Nghị lực phi thường của “tỷ phú” khuyết tật
Anh là Nguyễn Đình Tuấn, ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tiếng bom định mệnh
Nguyễn Đình Tuấn là một người khá đặc biệt, anh bị khiếm khuyết cơ thể khi mất 2 tay và 1 chân trong vụ tai nạn thảm khốc khi còn nhỏ. Anh được người trong khu gọi với biệt danh Tuấn “cụt”. Tuấn có một trang trại vườn rừng kết hợp chăn nuôi ở ven rừng khu cầu Ván (vẫn thuộc khu dân cư Cầu Dòng). Lần nào đến chơi thấy cửa nhà mở mà không có người, gọi điện y như rằng đang ở “nhà” gà. Tuấn hay gọi chuồng gà, trại gà là “nhà”.
Lần này, đến chơi, gọi điện Tuấn bảo: “Anh đang ở trên “nhà” gà mới”. Tôi vòng ra sau nhà men theo con đường đất sỏi lên đồi, nơi có trại gà Tuấn mới xây hồi ra tết vừa rồi.
Trại gà mới của Tuấn rộng 120 m2, được xây bằng gạch ba banh, lợp ngói fibro xi măng chắc chắn, rộng, thoáng. Một góc chuồng được quây bạt kín để úm gà con. Đàn gà 2.000 con kêu chiếm chiếp đòi ăn. Tuấn đang vệ sinh dụng cụ khay, máng để đựng cám, nước uống của gà. Sau khi đổ nước vào khay nhựa để gà uống, anh lại lấy cám cho gà ăn. Tuy không có bàn tay để cầm, nắm nhưng anh vẫn làm thoăn thoắt, thành thạo.
Anh Tuấn giặt giũ quần áo của hai bố con. |
Ở chỗ chuồng quây bạt úm gà, chúng tôi cảm nhận nhiệt độ cao hơn so với bên ngoài. Gương mặt Tuấn thấm đẫm mồ hôi. Sau khi cho cám vào khay, đàn gà con lúc nhúc chen nhau ăn. Vừa quan sát đàn gà, anh vừa giải thích cho tôi hiểu quy trình chăm sóc gà con.
Sau khi cho gà ăn uống xong, Tuấn lại che chắn cẩn thận, chúng tôi ra ngoài hóng gió. Trang trại của anh khá rộng, trên đồi anh trồng cây gỗ keo, bên dưới gần nhà đất bằng phẳng, anh trồng vải. Hồi đầu, lúc mới gặp Tuấn cách đây vài năm, tôi có hỏi về diện tích, anh khoát cánh tay cụt đến gần khuỷu hướng ra bốn xung quanh nơi trồng keo bảo: “Cứ cây keo đến đâu là diện tích của anh đến đó”.
Tôi quan sát thấy diện tích keo khá rộng, ước chừng hơn chục ha, trải rộng từ đồi bên này sang đồi bên kia. Đồi keo của anh cũng được trên dưới 10 năm tuổi rồi. Có lần tôi nói vui: “Nếu bây giờ mà khai thác gỗ bán, anh phải thu tiền tỷ đấy nhỉ. Tỷ phú là đây chứ đâu”. Tuần cười xởi lởi: “Ừ khéo cũng phải được tiền tỷ thật”.
Tròn 40 tuổi, 28 năm mang hình hài của một người khuyết các bộ phận cơ thể bởi một tai họa tàn khốc ập đến khi mới 12 tuổi. Hôm đó, Tuấn cùng đám bạn trong làng kéo đến nhà một anh hàng xóm xem tháo bom bi. Quả bom từ hồi không quân Mỹ chiến tranh phá hoại miền Bắc vẫn còn tồn sót, nằm ẩn khuất trong lòng đất bao nhiêu năm bỗng được phát hiện.
Thay vì báo các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để có phương án xử lý bom mìn an toàn thì người thanh niên đó lại mang về tháo gỡ để lấy thuốc nổ và vỏ bom bán sắt vụn.
Sau tiếng nổ khô khốc, cả 4 người gồm anh thanh niên tháo bom và 3 đứa trẻ bị hất tung. Hậu quả, 3 người chết còn Tuấn bị thương rất nặng. Bom đã phạt mất 2 tay và 1 chân của cậu, trong đó tay phải bị cắt gần đến nách, tay trái bị cắt gần đến khuỷu còn chân trái bị phạt gần đến bẹn. Phải chữa trị rất nhiều ngày, cậu bé Tuấn mới qua cơn nguy kịch. Ngày từ bệnh viện về nhà, làng xóm đến thăm hỏi, nhìn cậu bé không còn lành lặn, da tái xanh vì mất máu nhiều, ai cũng rơi nước mắt và xót xa cho cậu.
