Thành phố những tấm lòng thơm thảo

Người lặng lẽ gieo mầm yêu thương

Thứ Bảy, 20/06/2015, 08:00
Hành trình kiếm tìm những cư dân đất Sài thành bình dị mà cao quý lần này đã là cầu nối cho tôi gặp ông, một người thầy chưa từng học qua trường lớp sư phạm, chỉ xuất phát từ tình yêu thương vô bờ đã cưu mang hơn 100 đứa trẻ với nhiều hoàn cảnh đáng thương.

Thoạt nghe chuyện có ông giáo ôm vào lòng, nuôi ăn, dạy học, dạy làm người cho ngần ấy trẻ mà chẳng yêu cầu được đáp đền hay vinh danh, không ít người nghĩ ông là đại gia. Nhưng kỳ thực, như ông nói, ông là dân lao động nhập cư, để có thể tồn tại và nuôi hai con ăn học ở đất Sài thành, ông cũng như bao người, buôn gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối, dành dụm, chắt chiu từng đồng.

Trong cái cảnh như ông, người ta chỉ lo cho thân mình thôi đã thấy khó, huống gì ông cưu mang cho ngần ấy trẻ thơ. Lặng lẽ gieo mầm yêu thương bằng chính lòng mình và sức mình, ông, người thầy giáo của lớp học yêu thương dành cho con em công nhân và lao động nhập cư đã khai sinh và nuôi dưỡng lớp học cổ tích của mình như thế nào?!

1. Tọa lạc trên đường Phan Anh (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú), lớp học của thầy Hùng là một căn nhà cấp 4 rộng chừng 50m², lợp mái lá, nằm bên hông một căn nhà 3 tầng to đùng. Thầy Hùng dáng dong dỏng cao, tóc bạc trắng. Lúc tôi đến thăm, ông đang tất bật với hơn 100 đứa trẻ được các bác sĩ đoàn Niềm Tin thăm khám và điều trị: "Con là con của người ta, cháu là cháu của thiên hạ vậy nhưng thầy rất yêu thương, thầy đối đãi với sắp nhỏ như máu mủ ruột rà. Thầy nuôi ăn, thầy dạy học và dạy bảo bọn trẻ điều hay lẽ phải... giúp những phụ huynh như tôi an tâm khi vào công xưởng. Trẻ đến với thầy mỗi đứa một cảnh đời khác nhau nhưng đều có điểm chung, có tuổi thơ không ấm êm, đầy đủ".

Thầy Hùng cùng các học trò tại lớp học yêu thương.

Có con trai 9 tuổi đang nương tựa tại lớp học tình thương của thầy Hùng, anh Nguyễn Kỳ, công nhân may, 36 tuổi, người tỉnh Vĩnh Long khi được hỏi thăm đã bộc bạch những lời ruột gan ấy.

Kỳ cho biết vợ anh cũng là công nhân, người huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau: "Tụi tôi làm cùng tổ sản xuất, ở cùng khu phòng trọ, cùng cái cảnh tha hương lại cùng quê quán miền Tây nên đồng cảm, rồi thương, rồi đến với nhau. Tiếng là vợ chồng chứ có đám hỏi đám cưới gì đâu, thương nhau thì ráp lại góp gạo thổi cơm rồi sinh con đẻ cái. Hai năm trước, khi thằng bé thứ 2 được 5 tuổi thì vợ tôi bị ung thư phổi, chữa trị được một thời gian thì vợ tôi qua đời. Cái cảnh gà trống nuôi con cực lắm, quần quật suốt ngày, tăng ca triền miên. Lúc nào không đi làm thì ngủ vùi lấy sức, thành ra không có thời gian chăm sóc con. Một đứa tôi gửi về cho ông bà nội ở quê chăm, đứa còn lại tôi để trên này, sợ thằng nhỏ hư nên khi đi làm là tôi khóa trái cửa nhốt nó ở trong nhà. Nhốt một thời gian thì tôi thấy nó khờ khờ không lanh lợi như con người ta nhưng biết làm sao được. Đến khi dời về khu vực này làm công nhân, biết được lớp học tình thương của thầy Hùng, tôi mừng quá liền đưa con đến…".

