Một ngày ở đơn vị Cảnh khuyển Thủ đô

Thứ Hai, 15/02/2016, 17:20
Là đơn vị duy nhất của Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác phòng, chống tội phạm, Đội Quản lý và Sử dụng chó nghiệp vụ (Đội QLSD CNV) - Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, Công an TP Hà Nội nằm biệt lập tại một khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội. Có lẽ cũng vì vậy mà không nhiều người biết được công việc thầm lặng của các huấn luyện viên và hơn 20 chó nghiệp vụ.

1. Chúng tôi vừa thập thò ở cổng ra vào của Đội QLSD CNV thì đã nghe tiếng chó sủa rộ lên. Đúng là… thính như chó! Nhưng chỉ sau cái phẩy tay của Trung tá Nguyễn Mạnh Tưởng, Đội trưởng thì mấy chục chú khuyển đang nhảy chồm chồm cùng những cái miệng đang nhe nanh trắng ởn lập tức đứng xuống, ve vẩy cái đuôi và trở về vẻ hiền lành, có phần "dễ thương".

Dẫn chúng tôi đi thăm các chú chó nghiệp vụ, Trung tá Tưởng kể: Biên chế của Đội QLSD CNV hiện có 25 chú chó, chủ yếu là nòi bécgiê Đức lai Pháp, ngoài ra còn một số loài khác. Ở đây, mỗi chú chó có một căn nhà riêng cùng một huấn luyện viên. 25 chú chó được chia làm 3 nhóm với những nhiệm vụ riêng biệt. Nhóm chuyên làm nhiệm vụ giám định hơi, nhóm chuyên đặc định các chất ma túy và chất nổ, nhóm làm nhiệm vụ bảo vệ.

Trung tá Tưởng kể, có một chiến công mà ít người biết là các chú khuyển của đội đã "tham gia" vào công tác phá vụ án giết người, cướp tài sản nghiêm trọng xảy ra vào ngày 17-6-2008.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, người dân ở ngõ 2 phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) phát hiện một người phụ nữ trong tình trạng lõa thể tại một căn nhà trọ. Nạn nhân đã bị giết chết nhiều giờ trước. Danh tính của bị hại được xác định là chị Lê Thị Thu T. (SN 1982, quê Thanh Hóa  thuê trọ ở đây từ năm 2007).

Nhận được tin báo, lực lượng Công an đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, thu thập tài liệu, dấu vết. Công việc điều tra gặp nhiều khó khăn, vì khi được phát hiện nạn nhân đã chết nhiều ngày, đang trong quá trình phân hủy. Các dấu vết thu thập được ít. Nhân chứng cho biết nạn nhân ra Hà Nội đã lâu, có mối quan hệ với khá nhiều thanh niên, trung niên… Nhiều ngày trôi qua, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Tây Hồ đã khẩn trương tổ chức điều tra theo các hướng, song thủ phạm của vụ án vẫn trong màn bí ẩn.

Cảnh khuyển chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Sau nhiều ngày tích cực tổ chức rà soát kỹ các mối quan hệ của nạn nhân, lực lượng công an phát hiện thời gian gần đây, chị T. hay tiếp xúc với một nam thanh niên ở cùng khu nhà trọ là Đinh Văn Kiên. Kiên là dân gốc ở Hải Hậu - Nam Định, ra Hà Nội từ năm 2000. Khi đó Kiên đang làm đầu bếp cho một nhà hàng ở phố Nguyễn Thái Học và thuê ở trọ cùng khu trọ với nạn nhân. Thỉnh thoảng, mọi người trong khu nhà trọ ở ngõ 2, đường Thụy Khuê thấy chị T. sang phòng trọ của Kiên và ngược lại...

Đi sâu tìm hiểu những thông tin liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của Kiên, lực lượng công an nắm được trước và sau khi phát hiện chị T. chết trong phòng trọ, Kiên vẫn sinh hoạt bình thường ở phòng trọ của mình. Cũng trong quá trình điều tra tại hiện trường vụ án ngoài các vật dụng hàng ngày của nạn nhân, lực lượng công an thu được một đôi tất nam. Cơ quan điều tra đã đề nghị trưng cầu giám định đôi tất này.

