Nan giải bài toán bảo tồn và chung sống với voi rừng
Trước đó, tháng 7-2017, một hàng rào điện có chiều dài 50km để ngăn chặn voi tàn phá hoa màu của bà con đã được đưa vào vận hành, mặc dù có tác dụng rõ rệt nhưng chỉ được một thời gian, voi lại xuất hiện với tần suất dày hơn và mức độ gây thiệt hại cũng lớn hơn. Nguyên nhân vì sao và làm cách nào có thể chung sống hòa bình với voi là bài toán nan giải không chỉ của ngành kiểm lâm...
1. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, chỉ từ đầu tháng 5 đến nay, voi rừng đã về phá hoại hoa màu của bà con tại các ấp 4, 5, 6, 7 thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, 16 lần, còn nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, số lần voi về phá hoa màu của bà con không dưới con số 30.
Đêm 9 rạng sáng ngày 10-6, đàn voi rừng, có cả voi con và voi trưởng thành, đã kéo về khu vực ấp 7 và phá hoại vườn chuối và hoa màu của gia đình ông Nguyễn Viết Ân, ấp 7, xã Thanh Sơn và nhiều gia đình khác. Chỉ riêng tại vườn nhà ông Ân, các “ông Bồ” ngứa vòi đã quật ngã hơn 200 bụi chuối sắp đến ngày thu hoạch, đồng thời phá luôn hệ thống ống dẫn tưới cây gây thiệt hại cho gia đình ông Ân trên 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Viết Ân bên bụi chuối bị voi phá. |
Trước đó, vào đêm 17-5, voi rừng về “thăm” vườn nhà ông Ân, giẫm nát hơn 200 bụi chuối. Ngày 26-5, “nhớ vườn” voi lại về, lần này “ông” đạp ít hơn chỉ có... 184 bụi. Mới nhất, đêm 13-6, voi rừng lại “viếng thăm” rẫy hoa màu của bà con, có ghé vườn và cũng kịp quật vài chục bụi chuối sắp tới kỳ thu hoạch của gia đình ông Ân.
Ông Ân cho biết, chuối nhà ông và của nhiều hộ dân trong khu vực là loại chuối cấy mô. Từ khi trồng tới khi thu hoạch phải mất một năm. Cả cây giống, công chăm sóc, tưới tiêu, bao bọc, mỗi bụi cũng phải mất trên 100 ngàn đồng. Khi thu hoạch, mỗi buồng chuối nặng hơn 30 kg, giá chuối hiện tại 4.500 - 5.000 đồng/kg, lời lãi chẳng bao nhiêu, nhưng chỉ một đêm “ông Bồ” về đã phá nát công sức lao động cả năm trời của hai bố con ông.
Trồng chuối theo hợp đồng với các đơn vị thu mua, bị voi phá tất nhiên là gia đình ông sẽ không thể thực hiện đúng, đủ hợp đồng, đơn vị thu mua thông cảm không phạt cũng vẫn còn may!
Mà đâu chỉ phá chuối, voi rừng còn phá cả những cây sầu riêng trong vườn nhà ông Ân. Voi không ăn trái sầu riêng, chỉ níu vòi quật, hái trái non xuống và bẻ cành chơi cho đỡ... ngứa vòi. Chỉ riêng sầu riêng bị phá, nhà ông Ân đã thiệt hại khoảng 25 triệu đồng. Chưa kể, có đêm voi về kéo sập chòi canh rẫy của nhà ông, có bao nhiêu gạo, muối, voi xơi sạch, quần áo lao động voi cũng... ăn luôn.
Bà con ở đây cho biết “ông Bồ” khôn lắm. Từ khi xây dựng hàng rào, lúc đầu các ông không qua được, bà con cũng “ăn ngon ngủ yên” đựợc một thời gian. Nhưng hàng rào chỉ làm khó các ông được một thời gian ngắn. Từ đầu năm đến nay, các “ông” lại xuất hiện, lần này với số lượng đàn đông hơn. Lúc đầu, đàn voi xuất hiện ở khu vực ấp 5 nhưng bị xua đuổi, chúng kéo nhau qua ấp 7... Tuy vậy, khi bị hàng rào này ngăn chặn, đàn voi đã men đến điểm chưa có hàng rào điện tiếp tục vào phá hoại hoa màu của người dân.
Ông Nguyễn Viết Ân than: “Các “ông” ăn bao nhiêu cũng được nhưng đừng phá cây cối của chúng tôi. Vài buồng chuối chúng tôi không tiếc, đằng này không ăn mà cứ quật ngã cây. Nhìn những quầy chuối non bị voi quật đổ nằm ngổn ngang mà nẫu hết cả ruột. Chăm bón cả năm, sắp tới ngày thu hoạch thì bị voi phá.
