Một ngày ở cảng cá Thọ Quang

Chủ Nhật, 17/11/2019, 09:36
Không phải đến bây giờ mà ngay từ năm 2010, thương lái Trung Quốc đã có mặt tại nhiều cảng cá, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và cả Phú Quốc để thu mua hải sản với giá cao hơn thương lái Việt.

Điều này mang lại lợi ích trước mắt cho ngư dân nhưng nhiều doanh nghiệp lại than trời vì cạnh tranh ngày càng quyết liệt...

Đường đi của con cá bò da

Ra khỏi sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 7h20’ sáng thứ Hai, tôi cùng Lý Thành, hiện đang điều hành một công ty xuất khẩu thủy, hải sản ở Bạc Liêu lên taxi đến cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Thành nói: “Em có cái hợp đồng 50 tấn cá bò da xuất sang Trung Đông nên phải đi xem thằng Lâm thu mua như thế nào”.

Lâm, 36 tuổi, dân Đà Nẵng, là đối tác của Thành. Theo lời Thành thì trước lúc ký hợp đồng với khách hàng, Thành điện thoại cho Lâm để hỏi Đà Nẵng có cá bò da không. Nếu có thì số lượng mỗi ngày chừng bao nhiêu tấn, chủng loại ra sao, giá cả thế nào... Khi thấy các điều kiện đều đáp ứng được, Thành sẽ nhờ Lâm đứng ra thu mua, phân loại và cấp đông với thù lao 1.000 đồng/kg. Còn tiền thuê công nhân phân loại, thuê kho cấp đông, lưu kho thì Thành chịu.

Lúc khối lượng đã đủ, Thành sẽ gửi  hợp đồng xuất khẩu cho Lâm để Lâm lo việc xếp cá vào bao bì - trên đó in tên công ty của Thành, tên sản phẩm, khối lượng và mã “code” - là yếu tố bắt buộc đối với hàng xuất khẩu chính ngạch - rồi mướn container vận chuyển ra cảng.

Gần nửa tiếng sau, chúng tôi có mặt ở cảng Thọ Quang, nơi được mệnh danh là “thủ phủ cá Biển Đông” bởi nó hội đủ 3 yếu tố “vị trí tốt, hậu cần tốt, thị trường tốt”. Hình thành từ năm 2008, cảng cá Thọ Quang có 58 hecta diện tích mặt nước và 4 hecta trên bờ với 32 phao neo cùng 60 trụ neo, đủ chỗ cho 500 ghe tàu - hầu hết là tàu có công suất lớn - cập bến cùng một lúc.

Anh Nguyễn Văn Lĩnh, chủ một tàu cá mang số đăng ký Bình Định cho tôi biết mỗi ngày có khoảng 80 đến 100 tàu vào cảng còn khi gió bão, con số này là hơn 1.500 tàu. Anh Lĩnh nói: “Những lúc ấy, hắn - nghĩa là ghe tàu - đậu kín, không nhìn thấy mặt biển”.

Một góc cảng cá Thọ Quang.

Bình thường, cảng cá Thọ Quang hoạt động nhộn nhịp nhất là từ 1 giờ khuya đến 6 giờ sáng nên khi chúng tôi đến, các tàu đã vắng hẳn người trong lúc Lâm đang huy động công nhân xếp những chiếc khay nhựa chứa đầy cá bò da đã ướp nước đá lên xe tải để đưa về nơi phân loại. Nhìn những con cá kích thước chỉ bằng 2-3 ngón tay, con lớn nhất cũng chỉ cỡ bàn tay, thân mình dẹp lép, tôi hỏi Lâm nó còn lớn hơn được nữa không? Lâm đáp: “Lớn chứ anh! 2 đến 3kg là chuyện thường”.

