NSND Thế Anh: Viên Trung uý Phương ngày ấy, bây giờ

Thứ Tư, 15/10/2008, 09:00
Hơn 4 thập niên sau, niềm tự hào vẫn nguyên vẹn với NSND Thế Anh - người diễn viên kỳ tài của điện ảnh Việt Nam: "Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi hết sức may mắn khi được đạo diễn Huy Thành trao cho vai diễn này. Suốt hơn 40 năm làm nghệ thuật, tôi đã hóa thân qua nhiều nhân vật, nhưng khán giả vẫn cứ gọi tôi là Trung úy Phương. Không phải tôi mà chính đạo diễn Huy Thành đã là người làm nên điều kỳ diệu đó".

Thời của NSND Thế Anh, không ai gọi ông là ngôi sao màn bạc hay tài tử xi-nê, nhưng sự tỏa sáng từ những vai diễn của ông thì đến nay vẫn không thể phủ nhận. Hiếm có một diễn viên điện ảnh Việt Nam nào mà ánh hào quang còn bền  lâu như ông.

Sự xuất hiện của ông ở Hà Nội đã thu hút báo giới đến mức, lịch làm việc của ông hầu như không có chỗ trống. Ông là một trong số diễn viên điện ảnh Việt Nam vinh dự có tên trong từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia với một danh sách mới điểm qua đã khoảng 60 bộ phim đều thuộc hàng tên tuổi của điện ảnh cách mạng Việt Nam: "Nổi gió", "Mối tình đầu", "Ngày lễ thánh", "Tiền tuyến gọi", "Em bé Hà Nội", "Tự thú trước bình minh", "Đường về quê mẹ" v.v...

Không chỉ lớp khán giả ngày xưa mới không quên được một Trung úy Phương (phim "Nổi gió") hay Ba Duy (phim "Mối tình đầu"), mà thế hệ trẻ hôm nay vẫn say mê những vai diễn để đời của ông từ ngày ấy. Sau khi tham gia một số phim truyền hình dài tập như "Giao thời", "Hoa dã quỳ", "Xin lỗi tình yêu"... mới đây, ông lại được đạo diễn gạo cội của làng sân khấu - NSND Doãn Hoàng Giang - mời vào một vai trong "Tả quân Lê Văn Duyệt", vở kịch lịch sử hoành tráng nhất từ trước đến nay của sân khấu miền Nam do Nhà hát Kịch TP HCM dàn dựng.

"Trung úy Phương đây rồi!"

Thế Anh sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Cha ông định cư ở nước ngoài. Lúc cha qua Pháp học khi Thế Anh mới lên 3 tuổi và từ đó, 2 cha con không một lần gặp mặt. Lẽ ra, Thế Anh đã là một thầy giáo dạy toán nếu ngày ấy, ông yên phận. Nhưng đã ngồi ghế sinh viên ĐHSP được 4 tháng, ông lại thi vào lớp diễn viên của Trường nghệ thuật Sân khấu, để được tung tẩy với những sáng tạo nghệ thuật cùng với các NSND Trần Tiến, NSND Đoàn Dũng, NSND Trọng Khôi....

Tốt nghiệp xuất sắc với vai tên sĩ quan Mỹ trong vở "Đêm đen" của Ngô Y Linh, Thế Anh về Đoàn Kịch nói Trung ương. Thời gian này, đạo diễn Huy Hoàng đang tìm một gương mặt để vào vai Trung úy Phương cho bộ phim nhựa "Nổi gió" (Đào Hồng Cẩm). Như sự lựa chọn của số phận, Thế Anh đã lọt vào mắt người đạo diễn tài danh này sau khi 12 người lần lượt thử vai không thành và bộ phim đã quay được 400m mà đạo diễn vẫn chưa ưng ý, nên phải dừng lại để tuyển diễn viên. Ngoại hình, cách thể hiện nội tâm xuất sắc đến nỗi, Thế Anh mới khoác chiếc áo sĩ quan ngụy vào là mọi người đã ồ lên: "Trung úy Phương đây rồi!".

Lối diễn chân thật, có chiều sâu tâm lý của Thế Anh đã khắc họa thành công vai một viên sĩ quan ngụy và ngay lập tức, Thế Anh đã tỏa sáng từ bước chân đầu tiên vào điện ảnh. Cùng với vấn đề xã hội nóng bỏng mà bộ phim đặt ra trong cảnh đất nước chia đôi là không ít gia đình có hai con thuộc hai chiến tuyến, thì thành công của vai diễn Trung úy Phương là một yếu tố quan trọng để lôi cuốn khán giả đến với "Nổi gió".

