Người lính an ninh vùng đất mỏ

Thứ Hai, 07/10/2019, 21:42
Hơn 10 năm công tác, được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhiều người nhưng ấn tượng nhất trong tôi là người đồng chí có nụ cười tươi, khiếu hài hước, giỏi nghiệp vụ và giàu lòng đam mê với công việc. Anh là Trung tá Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng An ninh điều tra, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh.

Những chuyên án “để đời”

Năm 2007, đồng chí Lê Mạnh Hùng được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh điều động về nhận công tác tại Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, khi đó anh là Đội trưởng Đội an ninh Công an huyện Cô Tô, đã có hơn 10 năm gắn bó với biển đảo, với người dân Cô Tô hiền hòa, đã đạt được rất nhiều thành tích nổi bật trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Khi được lựa chọn nguyện vọng công tác, anh xin về Phòng An ninh điều tra để tiếp tục học tập, trau dồi nghiệp vụ, thử thách bản thân và gắn bó với Phòng An ninh điều tra từ đó cho tới nay.

Trong quá trình công tác, anh được lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo đơn vị phân công công tác tại Đội Điều tra, nhận nhiệm vụ truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã, trong đó phần lớn là đối tượng truy nã lâu năm. Tài liệu liên quan đến đối tượng truy nã đều đã cũ, ảnh đối tượng ố mờ, thời gian trôi qua nhiều năm, đối tượng đã tạo cho mình vỏ bọc chắn chắn, thậm chí đã thay tên đổi họ. Để lần tìm dấu vết của chúng là việc không hề dễ dàng nếu không có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và hơn hết là sự nhiệt huyết, say mê với công việc.

Trung tá Lê Mạnh Hùng.

Vì thế, Trung tá Lê Mạnh Hùng tập trung thời gian nghiên cứu tỉ mỉ tài liệu, dựng lại quan hệ của đối tượng và xây dựng kế hoạch truy bắt. Từ năm 2007 đến năm 2017, anh đã chỉ huy và trực tiếp truy bắt 20 đối tượng truy nã. Tính riêng năm 2011, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Mạnh Hùng, tổ công tác bắt truy nã đã bắt, vận động được 6 đối tượng, trong đó có đối tượng Vũ Thị Yến, chuyên cung cấp tiền giả từ Đông Hưng, Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.

Đối tượng này thường xuyên lẩn trốn, sinh sống tại Trung Quốc, công tác xác minh, truy bắt gặp nhiều khó khăn. Anh đã phải mất rất nhiều công sức mới biết nơi Yến trốn và mất nhiều thời gian, những đêm không ngủ để bắt được đối tượng này. 

Từ thành công trong công tác bắt truy nã, lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo đơn vị tiếp tục giao cho anh những vụ án khó, phức tạp. Với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Công an nhân dân, cùng với khả năng phán đoán, đánh giá chứng cứ, trí thông minh, sự thông hiểu pháp luật, Trung tá Lê Mạnh Hùng đã điều tra, làm rõ, đưa nhiều đối tượng phạm tội ra truy tố trước pháp luật, góp phần thực hiện tốt công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Một trong những vụ án để lại dấu ấn mà anh trực tiếp cùng đồng đội điều tra, làm rõ có thể kể đến là vụ án “Sản xuất hàng giả” xảy ra tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Vụ án được Lãnh đạo Bộ Công an, Cục nghiệp vụ và Công an tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm do tính chất phức tạp, liên quan đến an ninh viễn thông, an toàn thông tin.

Ngay sau khi lực lượng hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái phát hiện, tạm giữ 24.900 thẻ cào nạp tiền Mobifone giả ngày 16-1-2014, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, giao vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là đồng chí Lê Mạnh Hùng thụ lý điều tra. Đây là vụ án không rõ đối tượng, phương thức thủ đoạn của bọn phạm tội hoàn toàn mới, hết sức tinh vi.

Tại thời điểm bắt giữ các đối tượng, lực lượng hải quan không bắt được đối tượng chính, đến khi bàn giao vụ việc cho cơ quan điều tra đã quá lâu (2 tháng), các đối tượng có thời gian tính toán, đối phó gây khó khăn cho công tác điều tra.

Nhận thấy đây là vụ án phức tạp liên quan đến lĩnh vực an ninh thông tin và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và quá trình kinh doanh của các công ty viễn thông nói chung và Công ty thông tin di động Mobifone nói riêng, đồng chí Lê Mạnh Hùng đã đưa ra nhận định và các giả thiết để tiến hành điều tra.

Sau hơn 2 tháng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào nhóm đối tượng vận chuyển, đã xác định được nhóm 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Chung (SN 1980, trú tại phường Tân Bình, TP Hải Dương), Phạm Văn Duật (SN 1981, trú tại Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương), Trần Việt Cường (SN 1981, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng), Đào Anh Tuấn (SN 1978, trú tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Các đối tượng trên đã móc nối với đối tượng người Trung Quốc sản xuất thẻ cào nạp tiền Mobifone giả bằng phương pháp nhân bản hàng chục lần mã pin thật, sau đó vận chuyển về Việt Nam, sử dụng tư cách pháp nhân của 3 công ty là: Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông Lê Duy (trụ sở 371, Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương), Công ty cổ phần Viễn thông Bắc Trung Nam (trụ sở 28, Thái Bình, phường Tân Bình, TP Hải Dương), Công ty cổ phần Đại Long (trụ sở 39, đường Lê Thanh Nghị, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) để dùng các thẻ cào nạp tiền giả của mạng Mobifone trên làm tài sản thế chấp, vay một số lượng lớn tiền (khoảng 35 tỷ đồng Việt Nam) tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Hải Dương, chia nhau sử dụng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả”, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự; khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm: Phạm Văn Duật, Trần Việt Cường, Đào Anh Tuấn, Nguyễn Văn Chung, chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng và các bị can có liên quan trong vụ án đến Cơ quan điều tra hình sự các tổ chức sự nghiệp - Bộ Quốc phòng để điều tra theo thẩm quyền.

