Nam Vang ký sự: Rùng rợn Toulsleng

Thứ Tư, 05/08/2009, 08:05
Rùng rợn từ khi chạm mặt với cánh cửa nhà tù. Mải bước nên tôi suýt chạm vào một hình nhân nép bên cánh cửa sắt. Khi ngẩng lên tôi choáng váng suýt khuỵu xuống bởi khuôn mặt không còn là của hình nhân nữa mà gần như bị băm nát.
>> Âm u trưa trên cánh đồng chết

Bộ quần áo đen bàng bạc, càng hằn thêm vẻ tang thương. Có nhiều khách thăm móc ra những đồng tiền lẻ... Nghe nói đó là một nạn nhân bị tra tấn thời Polpot. Bữa tham quan đó hơi vội  nên chưa kịp hỏi chuyện dị nhân kia mà chỉ kịp lia vội mấy kiểu ảnh.

Bây giờ là bảo tàng nhà tù mang tên S-21 nhưng nguyên thủy nó là một trường trung học có tên đầy đủ là Toulsleng Svay Prey. Sau thời điểm Polpot làm chủ Phnompênh, hàng trăm phòng học của năm dãy nhà ba bốn tầng của trường trung học đã nhanh chóng biến thành điểm tra tấn đày đọa đủ mọi thành phần người dân Campuchia có cả người nước ngoài. 14.000 người đã bị đày đọa tra tấn hết sức dã man trước khi bị mang đi bắn hoặc bị đập chết tại cái trường học mang tên S-21 này của bọn Polpot.

Tôi lướt chầm chậm qua vài phòng ở tầng trệt. Mỗi phòng có diện tích khoảng hai chục thước vuông kiểu các lớp học tiểu học, trung học mà ta vẫn thường gặp. Nền lát thứ gạch vuông chắc trước đây có màu hồng, thứ vật liệu có từ thời Pháp bởi trường được xây từ đầu những năm 50 nhưng bây giờ đã biến dạng xỉn màu loang lổ vết ố.

Người hướng dẫn nói là máu của tù nhân bám lâu ngày bây giờ có ra công cọ rửa cũng chả bay được những vết ố kia. Trên nền gạch lát, chúng đục và khoan cố định những cái móc sắt dùng để neo hệ thống gông cùm. Hai phần ba số phòng ở tầng trệt được xây thành ngăn bằng thứ gạch đục lỗ xây rất vội vữa hiện còn thò lò ngăn thành các xà lim. Còn sót lại trên bức tường một phòng học dòng chữ nét được nét mất mà người phiên dịch cho hay “Đoàn kết là sức mạnh” khẩu hiệu của học sinh trung học thời đó.

Nội thất một phòng học - xà lim.

Trong nhiều phòng trưng la liệt ảnh các tù nhân đủ mọi kích cỡ  trong thời gian bị giam cầm và tra tấn. Tất tật đều là ảnh đen trắng. Ảnh ấy được nhân viên cai ngục thực hiện. Chúng tôi được giới thiệu 14 ngôi mộ nằm trong sân trường học và cũng là sân nhà tù. 14 nhân viên coi tù của Polpot ở nhà tù Toulsleng, những viên chức tưởng mẫn cán cúc cung với chế độ diệt chủng hóa ra cũng không thoát được đòn hành quyết bí mật vào buổi sáng Quân tình nguyện Việt Nam tràn vào thủ đô Phnompênh.

Nghe nói Liên quân tình nguyện Việt - Miên đã chôn cất họ tử tế thành 14 ngôi mộ kia. Mà sao lạ, ứng với 14 ngôi mộ chôn cất tử tế là 14.000 dân Khmer bị hành quyết đủ kiểu của ngục tù Toulsleng và tất tật chỉ còn ngổn ngang những đống sọ trên các cánh đồng chết!