Tôi hỏi tiếp: “Như vậy là những con cá này sẽ không bao giờ kịp lớn. Mai mốt lấy gì mà bắt?”. Lâm cười: “Em cũng biết chứ. Nhưng khách nước ngoài chỉ mua loại cá kích cỡ chừng ấy thôi. Lớn hơn họ không mua”. Quay sang Thành, tôi hỏi: “Trung Đông mua làm gì?”. Thành đáp: “Họ cắt đầu, xẻ cá ra làm đôi, tách xương sống, ngâm tẩm gia vị rồi sấy khô, hình thức giống như cá chỉ vàng nhưng cá bò da ngon hơn nhiều”.

Cứ mỗi kg cá bò da mua tại cảng Thọ Quang là 80 nghìn, đến tay nhà nhập khẩu Trung Đông là 100 nghìn nhưng sau khi chế biến rồi đưa ra siêu thị, mỗi kg có giá 180 nghìn (nếu tính theo tiền Việt). Thành cho biết nhà nhập khẩu lời từ 20 đến 30 nghìn/kg. Như vậy, có thể thấy công nghệ sau thu hoạch của ngành thủy, hải sản nước ta đã bỏ qua một khâu sinh lợi rất lớn mặc dù theo lời Thành, loại gia vị ngâm tẩm là công thức bí mật vì nó đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng đạo Hồi.

2 ngày, 4 giá

9h, khoảng 6 tấn trong tổng số 10 tấn cá bò da mà Lâm thu mua đã được bốc lên 2 xe tải. Và trong lúc tôi đang chụp mấy tấm ảnh thì bất ngờ có tiếng nói ngay bên cạnh: “Cá ni (này) anh mua hả?”. Quay lại, tôi thấy một cô gái khoảng 30 tuổi đi cùng 2 người đàn ông mà chỉ nhìn qua, tôi biết họ là người Trung Quốc bởi cái dấu hiệu đặc trưng là chiếc túi xách bằng da khoác chéo qua bụng.

Tôi nói: “Có gì không cô?”. Cô gái cười: “Dạ em hỏi cho biết thôi. Anh mua bao nhiêu một ký?”.

Tôi nhún vai, không trả lời bởi lẽ tôi đâu phải là người mua cá. Hơn nữa, hồi nãy, lúc mới đến cảng tôi đã thoáng thấy cô gái này cùng 2 người đàn ông kia trò chuyện với mấy chủ ghe. Lâm cho tôi biết: “Giờ này ít đó anh chứ nếu 2-3 giờ sáng mà ra đây, anh sẽ thấy vài chục thương lái Trung Quốc chia thành từng nhóm, mỗi nhóm có một phiên dịch người Việt, tìm mua cá. Hiện tại, 2 loại cá mà họ đang thu mua ráo riết là cá hố và cá bò da”.

Hơn nửa tiếng sau, nhũng khay cá cuối cùng đã xếp hết lên xe tải. Điểm đến của nó là nhà máy chế biến hải sản của Công ty M. nằm trong khu công nghiệp Thọ Quang, nơi Lâm mướn mặt bằng để phân loại rồi sau đó, thuê kho đông lạnh của công ty để bảo quản, chờ ngày đủ số lượng xuất đi. Lúc tôi và Thành chuẩn bị ra taxi thì cô gái phiên dịch cho 2 người Trung Quốc bước vội đến gặp tôi: “Anh ơi, anh có bán lại lô cá đó không? Bên em trả chênh lệch cho anh mỗi ký 2 nghìn đồng”.

Hiện tại, cá hố ở Thọ Quang là một trong những mặt hàng thương lái Trung Quốc thu mua nhiều nhất.

Và trong khi tôi chưa kịp nghĩ ra câu trả lời thì Thành đã quay đầu lại, nói một tràng tiếng Trung với 2 người đàn ông. Nghe xong, họ đáp lại cũng bằng tiếng Trung Quốc. Nhìn nét mặt họ, tôi đoán hình như họ đang cố thuyết phục điều gì đó nhưng Thành đã kéo tôi vào taxi: “Kiểu này là mệt rồi anh. Mai thế nào cá cũng lên giá”.

