Người thầy bên dòng sông Ba-sắc

Thứ Ba, 05/05/2015, 07:45
Cách thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) 11km thuộc khu Chpaum, quận ngoại thành Mien Cheay có ngôi làng Việt. Nơi đây nhiều người sống dưới đáy xã hội, cùng quẫn với hai chữ tương lai. Bọn trẻ học đến lớp 5 phải nghỉ ngang. Công tác giáo dục cho hàng trăm con em người Việt ở đây chỉ dừng lại ở việc xóa mù... Nơi đây có môt ông giáo già hơn 30 năm qua dạy chữ cho trẻ em Việt chưa từng nhận lương, chỉ sống bằng sự cưu mang, đùm bọc của những phụ huynh nghèo có con em hiếu học!

5 năm trước, trong quá trình tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở thủ đô Phnôm Pênh, lúc ghé khu "đồng nhà cháy" Chpaum ở quận Mien Cheay, tôi gặp cô giáo Chu Thị Việt Ái (sinh năm 1983) lúc cô đang đứng lớp dạy chữ cho bọn trẻ người Campuchia gốc Việt. Ở nơi xứ lạ, xúc động xiết bao khi được nghe những âm thanh Việt ê-a từ thanh âm đánh vần của bọn trẻ.

Và xúc động xiết bao khi tôi được cô giáo Ái cho biết bọn trẻ ở đây 100% là con em các gia đình nghèo, "nghèo đến rớt mồng tơi", phải chạy ăn từng bữa, nhiều em thậm chí còn là trụ cột gia đình, vậy nhưng mẹ cha vẫn động viên các em đến lớp để biết được con chữ quê hương. Nhiều học sinh của cô Ái đến lớp học thấp lè tè, trống trước hụt sau... với cái bụng đói meo. Có em mặt mày lấm lem, với đôi dép rách phải vá víu và có em đến lớp với đôi chân khẳng khiu bê bết bùn đất.

5 năm sau trở lại, tôi không gặp cô Ái dù lớp học còn đó, người thay thế là một cô giáo khác. Không muốn nêu tên vì nghĩ rằng sự cống hiến cho sự nghiệp gieo chữ cho con em người Việt của mình chưa là gì bởi thời gian quá ngắn, cô giáo M. tiếp tục công việc thầm lặng của cô giáo Ái, nói rằng tại khu xóm Mới ở phường Bàu Nâu (quận Bàu Nâu, cách gọi của người Việt), cách Đồng Nhà Cháy 17km, có một thầy giáo tên Châu, hơn 30 năm dạy chữ cho trẻ em Việt trên đất Campuchia nhưng chưa từng nhận một đồng lương…

Một góc xóm người Việt ở Bầu Nâu.

Từ Đồng Nhà Cháy, để có thể đến được lớp học đặc biệt của người thầy đặc biệt ở quận Bàu Nâu, tôi phải thuê xe tuk tuk của một bác tài người Campuchia gốc Việt tên Hùng, với giá 20 USD. Ở Campuchia, đôla là đồng tiền vua, từ bác tài tuk tuk, đến người bán hàng rong, bán cơm cháo vỉa hè đều dùng "tiền đô" thành thạo. Ở đây 1 đôla tương đương với 4.000 rieal, bằng giá của một chai bia Ăngkor có hình dáng và dung tích tựa chai bia Tiger bán trên đất Việt.

Càng ra xa trung tâm Thủ đô Phnôm Pênh thì bụi bặm càng khủng khiếp. Thật may anh Hùng từng là cư dân ở khu Xóm Mới thuộc phường Bàu Nâu nên rất rành nơi này: "Dù cơ bản thay đổi nhưng nó vẫn là khu ổ chuột, gia đình nào cũng đông con, chật chội, dột nát. Bây giờ nhà cửa khá hơn nhưng cái khó cái khổ vẫn còn đó. Anh muốn biết về cuộc sống của bà con, tôi sẽ đưa anh đến chùa Phước Long gặp sư huynh tôi là Út Phổ và cả thầy trụ trì, sẽ rõ".

