Người Quảng Bình ơn nghĩa

Thứ Tư, 21/07/2021, 06:56
Bạn tôi ở TP Hồ Chí Minh gọi điện ngơ ngác bảo “Mình đang ở Sài Gòn mà như lạc đâu đâu. Đang ồn ào, náo động thế kia, sức sống ngút ngàn thế kia bỗng chìm sâu tĩnh lặng thế này mình chả quen! Ở giữa Sài Gòn mà nhớ Sài Gòn quay quắt!”. Tôi chẳng biết nói sao trong thời buổi dịch dã hoành hành, chỉ động viên bạn: “Nhưng, Sài Gòn không tĩnh lặng một mình đâu. Rồi sẽ qua nhanh thôi!”.

Có một chuyện “vô tiền khoáng hậu” đã xảy ra: Sài Gòn ốm!

Và đúng là Sài Gòn không tĩnh lặng một mình thật. Cũng như nhiều nơi trong cả nước, ở Quảng Bình quê tôi đang diễn ra một hành trình yêu thương hướng về trong đó. Không chủ trương, chỉ thị, không phát động kêu gọi ồn ào, hành trình ấy diễn ra lặng lẽ mà ấm áp. Ai cũng thầm nhủ một ước mong “Sài Gòn ơi! Mau khỏe”.

Ngày 27-6, nghe tin thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu phong tỏa chống dịch, Nguyễn Thị Thùy Dung -  Chủ nhiệm CLB Du lịch Quảng Bình viết những dòng yêu thương và trăn trở trên trang cá nhân: “...Chỉ gắn bó với nơi này nhõn 6 năm nhưng đủ để yêu sâu một Sài Gòn nhân văn, tử tế. Mình thực sự muốn làm một điều gì đó cho Sài Gòn. Có ai cùng mình cho ý tưởng và hành động không?”.

Bạn Nguyễn Nga hưởng ứng: “Trong những ngày miền Trung bị lũ lụt, cả nước hướng về chúng ta, bao người phải gồng mình bất chấp gian khó, bơi giữa dòng lũ để tiếp tế cho dân mình. Nay các tỉnh, thành trong cả nước nhiều người đang co ro thu mình, bị dịch COVID-19 hành hạ đến điêu đứng tại sao ta không mở lòng để thể hiện nghĩa cử của tâm hồn cao đẹp, tri ân những gì mọi người đã giúp ta...”.

Cá Quảng Bình đến với bà con Sài Gòn.

Những tấm lòng Quảng Bình ơn nghĩa sẻ chia vì thành phố Hồ Chí Minh ruột thịt đã gặp nhau. Nguyễn Thị Thùy Dung đứng ra kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân góp cá gửi đồng bào nghèo trong các khu vực phong tỏa, tại các bếp ăn 0 đồng, tủ lạnh 0 đồng, các khu cách ly tập trung. Và, chỉ cần một tiếng nói cất lên từ cô gái trẻ yêu Sài Gòn, cả Quảng Bình hưởng ứng.

Vẫn tấp nập, lao xao trên bến dưới thuyền nhưng chợ cá Nhân Trạch không còn bán buôn như mọi ngày. Người bán chỉ đủ để lấy tiền dầu chạy thuyền. Người mua cá chỉ để gửi vô bà con trong đó. Không èo xèo giá cả. Không ỉ ôi chọn lựa. “Lời lãi chi tầm này. Gửi vô bà con trong nớ thì phải ngon chơ, rẻ chơ!”. Mọi người không gọi người Sài Gòn mà là bà con trong đó đúng với nghĩa đồng bào. Lẫn giữa mọi người tôi nghe vậy và rưng rưng.

Đã gần nửa tháng nay, Nguyễn Thị Thùy Dung và các bạn trong CLB Du lịch Quảng Bình cùng anh chị em tình nguyện không có ngày nghỉ. Họ trở dậy vào lúc 2 giờ sáng để đón những chuyến tàu cá của ngư dân Nhân Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch) trở về. Và chỉ kết thúc một ngày sau khi đã xử lý cá qua các giai đoạn sơ chế, đóng gói, cấp đông hoàn chỉnh, làm sao để khi những con cá này vào đến với bà con tất cả vẫn tươi nguyên như vừa vớt lên từ biển.

