Chuyện những người nuôi hy vọng cho tử tù

Thứ Ba, 03/03/2015, 17:30
"Cán bộ ơi, cuộc đời này kể cả chết em cũng không bao giờ quên ơn cán bộ đâu" - Lời cảm ơn của một phạm nhân từ khu giam tử tù là một trong những kỷ niệm không thể nào quên đối với người thầy thuốc trẻ đang công tác tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an TP Hà Nội…

Khổ như bác sĩ trại giam              

"Làm bác sĩ trong này khó thật!". Chứng kiến công việc hàng ngày của những người thầy thuốc mặc sắc phục cảnh sát tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an TP Hà Nội, phạm nhân Nguyễn Hữu Khai - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long đã thốt lên như vậy.

Là một trong những phạm nhân lớn tuổi đang được điều trị tại bệnh xá, ông Khai cho biết thời điểm trước khi bị bắt, ông bị bệnh gout khá nặng dẫn đến viêm đa khớp.

Thời gian đầu khi bị bắt giam về tội "sử dụng trái phép tài sản", bệnh gout hoành hành, biến chứng thành sùi khớp khiến ông vô cùng đau đớn, đi lại khó khăn, phải vịn tường hoặc bám vào người khác.

Tháng 6/2014, khi chuyển đến Trại tạm giam Công an Hà Nội, qua khám bệnh, ông Khai được chuyển tới bệnh xá của trại để điều trị. Sau 2 tháng được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh thuyên giảm, ông Khai đã tự đi lại được, dần lấy lại thể lực của một võ sư.

Cảm kích trước những tấm lòng yêu thương chăm sóc phạm nhân bị bệnh, mặc dù là bệnh nhân nhưng ông Khai tình nguyện xin phụ giúp các bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân yếu hơn đang điều trị tại bệnh xá.

Khám chữa bệnh cho phạm nhân tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an Hà Nội.

Làm nghề y, lại là "ông chủ" Bệnh viện Bảo Long, ông Nguyễn Hữu Khai nói rằng, có ở trong trại mới thấm thía hết  khó khăn của những người thầy thuốc trong môi trường đặc biệt này.

Nếu như ở bệnh viện ngoài, bệnh nhân coi bác sĩ như ân nhân, chấp hành tốt mọi chỉ định điều trị của bác sĩ, thì ở trong này, các bác sĩ vô cùng vất vả khi làm nhiệm vụ "cứu người" của mình.

Do đặc thù là trại tạm giam nên tính chất bệnh nhân đang là can phạm, phạm nhân ở đây cũng hết sức phức tạp.

Nhất là số can phạm trong các vụ án đang điều tra, do chưa xét xử nên diễn biến tâm lý không ổn định, có nhiều chiêu trò giả bệnh, hoặc cố tình làm cho bệnh nặng thêm  nhằm được ra các bệnh viện ngoài điều trị để có cơ hội gặp gỡ người thân, thông tin với các đối tượng bên ngoài… đối phó với Cơ quan điều tra.

Chuyện phạm nhân "cò quay" giả bệnh thường xuyên xảy ra. Có phạm nhân không ngủ được quậy phá bằng trò hét lên, ôm bụng quằn quại kêu đau, chỉ để được đưa ra khỏi buồng giam.

Tất nhiên qua thăm khám, những trò ma mãnh này không qua được con mắt chuyên môn của các bác sĩ, nhưng như vậy cũng đủ thấy công việc của những người thầy thuốc nơi đây luôn căng thẳng, không chỉ chữa bệnh đúng chuyên môn mà còn phải "bắt bệnh" đối với các trường hợp giả bệnh.

Chưa kể những phạm nhân bị bệnh nặng, bệnh truyền nhiễm,  HIV giai đoạn cuối… trên người lở loét, tanh hôi, khả năng lây nhiễm cao.

Không người thân thích, bên cạnh họ chỉ là những bác sĩ công an khoác áo blouse trắng, hằng ngày tận tình lau rửa từng vết thương, vỗ về động viên, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân.

 Ông Nguyễn Hữu Khai nói rằng, phong trào "Nói không với phong bì", quy tắc ứng xử và nâng cao y đức của ngành y tế có lẽ chỉ áp dụng với các bệnh viện ngoài.

Đối với các thầy thuốc đang làm việc trong các trại giam, trại tạm giam, "văn hóa phong bì" dường như là điều hết sức xa lạ.

Ở trong môi trường đặc biệt này, đối với bệnh nhân - phạm nhân, các chiến sĩ công an khoác áo blouse trắng không chỉ là thầy thuốc mà còn là những người thân ở bên cạnh chăm sóc, động viên họ chiến đấu với bệnh tật, có sức khỏe để cải tạo tốt,  sớm trở về gia đình.

