Một làng SOS có 6 bà mẹ xin hiến xác

Thứ Năm, 02/08/2012, 22:20

Có một nơi như thế, đó là làng trẻ em SOS Gò Vấp, TP HCM. Không gia đình, không nhà cửa, không của cải riêng tư, không đời sống vợ chồng. Cả cuộc đời mình, họ đã dành trọn cho tình yêu thương những đứa trẻ. Và đến khi chia tay với cuộc đời này, các mẹ vẫn đem cái chết của mình nối dài cho sự sống.

Tôi gọi mẹ là mẹ Hoa. Gọi là mẹ Hoa bởi trong ngôi làng này, đi đâu cũng có hoa tươi rực rỡ. Trên các lối đi trong làng, trong những khoảnh đất nho nhỏ, và trước sân nhà của các mẹ, đâu đâu cũng thấy những khóm hoa khoe muôn sắc màu. Mẹ chấp nhận cho tôi tiết lộ thông tin về việc hiến xác cho khoa học, nhưng nhất định không cho tiết lộ tên tuổi của mình.

Trong ngôi làng có 6 bà mẹ xin hiến xác, nhưng các mẹ vẫn không ai tiết lộ với ai. Chỉ duy nhất một người biết đầy đủ danh tính 6 người, đó là Giám đốc làng trẻ SOS. Dù rất muốn chia sẻ thông tin cảm động này đến với cộng đồng, nhưng ông Nguyễn Văn Trừng, nguyên Giám đốc Làng SOS vẫn không thể cung cấp. Phải mất rất nhiều ngày tháng, nhiều lần đi lại, thủ thỉ, tâm tình  mới có duy nhất một trong số 6 bà mẹ chấp nhận để tôi được kể câu chuyện của một người mẹ, nhưng cũng là câu chuyện chung của các bà mẹ ở làng trẻ em SOS này.

4 lần đỗ đại học, giấc mơ vẫn không trọn

Thoáng chút buồn phảng phất, mẹ tần ngần không muốn nói quê quán của mình. "Chỉ cần biết quê nội ở Vĩnh Long, quê ngoại ở Bến Tre là được", mẹ nói. Mẹ cũng có một thời tươi đẹp và ấp ủ đầy những ước mơ. Hết cấp 3, mẹ thi đậu vào Trường đại học Nông lâm. Thời đó, trường đại học không nhiều như bây giờ, phải có một học lực xuất sắc mới có thể tranh được một suất nơi giảng đường cao vời vợi ấy. Bạn bè, bà con, làng xóm đến chúc mừng, vui cả một làng thôn.

Nhưng giấc mơ giảng đường lần đầu tiên đã không thành. Nhà mẹ chỉ có cha là lao động chính không đủ nuôi gia đình. Mẹ đành quyết định gác chuyện đi học đại học lại, ở nhà lao động phụ giúp cha. Năm sau mẹ lại tiếp tục đi thi và  đậu vào Đại học Sư phạm.

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đã hằn những nếp gấp của thời gian. Đã mấy mươi năm, cuộc sống và số phận đã an bài, nhưng kể lại mẹ vẫn khóc. Mẹ khóc tủi cho số phận, cho cuộc đời không được may mắn của mình. Khó khăn vẫn còn nguyên đấy. Lần cuối cùng người con gái mang niềm ước mơ đến nhìn cổng trường đại học, rồi trở về trong một tâm trạng giằng xé miên man. Nhiều đêm sau đó mẹ khóc âm thầm.

Vài năm sau, mẹ xin vào làm lao công trong một trường học. Cô hiệu trưởng có mắt nhìn người, đọc thấy được nỗi khát khao học hành trong mẹ. Cô cho mẹ học đại học tại chức. Nhưng khi đi học thì không còn thời gian làm thêm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Vậy là chỉ 2 năm, chuyện học hành phải bỏ dang dở.

Đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi, ốm đau  thường xuyên, phải túc trực suốt ngày đêm để chăm sóc. Vậy là giấc mơ giảng đường từ đây khép lại, khép cả ước mơ của một tuổi thanh xuân, một thời son trẻ.

Ngôi nhà dành cho các mẹ.

Bà mẹ Âu Cơ

Năm 1989, đọc báo thấy thông báo tuyển các bà mẹ vào nuôi con ở Làng trẻ em SOS, mẹ đã thi tuyển vào. Điều kiện để được làm mẹ, là vào đây phải độc thân, cam kết không lập gia đình. Vậy là mẹ lại chia tay cuộc tình đang sắp đến ngày đơm hoa kết trái.

Cuộc đời thật trớ trêu, và quả thật ông bà ta đã có câu "bất quá tam" tức không quá 3 lần, quả không hề sai. Khi đã vào làng SOS này, mẹ tiếp tục học Trường đại học Mở, nhưng rồi giữa chừng lại gãy gánh! Đến năm thứ hai, làng SOS giao cho mẹ một bé sơ sinh chỉ mới 15 ngày tuổi.

