Người cầm quân ở “nhà số 7”

Thứ Năm, 03/07/2014, 16:45

Chiều ngày 12/6, tại trụ sở Công an TP Hà Nội, được sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Xuân Tư, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND đã trao quyết định bổ nhiệm có thời hạn Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng Công an quận Thanh Xuân giữ chức vụ Phó giám đốc Công an TP Hà Nội.

Đó là niềm vui chung của cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an Hà Nội nhưng còn là niềm vui riêng của các trinh sát hình sự ở nhà số 7 Thiền Quang. Bởi, trước khi về làm Trưởng Công an quận Thanh Xuân, Đại tá Đào Thanh Hải đã từng có một thời gian dài gắn bó với Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội, nơi được gọi với cái tên quen thuộc "nhà số 7", nơi mà chỉ cần nhắc đến là các loại tội phạm, kể cả loại cộm cán nhất cũng đều khiếp sợ. Đại tá Đào Thanh Hải đã trải qua rất nhiều cương vị ở địa chỉ huyền thoại này, từ trinh sát đến Đội trưởng, Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng.

Trong ngôi nhà số 7 huyền thoại, thêm Đại tá Đào Thanh Hải được vinh dự giữ cương vị mới là thêm một dấu ấn đáng tự hào. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, đã có 4 người cầm quân ở nhà số 7 được tin tưởng giữ trọng trách cao. Đó là Trung tướng, Anh hùng LLVT Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; PGS -TS Nguyễn Đức Bình - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội; Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội và bây giờ là Đại tá Đào Thanh Hải.

1. Phố Thiền Quang là một con phố nhỏ và khá ngắn, chỉ có độ hơn chục số nhà, thưa thớt người qua lại, nằm kề bên hồ Thiền Quang thơ mộng. Nhà số 7 nằm ở gần cuối phố, giờ đã được cải tạo lại nhưng vẫn còn dáng dấp của một ngôi biệt thự Pháp cổ. Nghe kể rằng, ngôi biệt thự này có từ thời Pháp thuộc mà người thiết kế là một kiến trúc sư danh tiếng: ông Nguyễn Cao Luyện, người đã từng đỗ thủ khoa Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau này đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì biệt thự số 7 Thiền Quang không phải là tác phẩm thiết kế đầu tay của ông nhưng là một trong những công trình tiêu biểu ghi dấu ấn trong nền kiến trúc Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Song, dù vậy biệt thự số 7 Thiền Quang thời ấy chỉ là một tư gia, giống như rất nhiều các tư gia khác ở Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng Đại tá Đào Thanh Hải.

Cho đến sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Đội Hình cảnh thuộc Phòng Trị an dân cảnh được thành lập. Đây là mô hình đầu tiên, xác lập ra mô hình tổ chức Cảnh sát hình sự của cả nước sau này. Đội Hình cảnh đầu tiên chỉ có 40 CBCS. Ngôi biệt thự số 7 Thiền Quang trở thành trụ sở của của lực lượng cảnh sát hình sự Thủ đô đầu tiên từ bấy cho đến nay, khi đội ngũ đã lớn mạnh đến mấy trăm CBCS. Phòng Cảnh sát Hình sự, tập thể Đội điều tra trọng án và nhiều cá nhân CBCS cảnh sát hình sự ở đây đã được phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Chừng hơn chục năm về trước khi ngôi biệt thự cũ, phần vì bị xuống cấp theo thời gian, phần vì không còn đủ rộng cho một đội ngũ rất đông cảnh sát hình sự làm việc nên đã có thời kỳ có ý kiến cho rằng Phòng Cảnh sát hình sự cần thiết phải chuyển đến một trụ sở mới. Nhưng để giữ thương hiệu số 7 Thiền Quang thì thay vì tìm một trụ sở mới, UBND TP Hà Nội đã cấp kinh phí để cải tạo lại ngôi nhà số 7. Thế là Cảnh sát hình sự vẫn được ở lại đây. Cây hoàng lan trong mảnh sân đằng trước vẫn còn. Lá vẫn xanh và hương vẫn nồng nàn, như làm dịu đi cái khốc liệt của cuộc chiến mà những trinh sát hình sự nơi đây vẫn ngày ngày phải đối mặt. Cuộc chiến để loại trừ cái ác.

Cuộc chiến vì sự bình yên của nhân dân Thủ đô. Trong ngôi nhà số 7 này, có nhiều, rất nhiều trinh sát mà cả cuộc đời binh nghiệp của họ đã trải qua ở đây, đã gắn liền với những trận chiến khốc liệt, có những khi phải đổ máu, ngay giữa thời bình. Nhưng mỗi khi tiếng còi hú của xe cảnh sát đổ dồn, mỗi khi có một  tội phạm bị còng tay bước xuống ở cổng nhà số 7 thì khi tâm sự cùng tôi, họ nói rằng, họ vẫn trải qua một cảm giác thật lạ kỳ. Vừa vui, vừa buồn. Vừa căm phẫn, vừa trắc ẩn. Tội ác đã được ngăn chặn. Nhưng những mất mát do tội ác gây ra sẽ khó lòng bù đắp được. Kẻ giết người sẽ phải đền tội bằng một hình phạt thích đáng. Nhưng cái chết oan nghiệt của người bị hại dưới bàn tay tội ác kia sẽ mãi mãi là bi kịch. Những bi kịch của tội ác.

