tìm mọi thủ đoạn để đưa đồ vật cấm vào trại giam.

Mặc dù vậy, xuyên suốt 65 năm qua kể từ khi thành lập, Trại giam số 3 đã làm tốt công tác quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trại giam. Năm 2002, Trại giam số 3 đã trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống các trại giam cả nước đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa” và năm 2009, đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thư viện dành cho các phạm nhân tại Trại giam số 3.

Thu phục nhân tâm

Trong chuyến công tác đầu năm tại Trại giam số 3 lần này, chúng tôi đã gặp phạm nhân Lê Văn Luyện, thủ phạm sát hại 3 người trong tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, tỉnh Bắc Giang vào năm 2011, được chuyển đến thụ án tại Trại giam số 3 cách đây 8 năm về trước.

Chia sẻ với chúng tôi ngay sau cánh gà khi vừa kết thúc tập luyện một tiết mục văn nghệ, phạm nhân này đã cởi mở hơn chứ không lầm lì, thu mình như trước đây. Luyện cho biết, lầm lỗi gây ra trong quá khứ bản thân đã rất ân hận, dày vò suốt thời gian dài. Lúc bấy giờ, tuổi trẻ bồng bột, cạn nghĩ nên đã gây nên tội ác, thời gian đầu mới nhập trại bản thân gần như bị trầm cảm, sống khép kín, thậm chí chống đối dẫn đến bị kỷ luật.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, động viên của cán bộ quản giáo, bản thân đã nhận ra lỗi lầm nên quyết tâm phục thiện, gắng cải tạo để sớm được trở về với gia đình. Lê Văn Luyện giờ đang lao động sản xuất và là thành viên của đội văn nghệ phạm nhân “Tiếng hát tình đời”.

Một trường hợp khác là phạm nhân Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”), trú tại tỉnh Bắc Ninh, kẻ cầm đầu trong đường dây làm giả hài cốt liệt sĩ, đang thụ án tù chung thân, lao động sản xuất tại đội làm hàng thủ công, Phân trại số 1. Năm 2015, “cậu Thủy” cùng đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị truy tố về 2 tội danh “Xâm phạm mồ mả, hài cốt” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi nhóm này tổ chức trộm hài cốt liệt sĩ vô danh tại nhiều nghĩa trang ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế rồi mang đi nhiều nơi tạo hiện trường, làm mộ giả để lừa người thân đi tìm mộ, với tổng cộng 105 mộ liệt sĩ bị làm giả, chiếm đoạt số tiền nhiều tỉ đồng.

Cán bộ Trại giam số 3 hướng dẫn phạm nhân tăng gia lao động sản xuất.

Hơn 4 năm ăn cơm tù, mặc áo số, cùng với sự quan tâm, giáo dục và giác ngộ của cán bộ quản giáo, phạm nhân Nguyễn Văn Thúy đã nhận thức được tội lỗi của mình, ngày đêm miệt mài với công việc để mong bù đắp một phần lầm lỗi đã gây ra cho người đã khuất và thân nhân của họ.

“Được cán bộ bố trí công việc làm hàng thủ công, tôi đã rất thành tâm trong từng công đoạn, với tâm niệm sự sám hối của mình sẽ gửi gắm vào từng sản phẩm như một lời xin lỗi muộn màng gửi đến những người từng là nạn nhân của mình”, phạm nhân Thúy bộc bạch. 

Câu chuyện của phạm nhân Lê Văn Luyện, Nguyễn Văn Thúy cũng là con đường hướng thiện chung của hàng nghìn phạm nhân khi đến tìm lại giá trị thực của bản thân ở Trại giam số 3. Sự lầm lì, chống đối, mặc cảm, tự ti của mỗi phạm nhân đều được cảm hóa bằng tình người, sự quan tâm, gần gũi của từng cán bộ quản giáo. Thậm chí, khi phạm nhân bị đau ốm, bệnh tật thì cán bộ chính là người thân duy nhất luôn bên cạnh để động viên, thăm hỏi.

Đối với những phạm nhân chống đối, luôn tìm cách bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, cùng với việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để làm gương bằng hình thức giáo dục chung, Trại giam số 3 còn tổ chức hình thức giáo dục riêng, đem cái tâm, cái tình của người quản giáo để cảm hóa, thức tỉnh phần thiện lương trong tâm hồn mỗi con người.

