Ngăn chặn đưa người trái phép qua biên giới

Thứ Tư, 29/07/2020, 09:33
Cảm xúc lo lắng, phẫn nộ đang tràn ngập cộng đồng sau khi nhiều địa phương phát hiện có công dân nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép.

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia, việc “thẩm lậu” người qua biên giới với sự tiếp tay của những kẻ hám lợi người Việt, đã làm dấy lên mối lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh chết người này, cùng những nguy cơ đe dọa an ninh trật tự.

Yêu cầu “bịt” những lỗ hổng trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh và quản lý lưu trú của người nước ngoài đang trở nên cấp thiết.

 “Qua rào” bởi có tiếp tay

Cách đây vài tháng, trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang bùng phát tại Trung Quốc, Khánh Hồng - một “tay” buôn khẩu trang, thường làm ăn với đối tác bên kia biên giới hỏi tôi xem có cách nào đưa người nước này nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần cách ly hay không.

Hồng cho biết có người bên đó gọi sang, bảo chị ta rằng sẵn sàng “chi đậm nếu xong việc. Khi đó tôi đã nghiêm mặt cảnh cáo đừng vì tiền mà bất chấp nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ở nước ta. Hơn nữa, hành động đó là trái pháp luật, có thể sa vòng lao lý. Hồng ậm ừ cho qua chuyện nhưng điều chị ta nói, đã ám ảnh tôi về nguy cơ người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thông qua sự tiếp tay của những đối tượng người Việt tham tiền hám lợi.

CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp kiểm soát phòng, chống dịch. Ảnh: Báo Bắc Kạn.

Cuộc bắt giữ 6 người Việt mới đây của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã chứng minh nỗi lo ngại ấy là có căn cứ. Các đối tượng bị bắt giữ bao gồm Voòng A Sủi (sinh năm 1997), Voòng A Hây (sinh năm 1999), Nình Văn Xuân (sinh năm 2002), Phùn Quay Phóng (sinh năm 1998), Phùn Văn Dũng (sinh năm 2001), cùng trú xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Lỷ A Tằng (sinh năm 1996, trú tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh).

Tài liệu điều tra xác định, đầu tiên Sủi móc nối với một người Trung Quốc tên A Lùng qua Wechat. Cả hai bàn với nhau thiết lập đường dây đưa những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng (Trung Quốc) đến TP Móng Cái, Quảng Ninh để kiếm tiền. Sau đó, Sủi đã rủ thêm Voòng A Hây, Lỷ A Tằng, Nình Văn Xuân, Phùn Quay Phóng và Phùn Văn Dũng cùng tham gia.

Các đối tượng thống nhất phân chia nhiệm vụ cụ thể từng người. Sủi liên hệ với A Lùng để lấy số điện thoại những người Trung Quốc rồi giao cho Hây số điện thoại để tên này trực tiếp đi bè xốp qua sông biên giới khu vực mốc 1355, thuộc xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh đón khách Trung Quốc đưa sang Việt Nam. Trong khi đó, Tằng, Xuân, Phóng, Dũng có nhiệm vụ cảnh giới lực lượng chức năng tuần tra.

Chốt kiểm dịch tại xã Mỹ Lý và Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Vietnamnet.

Khi những người Trung Quốc đã nhập cảnh thành công, ngay lập tức các đối tượng này sử dụng xe mô tô đón và đưa đến trung tâm thành phố Móng Cái để tìm cách tiếp tục đi sâu vào nội địa Việt Nam. Mỗi vụ trót lọt, A Lùng trả tiền công cho nhóm của Sủi là 4.000 nhân dân tệ/người nhập cảnh.

Ngày 10/6, nhóm của Sủi đón 4 người Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước đó, nhóm đã đưa trót lọt 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Các đối tượng trong đường dây đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Rạng sáng 27/7, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (thuộc Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục CSGT) trong quá trình tuần tra trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đã phát hiện chiếc ô tô BKS 60A-575.10 do tài xế Nguyễn Trịnh Văn Hưng (48 tuổi, trú tại Khánh Hòa) điều khiển, đang chở 5 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Số người này đến từ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), vượt biên bằng thuyền sang Lào Cai, đang trên đường di chuyển từ Lào Cai xuống Hà Nội để bay vào TP Hồ Chí Minh thì bị phát hiện, bắt giữ. Tổ công tác đã bàn giao các đối tượng cho cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai để tiếp tục điều tra, làm rõ mục đích vượt biên trái phép của nhóm người Trung Quốc này.

Trước đó, vào ngày 11/7 Công an TP Đà Nẵng kiểm tra hành chính một khách sạn ở đường Dương Tử Giang (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), phát hiện 4 người Trung Quốc đang lưu trú. Số người này được xác định đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó di chuyển đến Đà Nẵng.

Ngày 17/7, Công an Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra hành chính khách sạn East Sea, số 55-57 Loseby, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Qua kiểm tra, phát hiện thêm 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Quá trình điều tra, đến tối 21/7, Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, bắt 3 nghi can (1 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam) trong đường dây này.

Chiều 26/7, đối tượng Gao Liang Gu (42 tuổi, người Trung Quốc) là kẻ cầm đầu đường dây đưa gần 30 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian qua đã sa lưới pháp luật.

Tại tỉnh Quảng Nam, ngày 18/7, qua kiểm tra khu biệt thự nghỉ dưỡng Hà My Beach Side Villa (khối phố Hà My Đông A, phường Điện Dương) Công an tỉnh này phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đã khởi tố vụ án tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép và đưa hối lộ theo Điều 348 và 364 Bộ luật Hình sự...

