Những đứa trẻ ở Trung tâm Hà Cầu – Hà Đông:

Mồ côi tội lắm ai ơi…

Thứ Sáu, 01/07/2016, 17:45
Ở ngay trung tâm thị xã Hà Đông, giữa những khu đô thị mọc lên đầy nhà cao tầng và chung cư cao vút, nhưng con đường vào Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu không phải dễ tìm. Trung tâm ở gần miếu Đơ, một ngôi miếu có lịch sử nhiều năm tại thị xã Hà Đông.

Khi tôi đến, các em ở Trung tâm nuôi dưỡng Trẻ em mồ côi Hà Cầu - Hà Đông đang ăn trưa, một bữa ăn đơn giản gồm thịt rang, mướp xào lạc và một món canh rau. Các em vừa ăn trưa, vừa trò chuyện, những câu chuyện xung quanh trường lớp, bạn bè. Ăn xong mỗi người một việc theo lịch trực nhật, các em lặng lẽ làm việc, thỉnh thoảng trò chuyện cùng nhau...

Tất cả các em dưới một mái nhà chung của những đứa trẻ mồ côi bỗng chốc bớt đi những nỗi cô đơn và cay đắng, bởi vì các em hoàn toàn hiểu rằng, nếu không tự chữa lành những vết thương lòng, thì không ai khác có thể giúp các em vượt qua những chông gai của cuộc đời rộng dài phía trước...

Các cháu tại Trung tâm Hà Cầu.

Những mảnh đời côi cút

Lọt thỏm giữa những anh chị cao lớn là một bé trai gầy gò và rất hiền lành. Dũng loay quay bên bàn ăn, lúc thì ngồi, lúc thì đứng cạnh mẹ Liên, người quản lý lớp của con. Có lúc Dũng nép vào lòng mẹ Liên để mẹ xoa xoa mái tóc đã dài của cháu. Cháu là Nguyễn Việt Dũng sinh năm 2005, hiện nay đang chuẩn bị bước vào lớp 3 tại một ngôi trường tiểu học trên địa bàn Hà Đông.

Tôi ngồi cùng cháu hỏi chuyện, Dũng không nhớ ngày sinh nhật của mình. Con bảo bố mẹ đã mất cả rồi, còn bà ngoại thì cũng mới mất năm ngoái. Còn có dì nhưng dì cũng không đón về nhà, chỉ biết bà ngoại ở quận Đống Đa. Gương mặt Dũng hiền lành, ngoan ngoãn, dù đã 11 tuổi nhưng vẫn còn non nớt hơn nhiều so với tuổi của con. Gặp người lạ những Dũng vẫn sà vào lòng để được chăm sóc, âu yếm. Dường như một điều bình thường như bao đứa trẻ khác lại thật sự xa lạ và hiếm hoi đối với con.

Thấy tôi trò chuyện cùng Dũng, bà Thục Ninh, Giám đốc Trung tâm lại gần, chia sẻ: Dũng là một cậu bé đáng yêu và ngoan ngoãn. Thực ra, hoàn cảnh của con cũng đáng thương lắm. Nghe nói là bố con đã mất vì chúng tôi không xác minh được, mẹ thì bỏ đi từ lúc con còn bé. Dũng lúc vài tuổi đã lang thang và theo những anh chị bụi đời vì không ai nhận chăm sóc nuôi nấng.

Có một ông bác họ xa sợ con hư hỏng nên gửi vào một chùa ở Thanh Xuân nhờ thầy nuôi. Thầy nuôi được lâu lắm nhưng vì thấy con đã lớn cần phải học văn hóa mà thầy thì không có hộ khẩu để nhập học cho con, cũng không có người chăm sóc đưa đón con đi học nên đã gửi con vào trung tâm. Chúng tôi không có bất cứ liên hệ nào với gia đình, thân nhân của con, cũng chẳng bao giờ thấy người nhà đến tìm con, nên thương lắm, tết hay hè con chẳng được đi đâu, chỉ ở lại trung tâm.

Trung thu vừa rồi, có một người nghe nói là dì của con, đi cũng một đoàn từ thiện xã hội đến trung tâm. Cô ấy đi cùng đoàn có lẽ cũng ý muốn tìm cháu mình. Cô ấy gặp và nhận ra Dũng, nhận là dì, em mẹ Dũng, nói chuyện với con nhưng khi chúng tôi nhờ người trưởng đoàn hỏi thăm để ra gặp riêng nhưng cô ấy không gặp, cũng chẳng để lại số liên lạc và từ bấy đến nay cũng không hỏi han gì tới con cả.

