Người “dụng tâm để phục nhân tâm”

Thứ Năm, 03/11/2016, 19:15
Ngày 27-10-2016, Trại giam Sông Cái kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đơn vị. Cũng trong dịp này, tập thể trại giam Sông Cái được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, và Đại tá, Giám thị Phạm Văn Giới được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Từ một đơn vị liên tục xảy ra tình trạng phạm nhân gây rối, sau 5 năm nỗ lực, Đại tá Phạm Văn Giới đã thực hiện thành công nhiều kế hoạch, đưa Trại giam Sông Cái thành một đơn vị tiêu biểu về các mô hình giáo dục phạm nhân.

Kỹ sư sửa chữa tâm hồn

Có lẽ gần 40 năm làm nhà sư phạm giáo dục phạm nhân, sự chuẩn mực đã khiến cho tia nhìn của ông trở nên nghiêm khắc. Ông Phạm Văn Giới sinh năm 1958, tại cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cha ông là những chiến sỹ cách mạng Tự vệ Đỏ thời kỳ 1937. Sau đó được giao nhiệm vụ Huyện đội trưởng Huyện đội Gia Viễn. Mẹ ông là cựu du kích tham gia dân công hỏa tuyến Điện Biên, 65 tuổi Đảng.

Năm 1976, tốt nghiệp phổ thông hệ 10/10 ông về địa phương làm phó bí thư xã đoàn. Năm 1978 được tuyển vào Lực lượng công an và được đưa đi đào tạo hệ cảnh sát vũ trang tại trường Cảnh sát 6 đóng ở địa bàn xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Kết thúc khóa học, tháng 8-1978 ông được điều động bổ sung thẳng vào lực lượng cảnh sát vũ trang của Trại cải tạo Gia Trung ở Gia Lai, Tây Nguyên. Thời điểm đó, xung quanh khu vực Trại cải tạo Gia Trung là địa bàn hoạt động lén lút của các nhóm Fulro. Ông cùng đồng đội vừa bảo vệ an ninh vòng ngoài của trại vừa phối hợp với các lực lượng vũ trang của địa phương truy quét phỉ.

Đại tá Phạm Văn Giới cùng Thiếu tướng Lê Minh Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII và lãnh đạo các đơn vị trong Cụm 5 trao tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, Ninh Thuận.

Sau một thời gian dài phấn đấu, ông Phạm Văn Giới được giới thiệu đi học khóa cao cấp lý luận chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc (phân hiệu 3, đóng tại Đà Nẵng tốt nghiệp loại xuất sắc, nằm trong top 4 của toàn khóa. Sau đó, ông được cho đi học tiếp Đại học Luật. Năm 1997 ông đảm nhiệm vai trò Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Trường giáo dưỡng số 3.

Có thời điểm, trường tập trung gần 1.000 học sinh cá biệt. Thuở đó, trường cách trung tâm thị tứ hơn 17km đường rừng, đá sỏi gồ ghề. Cơ sở vật chất thì thiếu thốn mọi thứ. Nhà ở của cán bộ toàn tre, nứa, lá...

Ông Giới là Phó Hiệu trưởng phụ trách mảng quản giáo, giáo dục nên hiểu rõ từng nhóm đối tượng, từng nhóm hành vi lệnh chuẩn của trẻ khiếm khuyết tinh thần. Có trẻ vào trường vì trộm cắp, có trẻ vào trường vì giết người. Hầu hết những đứa trẻ đó, ít nhiều đều bị tổn thương tinh thần.

Nhiều trẻ khi mới vào trường đã tỏ ra cứng đầu, chống đối cán bộ chủ nhiệm, không chịu học tập. Giáo viên chủ nhiệm giống như bảo mẫu, phải ở chung dãy lưu trú của học sinh để nắm bắt tâm lý, khuyên nhủ, ổn định tư tưởng cho các em, Sau đó phải uốn nắn từng cử chỉ của các em. Dạy mọi thứ nhỏ nhặt, từ chào hỏi đến gấp chăn màn, xây dựng nếp sống thường ngày.

Người đưa đò nhân cách

Ông Giới kể: “Điều xót xa nhất là, hầu hết các bậc phụ huynh đều vô trách nhiệm với con của họ sau khi chính quyền đưa các em vào trường. Hơn 30 năm công tác tại đó, chỉ duy 1 lần chúng tôi được phụ huynh tặng hoa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Dù vậy, ông vẫn tự hào là mình đã góp phần chỉnh sửa nhân cách cho hàng ngàn đứa trẻ hư, giúp chúng trở thành những công dân có ích cho xã hội. Mới đây, trong một chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh, khi ông đang ngồi ăn sáng ở một quán thuộc quận 1, bất ngờ một người đàn ông trạc 30 tuổi, đi cùng vợ con đã đến chào hỏi lễ phép. Hóa ra đó là 1 học sinh cũ ở trường Giáo dưỡng số 3. Ông không thể nhớ anh ta tên gì, ở đâu, vào trường vì tội gì.