Xót lắm, tức lắm mà không làm gì được, chỉ biết xua đuổi các ông trở lại rừng, không dám đụng tới... cọng lông của các “ông”. Nhưng có điều lạ, chuẩn bị gạo muối, nước non sẵn “mời ông” thì “ông” lại không thèm mà chỉ phá mới tức!”.
Dẫn chúng tôi đi xem rẫy của mình, ông Lê Quốc Việt cũng luôn miệng kêu trời. Hàng rào dây thép gai của nhà ông có cũng như không, voi sẽ nhổ hết cột bê tông, cọc sắt nếu “cản trở’ bước đi của cả bầy. Chỉ cho chúng tôi xem những cọc sắt bị “ông Bồ” nhổ, ông Việt ngao ngán, chẳng có cách nào ngăn chặn khi voi về phá.
Trước kia mỗi lần “ông” về người dân tập trung lại khua chiêng gõ trống, đốt lửa xua đuổi, các “ông” ấy cũng biết sợ bỏ đi. Nhưng giờ quen rồi, chiêng trống chẳng ăn thua, đuổi chỗ này, “ông” qua chỗ khác phá tiếp. Không phải một mà rất nhiều lần, mỗi lần số chuối của nhà ông bị phá lên tới hàng trăm bụi, gần chục ha rẫy nhà ông bị voi quần phá hết đợt này đến đợt khác.
“Tức nhất là “ông” ấy cứ vật đổ cây ra tước lấy lõi ăn, rồi đi lại đạp đổ hết cây cối khác như cam, bưởi, xoài... Có lần vợ tôi phải quỳ xuống lạy, van xin các “ông” đừng phá nữa. Cũng chỉ được vài hôm...”, ông Việt kể.
Hàng rào điện bảo vệ voi. |
Bị phá nhiều quá, có người còn tuyên bố “đêm nay mà các “ông” ấy còn phá nữa là tôi tự tử”. Có hộ gia đình sợ voi phá, bỏ con cái ở nhà, vợ chồng kê giường vào rẫy ngủ để canh voi. Chỉ sợ ngủ quên, voi vào vườn phá rồi chăn màn quần áo voi vơ hết thì khốn! Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, danh sách các gia đình bị hại sẽ ngày một dài ra và việc “tức nước vỡ bờ” sẽ rất khó tránh.
2. Để ngăn chặn voi về phá hoại hoa màu, tài sản của dân, một hàng rào điện đã được dựng lên từ tháng 7-2017. Hàng rào có chiều dài khoảng 50km chạy bao quanh Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai qua địa phận các xã Mã Đà, Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu và xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai. Hàng rào là một trong các hạng mục của Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020.
Hàng rào điện có tác dụng ngăn cách khu dân cư và nương rẫy của người dân với rừng tự nhiên, nơi voi thường ra tìm thức ăn, xung đột với người. Hàng rào điện có độ cao 2,2 m, được xây dựng bằng các cột bê tông, trên gắn 4 sợi dây cáp dẫn điện kéo căng, lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc quy 24V, các bình này đặt tại 10 trạm dọc theo hàng rào, các trạm cách nhau 5km. Thông qua bộ phát xung, điện áp được nâng lên 6kV-11kV truyền vào các dây cáp.
Điện được phát đi theo hình thức phát - tắt trong khoảng thời gian rất ngắn (chỉ 1/3 giây) nên khi voi hay người đụng vào sẽ bị điện giật bắn ra gây hoảng sợ nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Từ khi đưa vào hoạt động, hàng rào điện tử này đã phát huy tác dụng, voi rừng không còn thường xuyên về phá hoại hoa màu, tài sản của dân.
Tuy nhiên, hàng rào điện không làm khó được voi. Từ khi bị hàng rào điện ngăn chặn, chúng luôn tìm cách “vượt biên”. Hằng ngày, chúng cứ mon men, đi dọc hàng rào điện để “thám tính”. Và khi phát hiện ra khoảng trống, khoảng 20km, thuộc xã Thanh Sơn chưa có hàng rào bảo vệ thế là cả đàn kéo nhau ra phá hoại hoa màu của dân.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Hạt phó Hạt kiểm lâm Định Quán cho biết, hiện trên địa bàn có tổng cộng 16 cá thể voi chia thành 2 nhóm phân bố khá rộng. Mỗi ngày chúng di chuyển khoảng 50km, trong diện tích gần 43.000ha thuộc địa phận Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Lâm trường La Ngà. Đàn voi men theo hàng rào điện đến điểm cuối rồi vòng qua hàng rào qua xã Tà Lài (huyện Tân Phú) vào ấp 7, xã Thanh Sơn.
