Ngăn chặn dịch bệnh - ghi từ vùng biên

Thứ Năm, 04/02/2021, 19:48
Tết Nguyên đán Tân Sửu đã đến rất gần, nhu cầu đi lại thăm thân giữa người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với quốc gia láng giềng dự kiến sẽ tăng cao. Việc kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh (XNC) của người dân hai nước, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch đã quay trở lại Việt Nam với hàng trăm ca mắc mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.


Từ đầu năm 2020, Công an tỉnh Quảng Ninh đã căng mình quản lý người xuất nhập cảnh "chính ngạch", cũng như đấu tranh chống nạn XNC trái phép…

Chúng tôi gặp Thượng úy Phạm Đức Trọng (cán bộ Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh) tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) khi anh cùng đồng đội vừa kết thúc chuyến dẫn giải các đối tượng người Trung Quốc từ tỉnh Bình Dương ra Quảng Ninh, phục vụ điều tra. Khuôn mặt có phần hốc hác, đôi mắt thâm quầng, song anh vẫn giữ được nụ cười trên môi. Thượng úy Trọng kể lại, đầu tháng 1-2021, cơ quan chức năng tại Bình Dương phát hiện một nhóm đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nên đã tạm giữ để điều tra.

Cán bộ chiến sĩ Phòng Xuất nhập cảnh phối hợp với lực lượng Biên phòng tuần tra đường biên

Nhóm này đã luồn rừng lội suối qua lối mòn sang TP Móng Cái, sau đó tiếp tục đi ô tô về Hạ Long, Hà Nội rồi chạy vào các tỉnh miền Nam với ý định trốn sang Campuchia. Hành vi của những đối tượng này có nguy cơ cao gieo rắc bệnh dịch, cần phải được ngăn chặn kịp thời. Phối hợp điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã cử một tổ công tác nhanh chóng có mặt tại Bình Phước để lấy lời khai ban đầu.

Tiếp đó cơ quan công an tiếp tục cử một tổ công tác thứ hai với thành phần gồm cán bộ chiến sỹ các đơn vị an ninh điều tra, xuất nhập cảnh, cảnh sát cơ động… đi đường bộ vào để di lý nhóm đối tượng trên ra TP Móng Cái để điều tra mở rộng. Trọng có mặt trong tổ công tác thứ hai. Sau mấy trăm giờ ăn ngủ nghỉ trên xe ô tô chuyên dụng của công an tỉnh, Trọng và đồng đội cũng đưa được đối tượng ra khu vực cách ly tại TP Móng Cái.

"Từ tháng 6-2020 đến nay, em và nhiều cán bộ chiến sỹ trong đơn vị chưa được một ngày về nhà, ăn một bữa cơm với vợ con. Bởi sau mỗi lần tiếp xúc, lấy lời khai các đối tượng nước ngoài nhập cảnh trái phép thì đều phải "tự cách ly" ít nhất 15 ngày theo yêu cầu phòng dịch. Khi vừa hết thời gian cách ly thì lại tiếp tục tham gia vụ án nhập cảnh trái phép khác, và vòng quay cách ly lại tiếp tục diễn ra… Dù vậy, vợ em cũng công tác trong ngành nên rất thông cảm" - Trọng tâm sự.

Cán bộ chiến sĩ Phòng Xuất nhập cảnh kiểm tra người nước ngoài trên địa bàn Thành phố Móng Cái

Cũng theo Trọng, quá trình điều tra các vụ án xuất nhập cảnh trái phép luôn gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Cán bộ chiến sỹ luôn phải sử dụng các thiết bị bảo hộ nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, điều này cũng gây những khó khăn nhất định cho công tác điều tra. Bởi sẽ không cảm nhận được nét mặt, biểu hiện của đối tượng. Bên cạnh đó, hiện trường vụ án là vùng đồi núi biên giới trải dài, địa hình giống nhau nên rất khó cho việc xác định chính xác hiện trường. Thêm vào đó, các đối tượng hầu hết không mang giấy tờ khiến cho quá trình xác minh lý lịch mất thời gian…

Còn tại Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh, những ngày này hầu như đêm nào cũng sáng đèn. Trung tá Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng, chia sẻ với chúng tôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cơ quan an ninh điều tra tiếp nhận đến 5-6 vụ án xuất nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, vẫn còn các vụ án rửa tiền, vũ khí vật liệu nổ… cũng cần phải được điều tra khẩn trương. Chính vì thế, lãnh đạo đơn vị đã yêu cầu các điều tra viên, trinh sát có mặt tại cơ quan 7/7 ngày, làm việc từ sáng sớm cho đến 22-23 giờ đêm mới được nghỉ.