Nhận được chỉ đạo từ Công an TP Hà Nội Đội QLSD CNV lập tức vào cuộc. Hai chú chó tinh khôn nhất của đội là Bex và Zếch cùng hai huấn luyện viên đã làm việc một cách kiên trì, kỹ lưỡng. Sau 3 ngày với nhiều lần thử đi thử lại, Bex và Zếch đều cho kết quả giám biệt đồng nhất mùi hơi của đối tượng Kiên với mùi hơi của đôi tất màu xám đen thu tại hiện trường. Từ bằng chứng quan trọng này, cùng với nhiều chứng cứ khác, Cơ quan CSĐT đã tổ chức đấu tranh và làm rõ hành vi giết người của Kiên.

Chiến công này đã trở thành bài học cũng như "gương" cho các thế hệ chó nghiệp vụ sau này. Không chỉ giám biệt nguồn hơi, truy tìm vật chứng, những cảnh khuyển còn hỗ trợ tích cực cho công tác tuần tra, ngăn chặn, giải tán đám đông có biểu hiện gây rối an ninh trật tự.

Còn nhớ dịp tháng 8-2015, tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình diễn ra trận đấu bóng đá giữa Đội Manchester City (Vương quốc Anh) và Đội tuyển bóng đá Việt Nam. Do là đội bóng danh tiếng, đội hình có nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới nên công tác bảo vệ an ninh trước, trong và sau trận đấu được Ban quản lý đội bạn hết sức quan tâm.

Để tăng cường cho công tác an ninh trong trận đấu, 10 chiến sĩ 4 chân của Đội QLSD CNV đã được huy động tham gia. Trung úy Vũ Thanh Sơn, huấn luyện viên của một trong những chiến binh "dữ dằn" nhất của đội là Kay kể lại với chúng tôi rằng, mặc dù 20 giờ bóng mới lăn trên sân, song từ 15 giờ toàn bộ đội hình chó nghiệp vụ đã có mặt tại sân. Có những đối tượng mang sẵn pháo sáng, chai nước, thậm chí vật sắc nhọn để chuẩn bị cho các màn "quá khích" trong trận đấu. Song khi nhìn thấy những chú cảnh khuyển gầm gừ, nhe nanh nhọn hoắt thì hầu như đều thấy "chờn". Trận đấu đã được bảo vệ thành công mỹ mãn.

2. Cũng theo Trung tá Nguyễn Mạnh Tưởng, mùa đông giá rét cũng như mùa hè nóng nực, các huấn luyện viên cùng các chú khuyển đều phải tuân theo một lịch tập luyện cố định. Buổi sáng từ 8 giờ 30 phút đến 10 giờ, buổi chiều từ 15 đến 16 giờ. Ngoài ra là giờ ăn uống, tắm rửa, chải lông và giờ sinh hoạt đơn vị.

Bốn mùa trong năm, chó nghiệp vụ "sợ" nhất mùa đông, bởi giá rét và những chứng bệnh như người mà chúng có thể mắc phải như: ho, viêm phổi. Sức khỏe yếu sẽ ảnh hưởng đến quá trình luyện tập và nguy cơ lây nhiễm sang các con trong đàn. Chính vì vậy, hàng năm, Đội QLSD CNV đều phải xây dựng chi tiết, chu đáo kế hoạch chống rét cho đàn chó.

Các cảnh khuyển tại Đội QLSD CNV Công an TP Hà Nội.

Nhớ lại trận rét "kỷ lục" năm 2008, Trung tá Tưởng kể: Từ giữa tháng 1-2008, khi nghe bản tin dự báo thời tiết và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bình luận liên tiếp về đợt rét đậm, rét hại có thể còn kéo dài trong nhiều ngày nữa, toàn đơn vị đã triển khai ngay các biện pháp chống rét. Trên cơ sở dự trù kinh phí từ đầu năm, các anh đã mua 18 bục gỗ, 2,5 tấn bao tải gai, trên 4 tấn rơm để lót ổ đủ ấm cho tất cả các chuồng chó. Biện pháp thắp sáng điện về đêm để tăng ấm cho đàn chó cũng được áp dụng. Song có lẽ vất vả và công phu nhất vẫn là việc cho ăn và vệ sinh hàng ngày cho từng con chó. Thức ăn, đồ uống của chó luôn ấm, bởi nếu không đảm bảo nhiệt độ, chú nào chú nấy cũng chỉ liếm qua là bỏ ăn, uống ngay.