Các vết thương lành hẳn, sự bâng khuâng hẫng hụt của một người lành lặn nay bỗng dưng thiếu chân mất tay qua đi, Tuấn quen dần với thực tại. Sau đó là những ngày anh tập đi đứng, tập làm quen với nạng gỗ, tập dùng tay cụt gần đến khuỷu để điều khiển đồ vật cốc, ca, thìa..., tập dùng má và bả vai kẹp đồ vật.
Nỗ lực cuối cùng cũng được đền đáp, Tuấn điều khiển được chiếc nạng gỗ, đã biết kẹp thìa để tự xúc cơm ăn và biết làm nhiều việc khác bằng các bộ phận trên cơ thể mình. Điều đó, khiến Tuấn và người thân trong gia đình rất vui, khiến anh tự tin hơn vào bản thân và không còn bi quan trước cuộc sống.
Con đường trở thành tỷ phú
Đến tuổi thanh niên, Tuấn cũng nghĩ phải làm gì để lo cuộc sống bản thân, chứ sống dựa vào bố mẹ làm sao được mãi. Nghề nghiệp không có, chân tay như vậy làm gì để mưu sinh đây? Nghĩ đến bố mẹ có khu vườn đồi ở khu cầu Ván, cách nhà không xa, Tuấn nhận thấy nếu cố gắng lao động vẫn có thể sống được. Nghĩ vậy, Tuấn xin phép bố mẹ cho vào khu đồi để trồng cây, chăn nuôi.
Khi Tuấn đề xuất việc này, bố mẹ anh cũng hết sức ái ngại, lo lắng, sợ hình hài và sức khỏe của con như vậy không làm được. Trước quyết tâm và mong muốn của con, bố mẹ anh đành đồng ý. Năm 1994, khi mới 16 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Tuấn vào khu đồi lập nghiệp.
Đứng trước khu đồi bạch đàn tái sinh, trống huơ trống hoác, đến người khỏe mạnh còn ái ngại huống hồ một cơ thể không lành lặn như Tuấn liệu có làm được không? Ai cũng ái ngại cho Tuấn, thậm chí có người bảo anh “khùng”.
Tuấn chỉ nghĩ, nếu không quyết tâm làm thì còn biết làm gì. Bố mẹ rồi cũng già, làm sao chăm lo cho anh được mãi. Sự quyết tâm đó đã trở thành động lực giúp Tuấn lăn xả với khu đồi. Gia đình, người thân, bạn bè giúp Tuấn xây một ngôi nhà nhỏ để có chỗ ra vào, trú nắng, trú mưa.
Lúc đó, cây vải đang cho giá trị kinh tế cao nên anh quyết định chọn cây ăn quả này để trồng. Ngoài ra, anh xây chuồng nuôi lợn, nuôi gà, vịt, ngan để cải thiện đời sống và có thêm nguồn thu. Cuộc sống của Tuấn cứ lặng lẽ, nhúc nhắc trôi đi trong những ngày tháng khó khăn, vất vả với bao mồ hôi, công sức dành cho khu vườn đồi này. Tuy vậy, anh vẫn cảm thấy vui vì được lao động, vì sống có mục đích, có ý nghĩa và tự chủ được cuộc đời mình.
Năm 2007, Tuấn khai thác bạch đàn tái sinh rồi thuê người “đánh” gốc bạch đàn, đào hố trồng keo. Đây cũng là những ngày tháng vất vả, nhiều hôm một mình anh lụi cụi lúc ở đỉnh đồi, lúc ở khe đồi để trồng keo. Phủ kín keo ở quả đồi này, anh lại trồng sang quả đồi bên kia. Trồng trong nhiều ngày nhiều tháng với bao vất vả cực nhọc.
Xen kẽ giữa việc trồng rừng để làm “của để dành”, anh còn phát triển mô hình nuôi gà đồi với quy mô lớn hơn để có nguồn thu thường xuyên đắp đổi qua ngày, lấy ngắn nuôi dài.
Trước đây, vườn vải là nguồn thu chủ lực của anh, mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng. Sau một thời gian, vải dần rớt giá, thu chẳng đáng là bao, vì vậy anh xoay sang mở rộng quy mô chăn thả gà đồi. Vườn vải giờ là chỗ để che mưa che nắng cho gà.
Dù không còn đầy đủ chân tay nhưng anh Tuấn vẫn làm thành thạo việc chăn nuôi gà. |
Việc mở rộng chăn nuôi của Tuấn cũng phát triển dần đều qua các năm theo phương thức, nuôi có lãi năm này, năm sau lại đầu tư xây tiếp chuồng mới chứ không xây ồ ạt. Một chuồng, 2 chuồng, 3 chuồng, rồi dần dần tăng lên 4 chuồng, 5 chuồng, 6 chuồng, 7 chuồng được xây để mở rộng phát triển chăn nuôi. Cùng với tăng số lượng chuồng là số lượng của đàn gà cũng tăng lên. Từ 500 con, nâng lên 1.000 con/lứa.
