Nạn gây rối bệnh viện - Nhìn từ nhiều phía

Thứ Bảy, 27/09/2014, 16:10

Thầy giáo, thầy thuốc xưa nay vẫn được xếp vào trong số những nghề nghiệp cao quý, được tôn vinh trong xã hội. Lương y như từ mẫu, người làm thầy thuốc biết đau cái đau của bệnh nhân. Một lời thầy thuốc nói ra, có khi còn quyết định tới sự sống - chết của người bệnh. Ân uy như thế, vâng dạ cố mà làm cho đúng lời bác sĩ dặn, đã là may lắm, sao lại còn làm loạn? Đập phá bệnh viện, hành hung cán bộ y tế, rõ ràng là điều không thể chấp nhận. Nhưng cũng sẽ lại có câu hỏi ngược lại: Ân uy của chiếc áo blouse trắng, sao lại giảm sút đến vậy?

Không vừa ý là… đánh bác sĩ?

Vụ việc xảy ra mới đây nhất là vào 14 giờ ngày 2/9 tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lời kể của các nhân chứng cho hay Võ Hà Nhân Quý, sinh năm 1990, ngụ tại phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ chạy xe máy chở theo vợ và con trai 23 tháng tuổi vừa bị thương do tai nạn giao thông vào thẳng Khoa Cấp cứu, vừa đến nơi Quý đã nạt nộ các cán bộ y tế phải khẩn trương cứu chữa cho con mình.

Bất chấp việc Quý la lối bên ngoài, các bác sĩ tại đây đã khẩn trương băng bó, khám và làm các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân nhỏ tuổi này và đi đến kết luận ban đầu là cháu bị đa chấn thương do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong người có hơi men, Quý đã không làm chủ được mình và lại tiếp tục có hành vi chửi bới, đập bàn, đập điện thoại, cửa kính phòng làm việc làm hư hại nhiều tài sản của bệnh viện, gây náo loạn.

Bảo vệ bệnh viện cũng không ngăn được hành vi gây gổ của Quý. Vụ việc chỉ chấm dứt khi lực lượng Cảnh sát 113 có mặt tại hiện trường, đưa đối tượng gây rối về trụ sở làm việc.

Một điều không thể phủ nhận, rằng các lực lượng chức năng bảo vệ pháp luật thời gian qua đã tỏ thái độ rất cương quyết trước những hành vi côn đồ kiểu như thế này. Tổng hợp hình phạt hơn 95 năm tù đã được tuyên dành cho 33 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử vụ án Nguyễn Hoàng Long cùng đồng bọn trong vụ đập phá tại Bệnh viện đa khoa Khu vực Năm Căn, Cà Mau.

Hành vi côn đồ của Nguyễn Tiến Dũng gây ra vụ hành hung bác sĩ tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai hồi cuối tháng 7 vừa qua cũng đã bị khởi tố, chờ ngày đưa ra xét xử trước pháp luật. Trong vụ đập phá Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Cơ quan Công an cũng đã khởi tố vụ án "đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ" để điều tra đồng thời cả 2 hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp đối với bác sĩ, Phó trưởng khoa Chấn thương của bệnh viện và hành vi hủy hoại tài sản đối với người thân của của nạn nhân Nguyễn Xuân Hồng theo Điều 143, Bộ luật Hình sự…

Anh hùng lao động, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết: Câu chuyện động đến căn cốt của ngành y.

Nhưng cũng qua các vụ việc xảy ra, trước hết có thể thấy, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các bệnh viện rõ ràng chưa được tốt. Lực lượng bảo vệ, an ninh tại chỗ không đủ sức ngăn chặn các hành vi côn đồ có chủ ý của các đối tượng một khi xảy ra. Khả năng kiểm soát tình hình của các lực lượng tại chỗ tỏ ra còn nhiều yếu kém. Như trong vụ đập phá, hành hung bác sĩ xảy ra mới đây tại Khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ.

Sau khi đập phá, đánh ngất y tá Diệp Anh đang mang thai tháng thứ 7, Dũng còn tiếp tục gọi thêm một nhóm thanh niên ngổ ngáo từ bên ngoài vào "tiếp sức". Những người này chỉ giải tán khi có sự xuất hiện của lực lượng Công an phường Phương Mai.

Thế nhưng, có lẽ câu chuyện còn phải nằm ở vấn đề cốt lõi hơn: Suy giảm lòng tin! Trước nay có bệnh thì vái tứ phương. Con bệnh đến bệnh viện, lẽ là phải nhất nhất tuân lời bác sĩ. Qua sự vụ vừa qua, có vẻ như câu chuyện đã khác. Hiển nhiên là hành vi côn đồ phải bị ngăn chặn. Nhưng bên cạnh đó có thể thấy uy tín của người thầy thuốc rõ ràng có sự xuống cấp.