Có lẽ cô ấy biết con đang ở đây và được chăm sóc tốt nhất, được học hành chu đáo. Chỉ có điều là khi cô ấy đến, mang theo nhiều hy vọng cho Dũng, con cứ chờ đợi bóng người thân nhưng rồi cứ bặt vô âm tín. Một đứa trẻ non nớt đang tuổi ăn tuổi lớn nó cũng cần tình cảm gia đình, một thứ tình cảm máu mủ ruột thịt mà các mẹ, các anh chị ở trung tâm không thể nào bù đắp được.

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Hà Cầu - Hà Đông hiện tại có 50 cháu. Các cháu chủ yếu là những đứa trẻ mồ côi, có cháu mồ côi bố hoặc mẹ, có cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ, cũng có cháu còn bố mẹ nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng, bố nghiện, mẹ đi tù, hoặc có những trường hợp trẻ là con ngoài giá thú, không được thừa nhận.

Những khóa trước đây có những cháu là con thương binh, bị chất độc da cam thể nhẹ, bố mẹ mất, thân nhân không có điều kiện chăm sóc. Các cháu đến đây với một bộ hồ sơ được xác nhận của xã, phường nơi cư trú của các cháu. Nhận được hồ sơ, người của trung tâm sẽ đi đến tận nơi xem xét và khảo sát. Phù hợp với những điều kiện của trung tâm thì các cháu sẽ được nhận về ở dưới ngôi nhà chung dành cho trẻ mồ côi.

Những cháu nhỏ đến đây đều mang theo những câu chuyện riêng về thân phận, về cảnh đời đầy khó khăn, côi cút. Có cháu thì bố mẹ bệnh tật, bố mẹ ngộ sát, tai nạn giao thông, bố mẹ đẻ ra thì bỏ không nhận, ông bà gia tộc không thừa nhận được đưa vào chùa ở, một thời gian nhà chùa không có điều kiện dạy học cho các cháu nên xin cho về trung tâm. Có cháu vì gia đình nghèo bị bố mẹ bán đi làm con nuôi rồi ông bà biết thì xin chuộc và đưa về trung tâm.

Những cháu đến đây, mỗi cháu có một nỗi bất hạnh, đau đớn riêng, mỗi một cháu một hoàn cảnh nhưng dựa vào nhau để có sức mạnh. Ai cũng hiểu và các con ít khi nói về quá khứ đớn đau và đầy nước mắt của mình, chỉ có động lực duy nhất giúp các con vươn tới là nhìn vào tương lai để ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, phấn đấu trở thành một con người có ích cho xã hội.

Những anh chị em ruột cùng một nỗi đau

Sau một năm thành lập trung tâm, có một gia đình bố mẹ làm nghề vạn chài bị đắm đò ở Suối Hai, họ ra đi để lại 4 đứa con 3 gái một trai côi cút. 4 chị em các cháu được nhận vào trung tâm năm đó chị lớn 12 tuổi còn em trai bé nhất mới 4 tuổi. Các cháu mất bố mẹ nhưng rất tự giác bảo ban nhau, nên bà thương quý lắm.

Hiện tại một chị gái đã rời khỏi trung tâm đi lấy chồng, có hai con rồi. Còn chị thứ 2 học Đại học Công nghiệp Thái Nguyên năm nay ra trường. Cháu gái thứ 3 đã ra đi làm ở Phòng khám mắt Sài Gòn tại Hà Nội. Còn cậu út thì học Cao đẳng cộng đồng điện dân dụng ra trường làm cho công ty nước ngoài chuyên lắp đặt điều hòa.

Bà Trần Thục Ninh, Giám đốc Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu chia sẻ, bà hạnh phúc đến rơi nước mắt khi các cháu vào trung tâm, vượt qua mọi nỗi buồn, mọi nỗi đau đớn, để bảo ban nhau học tập và có một ngày thành đạt. Đó là một niềm vui vô bờ bến đối với một người dành hết tâm huyết cho trung tâm trẻ mồ côi như bà.

Bà Trần Thục Ninh đang chăm sóc bữa ăn cho một cháu nhỏ.

