Muôn mặt “chợ Giời”: Có nên dẹp bỏ? (bài cuối)

Thứ Ba, 01/03/2016, 14:10
Như phóng sự trước chúng tôi đã đề cập, những tồn tại của chợ Giời như bán hàng không rõ nguồn gốc, “chặt chém” khách hàng… đã khiến cho không ít người dân bức xúc phải thốt lên: “Cần phải dẹp bỏ chợ Giời”. Nhưng theo chúng tôi đó chỉ là thiểu số…

1. Có đến chợ Giời mới thấy hàng hóa ở đây nhiều đến mức nào, đúng là "trên trời - dưới hàng". Có người đã nói vui, muốn lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe máy, thậm chí ôtô cũng có thể kiếm được linh kiện từ chợ Giời. Thực sự, khu chợ này đã và đang đáp ứng rất nhiều nhu cầu mua bán cho nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội.

Nguyễn Minh Khoa là sinh viên Trường đại học Điện lực Hà Nội, từng là thành viên Đội tuyển Robocon của trường. Khoa cho biết, cậu đã từng đi "mòn dép" ở chợ Giời để mua linh kiện lắp ráp, hoàn thiện cho chú robot của đội mình. "Để có thể lắp được một chú robot hoàn chỉnh thì gần như chỉ có thể tìm thấy ở đây mà thôi" - Khoa khẳng định.

Cũng do thường xuyên có mặt ở chợ Giời nên Khoa có thể kể vanh vách từng linh kiện ở từng cửa hàng một. Ví dụ như mua động cơ thì có thể vào cửa hàng mua môtơ 1 chiều và ắc quy, mua ốc vít các loại đúng giá thì vào cửa hàng nào.

Với Nguyễn Hữu Năm (29 tuổi, trú ở Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) từng đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên toàn quốc khi mới 18 tuổi. Năm cho biết rất nhiều robot của cậu mà linh kiện được mua ở "chợ Giời". Và chính những robot này từng được tham dự Triển lãm Sáng tạo Quốc tế tổ chức tại Ấn Độ. Liên tiếp trong nhiều năm, Nguyễn Hữu Năm giành được giải thưởng "Ý tưởng sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc" nhờ những sản phẩm được hoàn thiện từ chợ Giời.

Khá nhiều phụ tùng ôtô bị thu giữ tại một cửa hàng trên phố Lê Gia Định.

Một trong những khách hàng thường xuyên của chợ Giời là Hữu Phong, chủ tiệm sửa xe máy trên phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Phong cho biết, tuần nào anh cũng phải đảo qua chợ Giời 2-3 lần để tìm kiếm những linh phụ kiện cho khách hàng. Ngoài những linh kiện có thể chỉ cần "alô" là có, thì còn không ít những loại thuộc dạng "độc nhất vô nhị", phải chịu khó tìm kiếm, bới móc trong đống "đồng nát" thì mới có thể thấy. Anh Phong cho biết, không chỉ có cửa hàng anh mà hàng trăm, hàng ngàn tiệm sửa xe máy ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… cũng là khách hàng quen thuộc của  chợ Giời.

Theo anh Trần Văn Kiên, chủ một hộ chuyên bán linh kiện máy ở phố Lê Gia Định, anh và gia đình đã có mấy chục năm buôn bán ở chợ Giời. Ban đầu bố mẹ anh bán quần áo Liên Xô, sau đó là đến đồ bộ đội. Khi mà hàng hóa may mặc ê hề, cửa hàng liền chuyển sang buôn bán linh kiện các loại máy móc. Hàng của anh nhập trong nước cũng có, từ nước ngoài cũng có và kể cả máy hỏng của người dân mang ra bán anh cũng mua. Kiên bảo, nói chợ Giời chuyên bán đồ ăn cắp là "oan" quá.

