Tết ở xóm thuyền chài nghèo Phúc Xá

Thứ Ba, 17/02/2015, 10:30
23 Tết. Xóm thuyền chài Phúc Xá vẫn lặng ngắt, ảm đạm như bầu trời đông âm u, xám xịt. Cái nghèo hiện hữu trên những mái nhà lụp xụp, vá víu. Cư dân xóm chài không mong Tết. Họ chỉ mong có đủ sức khỏe để lo ngày có 2 bữa ăn. Chao ôi! Tết của người nghèo sao mà đắng lòng…

Những phận người trôi dạt

Sông Hồng mùa này nước cạn. Thời tiết khô ráo nên đường từ trên khu tập thể K95 (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) xuống đến khu thuyền chài cũng dễ đi hơn. Từ dưới lòng sông nhìn lên bờ là một… núi rác thải tồn tại đã nhiều năm nay, trông như mỏ túi nilon lộ thiên. Lòng sông cạn cũng trơ ra toàn rác rưởi.

Anh bạn đi cùng lần đầu tới xóm thuyền chài tỏ ra kinh ngạc. Anh bảo, cách nhau có vài bước chân mà cuộc sống của xóm thuyền chài với những người trên bờ giống như hai thế giới khác lạ. Một bên là đô thị phồn hoa sầm uất với đèn nến lung linh. Còn một bên  chỉ thấy cái nghèo hiện hữu trên từng "nóc nhà". Gọi là "nhà" cho sang thôi, chứ lênh đênh trên sông nước thì làm gì có nhà. Chỉ là những túp lều được ghép trên  mảng bè nổi, chắp vá bằng đủ thứ có thể giúp che nắng che mưa. Từ xa, những miếng cót ép, những tấm nilon, bao tải quấn vào nhau trông như tấm áo rách được vá chằng vá đụp.

37 tuổi, nhưng chị Hạnh đã là mẹ của 5 đứa con.

Nghèo đói, nhưng trẻ con ở đây thì khá đông. Hầu như thuyền nào cũng có  vài đứa trẻ "trứng gà, trứng vịt". Trẻ con ở đây cũng thích nghi với cuộc sống sông nước. Cuộc sống nghèo khó, chẳng bé nào được đi nhà trẻ. Người lớn đi kiếm ăn, ở nhà, trẻ con tự trông nhau. Mùa nước nổi cũng thế. Biết để trẻ ở nhà là rất nguy hiểm nhưng bố mẹ cũng đành chịu. Cái đói buộc họ phải bỏ con lại thuyền để lên bờ kiếm sống. Đã có đứa sơ sẩy ngã xuống sông nhưng ơn trời, hàng xóm phát hiện nên thoát chết.

Ở xóm thuyền chài này, gia đình chị Nguyễn Bích Hạnh là một trong hai nhà có ba thế hệ cùng chung sống. 37 tuổi nhưng chị Hạnh là mẹ của 5 đứa con. Đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 3 tuổi. Hỏi đã nghèo sao còn sinh nhiều con thế? Chị Hạnh cười trừ, bảo đã nhỡ rồi nên không nỡ bỏ. Không dám chắc việc sinh nở của người phụ nữ này đã dừng lại chưa?!

Chị Hạnh cho biết quê gốc ở làng Trát Cầu, Thường Tín, Hà Nội. Nhà có 7 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn, năm Hạnh 7 tuổi thì bố mẹ dắt díu cả đàn con ra thuê nhà ở bãi Phúc Tân. Các anh chị em của Hạnh không ai học quá lớp 7. Bố đạp xích lô, mẹ ốm liệt, Hạnh cũng nghỉ học sớm để ở nhà trông cháu và đi làm thêm kiếm sống.

19 tuổi, Hạnh lấy chồng, Hai vợ chồng cùng làm thuê trong một xưởng nhựa ở Hà Đông. Năm 2007, khi đang mang thai đứa thứ tư được 3 tháng thì Hạnh bị tai nạn, máy cuốn đứt gần hết bàn tay phải. Ở xóm thuyền chài này, mọi người gọi chị là Hạnh "cụt". Vụ tai nạn khiến gia đình trở nên khánh kiệt. Bán cả nhà đi để chạy chữa giữ mạng sống cho hai mẹ con, năm 2008, gia đình chị dạt ra khu bãi sông Phúc Xá này. Cuộc sống mưu sinh của hai vợ chồng bám vào khu chợ đầu mối Long Biên.

Chiếc bè rộng chưa đầy chục mét vuông là nơi trú ngụ của 9 con người. Ngoài vợ chồng Hạnh và 5 đứa con, còn có bố chồng và đứa cháu trai 20 tuổi. Chị gái bạo bệnh mất sớm, chị Hạnh đón cháu về nuôi. Cuộc sống của bằng ấy con người phụ thuộc vào công việc "mót" tôm của chị Hạnh ở chợ hải sản đêm. Con nào "đẹp" mang bán lấy tiền, con nào xấu, ươn thì mang về làm thức ăn cho con.

Ngày nào chợ đông, "mót" được nhiều tôm rơi vãi cũng được khoảng 200 nghìn đồng.  Chồng chị Hạnh ngoài làm thuê ở chợ còn tranh thủ đánh cá trên sông, ít thì được bữa  thức ăn tươi  cho cả nhà, nhiều thì mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. May được sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện, mái ấm tình thương nên việc học hành của các con chị Hạnh không bị đứt đoạn.