Y rằng, 2 giờ sáng hôm sau, lúc tôi đang đánh răng còn Thành vừa thay xong quần áo, chuẩn bị ra cảng thì Lâm điện thoại. Nghe xong Thành chỉ ừ một tiếng rồi nói với tôi: “Trung Quốc bữa nay mua 82 nghìn một ký. Mình cũng phải theo giá đó chứ không thì không đủ số lượng”. Thế đã hết đâu, tại nhà máy chế biến hải sản của Công ty M, lúc công nhân của Lâm đang phân loại cá, 3 người Trung Quốc cùng một phiên dịch vào tận nơi, đến từng chiếc bàn bằng thép không gỉ - nơi công nhân xếp những con cá bò da trọng lượng từ 20 đến 50 gam vào những khay riêng, còn loại trên 50 gam vào những khay riêng - quan sát tỉ mỉ rồi lấy điện thoại ra chụp hình.

Theo lời phiên dịch, họ sẵn sàng mua lại lô cá này với giá 83 nghìn/kg, tiền bạc thanh toán ngay tại chỗ bằng hình thức chuyển khoản. Tăng từ 80 lên 83 nghìn, con số chênh lệch xem ra rất nhỏ nhưng để có thêm 40 tấn cho đủ số lượng mà Thành đã ký hợp đồng với khách hàng vì thương lái Trung Quốc nâng giá thu mua, Thành phải bỏ thêm 120 triệu còn nếu tính tổng lượng cá bò da của các doanh nghiệp khác cũng thu mua trong ngày hôm ấy, số tiền phải bỏ thêm sẽ lớn biết chừng nào!

1h chiều, Lâm cho biết có 2 tàu sắp vào cảng với khoảng 6 tấn cá bò da nhưng chủ tàu bảo 84 nghìn/kg họ mới bán. Thành than trời bởi lẽ hợp đồng đã chốt giá với khách hàng Trung Đông nên không thể thay đổi. Nếu có thương lượng chăng nữa thì cũng chỉ có thể tăng lên khoảng 1 nghìn đồng/kg chứ không hơn.

Thành nói: “Thương lái Trung Quốc làm giá với các chủ tàu trên bờ. Những người này điện thoại báo tin cho những tàu đang trên đường vào cảng, vì thế, khi tàu chưa cập bến, giá cả đã được thông báo”. Tôi hỏi giờ tính sao thì Thành đáp: “Chắc em phải ngừng lại vì càng theo, họ càng đẩy giá lên. Với ngư dân, hễ ai trả giá cao thì họ bán nên em không đua nổi”.

3 giờ chiều, giá cá bò da trọng lượng 20 đến 50 gam lên 85 nghìn đồng/kg. Chỉ trong 2 ngày, 4 lần tăng giá. Một số thương lái Việt Nam lúc trò chuyện với tôi đã cho biết người Trung Quốc đến cảng Thọ Quang thường mua hải sản theo dạng “xô”, nghĩa là không cần phải phân loại. Đa số họ làm công cho những ông chủ lớn ở Trung Quốc. Mỗi khi cá về, họ chụp hình, hỏi giá rồi gửi cho chủ qua mạng Wechat để chủ quyết định mua hay không.

Từ 1 giờ sáng trở đi, việc mua bán thủy sản ở Thọ Quang rất tấp nập.

Anh Phùng, thương lái ở Đà Nẵng nói: “Người của họ - chủ yếu là phiên dịch - cài cắm nhiều nơi. Những người này hằng ngày theo dõi biến động thị trường, chẳng hạn như loại hải sản nào đang được thu mua nhiều nhất, giá cả ra sao, sản lượng thế nào...”.

Từ những thông tin đó, các ông chủ Trung Quốc quyết định loại nào cần phải nâng giá, vừa để tranh mua, vừa làm chậm thời gian giao hàng của các công ty Việt có hợp đồng xuất khẩu. Một vài công ty Việt khi ấy phải mua ngược lại nguyên liệu của họ để khỏi bị phạt vì vi phạm hợp đồng.

