Người thầy đặc biệt trên “đường đua xanh”
Khuyết tật nhưng không khuyết tài
Huấn luyện viên Đổng Quốc Cường có quá khứ bơi lội lẫy lừng. Năm 1958, khi 15 tuổi, ông trở thành nhà vô địch bơi lội quốc gia. Năm 1960, kình ngư Đổng Quốc Cường tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân. Năm 1976, ông rời miền Bắc vào dạy học ở Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh. Dường như khí chất sôi động của ông không thích hợp cho nghề giáo, ông về đầu quân cho ngành thể thao thành phố.
Trong những lần đi dạy bơi, ông phát hiện ra có nhiều người khuyết tật đứng bên ngoài nhìn vào hồ bơi, ánh mắt họ chất chứa đầy khát khao và đam mê. Đôi tay họ chắc khỏe, dài thượt, ngày nào cũng đẩy xe vài chục cây số từ huyện Hóc Môn vào các quận trung tâm bán vé số, nên họ rất khỏe. Ông nghĩ, tại sao kỳ PagaGame Đông Nam Á lần thứ nhất, thứ hai, Việt Nam không có người đi dự? Rồi ông tự trả lời: “Đây, họ có khả năng làm được”.
Thời điểm này, bà Phùng Khánh Đào là chủ nhiệm hồ bơi Tân Bình, ông Cường nói với vợ: “Em tạo điều kiện để anh thu nhận mấy em này về dạy bơi, họ có triển vọng lắm. Họ khuyết tật nhưng chắc gì đã khuyết tài. Muốn cho người khuyết tật bộc lộ tài năng thì mình phải có cơ sở vật chất, có thái độ và tấm lòng. Nếu mình không mời thì làm sao người ta dám”.
Huấn luyện viên Đổng Quốc Cường luôn được vợ ủng hộ, sẻ chia. |
Bà Đào đồng ý ngay. Ông bà dành ra chút tiền mua quần áo bơi phát miễn phí cho các em. Tiếng lành đồn xa, cứ chiều về, hàng đoàn người khuyết tật đổ dồn về hồ bơi Tân Bình, những hàng xe 3 bánh nối đuôi nhau xếp kín lối vào. Với con mắt nhà nghề, ông tin rằng, một ngày không xa họ sẽ trở thành những kình ngư trên đường đua xanh. Vậy là ông Cường bắt tay vào huấn luyện bơi cho người khuyết tật. Bắt đầu bằng con số 0. Thầy không có tiêu chuẩn và các em cũng không có tiêu chuẩn.
Bà Đào có căng tin ở trung tâm, đây chính là “chìa khóa” để ông Cường thực hiện thành công giáo án dạy bơi của mình. Trong quá trình dạy, ông đưa ra phần thưởng là cân đường, lon sữa Ông Thọ. Nếu ai phấn đấu đạt được thì tới căng tin tìm cô Đào lấy thưởng. Ông Cường lặng lẽ kéo bà Đào sang một bên thủ thỉ: “Cho anh mượn nhé”. Bà Đào biết, ông Cường sẽ không bao giờ trả nhưng vẫn vui vẻ hợp tác cùng chồng.
Bà Đào tâm sự: “Ngày mới bắt đầu thật sự là rất khó khăn, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cho các em một sân chơi bổ ích, bình đẳng với những người bình thường. Tôi không nghĩ lớn lao là một ngày các em sẽ “mang chuông đi đánh xứ người” như hôm nay”.
Năm 2000, ông Cường xin phép thành phố cho thành lập Câu lạc bộ bơi lội người khuyết tật quận Tân Bình. Lúc ấy, dù đã cố gắng hết sức nhưng ông Cường chỉ có thể dạy bơi miễn phí chứ không đủ điều kiện kinh tế để giúp học viên được ăn uống miễn phí. Nhưng ông giúp họ bằng cách gõ cửa những mối quen thân, tỉ tê mong họ nhận người khuyết tật vào làm, để họ có thu nhập vừa đảm bảo cuộc sống, vừa học bơi.
Dạy người khuyết tật không phải dễ, không phải cứ đứng trên bờ nói là được. Em thì mất tay, em mất chân, có em mất tất cả, thân hình cụt lủn như chim cánh cụt, như con nòng nọc. Huấn luyện bơi, ngoài kỹ năng cần phải có chiến thuật. Có tổng cộng 14 hạng khuyết tật khác nhau, mỗi hạng là một bài giảng riêng, không thể giống nhau được.
Trước cuộc thi, ông Cường thường dành thời gian nghiên cứu đối thủ ở các nước xem họ mạnh, yếu ở điểm nào để biết cách né tránh. Mỗi lần đi thi giải toàn quốc gồm trên 100 vận động viên. Đây là con số rất lớn, đòi hỏi sự làm việc cật lực của ban huấn luyện. Ông Cường chia sẻ, phần thưởng lớn nhất với ông không phải là tấm huy chương mà chính là sự bứt phá, vượt qua được những giới hạn bản thân của người khuyết tật.
