Người thầy khả kính của những nhà tình báo chiến lược

Thứ Năm, 15/02/2018, 14:24
Trong bản danh sách tù chính trị bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Sơn La hiện niêm yết ở Bảo tàng Nhà tù Sơn La, số thứ tự 26 là một người mang tên Vũ Văn Địch.

Không nhiều người biết, ông Vũ Văn Địch chính là Trần Hiệu, tức Hoàng Mỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ, Cục trưởng Tình báo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Giám đốc đầu tiên của “Nha liên lạc” - cơ quan tình báo chiến lược trực thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là người đã góp phần kiến tạo những nhà tình báo chiến lược như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Lê Hữu Thúy...

Nhiều năm làm báo, tôi đã may mắn được tiếp cận những tài liệu quý, được gặp, trò chuyện với những nhân chứng lịch sử từng giữ vai trò chủ chốt lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám; khám phá vụ án kinh điển Ôn Như Hầu; chống gián điệp, biệt kích xâm nhập...

Tìm hiểu các tài liệu lịch sử truyền thống CAND, không ít lần nhắc đến cái tên mà tôi đoán là bí danh: “Hoàng Mỹ” - Phó Giám đốc Sở Công an Bắc bộ. Tôi luôn băn khoăn câu hỏi: Ông Hoàng Mỹ - một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của lực lượng CAND sau này thế nào? Gia đình ông ở đâu?

Trong một lần đến thăm Đại tá Hà Mai (tức Hà Xuân Thái, cựu sĩ quan tình báo QĐND Việt Nam, hiện trú tại phố Thi Sách, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi bất ngờ thấy một bức ảnh quý được treo trang trọng ở phòng khách. Trong ảnh, có những khuôn mặt nổi tiếng của tình báo Việt Nam như Trần Quốc Hương (tức Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương), “ông cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ, “Ký giả” Phạm Xuân Ẩn... Đại tá Hà Mai chỉ vào một ông lão có mái tóc bạc trắng ngồi kế bên nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, giới thiệu: “Đây là ông Trần Hiệu, tức Hoàng Mỹ, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ”...

Các nhà tình báo nổi tiếng của Việt Nam trong một lần gặp mặt. Hàng dưới, từ trái qua: Ông Vũ Ngọc Nhạ, ông Trần Hiệu (tức Hoàng Mỹ), ông Trần Quốc Hương. Hàng trên, thứ hai và thứ ba từ trái qua: ông Hà Mai và ông Phạm Xuân Ẩn.

Vậy là “hữu duyên”, từ đó tôi biết được nhiều thông tin về vị Phó Giám đốc Sở Công an Bắc bộ, người đã tham gia chỉ đạo khám phá vụ án kinh điển Ôn Như Hầu và sau này trở thành Cục trưởng Tình báo đầu tiên của Bộ Quốc phòng, rồi được Chủ tịch Hồ Chí Minh kí quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Liên lạc - cơ quan tình báo chiến lược trực thuộc Chính phủ thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông cũng là một trong 7 điệp viên người Việt Nam do tình báo Anh tuyển mộ, đào tạo và đưa lên máy bay từ Ấn Độ nhảy dù xuống miền Bắc để... phục vụ Việt Minh!

Một ngày cuối năm Đinh Dậu se lạnh, bên li cà phê trên con phố đẹp Nguyễn Du (Hà Nội) vẫn còn phảng phất mùi hoa sữa, câu chuyện giữa tôi với anh Vũ Thắng Lộ, thứ nam của ông Hoàng Mỹ miên man nhiều chủ đề; từ chuyện thời sự bóc gỡ những “ổ tham nhũng khủng” đang nóng rẫy đến chuyện đời thường, rồi những kỉ niệm của mấy anh em anh Lộ với cha mẹ.

Anh Lộ trước khi nghỉ hưu công tác tại Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, nay là Cục Bảo vệ Chính trị Nội bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Ngắm dáng bộ anh, tôi nói: “Em xem các bức ảnh cụ Hoàng Mỹ, thấy anh giống cụ lắm”. Anh Lộ cười, bảo: “Nhiều người cũng nói thế!”. Họ cùng có khuôn mặt sáng, toát lên vẻ chính trực, cương nghị...