Hơn 4 thập niên sau, niềm tự hào vẫn nguyên vẹn nơi người diễn viên kỳ tài của điện ảnh Việt Nam: "Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi hết sức may mắn khi được đạo diễn Huy Thành trao cho vai diễn này. Suốt hơn 40 năm làm nghệ thuật, tôi đã hóa thân qua nhiều nhân vật, nhưng khán giả vẫn cứ gọi tôi là Trung úy Phương. Không phải tôi mà chính đạo diễn  Huy Thành đã là người làm nên điều kỳ diệu đó".

"Nổi gió" không chỉ là bộ phim góp phần để đạo diễn Huy Thành nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007, mà còn là một nhịp cầu rực rỡ đưa Thế Anh thành người của công chúng khi sự nghiệp vừa mới bắt đầu. NSND Thế Anh kể: Có lần ông sang Mỹ, đến sân bay Los Angeles thì một sĩ quan quân đội Sài Gòn trước 1975 chạy ra xin chụp ảnh cùng ông, vì "không ngờ được gặp một diễn viên đóng vai "phía bên kia" giỏi nhất!

Thế Anh tiếp tục khẳng định tài năng trong hàng loạt vai diễn trên sân khấu, cả chính diện lẫn phản diện với một phong cách diễn luôn căng đầy sáng tạo, hào hoa mà chân thực: tên gián điệp Đức Stavinsky trong "Nila - Cô bé đánh trống trận", bác sĩ Hải trong "Đôi mắt", thủy thủ Rubacov trong "Chuông đồng hồ điện Kremlin", cố vấn Mỹ trong "Anh Trỗi" cùng nhiều vở nổi tiếng khác: “Âm mưu và tình yêu”, "Hoa anh túc", "Khúc thứ ba bi tráng", "Vụ án Eroxtrat", "Othello"...

Nhưng dù sao vẫn phải nói rằng, dấu ấn đậm nét mà Thế Anh để lại chính là điện ảnh. Sau thành công của vai Trung úy Phương, Thế Anh tiếp tục gây được ấn tượng với nhiều đạo diễn, để liên tiếp xuất hiện trong phim "Đường về quê mẹ", "Không nơi ẩn nấp", "Ngày lễ Thánh", "Tự thú trước bình minh", "Đêm hội Long Trì", "Em bé Hà Nội"...

NSND Thế Anh (thứ 2, từ trái sang) trong đêm nhạc “Tiếng lòng và giọt mưa xuân”.

Thế Anh cũng chinh phục cả đạo diễn nổi tiếng cả về tài năng lẫn sự kỹ tính Hải Ninh, để vào vai chính Ba Duy trong bộ phim "Mối tình đầu". NSND Hải Ninh kể lại, khi làm phim, ông rất muốn nhân vật vào vai Ba Duy là người Sài Gòn để có sự am tường cuộc sống ở đây, nên ban đầu đã chọn Lý Huỳnh - một diễn viên có vẻ đẹp ngang tàng, mạnh mẽ. Nhưng rồi, khi thử vai, không chỉ hình thức phong lưu mà lối diễn xuất thần cùng bản lĩnh thể hiện hiếm có của Thế Anh đã chinh phục ông hoàn toàn.

NSND Hải Ninh đã không phải hối tiếc về sự lựa chọn của mình, khi với cách thể hiện sâu sắc, chân thật của Thế Anh, "Mối tình đầu" đã giành giải Nhất UNESCO tại LHPQT Karlovy Vary 1978, giải Bạc LHPQT Tân hiện thực Italia 1981, Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam 1978 cùng giải Đạo diễn xuất sắc và giải Diễn viên xuất sắc.