Ông Khai bảo, ông có một nguyện vọng, sau này khi  ra trại, nếu được cho phép, ông sẽ quay lại giúp Trại tạm giam Công an Hà Nội xây dựng một vườn thuốc nam trong khuôn viên trại để tri ân các cán bộ quản giáo, đặc biệt là các thầy thuốc nơi đây đã yêu thương, chữa bệnh cho ông và các phạm nhân khác bằng cả tấm lòng, bằng y đức, không có sự phân biệt đối xử.

Khám chữa bệnh cho phạm nhân tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an Hà Nội.

Chữa bệnh, nuôi hy vọng cho tử tù

Thiếu úy Nguyễn Thị Thu Lan, bác sĩ trẻ tăng cường cho bệnh xá Trại tạm giam Công an Hà Nội vẫn đỏ mặt khi kể lại những ngày đầu nhận công tác.

Thấy bác sĩ nữ trẻ, chưa có gia đình, nhiều đối tượng cố tình đòi hỏi thăm khám thiếu tế nhị. Thế nhưng cảm giác lo lắng, e dè ban đầu cũng qua nhanh.

Được bác sĩ Lan tận tình khám bệnh, cấp phát thuốc điều trị, chính những phạm nhân ban đầu tỏ ra bặm trợn nhất đã thay đổi thái độ, nghiêm túc hợp tác, chấp hành quy định.

Thiếu úy Nguyễn Thị Thu Lan tâm sự, trước đây công tác tại Bệnh viện Công an TP Hà Nội, đối tượng thăm khám của chị là những đồng nghiệp nên công việc khá suôn sẻ, thuận lợi.

Hai tháng tăng cường cho Bệnh xá Trại tạm giam, chị vô cùng cảm phục sự hi sinh thầm lặng của y bác sĩ đang làm việc tại đây.

Chưa kể số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá, mỗi ngày, mỗi bác sĩ còn phải thăm khám cho hàng trăm phạm nhân tại các buồng giam.

Do đặc thù công việc, bác sĩ phải trực tiếp đến các khu giam  khám bệnh cho phạm nhân để phân loại, sàng lọc điều trị. Phạm nhân nào bị bệnh nặng sẽ đề xuất chuyển tới bệnh xá hoặc các bệnh viện bên ngoài. Với số lượng bác sĩ còn hạn chế nên cường độ công việc vô cùng vất vả, trực đêm liên miên.

Nhưng chính trong môi trường thử thách này, bác sĩ Lan đã học được sự cảm thông, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, san sẻ gánh nặng công việc từ những người đồng nghiệp. Chính vì vậy chị đã xung phong được ở lại bệnh xá làm việc, sát cánh cùng những người thầy thuốc đã và đang kiên trì bám trụ tại đây.

Cùng tâm trạng như bác sĩ Lan, Thiếu úy - bác sĩ Nguyễn Thế Nhiên nói rằng, khi nhận nhiệm vụ công tác tại bệnh xá Trại tạm giam là xác định công việc sẽ vất vả và phức tạp.

Ở môi trường trại giam thì ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ phải cần trang bị cả kiến thức tâm lý để nắm bắt tâm tư của bệnh nhân.

Nhất là số bệnh nhân là can phạm mới bị bắt giữ, thông thường tư tưởng của họ rất dao động, thậm chí manh động. Ngoài chiêu trò chống đối thì không ít phạm nhân tỏ ra bất cần, bất hợp tác với việc khám chữa bệnh của bác sĩ.

Trong những trường hợp như vậy, ngoài chữa bệnh, bác sĩ còn dành thời gian hỏi chuyện, động viên bệnh nhân, phân tích cho họ hiểu việc giữ gìn sức khỏe để cải tạo tốt, có cơ hội trở về gia đình.

"Đối với một bác sĩ thì chỉ cần bệnh nhân khỏe là mình vui rồi. Không cần biết họ là ai, họ phạm tội gì bởi họ phạm tội với xã hội chứ với bác sĩ thì họ chỉ là bệnh nhân cần được cứu chữa. Cảm hóa bệnh nhân - phạm nhân cũng là trách nhiệm của một bác sĩ công an" - bác sĩ Nhiên chia sẻ.

Bác sĩ Nhiên kể, trường hợp phạm nhân Cao Thượng Hải phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Do Hải chống đối quyết liệt nên đã bị tổ cảnh sát cơ động dùng súng AK bắn vào chân để bắt giữ.

Khám chữa bệnh cho phạm nhân tại Bệnh xá Trại tạm giam Công an Hà Nội.

Sau khi mổ cấp cứu tại Bệnh viện 19-8, phạm nhân Cao Thượng Hải được chuyển về bệnh xá Trại tạm giam Công an Hà Nội tiếp tục điều trị.

