Người đóng móng ngựa ở Sài Gòn

Chủ Nhật, 06/02/2011, 08:35
Không còn tiếng lộp cộp của móng ngựa vỗ dưới mặt đường, không còn cả những chuyến xe hàng, xe khách kèm theo tiếng roi vun vút... Sài Gòn, đã từ lâu lắm vắng bặt những hình ảnh đầy hoài niệm ấy. Thi thoảng, ở khu quận 10, quận 12 hay quận Tân Bình, TP HCM người ta còn được thấy cảnh chủ ngựa ngồi xe đạp tay cầm dây cương dắt ngựa đua... đi dạo. Vậy thôi.

Những con ngựa lùi vào miền quá vãng từ hồi xa lắc, chỉ người đóng móng ngựa là còn sót lại. Và ngay thành phố này, ngựa chỉ đang được nuôi để phục vụ cho dân có máu đỏ đen(!).

1. Cuối năm, trời Sài Gòn xào xạc gió, tôi ngồi với cu Lửa trong quán cà phê dành cho giới  bình dân ở Trường đua Phú Thọ. Quán cà phê có bán kèm cơm trưa, những khuôn mặt già nua đang chăm chú theo dõi sấp giấy in thủ công đăng tin có kèm bình luận những trận đua ngựa sắp diễn ra. Khói thuốc váng vất...

Cu Lửa tên thật là Nguyễn Văn Hoàng, đã ngoài 50 tuổi. Ông không thích gọi bằng cái tên mà dân trường đua dành cho mình, ông thích gọi là Hoàng hơn. Ông đã có hơn 30 năm làm nghề đóng móng ngựa.

Ông bảo ngày xưa chuyện học cũng ba lăng nhăng, nên bố ông dắt ông theo để phụ nghề. Học hành dở dở dang dang, đi giữ chân ngựa cho bố đóng móng riết rồi... nhập tâm cái nghề hồi nào không biết. Tôi hỏi ông là đóng móng ngựa có gì vui không. Ông trả lời, cũng bình thường như bao nhiêu nghề khác, không vui cũng chẳng buồn. Cuộc sống cứ yên ắng trôi đi.

Vài năm trước, có trường dạy cưỡi ngựa do người Pháp lập ra ở Phnôm Pênh (Campuchia) dọ hỏi biết được tên ông, họ mời ông qua đóng móng cho đàn ngựa bên đó. Ông đi 4 ngày, kiếm được 300 USD. Đó là số tiền lớn nhất ông kiếm được cho 4 ngày làm việc, cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên. Giờ, ông chỉ thích được nghỉ ngơi vài ngày để đi đây đó cho phỉ chí, mà công việc cứ níu chân ở lại Sài Gòn hoài. Cuối tuần, thì vào trường đua đóng móng. Ngày bình thường, thì chủ ngựa gọi điện thoại yêu cầu ông đến đóng móng cho ngựa ngay tại nhà.

Ông nói đóng móng ngựa cũng chẳng có gì khó, chỉ cần lớn gan chút xíu là làm được. Bởi lớn gan thì mới dám cầm cẳng ngựa để gọt chân đặt móng. Chỉ có vậy, rồi nghề dạy nghề làm riết mà quen. Mới đầu, có thể đóng phạm móng ngựa gây chảy máu, nhưng chỉ vài lần thôi. "Khi nào ngựa chảy máu do đóng móng phạm, cứ nấu sôi dầu ăn rồi đổ vào vết thương. Hết liền thôi mà", ông bảo vậy.

Ngày còn thanh niên, ông còn đóng cả móng cho bò kéo xe. Đóng móng cho bò cực hơn. Cần phải lồng dây xích dưới bụng bò, dùng cần trục quay cho bò hổng chân. Rồi cột chặt 4 chân của bò vào cây tầm vông được đóng dưới đất. Mà lâu lắm rồi, người ta không còn đóng móng cho bò nữa.

Ngựa hiền hơn bò, thảng lắm mới gặp con ngựa chứng, cứ nhao chân đòi nhảy liên tục. Người thợ đóng móng có kinh nghiệm sẽ bảo với chủ ngựa nắm chặt lấy dây thừng xâu mũi ngựa giữ rịt lấy, làm cho ngựa đau, ngựa sẽ đứng im chịu phép.

Rồi ông hỏi sao dạo này người ta hay quan tâm đến cái nghề lao động phổ thông này vậy. Tôi cười trả lời rằng bởi nó ngồ ngộ. Ông nói nhanh: "Có gì đâu mà ngộ, y như là đi làm thuê cho thiên hạ thôi".

Đi làm cùng ông Hoàng là người em trai kế ông, anh Nguyễn Văn Hải. Anh Hải cũng có hơn 20 năm theo nghề đóng móng. Và, anh là người duy nhất ở Sài Gòn biết cách chế móng ngựa bằng thủ công.