Những lời giải thích chuyên môn, nhẽ ra cần phải được tuân thủ một cách vô điều kiện - mà thực ra cũng không còn cách nào khác bởi đa phần nó là bất khả kháng - đối với người bệnh và người nhà, thì nay lại bị hồ nghi bởi những yếu tố vật chất khác mà người ta vẫn va đập hàng ngày. Uy tín người thầy thuốc đang suy giảm qua các sự việc như thế, và đang được đặt lên bàn những người có trách nhiệm của ngành y tế một cách cụ thể, rõ ràng!

Phải loại bỏ những "con sâu"

Anh hùng Lao động, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng vấn đề này đã động đến căn cốt của nghề y hiện nay. Là người công tác trong ngành y lâu năm, đứng đầu một bệnh viện lớn, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết nổi tiếng là người thẳng thắn, không ngại đương đầu với những vấn đề nhạy cảm của ngành y.

Cũng như lần này, ông bảo đã là người có tâm với nghề, với những chuyện đã xảy ra thời gian qua, không thể không băn khoăn, day dứt. Ngành y, với khoảng 500 nghìn cán bộ, y bác sĩ, hầu hết đều đang ngày đêm nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đâu có thiếu những điển hình trong ngành y tận tụy với người bệnh, không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn để phục vụ người bệnh được tốt hơn. Đã có không ít thành tựu y khoa của chúng ta nằm trong tốp đầu trên thế giới trong điều trị bệnh, cấy ghép cứu người, thể hiện những nỗ lực không ngừng của đội ngũ làm công tác chuyên môn, nghiên cứu trong ngành.

Cũng không thiếu hàng trăm, hàng nghìn y, bác sĩ đã, đang và sẽ còn tình nguyện đi về những vùng cao, vùng xa, chẳng quản ngại khó khăn chữa bệnh, phòng bệnh cho đồng bào… Đó là những kết quả, cố gắng không thể phủ nhận được của đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam. Nhưng, ở đâu đó, vẫn xảy ra những chuyện đau lòng về thái độ tắc trách của bác sĩ đối với người bệnh để xảy ra hậu quả chết người, "chặt chém", "móc túi" người bệnh không thương tiếc. Những "con sâu" ấy, theo ông, cần phải loại bỏ để không "làm rầu nồi canh" chung. Chỉ có cách ấy mới dần lấy lại được niềm tin trong nhân dân, khôi phục uy tín của người thầy thuốc.

Hình ảnh trong video ghi lại đối tượng Nguyễn Tiến Dũng tấn công bác sĩ và y tá Khoa A9 - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Đạo đức nghề y được xây dựng trên nền tảng đạo đức chuẩn của xã hội, và trên cơ sở đó anh phải có một tấm lòng cao cả, nhân hậu để làm nghề. Nếu không có nền tảng của con người có đạo đức tốt, tư cách tốt, thì không làm nghề y được. Một thực tế rằng, trong tình hình hiện nay, các ngành nói chung, không phải riêng ngành y, kinh tế thị trường xâm nhập vào xã hội, tuy có nhiều lợi điểm nhưng cũng có những phát sinh tiêu cực của nó. Tiêu cực ở đây, người ta nghĩ nhiều tới tiền nong, xin cho, quan hệ…

Nói tóm lại, trong một bối cảnh như thế, con người dễ cảm thấy bức bách, trong người luôn khó chịu, vì thế mối quan hệ giữa người với người cần phải được mổ xẻ, phải phân tích, đánh giá cho đúng. Tuy nhiên, bởi tính đặc thù của ngành y là liên quan đến vấn đề sức khỏe, trị bệnh cứu người, nên đối với các chuẩn mực xã hội, một đòi hỏi khắt khe hơn cũng là lẽ đương nhiên.

"Hơn 30 năm làm trong ngành y, tôi luôn thẳng thắn trong tất cả mọi chuyện. Ngành y tế là ngành đụng chạm đến sức khỏe của mọi người, là ngành cực kỳ nhạy cảm. Trong một số lĩnh vực khác, không phải là không tồn tại tiêu cực. Nhưng người ta nhìn bằng con mắt khác. Còn đối với ngành y tế, dù là nhỏ, nhưng có thể gây tác hại không lường được" - PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết nói.

Là thầy thuốc, phải tâm niệm hết mình vì người bệnh

Thực tình, khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã liên hệ với một đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế. Người đứng đầu đơn vị này, sau khi nghe phóng viên trình bày qua điện thoại với mong muốn thiết lập cuộc trao đổi trực tiếp, đã tỏ ra đồng cảm và rằng ông cũng đang rất quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng tôi không thể kết nối được với vị lãnh đạo này nữa!?