Qua lời giới thiệu của anh ta, ông mới biết sau khi ra trường, anh ta đã tự tạo sinh kế lương thiện bằng cái nghề được dạy. Cuộc sống ổn định, anh khấm khá dần rồi mua nhà ở TP Hồ Chí Minh. Từ một đứa trẻ bụi đời, lấy nghề trộm cắp làm kế sinh nhai, bây giờ, anh ta là một doanh nhân thành đạt, sống hạnh phúc với người vợ xinh đẹp và 2 đứa con ngoan. Hằng ngày, anh vẫn kể cho vợ và các con nghe về sự thoát xác của mình. Trong những câu chuyện kể đó luôn có bóng dáng của những người thầy công an, trong đó có “thầy Giới”, Phó Hiệu trưởng.

Hồi năm 1982, Công an Đà Nẵng có đưa vào trường một đứa trẻ khoảng 13 tuổi, tên bụi đời là S. “đầu bò” vì tội ăn trộm vặt.

Khi vào trường, S. “đầu bò” kể rằng, năm 1975, từ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cha mẹ đưa gia đình ra Vũng Tàu để vượt biên. Chuyến vượt biên bất thành do bị phát hiện. Trong khi tháo chạy, S. bị lạc. Cậu bé đi lang thang, hết ngày này sang ngày khác. Khi đói, moi rác tìm thức ăn. Khi khát thì tìm đến các vũng nước. Cậu bé không biết vì sao mình trôi dạt đến tận Đà Nẵng.

Đại tá Phạm Văn Giới - Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Sông Cái nhận bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Sau 3 năm được giáo dục ở trường, năm 1985, S. ra trường. Không thể quăng cậu bé vô gia cư ấy ra môi trường xã hội như cũ. Vì trách nhiệm xã hội, ông và một giáo vụ quyết tìm cha mẹ của cậu bé. Trong ký ức của cậu bé chỉ còn nhớ mang máng, nhà ở gần chợ Thủ Đức, cha là lính cứu hỏa chế độ cũ, mẹ bán ở chợ.

Chỉ bấy nhiêu thông tin ngắn ngủi, ông Giới và người đồng đội đưa cậu bé vào TP Hồ Chí Minh tìm ngôi chợ Thủ Đức để dò hỏi. Ông tìm đến trụ sở công an các phường để lục tìm hồ sơ những những trẻ thất lạc tên S. Không có hồ sơ nào cho thấy có đứa trẻ tên S. bị thất lạc.

Với quyết tâm cao nhất, ông đành chở cậu bé S. “đầu bò” đi lùng sục khắp hang cùng ngõ cụt xung quanh chợ Thủ Đức. Như mò kim đáy biển, ông cứ đi hỏi dò xem có ai từng thất lạc đứa con trai tên S. Cậu bé không thể nhận ra đường vào xóm nhà bởi khi thất lạc, cậu ta chỉ mới 7 tuổi.

Đến cuối ngày thứ 3, mọi nỗ lực gần như cạn kiệt thì khi đi vào một con hẻm, bất ngờ một người phụ nữ thốt lên: “Ai giống như thằng H bị thất lạc cha mẹ hồi 5 năm trước?”. Cậu bé tên S “đầu bò” gật đầu xác nhận mình chính là H. Người phụ nữ ấy là hàng xóm của cha mẹ S. “đầu bò”.

Hóa ra, cậu bé có tên khai sinh là H. Thế giới vỉa hè đã tự đổi tên cậu bé là S “đầu bò”.

Nhận được đứa con trai đã tưởng chừng chết mất xác đâu đó ở các bãi lầy Vũng Tàu, cha mẹ cậu bé khóc òa vì sung sướng. Cảnh tượng gia đình cậu bé sum vầy đã theo đuổi ông suốt nhiều năm.

Tháng 12-2011, ông Phạm Văn Giới được điều chuyển về Trại giam Sông Cái đảm nhiệm chức vụ Giám thị, Bí thư Đảng ủy. Khi về đây, ông đối mặt ngay với một số khó khăn đang tồn tại. Đảng ủy và lãnh đạo Tổng cục 8 đã chỉ đạo ông phải khắc phục sớm.

Từ kinh nghiệm ở trường giáo dưỡng, ông chắt lọc để áp dụng vào quy trình quản lý trại giam người lớn. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông giải quyết dứt điểm những khó khăn cơ bản ở Trại giam Sông Cái, đồng thời xây dựng được nhiều mô hình quản lý, giáo dục phạm nhân mà Tổng cục 8 đã lấy đó nhân rộng ra khắp các trại giam cả nước.