Phan Hồng Tuyết và em trai Phan Phú Tiến quê ở Thanh Oai (Hà Nội) được nhận vào trung tâm gần chục năm nay. Gia cảnh của Tuyết  cũng đầy nỗi xót xa. Mẹ Tuyết thời còn trẻ đi tha phương cầu thực ở miền Nam, lấy chồng ở luôn trong đó và gặp phải ông chồng vũ phu, chị bị ngược đãi, đuổi đi khỏi nhà.

Trong tay không có một đồng, chị lại dắt hai con trở lại quê nhà. Ba mẹ con về quê không nơi nương tựa, không nhà cửa nên dựng tạm cái trại ở chợ Dân Hòa để ở, ngày đêm lang thang ở chợ. Gặp được người tốt không sao, gặp bọn xấu thì thành bụi đời.

Thấy hoàn cảnh của 3 mẹ con đáng thương quá, có người mách nên đã làm đơn xin về trung tâm để con được chăm sóc, học hành. Người mẹ mấy năm sau thì ốm bệnh và mất. Có một người cậu đứng ra bảo trợ làm thân nhân gia đình, nhưng cũng không khá giả gì nên cũng ít quan tâm được các cháu.

Tuyết bây giờ đã học lớp 11, em Tiến học lớp 7, nhưng lúc nào nhớ về mẹ, nhớ về chuyện quá khứ Tuyết đều rơm rớm nước mắt, những giọt nước mắt tức tưởi, tủi buồn. Bây giờ Tuyết là chỗ dựa cho em trai nhưng dường như đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em quá yếu mềm nên khi tôi hỏi về những ước mơ của em trong tương lai gần như thế nào, Tuyết không trả lời mà chỉ khóc...

Hai chị em Phùng Hải Yến (năm tới lên lớp 12) và em trai Phùng Văn Tưởng (lớp 5) quê ở Ba Vì đã vào Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu được 4 năm nay. Bố các cháu bị bệnh mất từ khi các cháu còn nhỏ. Mẹ nghèo khó và ốm đau nên sau khi xin gửi con vào trung tâm và đi làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Một hôm thấy bảo mẹ bị mất tích mà không rõ nguyên nhân. 5 ngày sau đó thì người làng thấy bà gục chết bên vũng nước ở bờ ao gần nhà mấy trăm mét. Nhà không có điều kiện tìm hiểu nguyên nhân cái chết của mẹ các cháu.

Được cái hai chị em ngoan lắm, rất chịu khó và chăm chỉ. Ngày mới vào trung tâm, lực học của Yến yếu lắm vì cháu bị mất gốc nên cháu xin nghỉ học để đi làm. Vì đã học lớp 8 nên bà Thục Ninh khuyên cháu nên cố gắng học đến lớp 9 cuối cấp 2. Trong quá trình học Yến được củng cố lại kiến thức do các anh chị sinh viên tự nguyện kèm thêm vào các ngày trong tuần. Và kết quả là không những không bỏ học mà hiện nay Yến đã lên lớp 12 và đang nỗ lực để thi đỗ đại học...

Dựa vào nhau mà đứng dậy

Ngồi chuyện trò cùng tôi, ngoài những đứa trẻ côi cút là những người mẹ chưa một lần được làm mẹ thật trong đời. Trong ngôi nhà của 50 đứa trẻ mồ côi, được chia ra thành 4 gia đình và mỗi gia đình có 1 mẹ quản lý. Họ là những người phụ nữ kém may mắn vì không có gia đình riêng và chấp nhận ở lại nơi nuôi dưỡng, trông nom những đứa trẻ mồ côi như chính con đẻ của mình.

Chị Tô Liên (quê ở Hà Tây cũ) về làm việc ở trung tâm này từ những ngày đầu thành lập trung tâm. Chị là người phụ nữ hiền lành, nhu mì nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa có gia đình. Khi chị về làm tại Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu thì đã bị gọi là “quá lứa nhỡ thì” nên chị chấp nhận một cuộc sống độc thân ở nơi đây để một lòng một dạ chăm sóc, đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi.

Có rất nhiều đứa trẻ qua tay chị chăm bẵm khôn lớn, trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Thỉnh thoảng những ngày lễ tết các con vẫn đưa cháu đến thăm mẹ, cũng có đồng quà tấm bánh nhưng cũng chỉ đến thế, khi các con trở về với gia đình, với cuộc sống thì lại tất bật lo toan với những phận sự riêng của gia đình các con, “Mẹ Liên” chỉ còn trong những kỷ niệm.