Rắn rỏi là thế nhưng khi được hỏi thăm chuyện đời của mình và con, anh Kỳ trò chuyện với đôi môi mấp máy và đôi mắt ướt đẫm. Dứt câu chuyện thương đau của mình, anh Kỳ hướng ánh mắt về phía 3 đứa trẻ gồm 1 trai 2 gái đang chụm đầu ăn cơm tại lớp học tình thương của thầy Hùng, giọng trĩu nặng ưu tư: "Trong 3 đứa nhỏ này, có đứa theo mẹ theo cha sống ở các phòng trọ quanh các khu công nghiệp tại khắp các quận huyện. Có đứa mẹ bỏ cha, có đứa thì bị cha bỏ rơi nó cùng mẹ... Nghiệt ngã lắm!".

Con bé tên Loan, 8 tuổi, con chị Lê Thị K., 29 tuổi, kiếm sống bằng nghề móc bọc, là một trong 3 đứa trẻ có thân phận buồn mà anh Kỳ đề cập. Như mẹ, L. cũng đi móc bọc khắp các hẻm hóc cùng xó chợ đầu đường. 8 tuổi nhưng vì ngày ngày muối mặt giữa nắng gió bụi đường nên con bé đen đúa, gầy guộc, bé choắt cứ như trẻ mới lên 5. Chị K. cho biết Loan còn có em trai 5 tuổi.

Hỏi chuyện đời chuyện nghề, K. trầm giọng: "Vợ chồng công nhân mà anh, chục cặp thì có hơn phân nửa sống với nhau được một thời gian thì tan đàn xẻ nghé. Em móc bọc, thu mua phế liệu, còn ba sắp nhỏ là công nhân giày da. Để đỡ khổ, em và ổng ráp lại góp gạo. Với thu nhập bèo bọt của hai đứa em, sống thôi đã khó nói chi lo cùng lúc cho 2 đứa con, đủ khoản phải chi. Sống với ba mẹ con em được một thời gian, thấy đói khổ bế tắc quá, vậy là ổng lẳng lặng ra đi, để mấy mẹ con em sống lê lết khắp nơi. Giờ dạt về gần đây, nghe có thầy Hùng sẵn lòng đỡ đần, em mừng quá".

2. Thầy Đoàn Minh Hùng, sinh năm 1962, người tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước khi trò chuyện với ông, tôi có trao đổi với bác sĩ Thế Dũng Trưởng đoàn Niềm Tin và được anh cho biết, căn nguyên của việc các thành viên đoàn tổ chức khám bệnh, tầm soát bệnh cho 130 học trò nghèo của thầy Hùng.

Theo chia sẻ của bác sĩ Dũng, từ thông tin của Nhóm thiện nguyện Tự Tâm (tập hợp các bạn trẻ là sinh viên, nhân viên văn phòng trên địa bàn TP HCM và nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, có cùng tâm nguyện sống san sẻ yêu thương-PV) qua khảo sát, các thành viên trong Đoàn Niềm Tin ghi nhận vợ chồng thầy Hùng hết lòng với trẻ thơ có hoàn cảnh đặc biệt, thực tâm lo lắng cho tương lai, sức khỏe của các em nên đã đến hỗ trợ.

Bác sĩ Thế Dũng đang khám bệnh cho các em.

Chiều muộn, sau khi việc thăm khám cho bọn trẻ đã xong, tôi được thầy Hùng giãi bày tâm sự. Ông nói đám trẻ là một "dàn hợp xướng éo le". Mỗi em là mỗi một nốt nhạc buồn với nhiều cung bậc lâm ly bi đát, đứa sinh ra không biết mặt cha, đứa lớn lên chưa bao giờ có được cái diễm phúc được nằm yên trong vòng tay ôm ấp của cả cha lẫn mẹ. Thầy Hùng trĩu giọng nói: “100% đứa trẻ hợp thành dàn hợp xướng buồn ấy, đứa trẻ nào cũng ấp ủ nhiều khát khao. Bộ quần áo mới, cái đùi gà chiên giòn với các em đã là mơ ước”.