Tôi để ý tại các phòng học tầng trên đều chăng dây thép gai. Để làm chi vậy? Người hướng dẫn giải thích do có quá nhiều người không chịu được cảnh tra tấn đọa đày đã nhao xuống đất tự tử nên bọn đồ tể đã có sáng kiến ấy để lưu đày tiếp chứ dễ chi buông tha cho người tù tìm đến cái chết mau chóng như vậy! Gần lối ra vào một khu nhà tôi để ý thấy hai cái chum nước to tướng đặt dưới một khung thép hình vuông. Đó cũng là sáng kiến của lũ đồ tể. Người hướng dẫn cho biết thêm, chúng tra tấn tù nhân bằng cách trói trật cánh khuỷu kéo lên kéo xuống trong cái khung kia sao cho đầu tù nhân nhúng vào miệng chum... Chum đựng gì vậy? Xin thưa, phân loãng và các chất dơ khác!

Gần 10.000 tấm ảnh đen trắng đều rập theo một kiểu chân dung khá nét và tịnh không có một nét cười trên những khuôn mặt đăm đăm căng thẳng kia! Tất tật đều đã bị hành quyết! Tôi dừng lâu hơn trước các bức hình mà người hướng dẫn nói là người Việt. Có tài liệu nói hàng trăm người Việt, những kiều dân làm ăn lương thiện ở Phnompênh  đã bị tra tấn bị hành quyết ở nhà tù Toulsleng này.

Ngó những ánh mắt Việt đăm đăm chăm chắm nhìn thẳng vào ống kính của bọn đồ tể mà thấy rờn rợn. Phút giây ấy họ nghĩ gì? Ánh mắt ấy như một thông điệp xuyên rất nhiều thế hệ mai hậu rằng có một thời điểm mà công lý nhân loại mù lòa và cái ác thắng thế. Rằng sự mù lòa và cái ác ấy dường như là bất biến và  nó vẫn có khả năng xuất lộ không nơi này thì ở nơi khác dưới hành tinh đầy những bất trắc này!

Hơi rờn rợn khi lướt coi nghị quyết của thường vụ đảng Polpot xác định coi Việt Nam là kẻ thù trực tiếp và lâu dài. Rằng mỗi một người Campuchia phải diệt... 30 người Việt. Chỉ thị rồ dại ấy để ứng với dân số Việt hơn 60 triệu thời điểm năm 1978!?.--PageBreak--

Có một tấm ảnh đặc biệt được phóng to và đặt ở vị trí dễ coi nhất ở một gian giam lớn. Đó là ánh mắt câm lặng của một phụ nữ có khuôn mặt khả ái dịu dàng đang bồng một đứa bé... Bức ảnh ấy có lẽ đã vượt qua nhiều biên giới. Chan Kim Sun, tên người đàn bà đang bồng con kia là vợ của ông Hiệu trưởng Trường trung học Toulsleng. Bọn Polpot trước khi tra tấn cho đến chết bằng cách đóng đinh vào đầu chị, còn đứa bé thì chúng quật vào bức tường trong phòng học đã chụp tấm ảnh này lưu vào hồ sơ. Rùng rợn hơn, cảnh nạn nhân trong lúc bị đóng đinh cũng được ghi lại!

Tham quan Toulsleng có nhiều khách phương Tây. Trong số các ký hiệu trước mỗi phòng có chỉ dấu không được cười nói. Tôi nghĩ người của Bảo tàng lo hơi bị xa... Dường như  những âm thanh lành của đời sống thường nhật và nụ cười từng lịm tắt ở chốn Toulsleng này từ cái ngày trường học thành nhà tù? Bây giờ ngay cả âm thanh của giày của dép đều khẽ khàng mực thước.

Tôi để ý thấy một phụ nữ châu Âu, từ dáng đi màu tóc nước da... hết thảy đều toát lên vẻ khả ái.  Sự có mặt của chị dường như là thứ thiên sứ gửi xuống gầm trời Miên này để thực hiện một thiên chức tỉ như cho cái buổi tham quan bớt đi phần u ám chẳng hạn. Chị nghĩ gì mà trầm tư bên đống xương sọ chất ngất trong tủ kính kia? Và trầm ngâm điều chi bên tấm ảnh của một đồng bào của chị nữa chứ?

