Người phụ nữ vắt sữa mình cứu sống thương binh

Thứ Sáu, 06/01/2017, 14:10
Ở xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) những năm chống Mỹ cứu nước có lan truyền câu thơ: “Em ra trận giữa chừng bị đạn. Mẹ chưa về, sữa chị nuôi em”. “Sữa chị nuôi em” là chuyện có thật, đó là chuyện người chị xứ dừa vắt sữa mình cứu sống thương binh.

Hơn 40 năm trôi qua, người phụ nữ ấy vẫn nhớ như in hình ảnh người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng bị thương, nằm kiệt sức dưới hầm công sự vì máu ra nhiều, miệng khô cứng, thều thào kêu nước...

“Ngụm sữa này của chị đã sinh ra em lần hai”

Người phụ nữ mà chúng tôi muốn nói đến là bà Võ Thị Đào (81 tuổi, hiện ở thôn Gia An, xã Hoài Châu). Còn anh lính năm xưa được cứu sống là Lã Viết Quang (hiện ở xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Chuyện xảy ra từ cách đây 44 năm, hồi tháng 8-1972, khi chiến sự diễn ra khá ác liệt tại thôn Gia An giữa ta và địch nhằm bảo vệ xã Hoài Châu vừa được giải phóng, bà đã cứu sống một chiến sĩ giải phóng.

Hỏi thăm nhà bà Võ Thị Đào thì ít người biết, nhưng chỉ cần hỏi Má Nhương vắt sữa cứu sống thương binh thì đứa trẻ con cũng biết.

Bà Đào cho biết, thời điểm ấy lúa vụ hè thu đang làm đòng. Hôm ấy, bà cùng 3 người phụ nữ khác ở Gia An là Nguyễn Thị Khanh, Võ Thị Lạc và Võ Thị An đi chợ Tam Quan mua lương thực tiếp tế cho chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng) đang đóng quân trong làng. Trên đường về đến xóm 1 thì gặp trận càn dữ dội của địch. Địch bắn như vãi đạn trên đầu.

Bà Võ Thị Đào kể lại câu chuyện vắt sữa cứu thương binh.

Khi đi ngang qua hầm công sự của bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng, bà nghe có tiếng rên la vọng ra. Bà cùng 3 người phụ nữ kia cùng nhảy xuống hầm tìm đến nơi có tiếng rên la. Biết chiến sĩ của ta bị thương, mặc dù trong mưa bom bão đạn nhưng không ai sợ, mà rất bình tĩnh khôn khéo thay nhau dìu người thương binh ra khỏi hầm, rồi vượt qua làn đạn, đến một căn hầm bí mật an toàn.

Tại đây, sau khi xé áo băng bó vết thương, bà Đào thấy người chiến sĩ giải phóng kiệt sức vì máu ra rất nhiều, miệng khô cứng và liên tục đòi nước. Trong lúc nguy cấp, cả 4 người đều không biết tìm nước ở đâu. Lúc này, bà Đào cảm thấy bầu ngực mình căng tức vì từ sáng bị kẹt giữa trận địa không về nhà kịp cho đứa con gái út Lê Thị Ánh Tuyết, mới 4 tháng tuổi bú. Thế là trong đầu bà nghĩ đến vắt sữa mình thay nước.

Nhìn trong hầm có cái ly, bà vắt nhanh dòng sữa nóng hổi vào ly rồi cho anh thương binh uống. Và như một sự thần kỳ, chính nhờ dòng sữa ấy, anh thương binh đã dần tỉnh lại.

“Khi tôi cầm ly sữa đưa cho anh, không biết có phải do mắc cỡ hay không mà anh từ chối không uống, anh nói với tôi chỉ cần nước thôi. Lúc ấy tôi nóng ruột quá bảo: “Cố mà uống đi, không ngại gì cả, lúc này tính mạng anh là trên hết”. Anh nghe lời, tay cầm ly sữa đưa lên miệng mà nước mắt chảy ròng.

Vừa uống anh vừa nghẹn ngào nói với tôi: “Em năm nay 29 tuổi. Ly sữa này của chị đã cứu sống em. Ly sữa này của chị đã sinh ra em lần hai. Em sẽ không bao giờ quên giây phút này”. Thế đó”, bà Đào lục lại trí nhớ.

Sau này, bà Đào mới biết người thương binh ấy là Trung đội trưởng Lã Viết Quang (thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng). Hôm đó đang cùng du kích địa phương xung trận chống càn, bảo vệ xã Hoài Châu thì bị đạn pháo của địch làm bị thương. Sau đó, anh Quang được chuyển lên tuyến trên, rồi ra miền Bắc trị thương.

Theo lời kể của bà Đào, sau khi được điều trị lành vết thương, trở lại công tác, không lúc nào lòng anh Quang không nghĩ về người chị ở xã Hoài Châu đã từng vắt sữa cứu mạng mình. Nhưng trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, không thể liên lạc để tìm nhau. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Quang về quê sinh sống tại xã Nga Thủy. Đã có không ít lần ông Quang viết thư về xã Hoài Châu hỏi thăm tung tích ân nhân, nhưng thư liên tục bị lạc, ông Quang không nhận được hồi âm.

Triển khai kế hoạch tác chiến của Chiến dịch Xuân Hè 1972 (ảnh tư liệu Báo Bình Định).

