Người hùng dưới chân cầu

Chủ Nhật, 04/07/2021, 11:10
Tôi biết ông từ thuở cầu Bình Lợi còn chưa xây mới, mỗi lần ngang qua cây cầu đều không quên nhìn xuống phía dưới chiếc “thuyền nhà” của ông. Những ngày thành phố buồn mênh mang, tôi lại tìm về đây. Ông vẫn thế, tiếp khách bằng nụ cười vượt qua gian khổ. Giờ, ông đã hết thời kiếm cơm bằng nghề cá nhưng không chịu lên bờ.

Ông ở đó, dưới chân cây cầu Bình Lợi (nối liền Tp. Thủ Đức với Q. Bình Thạnh. TP Hồ Chí Minh) để hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh “cướp cơm hà bá” mà gần nửa thế kỷ qua ông ra sức gánh vác.

“Tội cha mẹ lắm cháu ơi”...

Một buổi chiều tháng 6 nhạt nắng, mặt sông Sài Gòn lặng thinh không một gợn sóng, từ trên mũi thuyền trong “căn nhà” của mình, ông Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc) nhìn thấy một bóng người đang thất thần, buồn tủi, bước ra lan can. Phản xạ rất nhanh, ông không kịp mặc áo mà lao ra con tắc ráng đậu bên cạnh, nổ máy phi về hướng gầm cầu. 

Chọn được điểm tiếp cận từ dưới sông, ông Ba Chúc ngước lên nhìn thật rõ thanh niên, mặt còn rất trẻ đang chuẩn bị buông tay thả trôi cuộc đời. Ông Ba Chúc cố tình đập thật mạnh mái chèo xuống nước, nhằm gây sự chú ý của cậu thanh niên. Khi cậu ta nhìn thấy phía trước mặt mình là người đàn ông, bất giác cậu khóc òa lên.

Ông Ba Chúc trong một lần vớt xác trôi sông.

Ông Ba Chúc nói với lên: “Cháu ơi, có gì thì từ từ giải quyết, đâu còn có đó. Tội cha mẹ lắm cháu ơi”. Bên cạnh đó, ông Ba Chúc gọi điện thoại hỗ trợ. Một chiếc xuồng của đội cứu hộ kịp thời tới hỗ trợ, một nhóm khác tiếp cận từ trên cầu. Ông Ba Chúc cố gắng tâm sự, nhằm kéo dài thời gian cho mọi người lên kế hoạch giải cứu. 10 phút sau, một bàn tay mạnh mẽ từ phía sau ôm, kéo giật lấy cậu thanh niên vào bên trong, rồi lập tức đẩy lên xe đưa đi.

Ông Ba Chúc thở phào nhẹ nhõm, vậy là cứu được một mạng người. Lên bờ, ông gặp cậu thanh niên, lúc này đang được đội cứu hộ và công an phường khuyên răn, động viên, an ủi. Thanh niên này cho biết, vừa từ Bình Định vào Tp. Hồ Chí Minh được 5 tháng, mới xin việc được mấy ngày thì bị cho nghỉ vì dịch bệnh. Vì quá túng quẫn và chán nản nên anh ta muốn chết. Ông Ba Chúc siết thật chặt bàn tay lên bờ vai của cậu, nói: “Cháu còn trẻ lắm, sao nghĩ nông cạn vậy. Ngoài kia còn bao nhiêu người khó khăn, họ còn ốm đau bệnh hoạn nữa mà vẫn vui vẻ sống. Nếu rảnh, hãy theo bác ra sông câu cá...” Sau khi gọi điện về cho gia đình, được cha mẹ, người thân động viên, chia sẻ, cậu thanh niên đã tỉnh ngộ, ổn định tâm lý và trở về phòng trọ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nhìn thấy sự sống ở cây cầu “nổi tiếng” này. Dịch COVID-19 bùng phát, trùng với mùa bóng đá châu Âu (EURO 2020). Năm nào có giải phóng đá là y như rằng có nhiều vụ tìm đến cầu Bình Lợi hoặc Bình Triệu “giải quyết” cuộc đời. Một tuần trước, mâm cơm vừa xếp ra, ông Ba Chúc đang và miếng cơm thì điện thoại của Công an phường 13 (Q. Bình Thạnh) thông báo có vụ nhảy cầu tự tử và nhờ ông hỗ trợ. Buông bát đũa, ông Chúc lên xuồng ra sông. 