Hơn 5 năm trước, vì kế sinh nhai nên vợ chồng thầy Hùng rời quê lên phố, tá túc trong những căn phòng trọ tập trung đông công nhân sống trong cái cảnh ấy. Ông nói khi ấy vợ ông kiếm sống bằng nghề bỏ mối rau củ, còn ông nhặt nhạnh từng đồng bằng nghề bán dao kéo và sửa đồng hồ dạo:  "Sống trong cái cảnh ấy, nhìn nhiều gia đình công nhân vì nặng gánh sinh nhai đi làm khóa trái cửa nhốt con trong căn phòng lợp mái tôn nóng như lò lửa, nhìn bọn trẻ đứa vật vờ, đứa xơ xác, rồi nhiều em lạc lõng, tụ bầy văng tục chửi thề khi bố mẹ vào ca, nói thật vợ chồng tôi rất xót".

Thầy Hùng bộc bạch, ông đã từng trải qua cuộc sống nhọc nhằn, khổ đau đã nếm trải nhiều nên khi thấy quanh mình có nhiều đứa trẻ sống thiếu thốn về mọi mặt, nhất là chuyện giáo dục nhân cách và học tập nên vợ chồng ông không đành lòng. Ngày nọ, khi còn ở địa bàn quận 6, vợ ông, bà Kim Chi thủ thỉ với chồng rằng con mình dù gì cũng được lo ăn học mai này có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, còn bọn trẻ kia, lớn lên trong cái cảnh ấy, nhiều em quá tuổi đến trường nhưng vì theo cha mẹ nay đây mai đó, học được dăm bảy bữa rồi dứt ngang, có em đến tuổi nhưng không được đến trường, một chữ bẻ đôi cũng không biết, biết ra sao ngày sau?!

"Bả bàn với tôi hai vợ chồng thay phiên nhau lúc nào rỗi rảnh thì gom mấy đứa nhỏ lại dạy tụi nó điều hay lẽ phải rồi dạy chữ. Lúc đầu chỉ dăm bảy trẻ thôi, ai ngờ càng về sau số trẻ đến càng đông" - thầy Hùng tâm sự. Ông nói, khi các em tìm đến, đâu thể chối từ thế nên vợ chồng ông lần lượt ôm vào lòng 10, 20, 30 rồi hơn 100 đứa trẻ lúc nào không biết: "Đừng tưởng trẻ con thì không biết gì. Mình có yêu thương bọn trẻ như con cháu trong nhà thì các em các cháu mới thương lại mình. Khi bọn trẻ đã thương đã tin mình rồi, có chuyện gì vui, có chuyện gì buồn, từ chuyện các cháu nhớ quê, nhớ ông bà, buồn vì thấy ba mẹ tối ngày cãi nhau, các cháu đều thủ thỉ tâm tình để được vỗ về, an ủi!

3. Thầy Hùng không nhớ đã bao lần đón nhận những đứa trẻ đi móc bọc, bán vé số với gương mặt bí xị, với tấm thân còm cõi tìm đến ông để được ôm ấp vỗ về và có được bữa ăn no. Ông cũng không nhớ đã bao lần, đêm hôm khuya khoắt phải lụi hụi thức giấc vì tiếng đập cửa với giọng thảng thốt âu lo "thầy ơi, cứu con". Ông giải thích thanh âm đau lòng ấy đến từ những người mẹ, người vợ là công nhân bị những anh chồng từng là đồng nghiệp với mình… bạo hành.

Bà Kim Chi giãi bày rằng từng sống trong cái cảnh phòng trọ với nhiều nam nữ công nhân nên hiểu rất rõ chuyện đời của họ. Dẫu là nam hay nữ đều bi đát, đáng thương. Họ là những lao động ở các vùng quê nghèo. Vì gia đình không có đất đai lại đông anh em, vì đất đai vườn tược của gia đình bị dính vô các dự án, bị thu hồi giải tỏa để làm công trình này nọ nên họ phải ly hương tìm đến chốn thị thành kiếm kế sinh nhai.  Họ chân chất, hiền lành, chịu thương chịu khó. Họ làm việc quần quật ngày đêm nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau…