NSND Thế Anh không thể nào quên những tháng ngày lăn lóc trong các ổ nghiện hút xâm nhập thực tế để biết thế nào là lên cơn "vật" ma túy, thế nào là lối sống bụi đời và kết quả là "những cảnh diễn xuất về xì ke đến nay chưa diễn viên nào vượt qua được" như nhận xét của NSND Hải Ninh. NSND Thế Anh cũng có quyền tự hào về vai diễn của mình khi lịch sử điện ảnh Việt Nam đến nay vẫn chưa có phim nào đạt được lượng khán giả đông đảo như "Mối tình đầu". --PageBreak--

Ông bồi hồi nhớ lại: "Khán giả trong Nam ngoài Bắc yêu thích bộ phim đến mức, đã có nơi chen chúc đi xem gây chết người". Chắc chắn, để mang đến cho công chúng sự đón đợi như thế, phải là kết quả của tình yêu nghề đắm đuối, của sự say mê sáng tạo nghệ thuật cùng sự lao động quên mình. Hai vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn viên của Thế Anh nổi tiếng đến mức, ông đã đặt tên 2 cậu con trai của mình là Thế Phương và Thế Duy.

Với NSND Thế Anh, dù vào vai anh hùng hay gian hùng, đều cần tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của diễn viên. Khi đóng phim "Đường về quê mẹ", ông đã đến tận nhà Anh hùng Bùi Ngọc Dương - sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội và là nguyên mẫu của nhân vật Dư - để xin được thắp hương và mượn toàn bộ thư từ, tài liệu liên quan đến anh để đọc và tìm hiểu cuộc đời, cá tính của nhân vật.

Sự nghiên cứu, học hỏi, lao động quên mình cùng trải nghiệm từ 2 năm quân ngũ đã cho ông có được một vai diễn như ý. 6 tháng đóng phim "Đường về quê mẹ" ở một vùng núi Hòa Bình, Thế Anh phải vừa tập diễn xuất, vừa đeo súng AK bên người để sẵn sàng chiến đấu. Thời chiến, vất vả mà ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nhưng không có gì làm ông giảm được niềm say mê.

Khi quay, công binh phải dùng 2 tấn thuốc nổ để tạo cảnh chiến trường bị bom B52 tàn phá. Trong khi lửa đang rừng rực cháy, Thế Anh đã lao vào để có được những cảnh quay ấn tượng. Cũng vì thế, ông đã bị cháy sém cả tóc, cả áo quần vì gió thổi ngược, "mà lạ, vẫn lạc quan cách mạng lắm" - ông hào hứng nhớ lại.

Buồn vui phim trường

Là người nổi tiếng với sự thành công rực rỡ như vậy, nhưng gặp NSND Thế Anh ngoài đời, mọi người đều ngạc nhiên khi đã ở tuổi 70, nhưng trông ông trẻ hơn tuổi thực của mình rất nhiều. Hơn thế, còn là sự trẻ trung của tâm hồn ông với phông văn hóa khá rộng. Có lẽ, đây là điều khác biệt ở thế hệ diễn viên như ông. Ông chịu đọc, chịu học. Ngay cả giờ đây đã không còn trẻ nữa, nhưng hễ được mời vào vai diễn nào, dù chính hay phụ, ông đều bỏ công nghiên cứu kỹ kịch bản, tâm lý để xây dựng được lý lịch nhân vật, tìm cho ra hồn cốt vai diễn.

Không hiểu sao ngày đó, NSND Thế Anh thường hay phải vào các vai diễn có cảnh "nhạy cảm". Trong bối cảnh quan niệm nam nữ còn phong kiến, ông gặp không ít khó khăn trong diễn xuất với các nữ diễn viên trong các cảnh đặc biệt này. Ông cười khi nhớ về kỷ niệm với NSND Như Quỳnh lúc đóng phim "Mối tình đầu".

Cảnh Ba Duy (Thế Anh đóng) và Diễm Hương (Như Quỳnh) chạy nhảy, tâm tình dưới thác ở thác Pren (Đà Lạt) rất lãng mạn, đạo diễn và cả Thế Anh đều muốn, lúc đó, 2 người hôn nhau thì sẽ phù hợp tâm lý nhân vật hơn, nhưng khi quay thì Như Quỳnh dứt khoát không chịu, cứ mím chặt môi lại. Thế Anh lúc đó đã nổi nóng đòi thay người vì "làm nghệ thuật chứ có phải là để chơi đâu mà cứ diễn kiểu đó". Đạo diễn thuyết phục mãi cũng không được, nên cuối cùng, đành phải chấp nhận quay cảnh Ba Duy  hôn vào... trán Diễm Hương!