Do mỗi chuồng ở cách xa nhau và áp dụng phương thức nuôi chuồng này, nghỉ chuồng kia nên cũng không ảnh hưởng nhiều về môi trường, dịch bệnh và mỗi chuồng anh chỉ nuôi từ 2 đến 3 lứa/năm. Năm lãi ít cũng được vài chục triệu, năm lãi nhiều được hơn trăm triệu đồng.
Hồi mới gặp anh, nghe anh kể về con đường làm giàu của mình, tôi rất tò mò, ngạc nhiên và không thể hình dung anh sẽ làm thế nào trong khi cơ thể thiếu chân, tay. Nếu chỉ kẹp nạng đi lại bình thường thì không nói đằng này phải mang vác vật nặng, hay giữa việc kẹp thìa ăn cơm thì dễ dàng nhưng chuyện kẹp dao và điều khiển dao để phát dọn cây cỏ khó hơn, mất sức hơn rất nhiều. Làm thế nào để anh làm được những công việc nặng đó?
Đem thắc mắc này hỏi Tuấn, anh cho biết: “Phải mất rất nhiều công sức, tôi mới làm được những công việc nặng nhọc đó. Nhiều lần đổ máu, đổ mồ hôi và nước mắt đấy. Chẳng hạn để điều khiển dao phát cây, bụi rậm tôi phải chống nạng ở điểm thật vững rồi đưa phần mỏm đùi còn lại của chân cụt phải cho vào thanh ngang của nạng lấy điểm tỳ để đứng, rồi tay trái cụt ít hơn kẹp cán dao dài tỳ vào má rồi tay trái điều khiến dao chặt cây. Có khi lăng dao mạnh quá mất đà, mất thăng bằng, chiếc nạng bị trượt, ngã sấp mặt. Những ngày đầu cơ thể mỏi nhừ, đau nhức, nhất là các bộ phận tỳ kẹp dao sưng tấy, tím bầm, thậm chí rớm máu”.
“Hay sau này, nuôi gà với số lượng lớn, tôi phải vác bao cám, đối với người khỏe mạnh bình thường, bê bao cám 25kg đi 50m, 100m còn lễ mễ, còn toát mô hôi thì đối với tôi phải cố gắng gấp nhiều lần. Những ngày đầu, đưa bao cám lên vai đã rất khó rồi, thậm chí khi đi ở địa thế dốc, không bằng phẳng, mất thăng bằng nhiều lần ngã dúi dụi. Những lần ngã như vậy ngoài đau về cơ thể, tôi còn cảm thấy tủi thân, cơ cực lắm. Sau đó, mình lại tự động viên mình và rồi tiếp tục đứng dậy vác bao cám cho gà ăn. Sau này quen dần, ít ngã hơn. Còn bây giờ, việc điều khiển dao chặt cây hay vác bao cám đối với tôi đơn giản và bình thường như người bình thường bê vác rồi”.
Xuyên suốt những lần gặp nhau trò chuyện về cuộc đời, về con đường lập nghiệp của người đàn ông khuyết tật này, tôi không thấy anh nhắc đến hình dáng người phụ nữ của đời anh. Lúc đầu, tôi nghĩ hay anh mặc cảm bản thân mà không lấy vợ. Nhưng khi mạnh dạn hỏi anh về chuyện đó, tôi thấy gương mặt anh thừ ra, chùng xuống, đượm buồn.
Suy nghĩ một lúc, anh chia sẻ: “Năm ngoài 24 tuổi, tôi lập gia đình, cô ấy cũng người địa phương. Vợ chồng tôi sinh được một con trai. Hồi đó, kinh tế còn khó khăn, công việc vất vả, cô ấy chán nản đã bỏ đi khi cháu mới được 4 tuổi. Đấy là giai đoạn khó khăn nhất với tôi, nhiều đêm không ngủ, trăn trở, suy tư, buồn cho cuộc đời mình và thương con vô cùng. Bố con tôi đắp đổi qua ngày, cùng sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, hàng xóm, cháu cũng quen với cuộc sống thiếu vắng mẹ và tôi cũng quen cảnh gà trống nuôi con. Đứa con nhỏ là động lực để tôi không gục ngã, vươn lên thoát khỏi đói nghèo”.
Trải qua thời gian, đứa con nhỏ ngày nào của anh giờ đã lớn phổng thành chàng thanh niên Nguyễn Đình Thuận. Hiện, cháu Thuận đang học lớp 9. Ngoài việc học ở lớp, cháu đã làm giúp đỡ bố được nhiều việc nhà. Mỗi khi nhắc đến con, trong ánh mắt anh Tuấn luôn lấp lánh sự yêu thương con. Anh luôn hi vọng và mong cuộc đời con trai anh không phải vất vả như những gì anh đã trải qua.