Khi được hỏi “Tại sao không phải là một thứ gì khác tiện lợi hơn, nhanh hơn mà lại là cá?”. Dung trả lời “Thế mạnh của quê mình là biển với rất nhiều loại cá chất lượng cao. Nay đang mùa cá nục vừa rẻ, vừa ngon. Bà con Sài Gòn đang bị phong tỏa, thực phẩm chắc sẽ khó khăn. Vậy nên em nghĩ gửi cá cho bà con là tốt nhất. Vừa giới thiệu được sản vật quê mình, vừa cung cấp thực phẩm ngon, bổ, rẻ giúp bà con đảm bảo sức khỏe vượt qua đại dịch”.

Chu đáo, tận tâm, Dung và các bạn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Quảng Bình. Đến nay, họ đã gửi vào thành phố Hồ Chí Minh hơn 15 tấn cá và những nhu yếu phẩm khác như tép khô, cá khô, muối mè, ruốc bông. Tất cả đều được chế biến từ bàn tay của những người mẹ, người chị Quảng Bình thảo thơm và khéo léo.

Thành viên CLB du lịch Quảng Bình thu mua cá.

Người Quảng Bình tôi vốn vậy, yêu quý ai phải tự tấm lòng. Mời ai dùng bữa, người phụ nữ muốn tự tay mình xào nấu. Dù không sơn hào hải vị, chỉ những món ăn dân dã nhưng ăm ắp mến thương. Giờ, với bà con ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, Dung và các bạn tự đi mua cá về sơ chế; các mẹ các chị tự bóc lạc, rang muối, tự rim cá khô, tự giã ruốc bông rồi cẩn thận gói gắm gửi vào.

Một bà mẹ Hải Thành (Đồng Hới) vừa đóng gói cá khô vừa nói rằng: “Đây là mình đang gói gắm cả yêu thương và biết ơn gửi vô trong đó con à. Đi mua thì dễ và nhanh nhưng mình làm thì chất lượng và  tình cảm hơn. Làm ri rẻ lại được nhiều...”. Người Quảng Bình tôi chặt to kho mặn, chân chất mộc mạc mà sâu nặng ân tình. Bởi người Quảng Bình đâu có quên những người mẹ Sài Gòn từng tiết kiệm tiền ăn, bác xe thồ nghỉ uống vại bia mỗi chiều... để dư ra chút tiền gửi giúp bà con ngoài đó trong những ngày lũ lụt.

Ngày 3-7, chuyến xe đầu tiên của nhân dân Quảng Bình đã vào đến Sài Gòn. “Hạt muối dù bỏ bể vẫn mang vị mặn. Những chuyến xe chở cá nghĩa tình từ Quảng Bình đến với người dân thành phố Hồ Chí Minh dù là sự sẻ chia nhỏ nhưng đã thể hiện nghĩa tình đồng bào...”.

Khi tôi viết những dòng nay, chuyến xe yêu thương thứ hai “Người Quảng Bình góp cá gửi thành phố Hồ Chí Minh” gồm 13 tấn cá và các thức ăn đồ khô chế biến sẵn đã vào đến với bà con trong đó. Đầu cầu Sài Gòn đang khẩn trương tiếp nhận và phân phối về các điểm đăng ký nhằm đưa hàng  về tận tay bà con sớm nhất.

Nhân dân khắp nơi Quảng Bình ở Lệ Thủy, Quảng Trạch, Ba Đồn, cũng đang quyên góp thực phẩm quê hương nào sản vật nấy để gửi vào thành phố Hồ Chí Minh với câu slogan rất ấn tượng “Tâm lũ gửi tâm dịch”. Tôi nhắn tin cho Dung, em và các bạn đang bắt đầu những đợt quyên góp mới. Biển Quảng Bình bao la và lòng người Quảng Bình thì ấm áp. Hành trình yêu thương chẳng bao giờ dừng lại khi Sài Gòn chưa khỏe.

Trương Thu Hiền
.
.