Trong số gần 700 hộ dân kinh doanh thường xuyên ở đây, thì chỉ có một vài cá nhân là có tham gia tiếp tay với phường trộm cắp. Anh Kiên nói rằng ranh giới giữa đồ "không rõ nguồn gốc" với "đồ trộm cắp" là rất mong manh. "Giả sử người dân có cái tivi, tủ lạnh bị hỏng, muốn mang ra chợ Giời bán kiếm ít tiền. Chủ hàng sau đó dỡ ra bán linh kiện, vậy thì làm sao có thể chứng minh được nguồn gốc của từng món đồ" !?

Anh Trần Mạnh Tuấn ở A5 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ cho biết, trước đây gia đình có kinh doanh buôn bán phụ tùng ôtô chủ yếu là vòng bi, má phanh, dầu mỡ… nguồn hàng mua lại từ các xí nghiệp vận tải "rã" ra từ những xe phế thải hết "đát". Do bố và chú ruột đều là thợ cơ khí nên gia đình anh Tuấn có được nguồn hàng phong phú và việc kinh doanh bảo đảm cho kinh tế gia đình. Nếu nói là chủ hàng tiêu thụ đồ gian thì theo anh, đây cũng chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".

Theo ghi nhận của chúng tôi dù ít nhiều mang tiếng xấu, nhưng thực tế "chợ Giời" vẫn là nơi cung cấp nhiều hàng hóa phổ thông cũng như những linh kiện, chi tiết vào dạng "hiếm có khó tìm" cho thị trường thủ đô và các tỉnh, thành lân cận. Và mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, việc tồn tại một khu chợ như "chợ Giời" là một thực tế khách quan không thể chối bỏ.

2. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, nhà văn - nhà nghiên cứu về Hà Nội cho chúng tôi biết, khoảng những năm 60-70 thế kỷ XX ông từng sống ở giữa lòng chợ Giời. Thời gian về sau, ông vẫn thường xuyên tìm đến khu chợ này để mua bán. Khi thì là đầu kim đĩa than, lúc là ống pô xe máy, cũng có khi là chiếc cần gạt nước của xe ôtô.

Ông cho biết, chợ Giời ra đời từ cuối năm 1954, trải qua nhiều thăng trầm thì có hiện trạng như hiện nay. Ban đầu nó chỉ đơn thuần là nơi những người dân mang đồ thừa của gia đình mình ra bán cho người có nhu cầu. Sau một thời gian thì nảy sinh ra "con phe chợ Giời". Đó là những người đứng ra làm trung gian, "mua của người chán, bán cho người cần".

Có thể nói chợ Giời đã đáp ứng được một nhu cầu quan trọng trong suốt cả thời kỳ bao cấp cho đến bây giờ, đó là nhu cầu trao đổi hàng hóa vẫn còn sử dụng được với giá rẻ cho nhiều giai tầng trong xã hội. Bên cạnh đó, nó còn tạo công ăn việc làm cho những người về hưu sớm, người do không có trình độ học vấn mà không tìm được việc ở các cơ quan công sở…

Lực lượng chức năng của TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, thu giữ phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ Giời.

Cũng theo ông Tiến, một số "mặt trái" của chợ Giời như nạn chặt chém khách hàng, trộm cắp, móc túi hay việc bán hàng không rõ nguồn gốc chỉ là một điểm trừ của chợ. Và hầu như ở tất cả các chợ, những nơi tập trung đông người đều dễ xảy ra nạn trộm cắp. Không phải vì thế mà phải "dẹp" chợ. "Bản thân cái chợ không có tội. Vấn đề là cách quản lý của chính quyền và ý thức chấp hành của người dân".

Ông Tiến dẫn chứng, từ đầu những năm 90 đến nay, đã có nhiều lần TP Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng xây dựng phương án di chuyển chợ ra một khu vực khác, tuy nhiên đều không thành công. Bài học nhãn tiền là chợ đồ cũ ở gần cầu Thăng Long đã được quy hoạch, song nhiều năm vẫn trong tình trạng bỏ không. Hay như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam sau khi cải tạo đều trở nên hoang lạnh, đìu hiu chính là ví dụ sinh động nhất cho những nhà hoạch định tham khảo.

