Một lần “bám càng” lính cứu hỏa

Thứ Hai, 15/12/2014, 14:45
Tháng 10 với lễ phát động kỷ niệm ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (PCCC) vừa mới qua chưa lâu, thì chỉ riêng trong mấy ngày đầu tháng 11/2014, liên tiếp 6, 7 vụ cháy xảy ra tại Hà Nội. Các vụ cháy trên địa bàn tuy chưa gây thiệt hại nghiêm trọng về người, song việc xảy ra liên tiếp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác PCCC hiện nay. Một lần trực tiếp đi cùng lính chữa cháy để rõ thêm về ý thức của người dân Thủ đô còn quá đơn giản với loại “giặc” nguy hiểm này.

3h chiều ngày 11/11/2014, tôi có mặt tại trụ sở của Phòng Cảnh sát PCCC Giảng Võ (Phòng Giảng Võ). Câu chuyện với Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng chỉ vừa mới bắt đầu thì một chiến sĩ vào thông báo, chỉ huy phòng triệu tập các lãnh đạo phòng lên tiếp khách. Khách là đồng chí Phó chủ tịch quận Ba Đình đến thăm và làm việc với Phòng Giảng Võ. Thực ra việc này tôi đã biết, bởi trước đó khi liên hệ sang làm việc, đồng chí chỉ huy đã thông báo có lịch tiếp khách này. Tuy nhiên, tôi quyết định sẽ vẫn đến và xác định nếu có gián đoạn cũng không sao, chờ tiếp khách xong làm việc tiếp. Với anh em báo chí đi tác nghiệp, như thế cũng chẳng phải là việc hiếm gặp.

Tôi lân la ra phòng trực ban, định bụng đợi lúc nào chỉ huy phòng xong việc, sẽ làm việc tiếp. Đội phó Khúc Nguyên Khánh đang trong ca trực kéo tôi vào ngồi. Vừa nhấp hớp nước, chuyện mới dăm ba câu chưa đâu vào đâu thì bỗng thấy chuông reo dồn dập. Đồng chí Đội phó bật dậy vơ ngay chiếc mũ cùng bộ đàm và đèn pin xách tay lao ra cửa, bỏ lại tôi ngơ ngác giữa phòng.

Thực tình ban đầu tôi cứ tưởng chắc là chuông báo anh em tập trung để đón khách. Nhưng nhìn ra thấy bên ngoài người chạy rầm rập, mấy cậu lính trẻ vừa chạy vừa khoác áo chuyên dụng rất khẩn trương thì tôi mới hiểu ra: À, cháy thật rồi!
Bất chấp xe ưu tiên rú còi ủ, các dòng phương tiện vẫn len vào giữa, gây cản trở không ít quá trình tiếp cận đám cháy.

Lập tức tôi cũng rút máy ảnh đeo bên hông ra, chụp lia lịa cảnh anh em xuất phát. Thượng tá Ngô Thanh Lâm chẳng biết đã xuống sân từ lúc nào, nhìn thấy tôi bèn nói: Mời nhà báo lên xe đi chữa cháy với anh em luôn! Được thế thì còn gì bằng. Tôi nhao về phía xe gần nhất. Nhưng chỉ chừng ấy thôi là đã không kịp. Xe số 1 đủ quân số, đã bắt đầu lao ra khỏi trụ sở 135 Giảng Võ. Thấy vậy, Thượng tá Ngô Thanh Lâm chỉ tay: Xe số 2! Tôi là người cuối cùng lên xe, ngồi ngoài cùng cửa bên phụ. Lên xe thấy anh em chiến sĩ vẫn còn người đang cài nốt khuy áo, người đi ủng… Mô tả thì có vẻ lâu, nhưng tính từ lúc bắt đầu nghe chuông cho đến khi chiếc xe số 2 xuất phát, thời gian chỉ chừng hơn phút. Cho đến tận lúc ngồi trên xe tôi mới tin là mình đang đi chữa cháy thật! Và hình như ngoài đồng chí Tiểu đội trưởng và lái xe, có vẻ như toàn bộ 5 chiến sĩ ngồi băng ghế sau không ai kịp biết cháy ở đâu. Đi ra ngoài rồi mới thấy anh em hỏi nhau, ra là cháy ngay Đê La Thành.