Như mọi vụ giải cứu khác, ông Chúc chọn điểm tiếp cận thuận lợi nhất từ dưới sông. Người đàn ông vẫn đứng trên lan can cầu, không nghe bất cứ ai khuyên nhủ, giải thích. Đội cứu hộ trên bờ thông báo tình hình, hỏi ông Chúc có cần thêm người không? Ông Chúc bảo, nếu có thêm một chiếc xuồng nữa thì tốt. Ông Chúc và đội cứu hộ ngồi dưới sông hơn 1 tiếng vẫn chưa thấy động tĩnh gì, người đàn ông cứ đứng đó, dường như đang cân nhắc mọi chuyện. Lực lượng vận động trên bờ điện cho ông Chúc, đề nghị ông quay mặt về hướng nạn nhân nói chuyện nhằm thu hút sự chú ý của anh ta. Tuy nhiên, ông Chúc chưa kịp tiếp xúc thì nghe một tiếng “ùm” thật mạnh. 

Bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, ông lao thật nhanh chiếc xuồng về vị trí, chỉ cần nạn nhân “ngớp” lên một cái là ông nhảy xuống cứu. Nhưng, thật lạ, sau cú nhảy, người đàn ông chìm nghỉm, không để lại một sủi tăm nào. Đây là điều mà chưa bao giờ ông Chúc gặp phải. Theo quy luật “nhảy cầu” mà ông Chúc đã từng cứu sống rất nhiều người thì khi thân người chạm xuống nước sẽ có 3 lần “giã gạo”, tức là trồi lên hụp xuống 3 lần thì mới chìm hẳn. Chỉ cần nạn nhân trồi lên, ông Chúc sẽ cứu sống. Trước giờ, chưa có vụ nào như thế mà thất bại cả.

Ông Chúc và đội cứu hộ quần thảo, xới tung mặt sông vẫn không tìm thấy dấu hiệu gì. Trời đã về đêm, gió thổi ngày một mạnh, ánh đèn vàng vọt trên thành cầu không đủ để phủ sáng mặt nước. Ông Ba Chúc bất lực quay trở về, sau hơn 1 tiếng tìm kiếm vô vọng. Cả đêm, ông không chợp mắt nổi, không phải vì ám ảnh, mà bởi ông xót xa cho một cuộc đời. Sáng ngày hôm sau, ông lặng lẽ cầm cờ trắng bơi xuồng đi tìm xác. Cờ trắng là ám hiệu cho tàu bè trên sông hoặc người đi câu cá nhận biết xuồng tìm xác để họ giúp đỡ.

Ngày thứ 3, ông Ba Chúc lại đi tìm. Lần này ông đi về hướng Bình Dương, hy vọng những dải lục bình sẽ mang theo người xấu số dạt vào bờ. Ông đi không thể kể đếm số vòng, đi đến khi nắng chói trên đỉnh đầu và ánh đèn trên cầu Bình Lợi bật sáng thì mới quay trở về. “Nếu không tìm thấy, tôi không thể yên. Nó như có gì đó cấu xé trong lòng”, ông Ba Chúc chia sẻ.

Mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống

Gần 50 năm trên sông, ông Ba Chúc không nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người và vớt được bao nhiêu xác. Trời thương, ban cho ông nghị lực và sức khỏe, ông không sợ bất cứ thứ gì, thậm chí, cái chết cũng chẳng khiến ông ám ảnh nữa. Nột lần duy nhất trong đời, ông đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Cũng là câu chuyện vớt xác, cách đây gần chục năm rồi. 

Trong cuộc sống thường ngày, ông Ba Chúc luôn là người lạc quan.

Đó là một buổi sáng, khi ông Ba Chúc đang đi thu lưới dưới chân cầu Bình Triệu. Ông nhìn thấy trong bãi lục bình có một xác người nổi lên. Ông nhanh tay chèo xuồng tới, túm lấy cái xác, buộc dây để kéo vào bờ. Ông bỗng giật mình, khi nhìn thấy chiếc chân đứa trẻ lấp ló trước bụng của người mẹ. Ông đứng lặng hồi lâu, tay run rẩy, nước mắt cứ thế trào ra.

Đưa nạn nhân vào bờ, ông gọi lực lượng chức năng tới xử lý. Họ mời ông đi cùng để làm chứng nhưng ông xua tay, ông bảo: “Tôi chứng kiến như thế quá đủ rồi, tôi không cầm lòng được vì đứa trẻ vô tội kia”.

Ông buồn đến cả tháng, vừa thương lại vừa trách người mẹ. Đứa trẻ làm gì nên tội mà bắt nó phải chết. Từ đó, mỗi khi cứu sống được một người, ông luôn lấy tình mẫu tử thiêng liêng và ơn nghĩa sinh thành ra để khuyên bảo người ta.