"Dù công việc chồng chất, làm tối tăm mặt mũi không biết ngày đêm, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực… song các cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi đều hiểu mỗi vụ án được khám phá, xét xử đều sẽ góp phần răn đe giáo dục, góp phần vào cuộc chiến chống đại dịch" - Trung tá Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại TP Móng Cái, chúng tôi gặp Trung tá Dương Minh Hải, Trạm trưởng Trạm quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái (Phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh). Anh được cấp trên phân công làm nhiệm vụ tại đây từ tháng 3-2020. Ngoài công tác nghiệp vụ hàng ngày thì cán bộ chiến sỹ của Trạm phải "chia lửa" cùng đồng đội tại sân bay Vân Đồn để làm thủ tục đón những chuyến bay "giải cứu" người dân Việt Nam cũng như đón các chuyên gia quốc tế sang làm việc. Những chuyến bay giải cứu thường xuyên về đột xuất hay trong đêm khuya, anh em luôn trong trạng thái thường trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

"Để tránh nguy cơ lây nhiễm, nơi làm thủ tục phải bố trí ngoài sân ga, nên cán bộ chiến sỹ phải làm việc dưới thời tiết hết sức khắc nghiệt. Bất chấp những đêm mưa phùn cộng với gió rét thấu da thấu thịt, Công an cửa khẩu và các lực lượng vẫn gồng mình, tập trung làm bằng tất cả sự tận tâm. Mọi thủ tục được diễn ra nhanh chóng với sự phối hợp nhịp nhàng. Tất cả hành khách và công dân trở về trên các chuyến bay đều được đi cách ly an toàn theo đúng quy trình. Những bữa ăn của anh em cũng diễn ra rất khẩn trương, chỉ trong 10-15 phút. Vì thời gian không có nhiều nên lựa chọn phù hợp nhất là ăn cơm hộp. Ăn xong mỗi người lại vội vàng vào từng vị trí đã được phân công" - Trung tá Hải nhớ lại.

Công an Thành phố Móng Cái kiểm tra lưu trú của người dân tại một khách sạn

Trung úy Dương Văn Tiến, cán bộ Trạm quản lý Xuất nhập cảnh Móng Cái chia sẻ: Có những hình ảnh mà cán bộ chiến sỹ không thể nào quên được như hình ảnh em bé 4 tháng tuổi được nhân viên y tế chăm sóc sau khi rời bố mẹ về nước trên chuyến bay trở về từ tâm dịch Hàn Quốc hay một chị đang mang thai từ Ucraina trở về khi đến quầy làm thủ tục nhập cảnh đã kiệt sức và nhanh chóng được cán bộ Công an cửa khẩu đưa lên xe lăn, chăm sóc y tế đặc biệt, làm thủ tục nhập cảnh rồi phối hợp gọi xe cứu thương để đưa đi cách ly tại trung tâm y tế huyện Vân Đồn…

Cũng theo Trung tá Hải, thực tế cho thấy, thời điểm gần Tết Nguyên đán, số công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do sẽ tìm cách nhập cảnh về nước qua các đường mòn, lối mở, vì vậy, Trạm Quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với Công an TP Móng Cái và các Đồn Biên phòng tiến hành kiểm danh, kiểm diện và giám sát chặt số đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến các đường dây, ổ nhóm hoạt động đưa dẫn người nước ngoài, cũng như công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép.

"Ngoài việc phối hợp trao đổi thông tin liên quan với các lực lượng chức năng, chúng tôi yêu cầu các gia đình có con em đi lao động tại nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc ký cam kết khi người thân về nhà phải chấp hành cách ly theo quy định của phòng chống dịch. Phát hiện, tố giác những người nhập cảnh trái phép, đồng thời cũng tuyên truyền về hình thức xử lý nếu vi phạm, che giấu người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly sẽ bị xử lý như thế nào…".

Với sự vào cuộc quyết liệt, sự tận tâm và tinh thần hết mình vì nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Ninh đã thực sự tạo nên một phòng tuyến vững chắc chống nạn XNC trái phép, góp phần không nhỏ vào thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch.

Công an Quảng Ninh: Kích hoạt phương án phòng chống dịch mức cao nhất

Khi dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh, ngay trong đêm 27-1-2021, Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức kích hoạt ngay các phương án, biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao nhất.

Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan triển khai 8 chốt kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh tại các tuyến quốc lộ ra, vào địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Công an các địa phương như Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long cũng đã chủ động triển khai các chốt kiểm soát tại những nơi giáp với địa phương lân cận, nhất là tỉnh Hải Dương.

Các đơn vị Công an TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và huyện Vân Đồn cùng các Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, An ninh chính trị nội bộ, An ninh kinh tế, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với ngành Y tế điều tra dịch tễ, truy xét, xác định rõ các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến ca mắc. Tập trung vào số nhân viên An ninh hàng không Vân Đồn, Bệnh viện Vinmec, gia đình bệnh nhân 1553. Công an các địa phương căn cứ danh sách các trường hợp F1 và thông tin trao đổi từ Công an TP Hạ Long, huyện Vân Đồn để báo cáo Ban chỉ đạo địa phương chỉ đạo và phối hợp với ngành Y tế tiến hành điều tra dịch tễ đối với các trường hợp ở địa phương mình, rà soát lịch trình hoạt động các trường hợp tiếp xúc, tiếp xúc gần để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Toàn bộ sân bay Vân Đồn, Bệnh viện Vinmec và tại khu vực tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà được phong tỏa để phục vụ công tác khử khuẩn, phòng chống dịch.

Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Trưởng Công an các đơn vị, địa phương quán triệt và yêu cầu 100% cán bộ chiến sĩ thực hiện khai báo y tế, cài đặt phần mềm Bluezone, thông báo các trường hợp dương tính và danh sách các trường hợp F1, F2 để cán bộ chiến sĩ chủ động rà soát, báo cáo trung thực việc tiếp xúc với những người này từ ngày 1-1-2021 đến nay. Công an các đơn vị, địa phương tái tổ chức các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng thực hiện các biện pháp ứng phó với mọi diễn biến dịch bệnh.

M.Khang - Y.Chi
.
.