"Đời sống vợ chồng công nhân không vướng bận chuyện con cái đã nghẹt thở rồi, huống gì cái cảnh 1-2 đứa trẻ lần lượt ra đời. Mà con công nhân có mấy đứa trẻ khỏe mạnh đâu. Vì mẹ lúc mang thai ăn uống kham khổ, thiếu dưỡng chất lại làm việc nặng nhọc nên bọn trẻ được sinh ra trong cái cảnh ốm yếu, nay đau mai bệnh. Con bệnh thì phải nghỉ việc để chăm, phải tốn kém tiền đưa con đi chữa trị, khám rồi phải cho con uống thuốc, phải bồi dưỡng cho con. Rồi tiền thuê phòng trọ, tiền điện nước, tiền đổ xăng đi lại, chi phí sinh hoạt hằng  ngày…, biết bao nhiêu khoản phải chi mà đồng lương eo hẹp của công nhân làm sao kham nổi! Sống trong cái cảnh cùng quẫn, bế tắc ấy, có cô vợ chịu không siết đã bỏ chồng, bỏ con. Và có những người chồng không nỡ bỏ lại vợ con thì chán đời, tiêu sầu bằng  rượu, say xỉn thì về phòng trọ bạo hành vợ con".

Người ta có vợ có chồng, có ông bà đỡ đần, có người giúp việc giúp sức vậy nhưng khi chỉ nuôi 1-2 đứa con đã thở than, kêu trời. Vậy nhưng vợ chồng thầy Hùng, với hơn 100 đứa trẻ, cho các em ăn, dạy các em học, dạy các em lẽ sống, sự khó nhọc cơ man nào kể siết. Vậy mà chẳng thấy ông thở than. Ông nói rất chân tình rằng ở đất Sài thành này, vợ chồng ông chẳng có nhà cửa gì cả. Căn nhà cấp 4 hiện tại được ông mở quán cơm chay Thiện Hòa, làm nơi tá túc của gia đình và bọn trẻ, đồng thời là lớp học của các em, là nơi để các em đến ngủ vùi sau ngày dài mưu sinh hay rúc vào lòng ông thổn thức vì những chuyện buồn của gia đình, là nhà ông thuê.

Hỏi chuyện, mới biết mỗi tháng, tính luôn cả tiền nhà và tiền điện nước cùng bao khoản lặt vặt khác trong việc cưu mang hơn 100 đứa trẻ, tổng chi phí gói ghém lắm cũng đến 20 triệu đồng. Để có thể xoay sở được, vợ chồng thầy Hùng cùng 2 con như ông nói, sốt sắng làm ăn, chi tiêu cần kiệm.

Thu nhập từ việc bán cơm chay không đủ để trang trải, khi rỗi rảnh, ông trở về với nghề cũ, ông cùng vợ bán sữa bắp, bán băng đĩa… và có lần đã bán luôn một phần đất gia tiên ở quê nhà mà hai vợ chồng ông dự tính mai về dưỡng già để lấy số tiền 200 triệu đồng duy trì lớp học: "Nhiều lúc mệt mỏi, muốn buông nhưng nghĩ đến bọn trẻ, vợ chồng tôi không đành lòng, rồi mọi chuyện cũng qua, cứ nhìn thấy các cháu ngoan, đọc thông viết thạo là vợ chồng tôi hạnh phúc rồi" - bà Kim Chi, chia sẻ.

Ông Bùi Minh Hùng, trưởng khu phố 4 - Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học cho biết trong cuộc sống thường ngày, vợ chồng thầy Đoàn Minh Hùng sống chan hòa, đạo đức, được mọi người quý mến. Tuy địa phương (phường Tân Thới Hòa) đã hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học, địa phương không còn người mù chữ nhưng vì trẻ ở đây là con em công nhân từ các địa phương khác đến có nhu cầu học tập, sinh hoạt, trước nghĩa cử của thầy Hùng, địa phương vẫn tạo điều kiện cho thầy, đưa hoạt động của thầy gắn với hoạt động cộng đồng học tập.

Tại nơi này, khi vào công xưởng, các phụ huynh công nhân có thể gửi con cho thầy Hùng và các em sinh viên tình nguyện chăm sóc, dạy, ôn tập lại và bồi dưỡng việc học cho các em, dạy cho các em kỹ năng sống… để các em được tốt hơn.

N.Thành Dũng
.
.