Người thầy không giáo án
Câu chuyện của lòng nhân ái
Từng giọt nước mắt lăn trên 2 gò má chai sạn, ánh mắt xa xăm nhìn qua song sắt của Bùi Thị Hà - nữ tử tù đang chờ ngày thi hành án. Hơn 1 tháng kể từ khi bị tòa tuyên án tử hình về tội buôn bán trái phép chất ma túy, tâm lý Hà nhiều bất ổn. Dù biết trước việc mình làm sẽ phải chịu bản án cao nhất của pháp luật nhưng Hà vẫn dấn thân vào, để giờ đây khi ngồi chờ thi hành án, Hà day dứt lương tâm. Có thể Hà sẽ không được gặp mẹ lần cuối. Các con thì bơ vơ ở một nơi rất xa, nhiều suy nghĩ, tâm trạng cùng đến một lúc khiến Hà suy sụp, bỏ ăn uống nhiều ngày, đêm gần như thức trắng.
Từ bé Hà đã không biết mặt cha, gia đình ly tán, Hà theo mẹ lưu lạc khắp nơi rồi cũng thất lạc. Năm 17 tuổi, cô ta bị đối tượng nữ lừa bán sang Trung Quốc làm vợ và bắt đầu cuộc sống khổ cực đầy cam chịu. Đến năm 2000, khi con đã lớn, Hà tìm cách quay trở về quê hương với mong muốn tìm lại mẹ và 2 người anh trai bị thất lạc nhưng lại sa vào con đường tội lỗi... Cho đến hôm nay Hà phải ngồi trong trại tạm giam, mọi thông tin về mẹ vẫn “bặt vô âm tín”.
Đại úy Đặng Thu Hường thường xuyên gần gũi phạm nhân để tìm cách động viên, giáo dục phù hợp. |
Hoàn cảnh Hà bên ngoài đã khổ cực, vào trại giam không có người thân thăm nuôi, những lúc ấy, người thường xuyên gần gũi nhất chính là nữ quản giáo Đại úy Đặng Thu Hường của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Chị Hường kể, trong những lần gặp gỡ phạm nhân, chị chủ động tìm hiểu suy nghĩ để biết Hà đang trăn trở điều gì, từ đó có cách tiếp xúc, động viên, giáo dục phù hợp.
Nhờ sự gần gũi, quan tâm của nữ quản giáo, dần dần Hà đã thường xuyên chia sẻ niềm vui, nỗi buồn... Sau một tháng vào trại tạm giam, tâm lý Hà đã dần ổn định, chấp hành nghiêm túc quy định của trại.
Đại úy Hường chia sẻ rằng phạm nhân nam đã phức tạp, phạm nhân nữ còn phức tạp hơn nhiều lần. Bởi người phụ nữ có gánh nặng về gia đình, chồng con. Khi họ vào đến đây mới nghĩ đủ thứ, nghĩ đến bố mẹ ở nhà không có người chăm sóc, con cái bơ vơ, li tán, chồng ở nhà sẽ không thể chờ đợi... Lúc ở ngoài, họ cứ mải mê chạy theo guồng quay cuộc sống vì ma lực đồng tiền quá lớn, biết việc mình làm là sai nhưng vẫn dấn thân vào.
Khi vào trại, người quản giáo chính là người thân nhất của nữ tử tù. Có những phạm nhân yêu sách, chống đối quyết liệt, gào thét, đập phá, thi gan cùng cán bộ, cương quyết tuyệt thực hàng tuần trời... mọi sự giáo dục tưởng chừng bất lực. Nhưng có khi vài viên thuốc cảm lúc trở trời, vài viên kẹo ngậm ho lúc trái gió, cái chăn mỏng khi người ta co ro trong đêm mưa lạnh... lại khiến lòng người chùng lại. Con người ta thực sự bị cảm hóa vẫn bởi tình thương và lòng nhân ái.
Đại úy Đặng Thu Hường giáo dục, cải tạo phạm nhân, cho họ thấy hy vọng vào cuộc sống. |
15 năm gắn bó với công tác quản giáo, thường xuyên quản lý 60 phạm nhân, trong đó có những phạm nhân nữ đang chờ ngày thi hành án tử hình, Đại úy Đặng Thu Hường luôn dành nhiều quan tâm tới họ bởi chị hiểu rằng đây là sẽ khoảng thời gian khó khăn nhất trải qua trong cuộc đời, cho dù tội lỗi của họ có đến đâu đi chăng nữa.