Anh Lộ cắt nghĩa: “Bố tôi tên thật là Vũ Văn Địch, bí danh là Hoàng Mỹ, Trần Hiệu. Sở dĩ ông lấy tên Hoàng Mỹ, là do ghép địa danh quê hương tổng Hoàng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông xưa. Còn Trần Hiệu, là lấy theo tên ông Tô Hiệu, một người cộng sản kiên cường trong nhà ngục Sơn La”. 

Ông Vũ Văn Địch sinh năm 1914 tại làng Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội). Sớm giác ngộ cách mạng, ông được đồng chí Trường Chinh bồi dưỡng, giới thiệu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938, sinh hoạt tại chi bộ Hà Nội, rồi được cử về hoạt động ở Hải Phòng.

Sau khi sa vào tay mật thám Pháp (tháng 9-1939), ông bị giam cầm ở các nhà tù Bắc Mê, Sơn La rồi bị đày sang Madagascar khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, cùng với một số chiến sĩ cách mạng như Hoàng Đình Giong, Phan Bôi, Lê Giản, Dương Công Hoạt... 

Không lâu sau khi họ đặt chân đến Madagascar (một đảo quốc nằm ở Ấn Độ Dương), năm 1942, quân Anh đánh chiếm hòn đảo này và các tù nhân đều được tuyên bố trả tự do. Các sỹ quan Anh tới gặp, hỏi kỹ về những người tù Việt Nam đang bị lưu đày và nhận được câu trả lời: Chúng tôi mong muốn được tham gia cùng Đồng Minh chống phát xít. Do vậy, tình báo Anh đã đưa họ sang Ấn Độ đào tạo cấp tốc về nghiệp vụ tình báo...

Cuối năm 1944, nắm bắt thời cơ cách mạng đang đến gần, những tù nhân cộng sản đã tác động để được người Anh đưa về nước. Con đường lưu đày dài dằng dặc và gian khổ bao nhiêu, thì lúc về lại nhanh chóng, thuận lợi bấy nhiêu; lần lượt 7 chiến sĩ cách mạng được máy bay của Không quân Anh đưa từ Ấn Độ sang Việt Nam để nhảy dù xuống các địa điểm đã chọn.

Sau khi bắt liên lạc với tổ chức, ông Trần Hiệu được đồng chí Trần Quốc Hoàn (Phó Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ) giao nhiệm vụ: Giữ liên lạc thường xuyên qua điện đài với người Anh; Chuẩn bị tổ chức liên lạc bằng điện đài giữa Trung ương và Xứ ủy; Chuẩn bị chương trình mở lớp công tác trinh sát quân sự cho Xứ ủy Bắc kỳ... Trong Cách mạng Tháng Tám, ông Trần Hiệu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông.

Sau ngày tuyên bố Độc lập và ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời, cân nhắc kĩ và đánh giá khả năng của những chiến sĩ cách mạng bị lưu đày đã được huấn luyện về tình báo, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định giao cho ông Trần Hiệu phụ trách Phòng Án chính trị (an ninh), rồi Phó Giám đốc Sở Công an Bắc bộ; khi chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ở Nha Công an Trung ương, ông là Bí thư. Giữa năm 1946, người thứ hai trong nhóm tù chính trị lưu đày ở Madagascar là ông Lê Giản, cũng được giao trọng trách Giám đốc Nha Công an Trung ương.

Ông Trần Hiệu thời kì làm việc tại Nha Công an Trung ương (Sơn Dương, Tuyên Quang).

Không phụ niềm tin của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo, ông Lê Giản, ông Trần Hiệu và các cộng sự của mình đã có nhiều đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ trật tự, trị an trong những ngày vận nước lâm nguy. Đặc biệt, qua vụ án Ôn Như Hầu, lực lượng công an cách mạng non trẻ đã đập tan âm mưu thâm độc của bọn phản động Quốc dân đảng, Đại Việt, Việt cách... câu kết với thực dân Pháp định tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Hiệu trở thành Cục trưởng đầu tiên của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng. Trên cương vị này, ông đã góp phần đào tạo, xây dựng được một số nhà tình báo chiến lược cài cắm trong các cơ quan quyền lực tối cao của chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau này...