Liên tiếp những vụ việc phát hiện trong thời gian qua cho thấy diễn biến phức tạp của hiện tượng này. Đối tượng vượt biên vào Việt Nam chủ yếu là người Trung Quốc từ biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, biên giới Tây Nam giáp Campuchia cũng là tuyến trọng điểm của tình hình tội phạm này.

Đối tượng Gao Liang Gu - kẻ cầm đầu đường dây đưa gần 30 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam.

Để vượt biên vào Việt Nam trót lọt, người nước ngoài luôn cần đến sự trợ giúp của các đối tượng người Việt, hoặc “đồng hương” đã vào Việt Nam từ trước. Vì tiền, những kẻ hám lợi trong nước đã tổ chức thành đường dây với sự phân công vai trò chặt chẽ, từ việc cảnh giới lực lượng chức năng, dẫn người qua đường mòn, lối mở biên giới, thậm chí sử dụng bè mảng, xuồng cao tốc nhập cảnh trái phép bằng đường biển vào nước ta, bố trí phương tiện đưa người thâm nhập sâu vào nội địa...

Điển hình, vào ngày 4/7, tổ tuần tra kiểm soát Đồn biên phòng Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh phát hiện 5 người Trung Quốc gồm 4 nữ và 1 nam nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại khu vực bến Mũi Ngọc (ở khu 1, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, Quảng Ninh). Các đối tượng khai được một người nhận chở bằng bè mảng ra xuồng cao tốc từ khu vực bờ biển Vạn Mỹ, Giang Bình, Đông Hưng, Trung Quốc sang khu vực phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, Quảng Ninh với giá 5.000 nhân dân tệ/người, mục đích nhập cảnh để đánh bạc. Trong khi số người này đang chờ xe đón thì bị phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 30/6, Đồn biên phòng Trà Cổ cũng phát hiện 3 thanh niên người Trung Quốc đi bằng bè mảng sang khu vực biển Trà Cổ, thành phố Móng Cái và được 2 người Việt Nam dùng xe máy chở đến khách sạn Lợi Lai và Hồng Vận ở thành phố Móng Cái để đánh bạc...

Trong khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp thì tình trạng trên có nguy cơ phá hủy những nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam thời gian qua. Đồng thời là mối nguy hiểm tiềm tàng về an ninh trật tự, bởi vì người nhập cảnh trái phép luôn có những mục đích không tốt đẹp. Những băng ổ nhóm tội phạm là người nước ngoài gây án đánh bạc, sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức hoạt động mại dâm, sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy, sản xuất ma túy... tại Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến. 

Những lỗ hổng cần bịt

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ ngày 25/7 về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an làm rõ đường dây đưa người trái phép vào nước ta như thế nào, họ đi bằng đường dây nào, trách nhiệm thuộc về ai. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tăng cường lực lượng, đẩy mạnh kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn những người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta.

Những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị bắt giữ.

Có thể thấy, hiện nay việc quản lý xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới, cũng như công tác quản lý lưu trú đối với người nước ngoài, nhất là tại các đô thị du lịch đang tồn tại những bất cập, thiếu sót, do các nguyên nhân khác nhau. 

Về những khó khăn khách quan trong việc ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, Trung tá Nguyễn Đại Ngọc (bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai) cho biết do đường biên giới trên bộ của nước ta tiếp giáp nước bạn rất dài, địa hình phức tạp, tồn tại sẵn những đường mòn, lối mở qua lại đường biên, nên mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực tuần tra, kiểm soát biên giới nhưng các đối tượng vẫn có thể “lọt lưới”.

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, theo Trung tá Ngọc các đơn vị nghiệp vụ cần tăng cường công tác nắm tình hình để phát hiện sớm những đối tượng, đường dây có biểu hiện hoạt động đưa người qua biên giới trái phép. Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức mật phục, chốt chặn tại các đầu mối giao thông xung yếu để kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng vi phạm quy chế biên giới.

Giải pháp quan trọng là hệ thống chính trị cơ sở, chính quyền địa phường cần phối hợp với lực lượng biên phòng tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân khu vực đường biên chấp hành tốt pháp luật về xuất nhập cảnh, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác người có biểu hiện nghi vấn để cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Đối với công tác quản lý người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam, theo Trung tá Dương Văn Duẩn (cảnh sát khu vực thuộc quận Long Biên, Hà Nội) hiện đang tồn tại những khó khăn như: chủ nhà cho người nước ngoài thuê, chủ khách sạn, nhà nghỉ nhiều khi không thực hiện đúng việc khai báo tạm trú của người nước ngoài. Có tình trạng một người đăng ký tạm trú nhưng rủ nhiều người khác về ở cùng.

Tại cấp cơ sở, lực lượng cảnh sát khu vực “ôm đồm” rất nhiều việc cùng lúc, nên không thường xuyên, liên tục tiến hành kiểm tra tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn. Cùng với đó là rào cản ngôn ngữ cũng gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra.

Để việc quản lý lưu trú đối với người nước ngoài thực sự sâu sát, biện pháp cơ bản, chủ yếu vẫn là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tra từng người” của lực lượng cảnh sát khu vực. Cần tiến hành kiểm tra đột xuất việc lưu trú của người nước ngoài tại nhà cho thuê, khách sạn, nhà nghỉ.

Bên cạnh đó, phát huy “tai mắt nhân dân” trong việc quản lý lưu trú. Các tổ chức tự quản và người dân tại cơ sở cần xác định ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ cộng đồng an toàn. Trong sinh hoạt hằng ngày cần có sự quan tâm, để ý đến những hiện tượng “lạ” xảy ra tại khu dân cư. Khi phát hiện có nhiều người nước ngoài tập trung lưu trú trên địa bàn, cần báo ngay cho lực lượng công an phường, xã để tiến hành kiểm tra tạm trú.

Đào Trung Hiếu
.
.