Muôn kiểu “độ” xe, lật biển số

Thứ Tư, 25/12/2019, 08:36
Trên đường phố, thi thoảng người ta giật mình vì tiếng còi xe đi ngay bên cạnh rú ầm ĩ, có khi là ánh đèn pha sáng rực rọi lóa mắt người đi đường, lúc lại là thứ âm thanh khủng từ trong xe phát ra...

Thực trạng “độ” xe diễn ra từ lâu, gây bất an cho người tham gia giao thông, không chỉ vi phạm quy định mà còn mất an toàn cho chính người sử dụng. Nhiều cơ sở rao bán thiết bị “độ” xe công khai trên mạng Internet.

1. Ngày 17-12, cư dân mạng xôn xao và chuyền tay nhau clip ghi lại sự việc ô tô đang lưu thông trên đường Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội) thì bất ngờ tự đảo BKS từ biển trắng thành xe biển xanh... như trong phim. Tiếp đó, ngày 18-12 thêm một clip ghi lại hình ảnh chiếc xe Toyota Land Cruiser cũng đảo biển tương tự... khi đang di chuyển trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng được đăng tải trên mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết trong đợt cao điểm từ ngày 15-12 đến giữa tháng 2-2020, Cục CSGT sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường phát hiện, xử lý các trường hợp tài xế sử dụng biển số giả và gắn biển số sai quy định. Những vi phạm trên chắc chắn được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, nếu có sai phạm sẽ bị xử lí nghiêm theo quy định.

Theo quy định pháp luật, một xe ôtô chỉ được sử dụng một biển số. Theo Điều 16 Nghị định 46/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tài xế có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng nếu sử dụng biển số xe không đúng như cơ quan chức năng cấp. Còn theo Khoản 7, Điều 30, Nghị định 46/NĐ-CP, với hành vi trên tài xế có thể bị phạt 4-8 triệu đồng.

Một chiếc xe độ body kit với nhiều chi tiết không có trong thiết kế xe.
Một chiếc xe độ dàn đèn led bar gây khó chịu với người đi đường và cản trở việc nhận biết biển số.

Theo anh Nguyễn Sơn - một chuyên gia độ xe ở Hà Nội, gara của anh cũng từng được “dân chơi” đề nghị “độ” biển nhưng là biển trắng. “Họ muốn lắp 2 biển, với 2 tỉnh thành khác nhau, song tôi không đồng ý” - anh Sơn chia sẻ.

Cũng theo anh Sơn, việc “độ” biển này khá đơn giản. Sau khi có trong tay các BKS thì có thể lên mạng Internet đặt mua một bộ thiết bị. Người thợ sẽ lắp các BKS vào giá đã có sẵn mô tơ điện rồi gắn vào các vị trí ở đầu và đuôi xe. Cuối cùng, sẽ kết nối với bộ điều khiển và nguồn điện trên xe. Khi đã được kết nối đồng bộ, chủ xe có thể thay biển đằng trước, đằng sau hoặc đồng thời chỉ bằng một lần bấm nút.

2. Nói về “độ” xe, Phan Hoàng - chủ một gara trên phố Trần Khát Chân được biết đến là một trong những "phù thủy".

“Sau khi tậu được chiếc xế hộp, với những chủ xe là thanh niên choai choai thường rất thích đi “độ xe. Hoặc những anh, những bác trung niên máu mê với xế thì cũng có nhu cầu độ. Và thông thường xe được độ ngoại thất và nội thất” - Hoàng cho biết.

Ngoại thất thường được dân chơi độ gồm bộ “body kit”. Xe sẽ được lắp thêm cánh gió, cản trước, cản sau lưới tản nhiệt, hốc hút gió, nắp capo... Ngoài ra, chủ xe cũng thường lắp thêm dàn đèn LED với độ chiếu sáng mạnh hơn đèn theo xe, lắp thêm còi công suất lớn hơn. Cũng không ít thanh niên yêu cầu thợ lắp thêm dàn “pô” nhìn cho hoành tráng và tiếng nổ cũng mạnh mẽ hơn.

Cũng theo Hoàng, gara của anh từng "độ" cho một dân chơi chiếc BMW 335i lên M3 Vorsteiner. Ban đầu chủ xe muốn tự làm nên đã đặt mua từ chính hãng bộ body kit và các loại "đồ chơi" theo xe. Riêng khoản chờ đợi nhập đồ đã mất khoảng 6 tháng trời, chi phí bỏ ra hết gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tiến hành lắp thì chủ xe loay hoay mãi không lắp được nên đã phải nhờ đến Hoàng.

"Khi độ body kit, chủ xe thường theo xu hướng "sao chép" một mẫu siêu xe mơ ước của chủ nhân, thường thấy nhất là kiểu cửa cắt kéo của Lamborghini, cửa mở ngược Rolls-Royce hay phong cách One-77, phong cách Street cars Nhật Bản"... Với gói nội thất thì thường được độ dàn âm thanh với loa bass “khủng”; màn hình DVD kiêm camera lùi...

Ngoài ra, nhiều chủ xe còn bọc da vô-lăng (hoặc thay cả cụm vô-lăng), lắp bộ ghế da thể thao ôm lưng người, ốp carbon các chi tiết, cần số, ốp bàn đạp ga, phanh, cần số bọc da hay carbon...