Nỗi buồn của ông Ba rồi cũng trôi lẫn vào con sóng. Thời gian sau, ông cứu được một cặp mẹ con. May là hôm đó, ông Ba Chúc đang giăng lưới dưới chân cầu Bình Lợi. Vừa nghe một tiếng “ùm” phía sau lưng, ông giật máy đuôi tôm tiếp cận hiện trường sớm nhất. Nạn nhân vừa ngớp lên, ông đã túm được chiếc áo rồi xốc nhanh lên xuồng. Ông đưa vào ghe của nhà cho vợ thay quần áo, sưởi ấm và chăm sóc. 

Chờ nạn nhân tỉnh lại, ông bà mới lựa lời nói chuyện. Cô gái con rất trẻ, đã có chồng và con trai 5 tuổi. Chồng và con đã sang Mỹ định cư, riêng cô ở lại chờ làm thủ tục bảo lãnh. Trong những ngày rảnh rỗi, cô gái đi chơi rồi không giữ được mình dẫn đến có thai 4 tháng với người đàn ông khác. Lo sợ chồng biết chuyện nên cô gái tìm đến cái chết để giải quyết bí mật động trời. 

Ông Ba Chúc khuyên: “Con còn quá trẻ, sẽ làm lại cuộc đời được. Hãy cứ nói lỗi lầm này cho chồng biết. Nếu anh ta chấp nhận được thì tốt, còn không thì con tự mình sinh đứa trẻ này ra, bác tin hạnh phúc sẽ mỉm cười với con”. Cô gái nghe lời, nói hết sự thật cho chồng biết. Người chồng vị tha, chấp nhận và đón hai mẹ con cô sang Mỹ định cư. Từ đó đến nay, hễ năm nào về Việt Nam, cô gái lại bế đứa nhỏ tới thăm vợ chồng ông Ba Chúc.

Người ta nhảy cầu vì vô vàn lý do, nhiều nhất là tình cảm và nợ nần. Cách đây ít năm, vào khoảng 5 giờ sáng, ông Ba Chúc đi đặt lưới thì nhìn thấy một xác trôi sông. Ông nhanh chóng tới, dùng mái chèo đẩy về phía xuồng, khi ông đang lấy dây thừng để buộc vào kéo đi thì cái xác giơ tay lên chụp lấy cổ tay ông. Tim ông như muốn rụng ra, lần đầu tiên có cảm giác hoảng sợ. 

Ông lên tiếng: “Cô vẫn còn sống thì để tôi đưa vào bờ cứu cô”. Xác chết không trả lời, ông kéo vào bờ hô hấp nhân tạo rồi để vợ thay đồ, xoa dầu, cho uống gừng nóng. Khoảng 30 phút sau, người phụ nữ tỉnh lại. Câu đầu tiên bà hỏi ông Ba Chúc: “Tôi chết rồi mà, sao lại ở đây?”. Khi biết mình còn sống, bà ấy đã khóc rất nhiều. Bà bảo, mình đã nhảy cầu Bình Triệu và may mắn bám vào được chiếc bẹ dừa nên không bị chìm.

Ông Ba Chúc có nguyện vọng truyền nghề vớt xác cho con nhưng 4 người con của ông đều là nữ nên không thể nối nghiệp cha được

Bà không muốn về nhà nữa, vì đang nợ ngập đầu, không c.n lối thoát. Ông Ba Chúc khuyên: “Nhưng, cái chết cũng không thể xóa được nợ. Nó sẽ theo cô sang kiếp sau và người còn sống sẽ phải khổ vì món nợ này. Cô còn sức khỏe, chịu khó lao động để trả dần, tôi nghĩ không ai ép cô vào đường cùng nữa đâu”. Nghe xuôi lòng, bà ấy đồng ý để ông Ba Chúc đưa về nhà.

Căn nhà chỉ còn một mẹ già đang khóc cạn nước mắt chờ mong con gái và 2 chủ nợ ngồi chờ sẵn. Nghe xong câu chuyện từ cõi chết trở về của con nợ, chủ nợ cũng xót xa, đồng ý không đòi vào lúc này. Người mẹ già quỳ phục xuống cảm tạ công ơn cứu mạng con gái. Trước khi ra về, bà vét tất cả số tiền còn lại được 50.000 đồng gửi cho ông Ba Chúc để tỏ lòng mang ơn. Ông Ba nghẹn ngào từ chối.

Bao nhiêu lần cứu người là bấy nhiêu lần ông Ba Chúc thành “chuyên gia” tư vấn tâm lý. Ông khuyên người ta bằng lời lẽ chân thật, mộc mạc thấm nhuần triết lý nhân văn: “Hãy trân trọng thân xác này vì chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Hãy đi vào bệnh viện, để thấy bệnh nhân khao khát sự sống đến nhường nào...”.

Ngọc Hoa
.
.