Thời gian đầu, mặc dù vết thương rất nặng phải khoét bỏ hầu hết phần cơ thịt, mất máu nhiều nhưng mỗi lần được bác sĩ Nhiên thay băng, Hải luôn miệng nói tôi khỏe, không cần khám bệnh, thái độ hết sức tiêu cực.

Sau 6 tháng được bác sĩ trẻ kiên trì điều trị, vết thương của phạm nhân Hải ổn định, được chuyển vào buồng giam. Một hôm vào khu giam tử hình khám bệnh, bác sĩ Nhiên chợt nghe tiếng gọi khẽ: "Cán bộ ơi". Đến gần buồng giam, bác sĩ Nhiên nhận ra đó là tiếng của phạm nhân Cao Thượng Hải.

Nhìn thấy vị bác sĩ đã tận tình chữa lành vết thương cho mình, Hải rơm rớm nước mắt nói: "Cuộc đời này, kể cả chết em cũng không bao giờ quên ơn cán bộ đâu".

Bác sĩ Nhiên nói rằng, ở môi trường đặc biệt này thì những lời cảm ơn chân thành của phạm nhân là món quà động viên tinh thần quý nhất đối với các y bác sĩ.

33 năm gắn bó với công việc của một bác sĩ trong trại giam, với Trung tá - bác sĩ Lê Thị Thu, điều khiến chị bám trụ với nghề, chính là những ánh mắt, nụ cười biết ơn của những phạm nhân được chị chữa khỏi bệnh.

Bác sĩ Thu tâm sự, học ngành y, ai chẳng có ước mơ được công tác tại các bệnh viện lớn, và một môi trường làm việc thuận lợi nhất để có cơ hội thể hiện khả năng chuyên môn "cứu người".

Môi trường làm việc trong trại giam nhiều lúc không tránh khỏi tâm trạng chạnh lòng so với các đồng nghiệp bên ngoài.

Nhưng nhìn những ánh mắt khẩn khoản, trông chờ của phạm nhân khi bên cạnh họ không hề có người thân chăm sóc đã níu kéo chị. Đã đứng trước người bệnh thì không cho phép bác sĩ chần chừ, dao động ngoài mục tiêu cứu người.

Những năm gần đây, do thay đổi biện pháp thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cũng khiến số phạm nhân tử tù tại Trại tạm giam Công an Hà Nội tăng cao.

Đối với tử tù, công tác khám chữa bệnh cũng áp lực hơn. bác sĩ phải vào tận buồng giam khám cho phạm nhân. Khám chữa bệnh cho tử tù vì thế cũng kỳ công hơn.

Với tính chất phức tạp nên đối với tử tù bị bệnh nặng phải đưa ra khỏi buồng giam điều trị, kéo theo vất vả không chỉ của y bác sĩ mà còn cả lực lượng cảnh sát bảo vệ hỗ trợ tư pháp.

Tử tù nằm viện, ngoài bác sĩ, thường xuyên phải có 2 cảnh sát bảo vệ túc trực cạnh giường bệnh. Thế nên, không ai mong phạm nhân bị ốm, nhất là tử tù.

Tử tù tâm lý chung là chán nản nên khi được bác sĩ thăm khám, có người dù có bệnh cũng giấu, từ chối điều trị. Vì thế, chữa bệnh cho họ, ngoài chuyên môn rất cần chữa bệnh "tâm lý" để tử tù hợp tác.

Bác sĩ Thu nhớ nhất lần khám cho phạm nhân Hờ A Sính Lừ, bị kết án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Do thời gian bị giam giữ lâu, phạm nhân này bị rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng không đi được.

Khi bác sĩ Thu vào khám bệnh, Hờ A Sính Lừ luôn miệng: "Tôi không cần". Vừa khám bệnh, bác sĩ Thu nhẹ nhàng: "Có án chưa phải đã hết. Anh có nghĩ sẽ có ngày được trở về nhà không?". Hờ A Sính Lừ im lặng, nhưng đôi mắt rơm rớm vì xúc động.

Bẵng đi gần một năm sau. Trong một lần khám bệnh tại khu giam khác, bác sĩ Thu bất ngờ nhận ra Hờ A Sính  Lừ. Khác hẳn khuôn mặt ủ rũ, chán nản trong buồng giam tử hình, Hờ A Sính Lừ rạng rỡ, cười nói phấn khởi lắm. Hỏi chuyện, chị được biết anh ta mới được Chủ tịch nước ân xá tha tội chết.

Gặp lại bác sĩ, Hờ A Sính Lừ vui quá, khóc òa lên. Anh ta nói rằng chính những lời động viên của bác sĩ Thu đã nhen nhóm một hy vọng sống. Nếu như lúc đó, anh ta chỉ tiêu cực nghĩ đến cái chết khiến bệnh tình nặng thêm thì đâu có ngày hôm nay.

Hương Vũ
.
.