Anh Hải nói rằng cái móng sắt đóng vào chân ngựa cũng giống như dép dành cho người. Có móng cũng được, không có móng cũng chẳng sao. Có điều, bây giờ đường đất thì ít đường lộ thì nhiều, ngựa không đóng móng sẽ dễ bị hư chân hơn. Trong nhà anh Hải có cái lò rèn nhỏ, là nơi để anh hì hục chế móng ngựa mỗi ngày. Móng ngựa được chế thủ công sẽ tốt hơn móng ngựa bán tràn lan trên thị trường. Hơn nữa, với "dây chuyền" sản xuất khép kín từ chế cho đến đóng móng "thành phẩm" như cách anh Hải làm sẽ khiến chủ ngựa yên tâm hơn.

Giá cho mỗi lần đóng móng ngựa là 70 nghìn. Con ngựa nào quen, làm nhanh mất cỡ chừng chưa đến 8 phút, lâu thì độ 10 phút. Tôi đùa, anh cứ vào trường đua hoài, có khi nào hứng chí đặt cược thử không. "Thì lâu lâu, thấy kèo ngon cũng chơi vài ba chục nghìn cho vui. Chứ mình không mê gì", anh đáp.

Trước đây, khi thực hiện loạt phóng sự "Mánh khóe đường đua ngựa", tôi biết nhiều trò làm độ ngựa. Hầu như, bất cứ đợt đua nào cũng có người làm độ. Không đầu nậu mua độ thì dân cá cược mua nài, nài không làm độ thì chủ ngựa tự động phản kèo... Mỗi cuộc đua là một lần toan tính, dẫu cho ban tổ chức đã làm rất nhiều cách để ngăn chặn thực trạng gian lận này.

Nhưng, giới làm độ có hàng đống tuyệt chiêu qua mắt Ban tổ chức. Dạo này, họ dùng cả thuốc ngủ để làm độ ngựa. Con ngựa trước khi vào đường chạy sẽ được tiêm một lượng thuốc ngủ vừa đủ, sao cho khi bước ra đường đua, ngựa sẽ lâm vào trạng thái uể oải để không thể nào "nhảy" đúng theo "năng lực" của mình. Tất cả tùy vào mục đích cuối cùng của chủ ngựa.

2. Để có thể đóng móng ngựa, thợ đóng móng phải dùng dao sắt gọt bớt lớp sừng ở móng cho ngựa. Kiểu gọt rất bạo lực. Họ dùng con dao có hình móc câu, bén ngót đặt vào vị trí muốn gọt. Rồi dùng dùi đánh mạnh vào sống dao. Tiếp đến, họ dùng dũa sắt loại lớn dũa mạnh tay tạo độ bằng phẳng cho móng ngựa. Cuối cùng, họ đặt móng được làm bằng sắt vào đúng vị trí và lấy loại đinh đặc chế đóng mạnh vào. Phần đầu đinh nhô ra sẽ được cắt gọn bằng kiềm bấm. Loại đinh dùng để đóng móng rất nhọn, đầu to thân nhỏ.

Ở cái trường đua này, chủ ngựa và thợ đóng móng đều nhẵn mặt nhau, toàn người quen. Chủ muốn đóng móng, cứ dắt ngựa đến cái "chuồng" làm việc của thợ, gọi tên. Thợ biết, sẽ xách đồ ra thực hiện các thao tác đóng móng. Xong việc, dắt ngựa đi. Đến cuối buổi đua sẽ trả tiền một lần.

Mà ở trường đua, Ban tổ chức không cho ngựa được đeo móng khi ra đường chạy. Họ ngại móng ngựa được đóng không chuẩn của nài này sẽ bắn sang nài khác gây thương tích. Ngựa buộc phải tháo móng khi vào đường chạy. Anh Hải nói rằng khi không có móng, có thể ngựa sẽ chạy nhảy hơn. Bởi móng sẽ khiến chân ngựa nặng thêm. Thế nên, sau mỗi đợt đua thì thợ đóng móng lại tất bật lo thực hiện công việc của mình.

Đa phần, ngựa được đóng móng theo kiểu đo ni đặt giày, không có những chuẩn mực được hạn định cho móng ngựa. Người làm nghề lâu năm, sẽ biết cách chế móng ngựa cho phù hợp. Mà móng ngựa cũng quan trọng lắm, nếu móng bên chân phải mòn mà bên chân trái không mòn tương ứng, ngựa sẽ bị xệ vai, tướng chạy không đẹp để lâu rất dễ hư chân ngựa. Bản thân con ngựa đua cũng tội, bất cứ ngựa hay đến đâu thì cũng chỉ chạy được một thời gian là hư chân. Nơi khớp chân ngựa sẽ nỗi lên cục u rất to, kiểu như bị thoái hóa. Lúc đó, ngựa chỉ còn chức năng... truyền giống, nếu là ngựa đực.