Và, cuộc chiến đấu khốc liệt với tội phạm mà những người trinh sát hình sự trong ngôi nhà số 7 đang đương đầu, suy cho cùng, cũng chỉ là để cuộc đời sẽ bớt đi những bi kịch như thế, chứ không phải để nổi tiếng.

Đại tá Đào Thanh Hải cũng vậy.

Nếu có một ngày, trong quán phở bình dân ở phố Đỗ Hạnh, gần nhà số 7 Thiền Quang, có ai đó vô tình ngồi chung bàn với một người đàn ông luống tuổi, gương mặt nom có vẻ hơi lạnh nhưng nói năng lại cực kỳ khiêm nhường thì đó là anh. Người cầm quân ở nhà số 7, người trải qua nhiều trận mạc nhưng tôi để ý sáng sáng khi lững thững đi bộ trên con phố rợp bóng cây từ Đỗ Hạnh về Thiền Quang, luôn mỉm cười với cả những người bán hàng quà vặt trên những con phố đậm đặc chất Hà Nội này. Người mà cánh phóng viên nội chính khi gọi điện để khai thác tin bài, đều được nghe máy với những lời đáp lịch lãm.

Tôi biết anh từ gần 20 năm trước, khi anh còn làm việc trong lực lượng chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội ở nhà số 7. Anh đã cùng với những người lính hình sự chung đội ngũ trải qua đủ đầy những cuộc đấu tranh chống tội phạm cam go. Cho cả đến khi giữ cương vị Trưởng phòng mà cánh phóng viên chúng tôi vẫn gọi vui bằng cái tên thân mật "chủ nhân nhà số 7", Đại tá Đào Thanh Hải vẫn cũng giống như những đồng đội của mình, hầu như không có ngày nghỉ.

Thời ấy, nhà anh ở ngay bên hồ Ba Mẫu, cách nhà số 7 chỉ 5 phút đi xe máy mà có bận đánh án đến cả tuần anh cũng chả về được. Nhớ hồi xảy ra vụ bắt cóc em bé sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, dư luận như sôi lên và Đại tá Đào Thanh Hải khi ấy với cương vị là người cầm quân ở nhà số 7, đơn vị chống tội phạm hình sự thiện nghệ nhất Thủ đô, cũng như trên chảo lửa. Nhà số 7 khi ấy, đêm nào cũng sáng đèn và đồng chí  Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội - chỉ đạo sát sao từng giờ, từng phút với mục tiêu trong thời gian sớm nhất phải tìm thấy em bé, phải truy bắt được kẻ gây ra vụ bắt cóc động trời này.

Và, vào cái buổi chiều đáng nhớ ấy, cái buổi chiều mà lực lượng trinh sát hình sự tìm ra nơi kẻ bắt cóc giấu cháu bé, sau khi nhận chỉ thị của  Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung rằng, bằng mọi cách phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cháu bé, Đại tá Đào Thanh Hải trực tiếp lên đường cùng với các trinh sát. Sau này tôi được nghe các trinh sát kể lại rằng, khi Đại tá Đào Thanh Hải cùng đồng đội bước vào nhà thì kẻ bắt cóc vẫn đang bế cháu bé trên tay.

Đó thực sự là phút giây sinh tử. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là rất có thể nguy hiểm đến tính mạng cháu bé khi mà ở vào khoảnh khắc này, kẻ phạm tội đã nhận ra rằng, vậy là âm mưu đen tối mà bấy lâu cô ta cất công dàn dựng một cách tinh vi đã bị phát hiện. Nhưng, cô ta đã không đủ thời gian để làm thêm bất cứ một điều dại dột nào nữa khi mà mọi kế hoạch để đối phó với tâm lý "chó cùng bứt giậu" đã được các trinh sát chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Thêm một lần nữa trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tá Đào Thanh Hải cùng đồng đội của anh đã ghi thêm một dấu son vinh quang cho nhà số 7.

Tối ấy, sau khi em bé đã được trở về với vòng tay mẹ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong niềm vui tột đỉnh của gia đình, khi bản tin thời sự VTV1 phát đi những hình ảnh về cuộc bàn giao cháu bé của Công an TP Hà Nội cho gia đình, khi trên mạng Internet liên tục đăng tải hàng trăm ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng của lực lượng truy tìm thì ngang qua cổng nhà số 7, tôi nhìn thấy Đại tá Hải, lặng lẽ đứng nhìn đường phố Thủ đô, giờ ấy đã sáng đèn, lung linh và bình yên đến lạ…

2. Trong vòng 20 năm trở lại đây, Đại tá Đào Thanh Hải là vị Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thứ 4 được trưởng thành và thăng tiến từ thương hiệu đánh án thiện nghệ này của Công an TP Hà Nội. Trước đó là Thiếu tướng - Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Chung, TS Luật học, giờ là Giám đốc Công an TP Hà Nội. Trước nữa là PGS.TS Luật học Nguyễn Đức Bình, giờ là Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, và trước nữa là Trung tướng - Anh hùng LLVT Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm. Họ không  trùng nhau về tuổi tác, không giống nhau về phong cách nhưng tất cả họ đều có một điểm chung rất dễ nhận ra.