Chị Liên cũng như những người phụ nữ nơi đây chẳng mong các con “trả ơn”, nhưng khi nghĩ về thân phận mình, chị ứa nước mắt chia sẻ: “Năm nay tôi đã gần 50 tuổi rồi, cũng bắt đầu đau xương đau khớp và cảm thấy tuổi già đến với mình thật nhanh. Còn được ngày nào khỏe mạnh thì vẫn chăm nom các cháu, vì số phận mình đã thế thì phải chấp nhận thôi. Đôi khi nhìn các cháu mà tôi thương xót.

Bản thân tôi không chồng không con, cũng có khát khao cháy bỏng là được làm vợ, làm mẹ nhưng ông trời không cho thì biết làm sao. Bởi vậy khi nhìn những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi phải lưu lạc vào đây, tôi cảm thấy giận những người cha người mẹ ấy quá. Cũng là những số phận, cũng là con người mà người thì khao khát, người thì bỏ đi. Tôi lấy niềm vui chăm sóc các con, yêu thương các con như con của mình, chỉ mong các cháu trưởng thành, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thực sự có nhiều đứa trẻ gắn bó với chúng tôi từ khi còn nhỏ và khi các con ra đi cũng nhớ lắm. Nhưng các con bay đi với chân trời xa thì nhiều ước vọng, còn chúng tôi, những người mẹ ở lại thì chăm sóc những chuyến đò khác để mong các con về tới bến an toàn. Bản thân tôi, khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì cũng phải về quê, nương tựa vào anh em họ hàng. Chả mong các con nhớ đến mình, chỉ mong con khôn lớn và trưởng thành là mình cảm thấy hạnh phúc rồi”.

Những cuốn sổ tiết kiệm và niềm tin vào một ngày mai

Ở Trung tâm Trẻ em mồ côi Hà Cầu, những đứa trẻ ngoài những buổi lên lớp, ăn uống, thì mỗi ngày, các cháu đều có những giờ làm thêm để kiếm tiền riêng: cho tăm bông vào túi và gấp những thanh giấy làm hạc giấy cho các cửa hàng. Số tiền kiếm được bà Trần Thục Ninh, Giám đốc Trung tâm cho biết, sẽ làm cho các con một cuốn sổ tiết kiệm, khi rời khỏi trung tâm, các con sẽ được nhận cuốn sổ tiết kiệm ấy, dù ít dù nhiều để làm vốn liếng cho cuộc đời mình.

Tuy nhiên, dù có một cuốn sổ tiết kiệm, dù có một chút vốn liếng ban đầu trong cuộc đời, nhưng có thật nhiều câu chuyện tôi được nghe, được chứng kiến và chia sẻ với các cháu nơi đây nhưng có những câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi đầy nỗi đớn đau trong tâm hồn như một vết thương không gì vá lành lại được.

Những đứa trẻ đầy hồn nhiên như bao nhiêu cô cậu bé đồng trang lứa, nhưng trên gương mặt các em luôn có những nỗi buồn hiện hữu không thể gọi thành tên. Các cháu ở đây, ăn uống, sinh hoạt dưới một mái nhà, gọi tên chung một người mẹ, cũng có những niềm vui, những sinh hoạt cộng đồng mang lại tiếng cười cho các cháu, nhưng có một điều tuyệt nhiên các cháu không hỏi về quá khứ của nhau.

Có lẽ các cháu tránh làm cho nhau tổn thương khi gợi lại những nỗi buồn không mong đợi. Ai mong một cuộc đời côi cút, nhưng số phận đã đặt các cháu vào những ngôi nhà ấy như một định mệnh. Những bậc làm cha làm mẹ, có người đã về nơi chín suối, hay có người đã bỏ rơi con để biền biệt phương trời nào, nhưng những nỗi đau là có thật, nỗi bất hạnh là có thật đối với những cháu nhỏ ở trung tâm trẻ mồ côi này.

Dù có những tấm lòng từ thiện đến với các cháu, dù có những người mẹ, những tấm lòng hằng ngày vẫn chăm sóc các cháu hằng ngày nhưng có lẽ tất cả những điều đó vẫn chưa thể nào đủ đối với những đứa trẻ non nớt tội nghiệp này. Tôi vẫn thấy những giọt nước mắt đong đầy trên khóe mắt bởi những tổn thương của tuổi thơ bé dại, côi cút vì nhiều lý do khác nhau. Và nếu có một phép màu, chỉ mong sao, cuộc đời sẽ bớt đi những nỗi xót thương này...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.