Trong phim "Không nơi ẩn nấp", NSND Thế Anh cũng phải đóng cảnh "nhạy cảm" với một nữ diễn viên xinh đẹp. Vì quá ghen nên chồng nữ diễn viên còn đến tận nơi đóng phim ở bãi dâu Ninh Bình để... xem. Để cho cảnh quay đạt yêu cầu, chủ nhiệm phim phải "mời" người chồng "Hoạn Thư" ra về mới quay được.

Lúc đó, đạo diễn Phạm Kỳ Nam yêu cầu Thế Anh (vai tên biệt kích) phải đóng như thật nên đã không báo trước cho diễn viên đóng cùng, để tạo bất ngờ. Nhưng khi tên biệt kích lao vào ôm cô gái, lẽ ra, theo phản xạ, cô gái sẽ đẩy ra, nhưng không ngờ là cô lại bật cười, khiến đạo diễn phát cáu. Bị mắng tơi tả, nữ diễn viên vừa đứng dậy, vừa khóc: "Tại vì tôi có máu buồn chứ không phải vì tôi thích "tên biệt kích"!

Trong "Lưu lạc trở về Sam Sao", NSND Thế Anh lại phải vào "cảnh nóng" với NSƯT Phương Thanh. Nhưng cuối cùng, một nữ diễn viên xiếc 17 tuổi đã là người đóng thế cho chị. Khi đóng cảnh hôn nhau ở phim "Người trong cuộc", nữ diễn viên đóng cặp cũng không chịu, Thế Anh dỗ mãi không được, cuối cùng ông phải quát lên: "Đạo diễn họ bắt thế chứ tôi...  thích gì!" thì cô gái mới chấp nhận.

Lắng đọng đường đời

Nhiều lúc không "thuận buồm xuôi gió" trong công việc, nhưng ngoài đời, NSND Thế Anh lại rất đào hoa. Đẹp trai và rất có duyên với chiếc răng khểnh, Thế Anh cũng là điểm ngắm của nhiều người đẹp từ Bắc chí Nam. Có rất nhiều người đẹp theo đuổi, nhưng Thế Anh bảo, ông là người biết điểm dừng.

Có lần đi diễn ở Bến Tre, ông được một người hâm mộ sốt sắng đến tận nơi mời về nhà ở trong những ngày diễn ở đây. Nào ngờ, người vợ xinh đẹp tuyệt vời của chủ nhà cũng... hâm mộ ông không kém, đã đặt ông vào tình huống khó xử đến mức phải vội rời về đoàn để tránh phiền phức.

Có người đẹp rất nổi tiếng còn chấp nhận làm "thứ phi", hoặc sẽ đưa ông ra nước ngoài, nhưng là người rất yêu vợ - một hoa khôi của Trường Trưng Vương Hà Nội - và luôn đắm say với nghệ thuật, nên ông đã im lặng trước mọi cám dỗ.

Đất nước thống nhất, NSND Thế Anh vào TP HCM tiếp tục với những vai diễn để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Cả 2 cậu con trai đều thành đạt và không ai đi theo con đường nghệ thuật của cha. Ông bằng lòng với điều đó. Có lẽ, hơn ai hết, là người từng trải qua bao vinh quang rực rỡ nhưng cũng không ít đắng cay của đời nghệ sĩ, ông hiểu rằng, để trở thành một nghệ sĩ đích thực không hề dễ dàng.

Cống hiến của ông với điện ảnh cách mạng Việt Nam là điều hầu như không chỉ giới nghề, mà khán giả nhiều thế hệ đều thừa nhận, khi ai cũng hiểu rằng, nếu thiếu những vai diễn của Thế Anh trong suốt chiều dài điện ảnh cách mạng Việt Nam, sẽ là một khoảng trống khó san lấp.

Nhưng thật tiếc và cũng thật lạ khi trong dịp kỷ niệm 55 năm Hội Điện ảnh Việt Nam, chỉ thấy NSND Trà Giang được nhận giải thưởng "Vinh danh trọn đời" do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng. Trong 11 nghệ sĩ tiêu biểu cho các thế hệ điện ảnh được tôn vinh nhân 55 năm Cục Điện ảnh Việt Nam cũng không có tên NSND Thế Anh. Điều đó, dù không làm ông bận tâm, nhưng lại khiến những người hâm mộ day dứt, băn khoăn. Hình như có điều gì đó chưa thật công bằng với những đóng góp lớn lao của NSND Thế Anh cho nền điện ảnh nước nhà?

Ngô Thanh Hằng
.
.