Đó là nếu mặc thường phục, nhìn họ không hề mang một chút dáng dấp gì của Cảnh sát hình sự như trong hình dung của đa số chúng ta: súng bắn hai tay, lựu đạn quăng cả chùm. Nếu như trong cuộc chiến đầy khốc liệt và nhiều hiểm nguy với tội phạm hình sự, là người chỉ huy cao nhất, họ quyết liệt bao nhiêu thì trong đời thường, họ như lẫn vào tất cả những con người bình thường khác. Tất cả họ đều không muốn báo chí viết về cá nhân mình vì cho rằng, thương hiệu nhà số 7 được làm nên từ chiến công chung của tất cả những người lính hình sự đã sống và chiến đấu ở nơi này.

Nhà số 7 Thiền Quang, thương hiệu của CSHS Hà Nội.

Được phong Anh hùng LLVT, được giao trọng trách làm chủ ngôi nhà số 7 từ khi còn rất trẻ (năm 32 tuổi), từng chỉ huy những chuyên án lẫy lừng của Cảnh sát hình sự đánh vào hang ổ của những đường dây tội phạm khét tiếng nhưng nhìn Trung tướng Đỗ Kim Tuyến trông giống một công chức hơn là một vị tướng. Ông gầy gò, nói năng nhỏ nhẹ và khi cười, lúc nào cũng có vẻ như bẽn lẽn.

 Đại tá Nguyễn Đức Bình tiếp nhận cương vị người cầm quân ở nhà số 7 sau Trung tướng Đỗ Kim Tuyến. Giống như những đồng đội của mình, một ngày làm việc của Đại tá Bình ở đây thường trên 12 tiếng, có khi cả 24 tiếng với tất cả sự căng thẳng, khốc liệt nhưng nhìn anh lúc nào cũng thấy thanh thản. Khó mà hình dung được, người chỉ huy cả một lực lượng cảnh sát hình sự hùng hậu, người mà trong hầu hết thời gian làm việc chỉ tiếp xúc với rặt những hồ sơ vụ án lạnh lùng, với súng, đạn khô khốc mà lại am tường văn chương như Đại tá Bình.

Tôi bất ngờ nhận ra điều khác thường ấy khi trong một lần trò chuyện tình cờ, Đại tá Bình kể về một nhân vật trong  "Huynh đệ", một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng khi ấy vừa mới xuất bản. Sau lần đó, tôi bắt đầu để ý và nhận ra, ông đọc sách khá nhiều. Có thể đó là một thói quen. Cũng có thể việc đọc sách chỉ là một cách giải trí. Nhưng ít nhiều thì những cuốn sách, một phần nào đó đã giúp cho người cầm quân ở nhà số 7 bớt đi sự khô cứng, bớt đi những áp lực của cuộc chiến khốc liệt mà anh và đồng đội hàng ngày phải đối mặt.

Có nhiều khi hỏi cung, cuộc thẩm vấn biến thành một cuộc trò chuyện, gần gụi hơn, nhiều tình người hơn và có thể xen giữa những chứng cứ lạnh lùng là những câu chuyện văn chương. Thành công của một cuộc khai thác, đấu tranh với tội phạm, đôi khi lại bắt đầu chính từ những điều giản dị ấy.

Sau Đại tá Nguyễn Đức Bình, người cầm quân ở  nhà số 7 là Thiếu tướng Anh hùng LLVT, TS Luật học Nguyễn Đức Chung. Được phong Anh hùng LLVT năm 37 tuổi, được giao trọng trách cầm quân ở nhà số 7 năm 40 tuổi và là một trong những Thiếu tướng - Giám đốc Công an TP trẻ nhất từ trước tới nay ở Hà Nội. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành cảnh sát điều tra ở Trường đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát) Nguyễn Đức Chung được điều động về làm việc tại đơn vị mũi nhọn là Đội điều tra trọng án.

Hai mươi năm trong nghề điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung tham gia vào  hầu hết các vụ án lớn trên địa bàn Thủ đô lần lượt với các vai trò là điều tra viên, là Đội phó, Đội trưởng Đội trọng án rồi Phó phòng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Phó Giám đốc và nay là Giám đốc Công an TP Hà Nội.  Là chỉ huy cao nhất của Công an Thủ đô với những chiến công lẫy lừng nhưng ở vị Thiếu tướng này trong đời thường chỉ thấy một người đàn ông với vóc dáng thư sinh, nhẹ nhõm. Tôi vẫn thi thoảng gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vận áo sơ mi trắng,  đi thanh thản trên đường phố Hà Nội, lẫn vào dòng người đông đúc…

Đ.H.
.
.