Dù tuổi đã cao nhưng bà Đào giọng vẫn cứng cáp. Những chuyện xảy ra trong bom đạn chiến tranh dường như cũng đã đi qua theo năm tháng trong ký ức của bà. Bà vui vẻ kể: “Không chỉ anh thương binh ấy đâu mà nhiều lắm, tôi nhớ không xuể. Nhà tôi khi ấy nuôi rất nhiều thương binh, do bộ đội đưa về tuyến sau không kịp nên gửi lại. Có người ở lại với gia đình tôi thời gian rất dài. Như anh Nguyễn Văn Màu thuộc đơn vị D53 quê ở huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) ở đến 2 tháng. Tội lắm, khi vết thương đã lành, hằng ngày anh Màu giúp vợ chồng tôi nấu dầu dừa, rất thân tình. Sau đó đơn vị của anh quay lại nhà tôi, đòi tính trả tiền ăn uống của anh Màu, nhưng ai lại đi lấy, mình giúp bộ đội là vui lắm rồi”.

Như chưa hề chia ly

Tháng 4-2010, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức thăm lại chiến trường xưa tại xã Hoài Châu. Dù sức khỏe yếu do vết thương chiến tranh để lại nhưng ông Quang vẫn quyết quay lại chiến trường cũ mong tìm gặp người chị năm xưa đã vắt sữa cứu sống mình.

Khi đoàn về xã Hoài Châu, ông Quang dò la tin tức hỏi thăm về bà Đào. Ông lặng lẽ tìm ông Nguyễn Đức Yên (Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc) để dò la tung tích người chị cho sữa. Sau khi nghe chuyện của ông Quang, ông Yên đã âm thầm tạo sự bất ngờ.

Ông Yên cho biết: “Lúc đó, nghe anh Quang hỏi thăm người phụ nữ vắt sữa cứu sống mình, tôi liền nghĩ ngay đến Má Nhương. Sau khi tìm hiểu kỹ và chắc như đinh đóng cột, hôm sau tôi mời Má Nhương lên hội trường UBND xã và giới thiệu có một thương binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng muốn tìm người đã vắt sữa cứu mình thoát chết. Má Nhương ngớ người ra, còn ông Quang thì không cầm được xúc động liền ôm chầm ân nhân”.

Giải phóng chi khu quản lý ở Bình Định (ảnh tư liệu).

Ông Yên kể tiếp câu chuyện: “Hôm đó, Má Nhương quá bất ngờ và bảo ông Quang kéo ống quần bên phải lên, khi nhìn thấy vết thương nơi gót chân, bà liền bảo: “Đúng là anh rồi. Vậy là anh vẫn còn sống an lành”. Câu chuyện hội ngộ diễn ra chỉ có vậy, sau đó mọi điều đã có những giọt nước mắt nói hộ”.

Được biết, thời gian đó, ông Quang đến nhà thăm bà Đào và ở đây, ông gặp lại 3 người phụ nữ đã cùng bà Đào cứu ông thoát chết trong chiến hào năm ấy. Ai nấy đều mừng mừng tủi tủi. Vài tháng sau, ông Quang đặt vé tàu mời bà Đào ra Hà Nội, nơi con ông đang làm việc. Vợ chồng ông Quang từ Thanh Hóa ra, đưa bà Đào tham quan khắp Hà Nội. Sau này, con trai ông Quang, mỗi khi có dịp vào Nam đều ghé lại nhà để thăm bà Đào. Tết Quý Tỵ 2013, ông Quang lại vào Bình Định để thăm bà Đào.

Bà Đào tâm sự: “Con trai của ông Quang quý gia đình tôi lắm. Lúc con Tuyết (thời điểm bà Đào vắt sữa cứu ông Quang, Tuyết mới 4 tháng tuổi) chưa đi Pháp, khi có dịp đi công tác ở TP HCM, cậu con trai của ông Quang cũng đã tìm gặp nó. Từ năm 2010 đến nay cậu ấy đã về thăm tôi 4 lần”.

Chiến tranh đi qua, hầu hết những người thân của bà Đào đều đã hy sinh cho Tổ quốc. Ở xã Hoài Châu, người dân địa phương vẫn gọi bà Đào bằng Má Nhương, được biết đến là người của gia đình 3 đời là liệt sĩ. Theo tài liệu tại địa phương, mẹ chồng của bà Đào là bà Lê Thị Mưu trong khi cùng nhân dân địa phương đi đấu tranh, hy sinh tại Đồi 10 lịch sử vào ngày 20-12-1968.

Tuổi già, sống một mình nên bà Đào thường dành thời gian trò chuyện với những người mẹ từng đi qua một thời bom đạn chiến tranh.

Một năm sau, chồng bà Đào là ông Lê Châu Trứ tiếp tục hy sinh vào ngày 6-11-1969. Đứa con nuôi của bà là Nguyễn Thử tham gia cách mạng từ năm 1961 - 1967 mới gửi về nhà một lá thư, từ ấy bặt vô âm tín. Người anh chồng của bà là ông Lê Tư cũng hy sinh tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) năm 1949. Đứa con trai đầu lòng của bà là Lê Văn Nhương trong lúc làm công tác tuyên truyền tại huyện Tuy Phước cũng bị địch giết vào năm 1972.

Tinh thần bà Đào lại suy sụp khi đứa con trai thứ của bà mất do tai nạn giao thông ở TP HCM năm 1996. Thêm vào đó, từ khi đứa con gái út là chị Tuyết định cư tại Pháp, gần 5 năm qua bà Đào sống một mình trong căn nhà đơn sơ tại quê nhà. Mỗi chiều về, bà lại ngồi trước cửa nhìn về nơi xa xăm, miên man nghĩ về những năm tháng khói lửa, nhớ chồng con, những người đồng đội đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Phan Nhuận Phin
.
.