Trong những ngày giá rét, anh em tăng cường nấu các món ăn khoái khẩu của chó khiến chúng luôn ngon miệng khi ăn. "Việc đảm bảo vệ sinh cá nhân cho chúng có khi vất vả hơn chăm con mọn" - Thượng sĩ Lưu Quang Hùng, huấn luyện viên chú chó Lucxy nói vui.

Quả thật, do chó bécgiê chủ yếu bài tiết qua lưỡi, khóe mắt, mũi. Hàng sáng, mỗi huấn luyện viên và bác sĩ thú y trong đơn vị phải dùng khăn ấm để rửa mặt và chải lông cho chó. Do có những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 10oC nên đàn chó được phép dậy muộn và được "miễn" bài tập buổi sáng ngoài sân. Những ngày giá rét vừa qua mà trong đơn vị nhiều anh em giấc ngủ không trọn vẹn, nửa đêm nghe gió lùa qua khe cửa đã vội bật dậy đảo qua chuồng chó xem chúng ra sao. Để mỗi sáng khi thấy chúng vẫn khỏe mạnh bình thường, anh em lại một lần… thở phào.

Một chiến sĩ trẻ đùa: 22 cán bộ chiến sĩ chúng tôi chẳng bao giờ được tắm xà phòng thơm giống mọi người… Có sạch sẽ mấy thì khi đến cơ quan cũng phải "ướp" mùi trở lại"… Anh lý giải:  Nếu để người mình thơm quá, "học trò" sẽ không nhận ra và khó nghe lời, do vậy anh em trong đội thường cho phép mình có "mùi đặc biệt"! Những hôm đầu về nhà vợ con thắc mắc không hiểu nhà có mùi gì "là lạ", chỉ biết cười vui, nói để gia đình cùng chia sẻ. Không những đảm bảo công tác huấn luyện chó nghiệp vụ, các chiến sĩ Đội QLSD CNV hàng đêm vẫn song hành cùng "đồng đội" tuần tra trên khắp các tuyến đường.

Mỗi ngày cảnh khuyển phải thực hiện hàng chục bài tập khác nhau.

Bên cạnh công tác rèn luyện, huấn luyện đàn khuyển cán bộ chiến sĩ của Đội QLSD CNV cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của Bộ Công an, của chuyên gia nước ngoài để nâng cao trình độ. Hàng tháng, hàng quý các cảnh khuyển còn được đưa đi dã ngoại tại một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn…

Là một trong những chú chó dữ dằn trong đội, Kay luôn hoàn thành tốt mọi "chỉ tiêu" mà Huấn luyện viên - Trung úy Vũ Thanh Sơn đặt ra. Vừa thấy huấn luyện viên của mình vuốt ve, âu yếm, chú chó Kay liền lăn ra giữa sân một cách đầy sảng khoái. Trung úy Sơn bảo rằng, đến nay Kay đã có hơn 4 năm "đầu quân" cho Đội QQLSD CNV và số lần lập thành tích không thể kể hết.

Theo Trung úy Sơn, để trở thành một huấn luyện viên cảnh khuyển giỏi bản thân huấn luyện viên phải có tình yêu nghề, yêu chó nghiệp vụ. Vừa là thầy và cũng vừa là bạn với chó nghiệp vụ.

Ngày ngày, sau giờ tập luyện, huấn luyện viên thường thể hiện sự quan tâm, tình cảm của mình với những  cảnh khuyển bằng các thao tác: chải lông, vệ sinh chuồng trại, cho ăn, cho uống. Rồi những khi chó nghiệp vụ cưng của mình bị ốm, bản thân các "huấn luyện viên" cùng các bác sĩ thú y tích cực chạy chữa, động viên cảnh khuyển uống thuốc.

Còn nhớ trận ốm dai dẳng của Kay mùa hè năm 2011. Trung úy Sơn vì có việc gia đình nên xin nghỉ phép, đúng thời gian đó thì Kay lăn ra ốm. Dù được các bác sĩ, nhiều cán bộ của Đội QLSD CNV động viên, chăm sóc, song nó vẫn kiên quyết từ chối. Kay cứ nằm im một chỗ, không ăn không uống. Nhận được điện thoại từ đơn vị, Trung úy Sơn cố gắng hoàn thành việc gia đình thật nhanh rồi trở lại đội. Khi thấy Sơn xuất hiện, Kay mới đồng ý cho bác sĩ tiêm thuốc, rồi ăn cháo…

Minh Tiến
.
.