Vậy là từ đó bắt đầu những năm tháng nhọc nhằn với đàn con trẻ. Hồi vào đây mẹ còn rất trẻ, lần đầu tiên phải xưng "mẹ" với các bé mồ côi, mẹ cứ thấy ngượng nghịu, khó khăn. Nhưng rồi nghe những câu chuyện về hoàn cảnh của các bé, mẹ đã khóc và có cảm tưởng như đó là đứa con đích thực của mình. Nhiều đêm mẹ thức trắng canh đứa bé sốt li bì, ngủ gục đầu đập vào thành giường. Khốn khó nhất là vật chất cho các cháu. Chế độ cho trẻ mồ côi, như hiện tại, chỉ 10.500 đồng/ngày, chưa đủ một bữa ăn cho đầy bụng, nói chi đến dinh dưỡng cao. Tiêu hết tiền lương, mẹ lần dò về quê nhà, xin, mượn từng hũ mắm, túi gạo, tiền bạc để bổ sung bữa ăn cho các con.

Bước sang thời trưởng thành, lứa tuổi có nhiều ngang trái, nên nhiều lúc mẹ rất đau lòng vì dạy bảo các cháu không nghe, còn phản ứng lại. Một đứa con bước sang tuổi 16 có bạn khác giới, mẹ thấy có biểu hiện khá lệch lạc nên chỉ bảo, nhắc nhở. Đứa bé phản ứng: "Mẹ không chồng không con, không gia đình, làm sao mẹ hiểu được mà biểu con phải làm thế này, thế kia?". Mẹ nói, lúc đó mẹ đau như có nhát dao đâm vào tim. Mẹ không đau vì đứa bé phản ứng mẹ, mà mẹ đau vì chợt nghĩ thương cho thân phận mình, nuôi cả chục đứa con nhưng cuộc đời vẫn đơn côi, cô độc.

Nhưng rồi tình yêu thương đã vượt qua tất cả khổ đau, buồn phiền. Hết lớp này đi lại lớp kia đến, những bà mẹ trong làng SOS này đã làm mẹ của hàng trăm đứa con. Cứ mỗi đứa trong làng trưởng thành có nghề nghiệp, có gia đình, là niềm vui chung của các mẹ. "Ở đây niềm vui duy nhất là các con, chứ đâu còn niềm vui nào khác. Chỉ tiếc là để có được niềm vui đó, các mẹ đã  phải chịu mất mát rất nhiều", mẹ nói. Tôi biết, hiện ở làng SOS này, có 17 bà mẹ bà dì hiện đang đến tuổi hưu nhưng chính sách trả lương hưu cho các mẹ không đúng như cam kết ban đầu. Do đó mà đến nay, đã quá tuổi hưu mấy năm rồi nhưng các mẹ vẫn không được nghỉ. Tình yêu thương con người ở làng trẻ SOS này luôn vẹn nguyên không hề thay đổi. Chính vì vẫn thiết tha yêu cuộc đời này nên cả 6 bà mẹ ở đây đã quyết định hiến xác mình cho khoa học.

Đem cái chết nối dài sự sống

Những lần đưa con đi bệnh viện chữa bệnh, hình ảnh các bệnh nhân đau khổ cứ ám ảnh mãi trong tâm trí mẹ Hoa. Mẹ nghĩ, đời người là một chuỗi khổ đau. Khi còn sống thì tranh đấu, giành giật, trả giá. Nhưng trước bệnh tật và trước cái chết, mẹ thấy cuộc đời thật phù du, thật vô nghĩa. Mẹ nghĩ, kể cả xác thân rồi cũng hòa vào tro bụi, tan biến vào hư không, vậy sao không dùng nó vào việc có ích cho đời? Nghĩ vậy là mẹ làm. Mẹ lựa chọn một sự việc quan trọng bằng một quyết định nhẹ tênh. Không chỉ hiến xác, mà mẹ còn hiến mô hiến tạng. Mẹ nói nếu cái chết của mình mà đem lại sự sống cho người khác thì mẹ sẵn sàng. Khi đi đăng ký, mẹ không cho ai biết, từ bà con anh em, đến những bà mẹ khác trong làng SOS này, những người mà cùng với mẹ, hơn 20 năm qua chia ngọt sẻ bùi, cùng niềm vui, cùng nỗi đắng cay.

Điều đáng khâm phục, quý trọng là trong làng SOS này, có đến 6 "bà mẹ Âu Cơ" đăng ký hiến xác. Tuy nhiên các bà mẹ tuyệt đối không tiết lộ danh tính. Có thể, một hành động cao cả, một quyết định quan trọng và rất mực thiêng liêng, các mẹ muốn giữ cho riêng mình. Hoặc cũng có thể các mẹ ngại khi nói ra, gia đình biết và phản đối, lúc đó sẽ trở nên khó xử. Nhưng thôi, dù bất cứ lý do gì, đó cũng là điều thiêng liêng của các mẹ, khi mà các mẹ đã có một quyết định cao cả.

Riêng mẹ Hoa, mẹ nói mẹ thực sự không muốn đăng lên báo, nhưng nếu bài báo giúp ích chút gì cho cộng đồng, thì mẹ sẵn sàng. Nhưng mẹ cũng yêu cầu chỉ lấy câu chuyện, còn tên tuổi, danh tính mẹ nhất định không cho tiết lộ. "Mình đã một đời thầm lặng, làm được chút việc nhỏ có ý nghĩa cũng không cần phải nhiều người biết nữa đâu", mẹ tâm sự giản dị. Lời tâm sự của mẹ Hoa cũng chính là những tâm tình sẻ chia của các bà mẹ tại làng SOS này. Các mẹ là những bông hoa luôn khoe sắc, ngát hương, đem lại niềm vui, sự sống cho đời

Đặng Vỹ
.
.