Với nữ tử tù, trong những ngày chờ đợi thi hành án, họ luôn cảm thấy bất an, hoảng loạn, nhạy cảm đến mức ngay cả những điều bình thường nhất cũng khiến họ có linh cảm sợ hãi, lúc khóc, lúc cười một cách vô hồn. Đại úy Đặng Thu Hường mỗi ngày đều xuống buồng giam, trò chuyện, an ủi, động viên họ ăn uống, chăm sóc họ khi ốm đau.
Cảm hóa và chia sẻ
Năm 2004, tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1, Đặng Thu Hường nhận quyết định về công tác ở Công an tỉnh Quảng Ninh, chị tình nguyện về Trại tạm giam Công an tỉnh công tác. Từ đó đến nay, làm công tác quản giáo, Hường cảm thấy yêu nghề với vai trò “người thầy đeo quân hàm” trong trại.
Không bảng đen, phấn trắng, không có giáo án nào cố định, cũng chẳng có bài học nào giống bài học nào. Mỗi số phận phạm nhân là một trang giáo án khác biệt. Để có thể hiểu những tâm tư, suy nghĩ của họ, người “thầy” nhiều khi phải thể hiện sự nghiêm khắc. Nhưng đằng sau đó là cả sự cảm thông, chia sẻ, giúp phạm nhân thấy được ánh sáng, hy vọng vào cuộc sống.
Năm 2014 phạm nhân Nguyễn Thị Quyên bị tòa tuyên 26 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, mức án mà Quyên phải trả đến gần cuối cuộc đời. Trong những ngày đầu mới vào Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh thụ án, tâm lý phạm nhân xáo trộn, nhiều khi tỏ ra bất mãn, bất cần, không hợp tác với cán bộ quản giáo.
Đại úy Đặng Thu Hường kể rằng, sau kì nghỉ phép của cô, ngày đầu tiên bước xuống buồng giam, mở cửa ra hỏi thăm phạm nhân, Nguyễn Thị Quyên đã bật khóc. Trò chuyện với Quyên, chị mới biết Quyên khóc không phải vì bản thân mình mà vì nỗi nhớ dành cho quản giáo, mong gặp chị mỗi ngày. Bởi từ khi vào đây, chỉ có Đại úy Hường thăm nuôi, hằng ngày hỏi thăm Quyên ăn uống, động viên, chăm sóc mỗi khi căn bệnh khớp lên cơn tái phát.
Những hành động thường nhật bình dị ấy đã khiến Quyên cảm động. Một thời gian sau khi chuyển về thụ án tại Trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng, việc đầu tiên Quyên nhớ tới là viết thư gửi cho cán bộ quản giáo bày tỏ lòng biết ơn.
Thư cảm ơn của phạm nhân gửi Đại úy Đặng Thu Hường. |
Trong thư Quyên viết: “Em lúc nào cũng nhớ về cán bộ nhiều vô cùng. Khi vào tù em được cán bộ giáo dục tư tưởng, động viên tinh thần, bảo ban từng việc nhỏ nhất, em vô cùng biết ơn. Nếu được viết một cuốn sách về những câu chuyện thầm lặng trong trại giam của các cán bộ nữ, chắc chắn em sẽ viết về cán bộ Hường đầu tiên...”.
Vào trại tạm giam mới thấy công việc của cán bộ quản giáo vất vả thế nào. Mỗi cán bộ nữ trung bình quản lý từ 40 đến 60 can phạm. Hiện tại, Đại úy Đặng Thu Hường được lãnh đạo đơn vị phân công quản lý, giáo dục 60 người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân ở nhiều hoàn cảnh, thành phần gia đình, xã hội phức tạp; nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có phạm nhân chưa đến 18 tuổi. Chứng kiến những trường hợp đó, nữ quản giáo Đặng Thu Hường cảm thấy xót xa. Nhưng trước pháp luật tất cả mọi người đều bình đẳng.
Có những trường hợp người bị bắt ở tuổi vị thành niên, đứng trước song sắt, vẫn là một đứa trẻ. Như trường hợp La Thị Sương (người dân tộc Tày, sinh năm 1998, ở Yên Bái) phạm tội đánh bạc. Ngày bị bắt, Sương chưa đầy 17 tuổi, khóc òa ôm lấy cán bộ: "Cán bộ ơi, cháu biết lỗi rồi, cho cháu về, cháu nhớ mẹ lắm! Cháu đang đi học, thấy các chú bảo đi theo các chú, ngồi cùng cho vui, cháu không biết đấy là phải đi tù. Cháu hứa, lần sau cháu không tái phạm nữa. Cho cháu về đi...". Thương lắm. Nhưng biết làm sao được. Giá như, lại là giá như, Sương biết nghĩ tới những điều này sớm hơn...