Không, duy nhất ở đây có một nụ cười. Tôi dám chắc bọn đồ tể đã lục trong mớ đồ của anh thì mới có tấm ảnh có một nụ cười lành như thế chứ ai mà cười nổi trong ngục thất của bọn quỷ? Hoặc giả người làm bảo tàng đã cất công xin ảnh từ thân nhân của anh bên tận Anh quốc? Hoặc nữa khi bị bắt nụ cười ấy như một lời chào thân thiện với bọn đồ tể Polpot vì anh đâu ngờ dưới gầm trời này lại có thứ quỷ dữ mà khi ấy và cho mãi tận sau này, rất nhiều người vẫn mơ hồ? Người thanh niên tuấn tú kia lọt vào vùng đất chết là John Dawson Dewhirst, một tay chơi thuyền buồm nghiệp dư người Anh.

Năm 1978, Dewhirst chèo thuyền vào vùng biển Campuchia và mất tích. Sau khi Khmer Đỏ sụp đổ, các bức ảnh và ''lời thú tội'' của Dewhirst và nhiều người phương Tây khác được tìm thấy trong nhà tù Toulsleng có tên là S-21 này. Anh bị Khmer Đỏ bắt, tra tấn và bị ép phải nhận mình là gián điệp. Đó chỉ là số ít trong số 14.000 nạn nhân bị giết ở S-21!

Tôi để ý trong một góc phòng nọ có những thanh sắt phi 10 được hàn giằng rịt với nhau thành hình một chiếc cũi. Trong đó giam bốn cái đầu... Polpot! Thực ra đó là những bức tượng bán thân Polpot vốn thường được đặt  nhan nhản tại tất cả những nơi trang trọng của các công sở chính quyền thời Polpot. Có lẽ những nạn nhân tạc tượng lẫn những ánh mắt một thời sùng kính lẫn khiếp sợ mỗi khi ngước lên những bức tượng ấy không thể ngờ rồi sẽ có ngày những cái đầu của lãnh tụ tối cao ấy bị gông và vứt vào một cái xó như thế này cho vô số những ánh mắt căm hờn của khách tham quan chiếu vào! Chỉ có gông và vứt vào một xó thế kia có lẽ cũng chưa đủ...

Những nạn nhân không một ai sống sót trong hồ sơ nhà tù Toulsleng.

Chợt nhớ đến tâm trạng bức bối của ông bạn đồng nghiệp Nguyễn Triều, ông lấy làm lạ lẫn băn khoăn rằng qua tiếp xúc với giới trẻ trong đó có nhiều sinh viên Campuchia, nào có lăng lắc xa ngái chi so với lịch sử nhưng khá nhiều bạn trẻ không mấy quan tâm hoặc chỉ biết láng máng thậm chí còn cảm giác ngạc nhiên khó mà xảy ra những trang bi thảm thời Polpot như thế trong lịch sử Campuchia?!

Nguyễn Triều kể rằng, trong một bữa ăn thân mật, ông mang tâm trạng ấy bộc bạch với một vị sĩ quan cấp tướng của Quân đội Hoàng gia Campuchia thì ngay lập tức Nguyễn Triều nhận được sự đồng cảm rằng thế hệ vị tướng ấy cũng đang có cảm giác day dứt như thế. Ông nói có nhiều nguyên nhân cho sự lãng quên lẫn thờ ơ vô cảm trong đó có việc buông lỏng sự tuyên truyền giáo dục và nhất là một phiên tòa xử bọn diệt chủng tổ chức chưa đến đầu đến đũa!

Dị nhân có chiếc khăn mà người Khmer thường quấn trên cổ ấy, ông là ai? Hy vọng có lần tôi sẽ trở lại nơi này một cách miễn cưỡng (nào ai muốn thêm một lần chạm mặt với cái nơi hắc ám và ăm ắp những cảm giác nặng nề này?) hoặc một đồng nghiệp nào đó có điều kiện đến đây rồi sẵn lòng nghe chuyện ông chả hạn? Nhân chứng sống thời thổ tả ấy có lẽ cũng góp thêm cho những phiên tòa công lý? Trong khi Polpot (nghe nói chết dưới bàn tay bí hiểm của nhân vật sát nhân thứ hai Ta Mok?). Chết, rồi Tamok cũng chết già chết bệnh sau khi bị bắt, hình như chưa có phiên tòa nào xử bọn đồ tể ấy diễn ra cho rốt ráo?

(Còn nữa)

X.B.
.
.