Thành nói: “Đối với thương lái Trung Quốc, công thức gia vị bí mật để tẩm ướp cá bò da của mấy ông Hồi giáo là chuyện nhỏ. Dòng xe hơi cao cấp như Ranger Rover, Audi, BMW họ còn nhái kiểu dáng được, huống gì ba thứ tiêu hành tỏi ớt, bột ngọt nước tương.

Thay vì như em, xuất nguyên liệu thô qua Trung Đông để nhà nhập khẩu chế biến thì các “xì thẩu” Trung Quốc bao luôn khâu này. Sau khi tẩm ướp gia vị, họ đưa thẳng ra thị trường với thương hiệu của họ. Nếu có dịp sang Hàn Quốc, vào các siêu thị ở Seoul, anh sẽ thấy mặt hàng cá bò da ăn liền đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì thế, họ tranh mua là điều dễ hiểu...”.

Cạnh tranh – Một bài toán khó

Khác với chuyện thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây tiêu, rễ cau, lá cây điều, giun đất, vảy cá cùng nhiều thứ rất kỳ lạ và bất thường, cuộc chiến cạnh tranh trong lĩnh vực hải sản đang là bài toán khó với phần lớn doanh nghiệp Việt vì những mặt hàng mà người Trung Quốc tìm mua đều có đầu vào, đầu ra rõ ràng.

Thành nói: “Một khi họ đã thao túng được thị trường thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu mà trường hợp của em là thí dụ điển hình”. Tại khu công nghiệp Thọ Quang, Đà Nẵng, trong lúc một số doanh nghiệp chế biến hải sản rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu thì phần lớn lại lọt vào tay thương lái Trung Quốc với công thức “hàng trao tay, trả tiền ngay”. Không những thế, họ còn thuê doanh nghiệp Việt sơ chế rồi làm thủ tục xuất khẩu cho họ.

Ở một phân xưởng thuộc nhà máy chế biến hải sản của Công ty M, tôi thấy hàng chục công nhân đang phân loại cá hố để đưa vào kho cấp đông. Hỏi ra mới biết đây không phải là hàng của công ty mà là hàng gia công cho người Trung Quốc. Cô Tâm, công nhân nói: “Họ mua đủ thứ, từ cá bò da, cá hố, cá nục đến tôm hùm, tôm thẻ. Ngay cả cá nóc họ cũng mua hàng chục tấn”.

Bà Thủy, chủ một công ty xuất nhập khẩu hải sản cho tôi biết cạnh tranh là quy luật thị trường nên không thể trách ngư dân vì với họ, ai trả giá cao thì họ bán. Đó chính là lợi thế của thương lái Trung Quốc. Khi đã đẩy doanh nghiệp Việt ra khỏi cuộc chơi, chẳng có gì bảo đảm rằng thương lái Trung Quốc sẽ không giở trò ép giá. Lúc ấy, với số lượng lớn, ngư dân nếu không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai.

“Công ty tôi trước giờ vẫn làm cá nục cho Philippines. Nay thương lái Trung Quốc nâng giá nên chúng tôi không dám ký hợp đồng với khách hàng nữa vì nếu muốn có nguyên liệu, chúng tôi phải trả giá đầu vào cao hơn, hàng xuất không có lời. Đến khi bị thương lái Trung Quốc ép giá, ngư dân quay lại mời chúng tôi mua thì chúng tôi cũng chẳng dám mua vì không có đầu ra. Ôm hàng trăm tấn cá là chết chắc! Như vậy, doanh nghiệp thiệt mà ngư dân cũng bị thiệt...”, bà Thủy nói.

Đà Nẵng bắt đầu mưa lớn. Gió thổi mạnh khiến hàng cây bên đường oằn xuống. Chẳng biết có bao nhiêu doanh nghiệp Việt sẽ đứng vững trước cơn gió cạnh tranh khốc liệt này...

Vũ Cao
.
.