Hành trình tìm kiếm, huấn luyện người khuyết tật học bơi của ông Cường diễn ra âm thầm, bền bỉ suốt 3 năm. Năm 2003, tại kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ParaGame), các học trò của ông Cường đi thi và giành huy chương, lúc đó họ mới được mọi người biết tới.
Những học trò của huấn luyện viên Đổng Quốc Cường đều thi đấu quật cường trong mỗi kỳ đại hội thể thao. |
Khao khát đong đầy
Năm 2010, Đại hội thể thao châu Á tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, tuyết rơi trắng trời. Vận động viên Võ Thanh Tùng là niềm hy vọng lớn nhất của ông Cường. Tùng là người miền Tây, quanh năm sống trong nắng ấm, nay phải thi đấu trong cảnh rét buốt, ông Cường thương lắm. Ông Cường lấy quần áo của mình đưa cho học trò mặc, rồi phát áo khoác mặc thêm nữa.
Không ngờ lần đó, Võ Thanh Tùng bứt phá ngoạn mục, đánh bại đương kim vô địch người Nhật Bản để giành huy chương vàng bơi lội cho đoàn thể thao Việt Nam. Vinh quang không thể nói thành lời, thầy trò ôm nhau trào nước mắt.
Với thành tích lẫy lừng của mình, Tùng nghiễm nhiên đến nhà thầy Cường lĩnh phần thưởng. Bà Đào kể: “Từ ngày ông Cường làm huấn luyện viên thì hai cái xe máy của nhà được dùng làm phần thưởng cho học trò rồi”.
Trong 16 năm, ông Cường đã dẫn học trò tham gia 4 kỳ Á vận hội. Ông đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi nhưng rồi “cái máu” nổi lên, ông muốn làm hơi thế nữa. Đại hội Thể thao Châu Á diễn ra tại Icheon (Hàn Quốc) năm 2014, riêng bơi lội đoàn Việt Nam có 7 huy chương vàng thuộc về hai vận động viên khuyết tật là Võ Thanh Tùng (5 HCV) và Nguyễn Thành Trung (2 HCV).
Thành tích ấy đã là vinh quang lắm rồi, nhưng ông Cường vẫn ưu tư, ông nói: “Con người khó bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Tôi mong muốn mỗi một lần đi thì thành tích sẽ phải tăng lên, huy chương nhiều màu vàng hơn. Nhưng các em đều đã lớn tuổi, 4 vận động viên chủ chốt của tôi đều trên 30 tuổi, sức khỏe không còn sung mãn nữa. Trong khi đó, vận động viên của nước khác đều sinh năm 2000, sức khỏe đang ở độ căng tràn, mình không thể đấu lại được”.
Tháng 5 năm 2018, trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ để làm hồ sơ đi dự Đại hội Thể thao Châu Á tổ chức tại ở Indonesia, ông Cường bất ngờ được thông báo có sỏi mật, sỏi gan phải nhập viện mổ gấp. Ông nằng nặc xin bác sĩ để mình đi đợt này xong về sẽ mổ nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, ông tiếc ngùi ngụi thốt lên: “Ước mong chưa trọn vẹn, khao khát vẫn đong đầy”.
Huấn luyện viên Đổng Quốc Cường dành trọn tâm huyết dạy bơi cho người khuyết tật. |
Nối duyên trên đường đua xanh
Quá trình huấn luyện, cảm thấy đội bơi rời rạc, tẻ nhạt quá, ông Cường đã âm thầm làm mai cho các vận động viên. Tiêu chí chọn lựa của ông là một người khuyết tật nặng sẽ ghép với một người khuyết tật nhẹ để gánh vác giúp nhau. Để thực hiện ý tưởng đó, ông Cường tốn rất nhiều công sức, thời gian thậm chí là tiền bạc bởi người khuyết tật luôn chịu sự mặc cảm, yếu thế trong xã hội. Họ có tính cách khác người, không dễ bằng lòng, thích sống theo cá tính riêng. Sợ họ đứt gánh giữa đường, lúc nào ông cũng dọa: “Các em mà bỏ nhau là tôi đuổi ra khỏi đây”.
Mồng Một Tết, con hẻm nhà ông Cường xếp hàng dài xe lăn, con bồng con bế tíu đến đến chúc tết thầy, không khí vui như trẩy hội. Đôi mắt thẳm sâu suy tư, ông Cường vân vê hai bàn tay xúc động: “Mình chăm lo cho chúng từ ngày chập chững biết bơi, rồi đứng ra xây dựng gia đình. Chúng sống hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh. Bây giờ con cái lớn, chúng có thể bế cha mẹ trên tay đưa đi nơi này nơi kia. Người làm thầy như mình hạnh phúc lắm, không thể so sánh bằng bất cứ giá trị nào”.