Trở lại với những trao đổi tâm can của PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, ông thừa nhận có một số trường hợp chưa thật sự nhiệt tình, chưa thực sự hết lòng vì nghề. Rồi trong đó lại có một số nhỏ trình độ chuyên môn và năng lực kém. Đôi khi từ chỗ chuyên môn năng lực kém thành ra thờ ơ hoặc né tránh, nên đã để xảy ra chuyện không ai muốn, làm mất lòng tin của nhân dân với ngành y tế. Chỉ một phần rất nhỏ thôi, chắc chỉ khoảng 5 - 7% của cái con số 500 nghìn ở trên kia, để xảy ra những trường hợp rất đáng tiếc bởi những lý do đã nói ở trên, cũng đã làm cho người ta thấy mất lòng tin. Rồi thì cũng lại có lỗi của các phương tiện truyền thông khiến cho người ta tưởng ai trong ngành y cũng như thế…

Lòng tin lấy được mới khó, chứ đánh mất đi thì nhanh lắm, dễ lắm. Mà sự mất lòng tin của bệnh nhân, của người nhà bệnh nhân đối với người thầy thuốc, với ngành y tế phải được coi là đặc biệt nguy hại. Thậm chí, theo ông là cần phải đưa ra để mà lên án.

Bây giờ, nếu đặt địa vị của một người thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân mà cứ để cho người ta mất lòng tin thế này, thì lúc nào anh cũng phải nơm nớp. Anh không thể hành nghề cho thoải mái, chuẩn xác được nữa. Về mặt luật pháp, rõ ràng cũng phải có những quy định cụ thể để bảo vệ an toàn cho việc hành nghề ấy. Trước mắt phải trông chờ vào luật pháp thôi.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết bảo, ông có thể khẳng định rằng đại bộ phận người thầy thuốc đều hết lòng vì nghề. Và như thế, đã trị bệnh cứu người, ai cũng mong muốn người bệnh của mình mau khỏi, không bị tử vong. Nhưng cũng có trường hợp bất khả kháng. Ví dụ như về sản khoa, từ xưa đã có câu "chửa là cửa mả", tức là nói đến nguy cơ rủi ro thường trực của trường hợp ấy.

Cho nên chúng ta phải nhìn nhận vấn đề trên một khái quát. Còn đối với người thầy thuốc, rõ ràng anh phải tu dưỡng, cố gắng phấn đấu vươn lên, anh phải làm thế nào cho người ta tin.

Người nhà gặp nạn, muốn người thân không có tâm tư làm sao được? Nhưng đúng là nếu người ta đến, anh khám xét không kỹ càng, không nói rõ tất cả mọi việc, lường trước các tình huống để mà công khai với gia đình bệnh nhân để cùng phối hợp, thì sẽ rất khó mà có được sự thông hiểu sau này nếu có chuyện gì xảy ra.

Bây giờ đúng là có tình trạng đón tiếp bệnh nhân vào nhưng không nói rõ như thế. Một là có thể vì lý do nào đó ngoài chuyên môn mà không nói hết với người ta chăng? Hai là nhiều khi cũng chủ quan, hoặc kém chuyên môn mà không tiên lượng được khả năng xấu. Rồi thì cứ "đã vào đây rồi thì cứ yên tâm, không sao đâu! Không sao đâu!". Đùng một cái xảy ra chuyện. Lúc bấy giờ nói sao đây? Sự phản kháng dữ dội cũng có thể bắt nguồn từ đấy lắm.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết muốn đưa ra vài lời khuyên đối với những người đang làm ngành y thế này: Khi người bệnh đã đến với anh, ngoài chuyện anh tu dưỡng, rèn luyện bản thân để có chuyên môn tốt rồi, thì khi người bệnh đến, trách nhiệm của người thầy thuốc là phải khám xét cho cẩn trọng. Anh phải tư vấn cho người ta rất kỹ càng, và không được bao giờ nói rằng "cái này nhẹ, cứ yên tâm!". Tiêm một ống thuốc bình thường còn chết người. Tiêm một ống thuốc kháng sinh, thậm chí tiêm một ống thuốc bổ cũng chết người. Mọi sai sót trong nghề y đều có thể phải trả giá đắt, rất đắt!

Cho nên là người thầy thuốc phải nhìn nhận được vấn đề, phải tính toán rất triệt để. Và tâm lý tiếp xúc với người bệnh cũng rất quan trọng. Một thái độ tốt, cảm thông và chia sẻ với nỗi đau mà người bệnh đang phải chịu sẽ luôn là cơ sở vững chắc để củng cố mối quan hệ tin tưởng giữa thầy thuốc và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cho dù có chuyện gì sau này xảy ra đi nữa.

Và, việc thứ hai, đó là đã là người thầy thuốc, phải tâm niệm luôn hết mình vì người bệnh. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, bây giờ ông mổ toàn ca khó. Trước khi mổ, bao giờ ông cũng trao đổi với bệnh nhân và người nhà rất cụ thể. Đây, nếu không mổ thì thế này. Nếu mổ mà qua được, thì thế này. Còn bao giờ cũng nói rõ tỉ lệ thành công và không thành công. Sau khi mọi việc đã rõ ràng, thì mới bắt tay vào làm, và làm hết mình.

Trong tâm mình phải là như thế. Ngành y cũng không phải thiếu những người như thế đâu. Chỉ là như đã nói, niềm tin lấy được thì khó, chứ đánh mất nó đi thì nhanh lắm

Mai Khuê
.
.