Sau hơn nửa giờ lăn bánh, chiếc xe tuk tuk dừng trước cổng chùa Phước Long. Út Phổ, 45 tuổi, có 2 con từng là học trò của thầy giáo Châu. Anh nói chùa Phước Long này được xây dựng nhờ vào sự đóng góp của bà con người Việt quanh vùng trong nhiều năm. Sau khi chùa được xây xong, bà con cử người đại diện mời một sư thầy về trụ trì, nhưng ở được gần 10 năm thì vị trụ trì bỏ chùa mà đi: "Chung quy cũng vì ở đây khó khăn và buồn quá. Người ngày một đông mà tôm cá trên sông cạn kiệt dần, cuộc sống ngày càng chật vật nên nhiều người lao vào chuyện miếng cơm manh áo, mờ sáng đã rời khỏi nhà, đi đến tối mịt mới về, chẳng mấy ai ghé chùa phụ thầy kinh kệ, công quả nên... thầy đi. Chùa giờ do sư cô Diệu Hòa trụ trì được 4 năm. Vì lớp học nằm trong khuôn viên đất của chùa nên sư cô Diệu Hòa rành về thầy Châu lắm".

Câu chuyện của anh Út Phổ hàm ý rằng cuộc sống của người Việt ở khu Bàu Nâu này rất đỗi cơ cực, cực đến độ có người chịu không nổi phải ra đi, trong khi thầy giáo Châu đã dành trọn cuộc đời cho con em ở vùng đất này, tấm lòng của ông, người dân ở vùng rất trân trọng.

Thầy Châu với các học trò yêu thương.

Sau những lời sẻ chia, Út Phổ đưa tôi vào chánh điện gặp sư cô Diệu Hòa. Như nhiều cư dân bản xứ, khi được hỏi thăm về thầy giáo Châu, sư cô Diệu Hòa đã không kìm được xúc động. Bà nói vì thương các em mà thầy Châu đã dành cả cuộc đời gắn bó với xóm nghèo. Ông sống cuộc đời lầm lũi, không vợ con, không đồng lương, thậm chí ông sống túng thiếu, khó ngặt vậy nhưng chưa bao giờ ông than vãn, hay nhụt chí sờn lòng. Ở xóm nhỏ này nếu huy động đầy đủ phải có hơn 200 em, nhưng số em có điều kiện đến lớp chưa được 1/4. Vì các học trò nghèo quá, nhiều em một buổi đi học, một buổi phải bươn chải với sông nước thiếu thốn trăm bề, nên có những khi chùa phải tiếp gạo, nhu yếu phẩm cho thầy. Mà thầy cũng lạ, chẳng bao giờ than vãn. Chỉ khi các phụ huynh biết chuyện, họ mới sang nói với sư trụ trì.

Hôm ấy, vì sư cô Diệu Hòa bận việc nên tôi không có dịp trò chuyện nhiều. Chỉ biết rằng khi rời chùa Phước Long trở lại lớp học, hỏi bất kỳ cư dân nào ở xóm cơ hàn ven sông Ba-sắc, tôi đều nhận được từ họ những bày tỏ thiết tha về tấm lòng của ông giáo già. Có người bảo ông là "thầy giáo điên", bởi ông khác họ, ông còn có người thân, có giấy tờ tùy thân, có nhiều cơ hội để sống cuộc sống tốt hơn. Nhưng ông đã chọn vùng đất này, tất cả vì tình yêu thương sâu nặng. Vòng ra sau chùa, đi sát mé sông, tôi thấy lớp học của thầy Châu ẩn dưới tàng cây cối rậm rì. Cạnh lớp học là "cơ ngơi" của ông. Gọi "cơ ngơi" cho oách chứ bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài cái valy cũ mèm, vài bộ quần áo, nồi xoong chén đũa được đựng trong cái giỏ nhựa và bộ bàn ghế lỏng chỏng...