Tôi hỏi ông Hoàng là hai người con của ông, có ai muốn theo nghề đóng móng ngựa "gia truyền" của nhà anh không. Ông bảo là không, cậu con trai lớn học lớp 12 vừa thấy ngựa đã sợ. Mấy lần, ông đề nghị con... thôi học để đi theo phụ việc cho mình, thì bà nhà của ông cự ngay. Mà bà không cự thì con cũng không chịu. Đành thôi. ông nói chắc vài ba năm nữa ông cũng nghỉ nghề này, vì có tuổi rồi, giờ làm còn nhanh nhẹn chứ ít lâu nữa sẽ tay run mắt chậm.

Cứ tưởng giá cho mỗi bộ móng ngựa là 70 nghìn thì người đóng móng sẽ có thu nhập tương đối khá. Nhưng, không phải vậy. Bởi như là một quy luật, người theo nghề này kiếm được ít tiền thì đâu sẽ lại vào đấy. Được cái, những người con của ông Hoàng và anh Hải đều được lớn lên và ăn học từ số tiền thu được cho những cái móng ngựa ấy. Mà cái giá 70 nghìn là giá vừa lên cách đây vài tháng. Trước đó, chỉ 60 nghìn. Rồi trước đó nữa, giá còn thấp hơn...

Rồi cũng chẳng biết sao, ông Hoàng kể hồi thanh niên, ông theo cha làm nghề đóng móng, nghèo xơ. Yêu cô con gái nọ mãi mà không cưới được bởi chẳng có tiền. Đợi hoài không thấy anh chàng người yêu làm nghề đóng móng dạm hỏi, cô gái đi lấy chồng. Thế nên, ông lập gia đình khá muộn. Chuyện xưa chỉ nhắc lại cho vui.

Ở Trường đua Phú Thọ, ngoài ông Hoàng và anh Hải làm nghề lâu năm, còn có Cu Điếc cũng hơn 30 năm theo nghề đóng móng. Cu Điếc tên thật là Nguyễn Văn Được, cũng được cha mình là thợ đóng móng truyền nghề lại cho. Ông Được và ông Hoàng làm ở hai dãy chuồng ngựa khác nhau. Tôi cũng chẳng biết giữa họ có sự cạnh tranh hay không, có thân thiết với nhau không. Bởi khách ai thì người đó làm. Cuối tuần, ngựa ra vào đóng móng dồn dập, chắc vì vậy mà cũng chẳng thấy họ ngẩng mặt chào nhau.

3. Hai anh em ông Hoàng ở chung nhà với nhau, khu Tân Sơn Nhì, cái nôi của ngựa thồ thời xa xưa ở Sài Gòn cùng với khu Bà Điểm (Hóc Môn). Những năm trường đua đóng cửa do nhiều lý do, cả gia đình ông Hoàng sống nhờ vào móng của những con ngựa thồ ấy.

"Lâu lâu, mấy chủ ngựa đua thắng độ. Gọi điện thoại mời mình về nhà nhậu lai rai chơi, hoặc đi Long An đóng móng, họ cho thêm tiền xăng xe. Chắc có vậy là vui thôi", ông Hoàng trả lời câu hỏi cố của tôi là "Không lẽ, mấy chục năm đóng móng ngựa mà chẳng có gì vui".

Ở Sài Gòn, ngoài 3 nhân vật tôi vừa nhắc đóng móng ngựa thuộc loại thâm niên thì cũng có những thợ đóng móng ngựa khác. Nhưng, họ được xếp vào hàng chiếu dưới so với ông Hoàng, ông Được và anh Hải. Ngựa được dân chiếu dưới đóng móng thì không chắc chắn lắm, đi độ ít hôm là lại sút hoặc văng móng.

Mà chắc vài năm nữa, khi những tay đóng móng ngựa chuyên nghiệp về vườn, sẽ chẳng còn ai sống dính vào cái nghề gợi lại ký ức cho người khác nhiều đến thế.

Không còn vó ngựa lộc cộc trên đường, không còn cả những sải chân kiêu hùng của chiến mã, sẽ chẳng bao giờ còn nữa nhịp chuông leng keng của chuyến xe ngựa thồ... Cuộc sống sẽ vẫn vậy.

Nhưng, đoan chắc rằng vẫn có sự tiếc nuối trong lòng những người thích hoài niệm. Kiểu nuối tiếc như khi thấy bóng dáng của người quen cũ vừa mới ngang qua mà không kịp dừng lại nhìn nhau(!)

N.N.H.
.
.