Trường hợp của phạm nhân Lê Hữu Còn (SN 1988, quê quán tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) là một điển hình về sự giáo dục như thế. Can tội giết người, bị kết án 19 năm tù nhưng cho rằng mình bị oan, thời kỳ đầu nhập trại, Còn và thân nhân trong gia đình đã gõ cửa khắp nơi kêu oan. Cho rằng bị ép cung, phạm nhân này tìm đủ mọi cách để chống phá, hành hung cán bộ.

Không lấy đó làm điều khó chịu, từng ngày trôi qua, lần lượt cán bộ quản giáo đến Hội đồng cán bộ đã thường xuyên gặp gỡ Còn, liên hệ với bố mẹ để tác động. Cứ như vậy, dần dà phạm nhân này đã nhận thức ra. Từ chống đối, thách thức đã trở nên điềm tĩnh, tu tâm cải tạo tốt và được giảm án.

Kết quả đáng tự hào của đơn vị Trại giam số 3 trong những năm gần đây là đã xóa được “dớp” phạm nhân trốn trại. Trước đây, do điều kiện giam giữ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên thường xuyên xảy ra tình trạng phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ, trong đó có những phạm nhân án nặng, án dài nên khi đào thoát ra ngoài xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ, trong 18 năm liên tục, Trại giam số 3 không có phạm nhân trốn thoát và từ năm 2015 đến nay, đã thanh loại 3 đối tượng và bắt giữ thành công 3 đối tượng truy nã. Trong số này, có thể kể đến thành tích bắt giữ đối tượng Lỳ Bá Chày (SN 1975, trú tại Bản Tham Hốc, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), tội danh tàng trữ trái phép chất ma túy và trộm cắp tài sản, án phạt 13 năm.

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 trao đổi với người nhà phạm nhân.

Sau khi thụ án được gần 3 năm, vào ngày 16-5-1998, Chày đã trốn khỏi nơi giam giữ, sống chui lủi lại nước Lào và lấy vợ, sinh con tại đây. Đến ngày 15-2-2017, tổ công tác Trại giam số 3 phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An và Công an nước bạn Lào, phát hiện và bắt giữ phạm nhân Lỳ Bá Chày khi đang lẩn trốn tại bản Thoong My Xay, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bôlykhămxay, nước CHDCND Lào.

Mới đây nhất, Trại giam số 3 phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk, bắt giữ đối tượng truy nã Đặng Văn Sự (SN 1961, quê quán tại huyện Kiến An, TP Hải Phòng). Tháng 4-1980, Sự  cùng đồng bọn sử dụng súng quân dụng cướp tài sản, bị kết án 13 năm tù giam, thụ án ở Trại giam số 3. Năm 1988, đối tượng này gây án trong buồng giam, bị kết án 20 năm tù.

Hai năm sau đó, Sự đã vượt ngục, trốn vào Tây Nguyên thay tên đổi họ, lập gia đình rồi sinh sống tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sau 30 năm sống chui nhủi dưới bỏ bọc tên họ của người khác, ngày 14-10-2019 Sự đã bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trong rẫy cà phê của gia đình tại xã Ea Tu, huyện Cư Mgar. 

Trung tá Đào Anh Sơn, Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết, hằng năm, với tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở quy định của pháp luật và bằng tình yêu thương con người, Trại giam số 3 đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục phạm nhân. Qua đó, giúp phạm nhân nhận thức được hậu quả đã gây ra cho xã hội, có trách nhiệm khắc phục hậu quả, giúp họ xác định được chân lý, ý nghĩa thiết thực của cuộc sống, từ đó hăng say, tích cực trong học tập, lao động, cải tạo và chấp hành án để sớm được trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích.

Theo Trung tá Sơn, công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có những phong trào mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc như: Phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi”, giao lưu “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”, cuộc thi “Viết cảm nhận về sách”, “Tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện theo sách”, hội thi “Tiếng hát tình đời”, hội thi “Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, ma túy và các bệnh truyền nhiễm trong phạm nhân”...

Ngoài ra, hằng năm Trại giam số 3 còn phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An, luân chuyển hàng ngàn đầu sách phục vụ nhu cầu đọc sách của phạm nhân. Đặc biệt, hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân tổ chức hằng năm, được đổi mới hình thức, đem lại hiệu quả về công tác phối hợp giáo dục.

Thiên Thành
.
.