Kéo chiếc ghế nhựa cũ mèm mời khách, thầy Châu trò chuyện với giọng hóm hỉnh như để xua đi nỗi ái ngại từ vị khách lạ về cái sự khó khăn, có phần túng thiếu của ông. Thầy Châu nói rằng vào mùa nước lên, gặp con nước "hỗn" dâng cao đột ngột, nếu không trở tay kịp thì mọi thứ sẽ được tắm nước nên thầy chỉ sắm sửa sơ sài cho cơ động:  "Vầy là sang lắm  rồi chứ hồi đó, đúng nghĩa nhà tranh vách đất, nền đất nhọp nhẹp mà thầy trò còn vượt qua được. Giờ vầy là sướng lắm rồi".

Trong lúc thầy pha trà, mấy học trò của ông nói nhỏ cho tôi biết rằng ông "xạo", rằng ông nói "dối". Chúng bảo đúng là có chuyện con nước lên, con nước “hỗn” nhưng bảo vì thế mà không sắm sang là thầy "giấu nghèo". Con bé có cái tên ngồ ngộ Út "đẹt" 14 tuổi mà vóc dáng như trẻ chưa lên 10, con anh Tư "bông lau" (chuyên đánh cá bông lau, quê cha đất mẹ ở Hồng Ngự, Đồng Tháp), thầm thì rằng ở khu Xóm Mới này, thầy Châu nghèo nhất, ông không như người ta có nhà, có ghe, có cái này cái nọ. Rằng những gì ông có là chỉ bấy nhiêu thôi...

Thầy Châu cho biết, khu Xóm Mới nơi ông gắn bó hơn 30 năm qua thuộc ấp Đuông, phường Bầu Nâu, quận Bầu Nâu. Thầy Châu cho biết tên đầy đủ của ông là Trần Thái Châu, sinh năm 1954, nguyên quán Cần Thơ. Hỏi chuyện, ông khẳng định mình đúng là xuất thân từ quân tình nguyện Việt Nam sang hỗ trợ nước bạn đánh quân diệt chủng Khơmer Đỏ do thủ lĩnh đồ tể Pôn Pốt cầm đầu. Sau khi đẩy lùi Pôn Pốt, ông ở lại Campuchia 3 năm làm công tác xóa mù chữ, chống dốt cho con em kiều bào.

Nhờ tấm lòng và sự tận tụy của thầy Châu mà nhiều con em người Việt ở Campuchia đã biết đọc biết viết con chữ quê hương.

Trong quá trình đó, ông "trôi dạt" đến ấp Đuông, gắn bó với nghiệp dạy chữ từ năm 1984 đến nay: "Nhiều lúc muốn trở về Việt Nam nhưng không được. Cứ mỗi lần mình xách balô quyết định về, nhìn bố mẹ bọn trẻ âu lo chẳng biết mai này sự học của các con ra sao, rồi nhìn bọn trẻ lầm lũi đánh vật với con cá mớ rau lớn lên trong cảnh dốt nát, tôi thật không đành lòng. Cứ như thế mà đã hơn 30 năm trôi qua".

Thầy Châu cho biết tổng số học sinh của ông là 36 em, nhưng lớp học chưa bao giờ có mặt đủ. Bao giờ cũng vắng dăm bảy em, thậm chí có những khi vắng hơn nửa lớp vì vào mùa cá, bọn trẻ phải lênh đênh trên sông nước phụ cha phụ mẹ, hay ở nhà trông em. Hỏi thầy Châu rằng không có lương, vậy ông sống bằng nguồn gì, ông chỉ cười. Ông bảo ông sống bằng sự cưu mang của các phụ huynh nghèo. Cứ khi đến lớp, học trò của ông tùy điều kiện em gửi ông 500 rieal (tương đương 2.000 VNĐ), em trả học phí bằng con cá bé xiu xíu hay nhúm gạo, bó rau và lắm khi chẳng có gì: "Bọn trẻ ham học đến lớp, không lẽ các em chẳng có gì mình không cho vào? Những gì nhận được từ các em,  thầy cho lại những em  khó ngặt, nên cứ túng thiếu hoài" - anh Út Phổ, nói thay lời người thầy cổ  tích! 