Kế bên thuyền nhà chị Hạnh là gia đình chị Vũ Thị Xuyến (52 tuổi), chị chồng của Hạnh. Chị Xuyến là một trong những cư dân bám trụ xóm thuyền chài lâu nhất. Cuộc đời của chị khá phiêu bạt. Trước khi "nhập cư" xóm chài, chị Xuyến mưu sinh bằng nghề nhặt rác quanh chợ Long Biên cùng người  chồng đầu quê Thái Bình. Cuộc sống khó khăn cũng chỉ đủ ăn, chưa bao giờ mơ có được mái nhà riêng. Con được 2 tháng thì lần lượt chồng chết, con chết.

Người chồng thứ 2 quê Hưng Yên nên duyên cũng từ chợ Long Biên. Công việc làm thuê lần hồi "ăn bữa sáng, lần bữa tối". Không kham được tiền thuê nhà, năm 1998, vợ chồng chị Xuyến  ra bãi, mua một chiếc thuyền con, bắt đầu cuộc sống lênh đênh trên sông. Từ một chiếc thuyền nhỏ, giờ "nhà" của chị Xuyến đã thành chiếc bè rộng rãi hơn mới đủ chỗ cho 6 con người với 3 thế hệ. Cậu con trai lớn lấy vợ, sinh con cũng trên chiếc bè này. Bè được chia làm 2 nửa, một bên là vợ chồng chị Xuyến và đứa con trai thứ 2, bên kia là gia đình cậu con cả.

Bè chật nên muốn ngăn ra cho sinh hoạt riêng tư cũng khó. Mọi sinh hoạt của hai gia đình gói gọn trên hai chiếc đệm trải ở hai đầu, giữa là lối đi chung. Cơ man là quần áo, đồ đạc treo trên tường. Trẻ con chạy nhảy hò hét trên đệm. Mặc. Người lớn vẫn cuộn tròn ngủ vùi trong chăn. Không gian chật chội nhơm nhớp mùi mồ hôi người.

Xóm nghèo không mong Tết

Đã sang 23 Tết. Xóm thuyền chài vẫn vắng lặng. Không đào, không quất, không xanh đỏ vàng mã cúng tế như các gia đình trên bờ. Chị Hạnh chua chát: "Ăn còn chả đủ thì lấy đâu ra vàng mã mà đốt hả bác?". Hỏi  có được thả cá chép bao giờ không? Bọn trẻ con cười ré lên trả lời: "Ở đây chỉ có bắt cá chứ không có thả cá bác ạ".

Với xóm thuyền chài, Tết dường như chưa đến.

Tết với trẻ con thành phố thì háo hức với quần áo mới, với phong bao lì xì của người lớn. Nhưng với trẻ con ở xóm thuyền chài, đó vẫn là chuyện xa xỉ. Nghe tin năm nay Hà Nội bắn pháo hoa ở bãi giữa sông Hồng, bọn trẻ con mừng lắm. Chúng bảo chưa bao giờ pháo hoa đến với xóm nghèo.  Nhà cao tầng che khuất, pháo hoa mọi năm đối với chúng chỉ là những đốm sáng trên bầu trời rồi vụt tắt. 

Chị Hạnh cho biết, Tết ở xóm thuyền chài nhiều năm nay phụ thuộc vào sự hảo tâm của các tổ chức, cá nhân. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng từ rằm tháng chạp, cư dân xóm thuyền chài đều nhận được quà Tết từ những tấm lòng thiện nguyện. Gạo, bánh kẹo, bánh chưng, nước mắm, mì chính… những món quà thiết thực đối với người nghèo.

Chị Xuyến bảo, nhận quà Tết của mọi người, vui đấy nhưng cũng tủi thân đến trào nước mắt. Được cho quà từ thiện, có nghĩa là cuộc sống của cư dân xóm chài còn nghèo nhiều lắm. "Nào ai muốn nhận từ thiện mãi đâu? Nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn, hoàn cảnh mình như thế nên cũng không còn cách nào khác" - chị Xuyến buồn rầu tâm sự.

Chị bảo cái nghèo đeo đẳng nên 16 năm nay, chị chưa có dịp về quê thăm họ hàng. Mộ ông bà, mẹ và em trai ở Văn Giang, Hưng Yên  cũng không có điều kiện thăm nom. Thất lễ cũng đành chịu, khi việc lo đủ hai bữa ăn hàng ngày còn chật vật. Ngày 23 Tết, trời thương thì có mâm mặn lễ vọng tổ tiên, còn không thì chỉ có chút hoa quả gọi là tấm lòng thành. 12 nóc bè ở đây, chẳng ai có thêm điều kiện để đốt vàng mã, quần áo cúng tiến Táo quân, tổ tiên.

Chị Xuyến kể, ngày Tết, chợ hải sản Long Biên chỉ nhập những loại tôm to, đắt tiền nên việc bảo quản hàng cũng đòi hỏi phải tốt hơn. Không có mấy tôm chết, tôm ươn rơi rụng nên việc kiếm ăn của những người "mót" tôm như chị càng khó khăn hơn. Chưa kể mấy ngày Tết, chợ nghỉ thì coi như "treo niêu". Những người lao động, sống bám vào chợ Long Biên đều mong Tết qua thật nhanh để họ trở lại công việc mưu sinh bình thường.

"Chả mong gì Tết cô ạ. Chỉ mong mình có đủ sức khỏe để tự kiếm ăn được, không làm phiền đến con cái. Chạy ăn từng bữa thế này cũng chẳng nghĩ gì hơn được ".

Với cư dân xóm thuyền chài Phúc Xá, một cái Tết đủ đầy trên bờ, có lẽ vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.

Trần Công Duy
.
.