Trong số những cặp đôi được ông Cường làm mai, ông không bao giờ quên hoàn cảnh của Nguyễn Đức Thắng và Lê Thị Hiền. Cả hai đều bị khuyết tật bại liệt hai chân. Đây là hai vận động viên lớn tuổi nhất trong đội, khi đến với ông vẫn “phòng không gối chiếc”.
Nhìn vào đám học trò của mình, ông muốn ghép làm sao cho tương xứng. Người nặng phải đi với người nhẹ để chia sẻ, giúp đỡ cho nhau. Nhưng ông Cường tính không bằng trời tính, cuối cùng Thắng lại mê Hiền. Lúc đầu ông Cường có chút băn khoăn, vì Thắng và Hiền đều là thể khuyết rất nặng nhưng ông đành chiều lòng trái tim đôi trẻ, tác hợp cho họ thành vợ chồng. Ông Cường đứng ra làm chủ hôn tại nhà thờ Xóm Chiếu (Q.4).
Một thời gian thì vợ chồng Hiền, Thắng đón đứa con đầu lòng. Ông Cường sang thăm thấy cảnh chồng lết từng chút một bế đứa con truyền sang tay vợ để tắm rồi vợ lại lết đưa con cho chồng mặc quần áo. Cái cảnh ấy, ông thương muốn ứa nước mắt, rồi những khi vợ chồng cãi vã nhau, dù là nửa đêm mưa gió, họ cũng gọi cho ông, lôi ông ra khỏi nhà đi hòa giải.
Ông Cường chợt nghĩ: “Hay là mình sai lầm”. Nhưng cuối cùng, trải qua giông bão, vợ chồng vẫn ở bên nhau, hai đứa con trai của Thắng, Hiền đều đã lớn khôn, lành lặn và khỏe mạnh. Mỗi khi đến nhà thầy Cường chơi, chúng bế bổng cha mẹ lên, đặt ngồi vào ghế nhẹ tênh. Ông Cường lại vui, lại hạnh phúc.
Một cặp đôi khác ấn tượng khó quên với ông Cường là Nguyễn Thị Minh Lý và Nguyễn Hoàng Anh. Lý có sở thích trang điểm ở bất cứ đâu, làm gì cô cũng phải trang điểm thật lộng lẫy và quả thật Lý rất đẹp. Cô đạt 3 huy chương vàng bơi lội trong lần đi thi đấu tại Manila (Philippin). Có lẽ nếu không bị bại liệt hai chân, Lý đã là người phụ nữ hoàn hảo.
Trong những lần đi thi đấu cùng nhau, Lý gặp Nguyễn Hoàng Anh, huấn luyện viên bơi lội của đội Cần Thơ. Hoàng Anh là một chàng trai khôi ngô tuấn tú và hoàn toàn lành lặn. Gia đình chỉ có hai mẹ con sống với nhau nên bà mẹ đã rất kỳ vọng vào Hoàng Anh sau này sẽ lấy cô vợ thảo hiền, tháo vát. Tình yêu của Lý và Hoàng Anh luôn phải cách xa nhau nên lúc nào cũng nhung nhớ đong đầy.
Ông Cường bàn với bà Đào: “Hai đứa yêu xa thế sẽ thiệt thòi lắm. Để cứu vãn tình cảnh này, bà hãy nhận Hoàng Anh vào làm ở hồ bơi của bà để cho chúng được gần nhau, hiểu nhau nhiều hơn”. Mẹ Hoàng Anh biết chuyện muốn về nhà của Lý xem mặt.
Đây là cuộc gặp khiến ông Cường rất lo lắng. Nếu mẹ Hoàng Anh từ chối thì không biết số phận hai đứa sẽ đi về đâu. Ông dặn Hoàng Anh khi thấy bà mẹ quay ra thì khỏi gọi điện thoại, vì chắc chắn bà không chấp nhận Minh Lý. Cuối cùng điện thoại của ông Cường reo, bên kia Hoàng Anh nói nghẹn lại: “Má con chạy tới ôm em Lý rồi khóc”.
Ông Cường thở phào nhẹ nhõm, thế là bà đồng ý rồi. Đám cưới cổ tích diễn ra, rất đông bạn bè tới chúc phúc chia vui cùng “búp bê” Minh Lý và chàng bạch mã hoàng tử Hoàng Anh. Đến nay, họ đã có một trai một gái bụ bẫm, lành lặn.
Trong quãng thời gian làm huấn luyện viên trưởng đội bơi khuyết tật Việt Nam, với ông Cường, huy chương là niềm tự hào, còn hạnh phúc lớn nhất là những cặp đôi khuyết tật có cuộc sống êm ấm, con cái khỏe mạnh.