Trung tá Lê Mạnh Hùng họp bàn kế hoạch phá án.

Năm 2017, Cơ quan an ninh điều tra tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với số lượng lớn, liên quan đến một số công ty có địa chỉ tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi được phân công thụ lý điều tra, nhận định đây là một đường dây, tổ chức hoạt động chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài với số lượng lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh, Trung tá Lê Mạnh Hùng cùng đồng đội thực sự trăn trở, nhiều đêm mất ngủ, suy nghĩ tìm hướng điều tra vụ án.

Sau 2 tháng quyết tâm, sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các giả thuyết điều tra và trực tiếp xác minh tại các địa bàn trong và ngoài tỉnh, các trinh sát đã xác định một đường dây sử dụng hồ sơ giả của Công ty M.K.V.T và Công ty H.A để hợp thức hóa việc chuyển tiền ngoại tệ từ Việt Nam đến nhiều địa chỉ ở các nước trên thế giới. Số tiền vận chuyển trái phép lên tới 3.200 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Trung tá Lê Mạnh Hùng thường xuyên đưa ra những nhận định, phán đoán, kế hoạch phá án, thời điểm phá án và thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giữ các đối tượng liên quan để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo cấp trên. Đồng thời, anh chủ động huy động, phân công lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra.

Kết thúc điều tra giai đoạn 1 và 2, đã khởi tố, bắt giữ, đề nghị truy tố 12 đối tượng về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” quy định tại Điều 267 và Điều 154 Bộ luật Hình sự, tiếp tục điều tra mở rộng các tình tiết liên quan đến vụ án.

Ngoài hai vụ án điển hình trên, Trung tá Lê Mạnh Hùng còn trực tiếp điều tra và chỉ đạo điều tra nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, án tham nhũng, án khác thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan an ninh điều tra. Có thể kể đến vụ án Đào Đức Minh, phạm tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ”, xảy ra tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh năm 2015; vụ án “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” xảy ra tại thị xã Quảng Yên năm 2016 và nhiều vụ án khác. Mỗi khi được phân công thụ lý điều tra, anh luôn trăn trở, nhiều đêm thức trắng tìm những cách làm hay, sáng tạo để truy tìm đối tượng phạm tội, đề nghị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Cảm tình trong lòng đồng đội

Trải qua hơn 10 năm công tác tại Phòng An ninh điều tra, Trung tá Lê Mạnh Hùng đạt được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh và giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh về thành tích điều tra, xử lý tội phạm.

Có nhiều thành tích nổi bật nhưng anh chưa một lần kể về thành công của mình. Với chúng tôi, những người đồng nghiệp của anh, hằng ngày tiếp xúc với anh, là đầy ắp những tiếng cười, là tên gọi “đại ca” đầy trìu mến, là những lúc hồn nhiên chơi chung một ván “Đế chế”, ai thắng được một bữa cà phê say ngất đến tận chiều. Trong công việc anh luôn nghiêm túc nhưng trong cuộc sống lại giản dị, chan hòa. Chúng tôi đã học hỏi anh rất nhiều, từ sự sắc bén trong nghiêp vụ, nhạy cảm trong phán đoán, đến tinh thần trách nhiệm ở mỗi một vụ án. Anh là người truyền lửa, niềm đam mê, sự nhiệt huyết với công việc cho chúng tôi.

Trung tá Lê Mạnh Hùng trong chuyến đi từ thiện tại Lào Cai năm 2015.

Và trên tất cả, chúng tôi cảm nhận thấy tình yêu, niềm tự hào của đồng nghiệp dành cho anh. Nhất là khi nhìn thấy những ánh mắt tin yêu của các em nhỏ ở những thôn bản xa xôi, nơi anh và bạn bè của mình rong ruổi trong những chuyến đi thiện nguyện đầy tâm huyết. Là sự chào đón chân tình của người dân huyện đảo Cô Tô nơi anh từng công tác. Hay sự biết ơn của những con người lầm lỡ, thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm tội, đã được anh giúp đỡ sau khi hoàn lương trở về...

Tôi đã đọc bài thơ “Nguyện cầu” anh viết về mẹ đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam số ra ngày 8-3-2019, đã đọc bài viết “Số phận hai người đàn bà đẹp và lòng tốt của một thiếu tá công an” đăng trên Báo Dân trí ngày 9-5-2015, đã được sống lại hành trình phá án cùng anh và các đồng nghiệp trong một phóng sự điều tra của Truyền hình ANTV, để tôi càng thêm trân trọng trái tim giàu lòng trắc ẩn, tinh thần tận tụy với nhiệm vụ của anh.

Ở anh, luôn có phong cách làm việc tích cực, khoa học, không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm đấu tranh trấn áp tội phạm, một tấm lòng “sống để yêu thương” san sẻ với mọi người.

Bùi Hoa
.
.