Cái tâm của người Công an nhân dân

Nhớ lại những ngày mới về nhận nhiệm vụ Giám thị Trại giam Sông Cái, Đại tá Phạm Văn Giới kể: “Tối 30 tháng Chạp năm đó, khi gần đến giờ giao thừa, bỗng dưng có một phạm nhân tên Hà không chịu nhập trại. Cán bộ quản giáo và anh em trinh sát xuống thuyết phục thế nào cũng không nghe. Nghe anh em báo cáo vụ việc, tôi xuống xử lý ngay. Việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu nguyên nhân”.

Phạm nhân không chấp hành nội quy trại, nếu không có cái tâm, chỉ cần ra lệnh thi hành kỷ luật là xong việc. Ông không làm như vậy, ân cần hỏi nguyên nhân. Hà khóc, cho biết vợ ở nhà đã bỏ rơi anh ta rồi. Chỗ dựa tinh thần cũng tan mất nên phạm nhân Hà không thiết sống nữa.

Ông cho cán bộ gọi điện thoại để phạm nhân Hà trò chuyện trực tiếp với gia đình, tìm hiểu thực hư. Điện thoại được cài đặt chế độ loa ngoài. Người bắt máy là bố ruột của phạm nhân Hà. Vừa nghe câu hỏi của phạm nhân Hà, ông bố mắng luôn: “Vợ mày vì mải bươn chải xa quê kiếm tiền cho bố mày ăn tết nên giờ này vẫn trên đường về. Nó làm đầu tắt mặt tối, thời gian đâu mà trai với gái”. Sau khi nghe bố mắng, phạm nhân Hà tạm yên tâm chấp hành nhập trại.

Đại tá Phạm Văn Giới (Thứ hai từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo đơn vị trại giam Sông Cái giao lưu tọa đàm trong hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua vì an ninh tổ quốc giai đoạn 2010 - 2015.

Đại tá Phạm Văn Giới chủ động gọi điện thoại cho bố phạm nhân Hà đề nghị gia đình thu xếp thời gian thăm nuôi. Mùng 4, vợ anh ta khăn gói vào thăm nuôi. Mọi thắc mắc được giải tỏa, anh ta trở nên lạc quan, yêu đời và an tâm cải tạo cho đến ngày chấp hành xong án phạt.

Thời điểm ông về nhận nhiệm vụ giám thị, Trại giam Sông Cái có tỷ lệ phạm nhân kém chiếm 23%. Nguyên nhân xuất phát từ việc thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân chưa cụ thể, rõ ràng. Phạm nhân chưa đồng tình với một số hoạt động trong tổ chức lao động dẫn đến sự không đồng thuận của phạm nhân. Hậu quả của vụ phạm nhân gây rối, chống đối xảy ra ngày 28/02/2011 vẫn còn âm ỉ.

Ngoài ra, các cán bộ phần đông còn trẻ, thiếu kinh nghiệm tổ chức đội phạm nhân; số cán bộ được đào tạo đại học chiếm tỷ lệ thấp; nơi giam giữ phạm nhân xuống cấp; công cụ hỗ trợ công tác giam giữ thiếu, hiệu quả sử dụng thấp.

Ngay lập tức, ông cùng Đảng ủy, Ban Giam thị bắt tay ngay vào việc xây dựng các kế hoạch, xây dựng quy chế làm việc giữa cán bộ và phạm, giữa phạm và phạm; tổ chức các phong trào giúp phạm nhân tự tin trong quá trình cải tạo.

Ông gợi ý, xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục phạm nhân mang tính đột phá. Hội thi tự quản giỏi trong phạm nhân là một ví dụ. Đây là mô hình ông đã từng áp dụng khi còn ở trường giáo dưỡng. Mô hình sinh hoạt này đã giúp Đảng ủy, Ban Giám thị đánh giá được đội ngũ cán bộ và công tác tự quản của phạm nhân đứng ở mức nào để phân tích, đề ra các biện pháp giáo dục thích ứng.

Ông tổ chức mô hình “tủ sách hướng thiện” đưa sách vào tận phòng giam giữ để phạm nhân đọc. Từ mô hình này, ông triển khai thêm hội thi kể chuyện theo sách, sân khấu hóa chuyện trong sách.

Chỉ sau 1 năm chấn chỉnh sinh hoạt của phạm nhân, tình hình bất ổn trong các phân trại không còn nữa. Từ năm 2012 đến nay, Trại giam Sông Cái luôn được ghi nhận là một đơn vị tiêu biểu ở khu vực phía Nam.

Ông đã dụng tâm để phục nhân tâm. Đó là điều cốt lỗi toát ra từ người Đại tá có tia nhìn cương nghị, gương mặt phúc hậu.

Cá nhân Đại tá Phạm Văn Giới đã góp một dấu son vào truyền thống của đơn vị.

Nông Huyền Sơn
.
.