Chính xác là cháy ở 371 Đê La Thành. Từ trụ sở Phòng Giảng Võ ra đến địa chỉ báo cháy chỉ chừng chưa đến một cây số. Nhưng quả thực, có ngồi trên cabin xe cứu hỏa mới thấy, ý thức của người tham gia giao thông ở Thủ đô quá kém. Lúc ấy mới hơn 15 giờ, làm gì đã đến giờ cao điểm. Thế mà từ trụ sở Phòng Giảng Võ lao ra đến đường, ngoặt trái 2 lần là lên Đê La Thành, chỉ qua 2 lượt đèn đỏ thôi mà sao rối rắm quá. Nguyên tắc xe ưu tiên được vượt đèn đỏ, các phương tiện khác phải nhường đường, nhưng đến ngã đèn nào cũng bị chậm. Xe cứu hỏa hú còi, đèn chớp sáng lòa mà các làn xe vẫn cứ liệng ra ngoài, chiếm hết cả phần đường bên trái. "Xe ôtô 30A - 460xx dẹp vào bên phải, nhường đường cho xe ưu tiên! Xe máy 29Z 208xx nhường đường cho xe ưu tiên…". Đồng chí Tiểu đội trưởng ngồi ngay bên cạnh tôi liên tục gọi loa yêu cầu các phương tiện tránh đường mà chiếc xe chuyên dụng vẫn dồn thốc liên tục vì gặp vật cản… Đến khi về trụ sở, tôi thắc mắc với đồng chí rằng, tưởng xe ưu tiên hú còi, đèn chớp sáng lòa như thế thì chỉ cần hô loa các phương tiện dẹp đường là được, gọi dài dòng thế mất thì giờ lắm? Thì đồng chí Tiểu đội trưởng bảo với tôi rằng không thế không được anh ạ! Bọn em đi nhiều rồi nên biết. Người dân mà cứ gọi chung chung kiểu đó, cũng có người tránh nhưng đầy người như điếc luôn. Chưa cần bàn đến thái độ chấp hành Luật Giao thông đương nhiên phải nhường đường cho xe ưu tiên, nhưng nếu không gọi cụ thể, thì họ coi như việc đi chữa cháy là của ai chứ không liên quan gì đến họ. Thành ra cứ phải gọi đích danh thì người ta mới tránh đường. Hai xe cứu hỏa, xe trước xe sau lao rầm rầm rú còi inh ỏi thế mà người đi đường vẫn cố len bằng được vào giữa mới tài!

Ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ - Đê La Thành, vượt qua ngã tư rẽ trái một đoạn là tới điểm báo cháy. Lửa cháy trên tầng 2 của căn nhà 371 bắt đầu bốc chờm ra bên ngoài. Khoảng cách thẳng từ cabin tới ngọn lửa ít cũng phải chục mét mà tôi cảm nhận rõ sức nóng phả ra từ đám cháy mặc dù trời khá lạnh. Nhìn lên phía trước, đã thấy xe số 1 triển khai xong, lăng phun nước trên nóc xe đã hoạt động, phun áp đảo ngay. Dòng nước phụt mạnh vào đám cháy, khói bốc cuộn ra dữ dội, tiếng nước thoát đầu vòi và nước gặp lửa kêu rào rào như mưa lên mái tôn. Xe số 2 triển khai lăng bê. Hai tốp chiến sĩ hỗ trợ nhau tiến vào đám lửa. Ngọn lửa dần bị khống chế và tắt hoàn toàn sau chừng 10 phút…
Đám đông hiếu kỳ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào tiến sát đám cháy.

Lúc xe số 2 dừng theo đội hình, tôi nhanh chóng nhảy xuống, vừa là để ghi hình cho kịp thời, mà cũng là ý thức được việc không để vì mình đi cùng mà có thể gây cản trở tới anh em làm nhiệm vụ. Thế nhưng nhìn ra xung quanh thì lại thấy điều ngược lại. Bà con dân tình xúm đông xúm đỏ đứng xem. Chẳng ai giúp được một xô nước nào, nhưng cái vòng hiếu kỳ thì cứ mỗi lúc một khép lại tỉ lệ thuận với sự lụi tàn của ngọn lửa. Thoáng nghe phía sau có tiếng một người phụ nữ nói quớ lên: "Cứu hỏa gì mà đến chậm thế?". Nghe vậy nhưng tôi cũng chẳng buồn quay lại xem ai vừa phát ngôn hồ đồ ấy. Đích thân tôi lên xe từ lúc nghe chuông báo cháy, đi trên đường, tới hiện trường, rõ ràng là không có thể nhanh hơn được nữa. Đường sá như thế. Ý thức như thế. Nhanh thế nào nữa?

Lửa tắt. Hai xe cứu hỏa cùng chiếc xe bồn chở nước đến sau được lệnh nép vào lề đường để giải tỏa giao thông. Đám đông hiếu kỳ cũng bắt đầu tản ra, nhường lại lòng đường cho dòng phương tiện đang ùn ứ đen kịt hai đầu. Được một lúc, với sự có mặt kịp thời của Cảnh sát giao thông và lực lượng công an phường sở tại, đường Đê La Thành đã lưu thông bình thường. Các xe cứu hỏa cũng được lệnh quay về. Tôi lật nhìn đồng hồ: 15 giờ 55 phút. Toàn bộ sự việc diễn ra chỉ trong chừng 30 phút đồng hồ.