Cũng theo ông Tiến, sự ra đời và tồn tại của "chợ Giời" là một thực tế khách quan, nó đáp ứng được nhu cầu của đời sống xã hội và cần phải hết sức cân nhắc khi muốn di dời hoặc dẹp bỏ. Để hoạt động của chợ Giời diễn ra lành mạnh, ông Tiến đề xuất chính quyền địa phương như UBND quận Hai Bà Trưng, các cơ quan chức năng như Công an quận, Quản lý thị trường cần tăng cường biện pháp kiểm tra, xử phạt những cá nhân, hộ dân vi phạm pháp luật trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Song Toàn, Phó chủ tịch UBND phường Phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thừa nhận một thực tế: Đúng là có một thời gian khu vực gần chùa Vua là nơi tiêu thụ đồ gian khi nở rộ việc lấy trộm biển kiểm soát xe máy. Nhưng sau này, khi thủ tục hành chính xin cấp lại biển kiểm soát bị mất trở nên đơn giản, tự nhiên việc kinh doanh mặt hàng này không tồn tại. Khu vực gần chùa Vua chuyển thành nơi kinh doanh linh kiện điện thoại và phụ tùng xe máy.

Ông Toàn cho biết thêm, trong các chuyến đi thực tế ở nước ngoài, ông đã được tham quan một số mô hình chợ Giời. Về bản chất khu chợ Giời đó cũng giống như của ta, cũng buôn bán đủ mọi thứ và phần lớn đều là đồ cũ. Nhưng họ đã khéo léo tổ chức những khu chợ này như một nét văn hóa bản địa hấp dẫn khách tham quan.

Nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cũng nhìn theo hướng đó. Ông cho rằng sự tồn tại của một khu chợ như chợ Giời còn là một nét văn hóa. Ở các thành phố lớn ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều có các khu chợ Giời. Cũng như ở nước ta, chợ Giời chủ yếu là buôn bán, trao đổi những mặt hàng cũ theo kiểu "cũ người mới ta".

Dù có nhiều ý kiến khác nhau song chợ Giời vẫn là nơi cung ứng nhiều loại hàng hóa thiết yếu cho thị trường.

Tham gia những khu chợ này rất thú vị khi thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán để cả người cần và người bán đều thấy may mắn khi đi giao dịch. Có những thành phố lớn chợ Giời được quy hoạch thành điểm văn hóa du lịch thú vị và việc tham quan chợ Giời thường nằm trong chương trình các tour du lịch.

Theo chúng tôi, để lập lại trật tự cho chợ Giời, từng bước xóa đi hình ảnh về một "thiên đường đồ gian" trong tâm thức nhiều người có lẽ cơ quan chức năng cần tiếp tục có các biện pháp xử lý "mạnh tay" như trong thời gian qua, để hàng gian, hàng giả không còn "đất sống" ở chợ Giời. Còn để biến chợ Giời thành điểm văn hóa du lịch như ông Trạch đề xuất có lẽ cần thêm thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo…

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP Hà Nội vào ngày 16-2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP đã dành thời gian đề cập đến nạn trộm cắp phụ tùng ôtô trên địa bàn trong thời gian Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nói riêng cũng như trong thời gian qua. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết ông đã chỉ đạo Công an TP phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra 46 hộ kinh doanh phụ tùng ôtô xung quanh chợ Giời, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc.

"Quan điểm của thành phố và cá nhân tôi không khuyến khích việc kinh doanh phụ tùng ôtô. Vì việc này Nhà nước cấm không được nhập khẩu phụ tùng ôtô cũ. Phụ tùng nếu có nhập đưa về kinh doanh trong các salon ôtô thì được phép" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Nhóm PV
.
.