Với nhà tình báo nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ, ông Trần Hiệu là người thủ trưởng, người thầy, người anh khả kính. Tháng 11-1954, ông Vũ Ngọc Nhạ được Cục trưởng Trần Hiệu giao nhiệm vụ mới. Đêm đó rất lạnh nhưng trong một ngôi nhà là địa điểm bí mật trên phố Hàng Bạc (Hà Nội), Vũ Ngọc Nhạ vẫn thấy ấm lòng bởi sự quan tâm và những chỉ bảo cụ thể, sâu sát của Cục trưởng Trần Hiệu...

Sau khi ông Nhạ vào Nam, Cục trưởng Trần Hiệu đã sắp xếp đưa cả gia đình ông Nhạ lên một chuyến tàu di cư vào Nam. Trước sự chỉ đạo và quan tâm sâu sắc của cấp trên, với trách nhiệm trước Tổ quốc và sự mưu trí, Vũ Ngọc Nhạ đã từng bước tiếp cận những yếu nhân và các cơ quan quyền lực của chính quyền Sài Gòn, trở thành cố vấn cho 2 đời tổng thống từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu...

Sau này, tình cảm giữa “Ông cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ và đồng đội với thủ trưởng cũ Trần Hiệu vẫn thủy chung, vẹn toàn. Tại TP Hồ Chí Minh, họ đã thành lập một “Ban liên lạc tình nghĩa tình báo” để sinh hoạt, gặp gỡ nhau ôn lại bao kỉ niệm, chiến công thầm lặng góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước. Mọi người đều trân trọng tôn vinh ông Trần Hiệu là “Người anh cả của lực lượng tình báo”...

Xuân Ất Hợi 1995, khi đến thăm, chúc tết thủ trưởng cũ, ông Vũ Ngọc Nhạ đã làm bài thơ “Mừng xuân mừng Đảng, chúc thọ bác Trần Hiệu”: “Xuân sang chúc bác tuổi thênh thang/ Vẫn thông, vẫn sáng, vẫn đàng hoàng/ Bảy nổi, ba chìm, tim thử lửa/ Tám mươi xuân ngoại, xuân hiên ngang...”.

Câu chuyện giữa tôi và anh Lộ đan xen những kỉ niệm về nhà tình báo tiền bối Trần Hiệu, rồi chuyện nhân tình thế sự. Anh Lộ kể: Năm 1960, cha tôi được giao nhiệm vụ mới, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và đảm trách cương vị này suốt 23 năm đến khi nghỉ hưu năm 1984.

Nhớ phút lâm chung của người cha, anh Lộ xúc động: “Buổi tối hôm trước khi về với tổ tiên, bố tôi ngủ rất ngon. Trước đó, tóc ông đang bạc trắng bỗng chuyển đen. Sáng hôm ấy, tôi ở viện chăm ông rồi trở về nhà đi làm. Vừa về đến nhà thì nhận được tin đứa cháu báo ông mệt lắm, tôi vội trở lại bệnh viện và còn kịp nghe được 2 nhịp tim của bố tôi. Đó là ngày 9-11-1997”...

 Nhớ về một kỉ niệm sâu sắc với người cha, anh Lộ trầm ngâm: “Năm ấy, tôi tròn tuổi 18 cũng là dịp có một cuộc bầu cử. Buổi tối, bố tôi tự tay pha trà mời con trai nói chuyện rồi trao thẻ cử tri cho tôi. Ông trịnh trọng nói: “Từ nay anh đã đủ tuổi công dân, tự do làm gì thì làm, miễn là đúng pháp luật và không được ảnh hưởng đến truyền thống cách mạng của gia đình!””.

Nói đến đây, ánh mắt anh Lộ như nhòa đi và lướt ra ngoài cửa sổ, tôi nhìn theo và chợt nhận ra, đường phố đã được điểm xuyết bởi mấy cành đào lễ của những cô hàng hoa đang rong ruổi trên chiếc xe đạp chầm chậm lại qua.

Trần Duy Hiển
.
.