Được một lúc thì thấy một người đàn ông trung niên cắt đầu đinh, giữa trời lạnh mặc một chiếc áo sơ mi, trên xuống dưới vương đầy mạt sắt, mặt buồn rười rượi đến. Là anh Bình, người chủ cửa hàng sắt 371 Đê La Thành vừa bị cháy. Anh Bình người Vĩnh Phúc, xuống đây thuê nhà làm xưởng. Cả chủ cả thợ có 4 người. Tầng 1 đặt máy móc vẫn còn nguyên. Xép tầng hai vừa là kho chứa, vừa là chỗ nghỉ ngơi của chủ, thợ với toàn bộ tài sản như tivi, tủ lạnh, quần áo, két để tiền… Giờ thì cháy sạch cả rồi. Anh Bình ngao ngán móc túi đưa cho tôi xem một mớ tiền còn sót lại, có tờ bị cháy sém. Quần áo cũng thành tro cả, chỉ còn mỗi bộ đang mặc trên người. Tôi hỏi anh Bình: “Anh phát hiện ra cháy thế nào, và báo cháy lúc nào?”. Anh rầu rĩ đáp: “Tôi đang ngủ ở trên chính tầng hai đấy, thấy người hô cháy bèn chạy xuống thì đã thấy lửa bùng bùng rồi. Xép tầng 2 làm tạm bợ, vách ngăn toàn nhựa với xốp ra sát cột điện ngoài vỉa hè nên chập điện cháy lan vào trong rất nhanh. Thấy cháy thì cả chủ lẫn thợ gọi nhau bê đồ chạy lửa, chứ nào đã kịp gọi cứu hỏa đâu. Chắc là người xung quanh thấy cháy nên gọi báo 114 hộ, chứ tôi chưa kịp gọi", anh Bình nói. Tôi lại hỏi: “Các anh làm sắt, làm hàn, mà vách xốp vách nhựa ngay sát đường điện như thế không nghĩ đến việc phòng cháy à?”. Thừ ra một lúc, anh bảo từ nơi khác đến đây thuê nhà làm ăn, có sao thì dùng thế, nào đâu nghĩ được chuyện gì khác?

Lại nói khi về đến trụ sở, tôi đem lời ta thán nghe được tại hiện trường trao đổi với đồng chí Đội trưởng Nguyễn Minh Thành. Lúc ấy có một đồng nghiệp công tác bên Đài Truyền hình Hà Nội vừa đến nơi, cũng phản ảnh những lời phàn nàn về sự chậm trễ mà các anh vừa ghi lại được ở hiện trường. Đồng chí Đội trưởng quay ngay sang tôi, bảo: “Đấy! Nhà báo chứng kiến từ lúc có chuông báo cháy nhé. Chúng tôi có chậm trễ giây phút nào không?”. Nói rồi anh hạ giọng, tâm sự: “Theo đúng nguyên tắc trả lời báo chí phải là lãnh đạo phòng. Nhưng đây là chỗ thân tình, nói thật, chúng tôi "quen" với những lời phàn nàn kiểu đó rồi. Nói đây không phải là coi thường hay bất chấp, nhưng quả thực có những người cứ lợi dụng tâm lý đám đông để đưa ra những lời phán xét đầy ác cảm với anh em lính cứu hỏa chúng tôi mà chẳng hiểu dựa trên cơ sở thực tế nào? Nếu đúng là chủ bị nạn thì không nói làm gì. Của đau, con xót. Đứng nhìn tài sản, mồ hôi nước mắt của mình bị thiêu ra tro, ai cầm lòng được. Thế nên cũng khó trách họ được. Nhưng nhiều khi toàn là những người chẳng liên quan gì, nói năng văng mạng, hàm hồ kiểu đó anh em chúng tôi buồn lắm. Lính cứu hỏa vào sinh ra tử, xông pha khói lửa, nhiều lúc còn nguy hiểm đến tính mạng, mà lại cứ bị bóp méo đi, thế là thế nào? Thôi thì cũng chỉ mong là ý thức phòng chống cháy nổ của mọi người thực sự tốt lên, để chúng tôi không còn việc gì để làm. Thế đã là vui lắm rồi!”.
Anh Bình, chủ cửa hiệu sắt 371 Đê La Thành buồn rầu đưa cho chúng tôi xem gói tiền còn sót lại vơ vội trong đám cháy. Có tờ cháy quăn queo.
Việt Ba
.
.