Cũng có một bộ phận nhỏ “dân chơi” thuộc loại “quái” hơn thì còn tự mổ xe mình để độ động cơ. Ngoài việc tinh chỉnh hệ thống xả, nâng cấp hộp điều khiển động cơ, hệ thống lọc khí, turbo tăng công suất cho động cơ.

Tuy nhiên, thông thường nhiều chủ xe vẫn giữ động cơ nguyên bản nhưng vẫn muốn nâng công suất thì họ sẽ độ hút gió và thay lọc gió. Độ hút gió là cách độ xe ô tô rẻ tiền, đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tăng công suất khá tốt. Bầu hút gió độ sẽ không có ngách tiêu âm để khí hút vào được nhanh và dễ dàng nên khi ấy âm thanh khí nạp sẽ có phần ồn hơn.

Nhưng tiếng ồn này lại có phần rất gợi cảm đối với những tín đồ tốc độ thực thụ. Thay lọc gió bằng giấy mà nhà sản xuất lắp theo xe bằng lọc gió độ được làm từ sợi cotton thấm dầu sẽ cho khả năng lọc sạch hơn, từ đó tăng công suất động cơ.

3. Bên cạnh những việc “độ” xe trong giới hạn cho phép thì thời gian qua một số chủ phương tiện đã có những hành vi độ xe quá mức, vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng đến giao thông. Đơn cử như việc chủ xe lắp quá nhiều loại còi, đèn quá công suất cho phép lên chiếc xe, khiến cho những người cùng tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.

Nếu là người thường xuyên di chuyển vào ban đêm, người ta không khó để chứng kiến những xe ô tô mà chỉ thoạt nhìn đã thấy khó chịu bởi ánh sáng chói quá mức của dàn đèn gắn trên nóc xe.

Anh Hoàng Hùng, tài xế taxi hãng M. tỏ ra bức xúc khi thường xuyên bị ảnh hưởng do các loại đèn quá công suất. "Hằng đêm di chuyển trong nội đô hay ra quốc lộ tôi thường gặp nhiều xe lắp thêm đèn quá sáng làm lóa mắt, không thể nhìn thấy đường. Đôi khi còn suýt lao xuống sông hay va vào xe đạp, xe máy đi cùng chiều" - anh Hùng nói. Ngoài ra, với những tài xế nào mà bị vấn đề về mắt (cận thị, loạn thị) việc phải đối diện với những dàn đèn có ánh sáng mạnh như là cực hình.

Còn anh Phan Tuyến - một tài xế chuyên nghiệp hiện đang lái xe khách giường nằm tuyến Quảng Bình - Hà Nội chia sẻ, do phải chạy xe vào ban đêm nên anh thường xuyên bắt gặp các phương tiện chế đèn rất “dị”. Nhiều xe khách giường nằm gắn đèn trước cabin, hất thẳng lên cao, sáng gấp 3-4 lần, gây chói mắt người lưu thông hướng đối diện.

“Bức xúc nhất là có những xe thay đèn chiếu hậu từ đỏ sang trắng. Khi họ nhấn phanh, đèn sáng lóa cả một vùng, xe lưu thông cùng chiều phía sau bị chói mắt, dễ xảy ra tai nạn”, anh Tuyến nói thêm.

Tình trạng chế, độ thêm đèn xe không còn đơn lẻ mà nhiều hội nhóm trên mạng xã hội hoạt động sôi nổi. Hội độ đèn LED xe hơi - đèn LED bar với hàng chục ngàn thành viên luôn náo nhiệt mỗi khi có ý tưởng về độ đèn xe. Hội này chủ yếu chỉ cho nhau kỹ năng độ từ đèn halogen truyền thống lên các loại đèn xenon, đèn LED cường độ sáng cao.

Tại “chợ trời” ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chúng tôi lạc vào ma trận các loại đèn LED, đèn pha. Tại cửa hàng P.H. đèn loại xe nào cũng có, giá cả tùy vào chất lượng, độ sáng của sản phẩm, mua càng nhiều, càng rẻ. Theo người chủ cửa hàng đèn ôtô có kiểu độ hình vuông, hình tròn, dài, ngắn, có thể chiếu gần, chiếu xa, cho tia sáng trắng, ánh sáng xanh, tia sáng hội tụ... Giá cả cũng rất đa dạng, từ vài trăm ngàn đến cả chục triệu đồng.

Thiết bị đổi biển kiểm soát được quảng cáo trên mạng.

Bên cạnh đó, việc chủ xe độ thêm nhiều chi tiết không có trong thiết kế như lắp thêm cánh gió, ốp cản trước, cản sau... khi di chuyển tiềm ẩn nguy cơ va chạm, có thể gây thương tích cho những người cùng tham gia giao thông. Đặc biệt việc một số xe ô tô tải đã thay đổi kích thước thùng hàng theo hướng tăng thêm chiều cao sẽ gây nguy cơ mất an toàn khi xe tham giao thông.

Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại các vị trí đăng kiểm hoàn toàn có thể kiểm tra xe sử dụng đúng tiêu chuẩn hay không. Nhưng khi đưa xe đi kiểm định, các chủ xe thường tháo hết những đồ đã độ trái quy định. Sau khi qua kiểm định lại lắp lại nên cơ quan đăng kiểm không có cơ sở để xử lý.

Theo điểm a, Khoản 9, Điều 30, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về trường hợp vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe ô tô: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe chở khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

i) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều này buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông".

Yên Chi
.
.