Vì sao voi luôn tìm cách “vượt biên” kiếm ăn, có phải nguồn thức ăn cạn kiệt, sinh cảnh sống bị thu hẹp? Theo một cán bộ kiểm lâm, Thái Lan với diện tích khoảng hơn 90 ngàn ha đủ để bầy voi gần 300 con sinh sống, huống chi với hàng chục ngàn ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn văn hóa Đồng Nai. Như vậy sinh cảnh và nguồn thức ăn cho đàn voi hơn chục con không thể nói là thiếu. Có điều, ở trong rừng, voi phải tự kiếm ăn với toàn đọt mây, cành lá...
Kết quả điều tra hoạt động đàn voi rừng cho thấy voi thường xuyên ra nương rẫy của người dân ven rừng là do người dân trồng nhiều loại thức ăn voi ưa thích như hoa quả, nguồn nước và muối... Ngoài nương rẫy của bà con, thức ăn có sẵn lại tươi ngon vì vậy việc các “ông” ra phá hoa màu, kiếm thức ăn sao tránh khỏi? Do vậy việc làm sao dung hòa lợi ích giữa voi và người là vấn đề cấp bách!
Trước mắt, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã đề xuất với UBND tỉnh mở rộng dự án bảo tồn voi bằng phương án cho xây dựng thêm 20km hàng rào điện cố định. Đây là những vị trí chưa được đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào điện tử bảo vệ voi rừng. Ngoài ra cần tăng cường nguồn thức ăn, cây thuốc trị bệnh, nguồn muối khoáng, cây thuốc trị bệnh cho voi, cải thiện nguồn cung cấp nước... trong khu vực dự án bảo tồn voi.
Đồng thời Chi cục cũng kiến nghị UBND có biện pháp hỗ trợ thiệt hại trước mắt cho bà con, nhằm tránh “của đau con xót” xua đuổi voi không được, tức giận quay ra sát hại voi.
Hạt Kiểm lâm Định Quán cũng đã quyết định thành lập đội tuần tra ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi săn bắn, giết hại voi và động vật hoang dã trên địa bàn, đứng đầu là Hạt trưởng Nguyễn Hữu Tường cùng 18 thành viên thuộc các đơn vị nghiệp vụ liên quan.
Hạt còn có quyết định thành lập lực lượng “phản ứng nhanh” nhằm hỗ trợ người dân phòng tránh voi rừng và bảo vệ hàng rào điện tử, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Chiểu, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Định Quán. Bên cạnh đó tại các ấp, nơi voi thường hay xuất hiện, các tổ “Xua đuổi voi”, tổ trưởng là các trưởng ấp, cũng được thành lập.
Voi về từ khoảng trống chưa có hàng rào điện. |
Nhiệm vụ của lực lượng “phản ứng nhanh” là giám sát sự di chuyển của đàn voi, phối hợp với các tổ “Xua đuổi voi” để nắm thông tin về hoạt động của bầy voi, hướng dẫn, trợ giúp, cùng người dân địa phương, nơi xảy ra xung đột voi - người để bảo vệ tính mạng và tài sản, đánh giá thiệt hại và tìm cách khắc phục hậu quả thiệt hại do voi gây ra.
Lực lượng phản ứng nhanh còn tuyên truyền tác dụng hiệu quả của hàng rào điện tử trong việc bảo vệ tính mạng tài sản của người dân và bảo vệ voi rừng, từ đó chung tay bảo vệ hàng rào điện tử, đồng thời tổ chức kiểm tra, xác định, thống kê thiệt hại về hoa màu, tài sản... của các hộ dân do voi rừng gây ra.
Ông Lê Đức Hiền, Trưởng ấp, tổ trưởng tổ “phản ứng nhanh” ấp 7 cho biết, hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán đã trang bị cho bà con loa phóng thanh, đèn pha lớn, đồng thời cử lực lượng phối hợp chính quyền và người dân triển khai các biện pháp xua đuổi voi vào rừng nếu voi xuất hiện.
Thống kê của UBND xã Thanh Sơn cho thấy từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn xã có 65 hộ dân ở ấp 5, 6, 7 bị voi rừng về phá hoa màu, chòi canh, tường rào, trụ bê tông... Có một căn nhà của người dân bị voi rừng kéo sập. Nhiều vườn điều, xoài, chuối... bị voi rừng giẫm nát, quật đổ với mức độ thiệt hại từ 30-100%.
UBND xã Thanh Sơn đã gửi văn bản kiến nghị các ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp thiết thực giúp đỡ người dân xua đuổi, tránh xung đột giữa người với voi rừng, cũng như có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ những hộ dân bị voi rừng gây thiệt hại.
Hầu hết các hộ dân bị thiệt hại về hoa màu đều bức xúc. Lần nào họ cũng ghi chép, thống kê thiệt hại nhưng chưa một lần được hỗ trợ. Bảo vệ đàn voi đồng thời phải bảo vệ tài sản của người dân, chỉ khi nào lợi ích của voi và người được đảm bảo thì khi đó mới mong voi rừng và người dân “chung sống hòa bình”.