"Mục tiêu của thầy và mong ước của các phụ huynh là dạy cho bọn trẻ biết đọc biết viết, vậy là mừng rồi. Chứ học lên cấp 2 cấp 3 thì khó vô cùng. Muốn học như vậy phải có nhiều tiền, rất nhiều tiền để đưa con em về Việt Nam học. Chứ vào trường của người bản xứ các em học không được vì không biết nói, biết viết tiếng nước bạn. Mà dân ở đây chạy ăn từng bữa, đào đâu ra tiền mà có mơ ước cao sang đó" - thầy Châu, trầm giọng.

Vào giờ thầy Châu đứng lớp, trong tổng số 22/36 em đến học chữ nuôi hy vọng  tương lai, như lớp học cơ hàn của cô giáo Ái ngày nào, tôi thấy có em áo rách bươm, có em đi chân trần, có em đầu tóc vàng hoe, cháy nắng, gầy guộc và có những em, 14-15 tuổi nhưng bé choắt như trẻ lên 10. "Ở đây các em thiếu thốn nhiều thứ lắm, thiệt thòi đủ điều. Ở đâu không biết chứ ở đây, có được chiếc áo trắng tinh, có bộ sách giáo khoa cấp 1, có được tập vở, bút viết… là cả một trời mơ ước với không chỉ các em, cha mẹ các em và với cả thầy".

Tôi nghe thầy Châu tỏ bày mà lòng xốn xang. Lòng tôi trĩu nặng khi các phụ huynh kể, có những lúc túng thiếu quá, nhìn bọn trẻ đến lớp học mà chẳng có tập vở bút viết, vậy là thầy vác balô về Cần Thơ vận động người thân có gì giúp nấy cho bọn trẻ. thầy Châu bảo: "Mỗi lần thầy về quê là bọn trẻ mừng, nhưng những người lớn như tôi thấy buồn và xót. Thầy đã hy sinh quá nhiều, lẽ ra thầy phải được nghỉ ngơi. Vậy mà…".

Chị Út Mai, 29 tuổi, phụ huynh có con đang theo học tại lớp học cơ hàn bên dòng Ba-sắc do thầy Châu đứng lớp trò chuyện với ánh mắt đỏ hoe. Chị bộc bạch có mấy bận một số phụ huynh tỏ bày rằng thầy đã hy sinh nhiều, như vậy đã quá đủ đầy với dân Xóm Mới. Thầy còn người thân ở quê nhà, sao thầy không về, thì thầy bảo lòng thầy đã gửi trọn ở vùng đất này, có chết thì thầy sẽ nằm lại ở đây, nằm bên dòng sông Ba-sắc, với xóm nhỏ người Việt. 

Thầy Châu năm nay 61 tuổi. Vì di chứng của những năm tháng tham gia quân tình nguyện nên một bên tai thầy bị tổn thương. Vì cuộc sống thiếu thốn khó khăn nên thầy gầy guộc, sức khỏe kém, mắc nhiều bệnh tật. Những gì về thầy, đặc biệt là những khó khăn, tôi đã phần nào lột tả,  dẫu chưa thể trọn vẹn. Điều tôi ấn tượng về thầy là trong tình cảnh ấy, hỏi về mong ước, thầy nói rất nhiều, không phải thầy mong ước cho mình, mà cho bọn trẻ được thầy yêu thương.

Thầy bộc bạch, thầy ước mong rằng rồi đây bọn trẻ sẽ có được các suất học bổng để những em hiếu học có được cơ hội đến lớp chứ không phải quần quật trên sông nước hiu quạnh, chỉ biết nhìn lớp học, nhìn các bạn với đôi mắt buồn. Rồi bút viết, tập sách, quần áo, dù là cũ, dù là đồ vứt đi nhưng thầy cũng ước mong những học trò yêu thương của mình sẽ nhận được từ những tấm lòng Việt thân ái nơi quê nhà.

Tôi tin, tôi rất tin cuộc đời này có phép màu, chí ít với ông giáo già của lớp học cơ hàn bên dòng sông Ba-sắc!

N.Thành Dũng
.
.