Giữa những ngây ngô, lạ lẫm, hoảng loạn, người cán bộ quản giáo lại phải như một người mẹ, người chị, dạy dỗ, bảo ban, động viên, khích lệ. Dạy từ cách gấp chăn, chăng màn... đến cách nói năng, đi đứng; dạy cách đối diện với cô đơn và đêm tối. Dạy cả cách làm một con người lương thiện. Ngày hết án, nắm chặt tay cán bộ, Sương rưng rưng bịn rịn chào, mong một ngày sẽ được gặp lại chị ở ngoài kia, chứ không phải gặp trong chốn này.
Làm cán bộ quản giáo, chịu đựng gian khổ là vẫn chưa đủ, nếu không có cái tâm, không có lòng nhiệt huyết và tình người. Bởi, quản lý giáo dục phạm nhân là một nghề đặc thù và mang đầy tính nhân văn. Cũng có những cạm bẫy, có những cám dỗ khủng khiếp. Còn chị, vẫn cố gắng vượt qua được hết thảy những cám dỗ đời thường, không ngừng tâm huyết cho công việc, lòng vô cùng thanh thản.
Nỗ lực với tình yêu nghề
Công việc của cán bộ quản giáo ở trại tạm giam là quản lý, giáo dục, cảm hóa người bị tạm giam, bị can, phạm nhân. Hằng ngày, ngoài việc gọi hỏi giáo dục người phạm tội, quản giáo phải kiểm tra chặt chẽ người, tư trang của can phạm, kiểm tra buồng giam, khu giam nhằm phát hiện và ngăn ngừa vật cấm. Trong môi trường làm việc nhiều áp lực, nhất là khi tiếp xúc với phạm nhân lĩnh án tử hình thường có thái độ không hợp tác, đối tượng nhiễm HIV, bệnh hiểm nghèo... nếu không kiên nhẫn, không có bản lĩnh thì khó hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng dù trong điều kiện làm việc khó khăn, vất vả, thời gian bị gò bó, Đại úy Đặng Thu Hường luôn cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị chia sẻ: “Không phải như trang giấy gập vào mai lại mở ra, phạm nhân cũng là con người, có lúc ốm đau, ngày nào cũng cần được thăm nom, ăn uống, bởi vậy quản giáo đến tết cũng không có ngày nghỉ”.
Phạm nhân ở Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh cải tạo tốt được đặc xá dịp Tết 2019. |
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, hằng năm, với vai trò là Phó Hội trưởng Hội phụ nữ của đơn vị, Đại úy Đặng Thu Hường còn chủ động, tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, phong trào. Năm 2018, chị đã tham mưu lãnh đạo đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà trị giá 4.450.000 đồng cho 8 gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn phường Hà Trung, TP Hạ Long; tặng thẻ Bảo hiểm y tế trị giá 5.420.000 đồng cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả cao trong học tập tại một số trường tiểu học trên địa bàn; tổ chức tặng quà cho con em cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị nhân dịp tết Thiếu nhi 1/6...; tham mưu lãnh đạo đơn vị xây dựng công trình, phần việc do phụ nữ quản lý như công trình “Căng tin trại tạm giam”, “Bếp ăn tập thể”.
Năm 2018, Đại úy Đặng Thu Hường cùng các hội viên trong Hội Phụ nữ trại tạm giam đã phục vụ nhân dân gửi 3.941 gói quà, 7.376 lượt lưu ký đến tay người phạm tội, đảm bảo tuyệt đối không có vật cấm vào trại tạm giam thông qua con đường nhận, gửi quà.
Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đồng chí Hường có rất nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác, mỗi khi đơn vị có việc đột xuất, có phạm nhân đau ốm, đồng chí không nề hà đêm khuya, sớm tối, đều nhanh chóng có mặt và hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo giao. Năm 2018, đồng chí được Giám đốc Công an tỉnh tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, đó là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng”.
15 năm công tác trong lực lượng công an là 15 năm Đặng Thu Hường gắn bó với công việc quản giáo. Dù điều kiện làm việc còn thiếu thốn, môi trường công tác còn khó khăn, song chị luôn cảm thấy hạnh phúc, nhất là khi chứng kiến phạm nhân do mình cải tạo trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội. Sau mỗi ngày làm việc vất vả, khi cởi bỏ bộ trang phục, chị trở về trong vòng tay của những người thân yêu và làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc.