Người truyền nghị lực ở xóm chạy thận

Thứ Ba, 11/12/2018, 08:54
Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỉ nhưng nỗi đau với di chứng mang tên chất độc da cam vẫn còn đó. Những đắng cay, khổ đau đổ ập xuống gia đình, dòng họ khi một ngày kia họ phát hiện ra mình mang căn bệnh di truyền và cái chết sẽ xảy đến bất cứ lúc nào.


Trường hợp anh Mai Anh Tuấn - tổ viên tổ bảo vệ dân phố số 2 phường Đồng Tâm là điển hình của người nghị lực phi thường và sống có ích cho cộng đồng, xã hội khi mang trong mình căn bệnh suy thận đã hơn 20 năm nay do di chứng chất độc da cam từ người cha nhưng anh đã mang đến bao điều tốt đẹp cho bệnh nhân suy thận và ung thư khác.

Anh Mai Anh Tuấn bên những giấy khen của con trai và của anh trong căn phòng trọ.

1. Nằm sâu trong khu xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận tại 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội), căn nhà anh như một chuồng chim nhỏ trên tầng hai, là nơi vợ chồng anh Tuấn thuê trọ ở cùng cậu con trai đang học lớp 10 đã từ nhiều năm nay. Phòng chỉ chừng 15 mét vuông vừa là nơi để tiếp khách và nơi để ngủ. Căn bếp kê bên ngoài lối đi chật hẹp nhưng nhìn ra khoảng trời xanh thơ mộng. Phòng không có bàn ghế, tôi ngồi tạm trên giường. Căn phòng tuy bé nhưng gọn gàng, ngăn nắp.

Đặc biệt hơn là trên tường treo hàng chục giấy khen của cả bố và con. Trên cao chút nữa là bức tượng phật A Di Đà, tiếng kinh cầu nho nhỏ vừa đủ nghe từ chiếc đài bé phát ra. Anh Tuấn đã ở khu trọ xóm chạy thận này hơn 20 năm, đã chứng kiến biết bao số phận con người đến và ra đi. Họ đến ở trọ để gần Bệnh viện Bạch Mai chữa bệnh, có những người may mắn sống sót và cũng rất nhiều người lặng lẽ ra đi về miền cực lạc. Cùng với tiếng kinh cầu và lời kể chuyện của anh Tuấn, quá khứ hiện về như câu chuyện mới của ngày hôm qua.

Quê anh ở thôn Vu Chu, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Đất nước thống nhất được một năm, năm 1976, sau khi cha anh ở chiến trường về, mẹ sinh anh là con trưởng, sau đó sinh thêm 3 người con gồm 2 gái và 1 trai. Năm 1995, anh Tuấn đang thi công con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc giai đoạn 1 thì đột nhiên cơn đau đầu như búa bổ khiến anh choáng váng và đứng không vững, mọi người trong tổ xây dựng đưa anh vào bệnh viện huyện. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận anh bị viêm cầu thận và giới thiệu lên tuyến trên.

Do giai đoạn làm đường đang gấp rút nghiệm thu nên anh vẫn cố gắng đi làm nhưng ngay chiều hôm đấy, bệnh tình trở nặng, huyết áp bỗng nhiên tăng vọt, đầu đau như bị chích ngàn mũi kim, cha mẹ đưa anh lên Bệnh viện Bạch Mai. Ngay khi các y tá lấy máu để xét nghiệm thì cũng là lúc anh mệt và đau quá, ngất xỉu. Cầm tờ xét nghiệm, một bác sĩ chạy ra nói với cha mẹ anh: “Các bác ơi, em nó bị nặng đấy, chỉ số của em nó quá cao như thế này uống thuốc không ăn thua đâu, sao gia đình không cho em nó chạy thận sớm?”.

Nhận bệnh án căn bệnh hiểm nghèo của cậu con trai mới vừa bước qua 20 tuổi, bố mẹ Tuấn lòng đau như cắt. Sao thằng bé đang khỏe mạnh lại bị suy thận. Mà tiền đâu ra để chữa đây, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng.  Nhưng khó quá thì cũng phải cố, tính mạng của con mà. Tuấn lên nhập viện rồi thuê nhà trọ ở ngay gần bệnh viện cho tiện việc đi lại. Ngày đó, xóm trọ nơi đây còn là bãi đất hoang, cỏ lau ngút ngàn, mỗi khi mùa mưa xuống, nước ngập đến ngang bắp chân.

Tuấn nhập viện chưa đầy 4 tháng thì em trai của Tuấn là Mai Hồng Sơn (sinh năm 1979), khi đấy mới 17 tuổi cũng bị cơn đau đầu triệu chứng hệt như anh trai, xuống bệnh viện khám, bác sĩ kết luận suy thận. Trong một thời gian ngắn, lần lượt hai cậu con trai đang ở tuổi sung sức, khỏe mạnh nhất của cuộc đời vướng vào căn bệnh quái ác. Tài sản gia đình dần bán đi để thuốc thang cho các con.

Vì gia cảnh khó khăn, nếu chỉ có đủ tiền chạy thận thì chọn anh vì trong hai anh em, người anh bệnh tình có vẻ nặng hơn em, còn người em hằng tháng theo định kì lên bệnh viện lấy thuốc về uống. Lúc đấy hoàn toàn chưa có bảo hiểm y tế, mãi đến năm 2001 mới có chế độ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo. Đến năm 2002 là năm đầu tiên rà soát người bị nhiễm chất độc da cam và có chế độ cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học dioxin.

Năm 2002, cả gia đình anh lần lượt đi khám, giám định. Bác sĩ kết luận cha anh, ông Mai Hồng Mã đi chiến trường bị nhiễm chất độc dioxin và cả hai cậu con trai của ông bị ảnh hưởng chất độc này từ người cha. Gia đình vừa mừng lại vừa lo lắng, mừng vì từ nay sẽ có chế độ của nhà nước hỗ trợ cho những nạn nhân nhiễm chất độc da cam, buồn vì liệu đời con, đời cháu, thậm chí đời chắt còn có ai bị nhiễm chất độc này nữa không.

Anh Tuấn dừng lời kể, tiếng kinh cầu vẫn nhẹ nhàng ru lòng người về miền thanh tịnh. Anh bảo: Cứ mỗi dịp gần tết là lòng anh lại nhói lên khi nhớ về cái tết năm đó, câu chuyện qua đã hơn chục năm nay mà mỗi khi nghĩ đến là lòng anh thắt lại.

Anh Mai Anh Tuấn và vợ luôn bên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn của cuộc sống.

2. Đó là dịp cuối năm 2005, cha anh phải lên Hà Nội cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai vì suy thận. Những ngày giáp tết năm đó buồn thê lương, trời lạnh tê tái, mưa rơi lất phất, căn nhà nhỏ ở thôn Vu Chu càng thêm trống trải, lạnh lẽo. Cậu em trai Mai Hồng Sơn thì đang ở Hà Nội, bệnh tình trở nặng nhưng cũng chưa điều trị chạy thận qua phương pháp lọc máy.

Ngày 28 tết, Tuấn giục em trai về quê xem nhà cửa tết nhất thế nào, cậu em trai nhận thuốc của bệnh viện rồi bắt xe đò về quê. Năm đó, quả là buồn, người cha thì nằm ăn tết trong Bệnh viện Bạch Mai cùng cô con gái cũng bị bệnh viêm cầu thận lên chăm sóc cha. Anh Tuấn thì cùng vợ và cậu con trai nhỏ ở trong xóm trọ. Cậu em trai tên Sơn về quê, bệnh tình ngày một nặng. Qua đêm giao thừa đến sáng mồng 1, người mẹ vào phòng thấy con trai khó thở, bà cho con uống thuốc nhưng bệnh tình chẳng đỡ.

Đến ngày mồng 3 tết, mẹ cho cậu xuống Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Đó là những ngày nghỉ tết, bệnh viện vắng ngắt. Đợi đến mồng 6 tết, bệnh tình của Sơn ngày càng trở nên trầm trọng, cậu đã mệt lắm, thậm chí chẳng đủ sức để nói, toàn thân cậu rũ ra như tàu lá chuối héo. Người gầy gò, xanh lét, ánh mắt lờ đờ mệt mỏi chẳng còn thần khí. Bác sĩ quyết định chuyển Sơn lên tuyến Trung ương, trên đường đi cấp cứu Sơn phải thở ôxy. 

Xe cấp cứu đưa Sơn đến Bệnh viện Bạch Mai, do bệnh tình quá nặng, sức khỏe yếu như ngọn đèn dầu leo lét giữa cơn gió to, Sơn lặng lẽ mất ngay sau đó một tiếng đồng hồ. Anh Tuấn, cha và em gái ngậm ngùi nhìn Sơn mất trong sự tang thương của ngày đầu xuân năm mới. Đưa em về quê nhà chôn cất, chưa kịp để mồ em xanh cỏ, anh Tuấn lại phải quay về Hà Nội tiếp tục chạy chữa căn bệnh đeo bám suốt quãng đời còn lại của anh. Người em gái sinh năm 1981, mấy năm ở Hà Nội chăm bố bị bệnh thận đã nên duyên với một anh bệnh nhân nằm bên cạnh giường bố.

4 năm sau ngày em trai vĩnh viễn ra đi, đến năm 2010 bố anh cũng mất vì căn bệnh tai ác này. Nỗi đau và bệnh tật đeo đẳng, cả quãng đời tuổi trẻ của Tuấn đến khi anh là một người đàn ông trung niên như ngày hôm nay. Để có tiền chữa trị, trước kia anh phải đi làm nhiều nghề: bán nước vỉa hè, chạy xe ôm, đi nhặt ve chai, còn bây giờ thì anh làm ở tổ bảo vệ dân phố của phường Đồng Tâm. Trong lúc rỗi rãi có đơn hàng nào là anh lại đi ship hàng.

Giấy khen của Ủy Ban Nhân dân Quận Hai Bà Trưng tặng anh Mai Anh Tuấn.

Mặc dù biết rằng căn bệnh này phải hạn chế đến những nơi ẩm thấp, bụi bặm, ô nhiễm, không được làm việc nặng nhọc nhưng vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai, anh vẫn như con ong chăm chỉ hằng ngày.

Vợ anh, người phụ nữ cùng quê, dù biết bệnh tình của anh, dù cha mẹ ngăn cản nhưng chị vẫn quyết lấy anh và sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh. Con trai 10 năm liền đều là học sinh giỏi là niềm động viên lớn để vợ chồng anh vượt qua mọi khó khăn. Anh thì là tổ trưởng của xóm chạy thận, lại kiêm luôn làm công tác bảo vệ dân phố. Chị thì làm nấu ăn nhì nhằng ở các quán ăn, tuy kinh tế đạm bạc nhưng gia đình hạnh phúc.

Hằng ngày, nếu không phải đi chạy thận, anh lại bận rộn với công việc tổ trưởng xóm, đại diện tiếp đón các ban ngành, những nhóm thiện nguyện đến thăm mọi người. Tối tối, anh lại thăm hỏi, kiểm tra đảm bảo an ninh của xóm, giúp mọi người yên tâm chữa bệnh.

Anh nói với tôi như nói với chính mình: “Đúng là tôi từng chứng kiến những người ra đi ngay trước mắt. Thậm chí, có những người nằm cạnh giường trong bệnh viện cùng chạy thận đang nói chuyện với nhau, khi mệt họ nhắm mắt lại và không bao giờ mở ra nữa. Họ đã lặng lẽ ra đi trong một giấc ngủ dài. Tự bản thân tôi cũng nghĩ rằng, rồi một lúc nào đó mình cũng sẽ ra đi như thế chăng”.

Anh bảo, cuộc đời là vô thường, có sinh có diệt, có được có mất, nghĩ thế cho nhẹ nhàng thanh thản để khi mất đi, mình không là gánh nặng cho chính mình và gia đình. Anh Tuấn vẫn thường nói với vợ: “Ngày hôm qua thì đã qua rồi, ngày hôm nay ta vẫn còn ở đây, còn ngày mai như thế nào ta chưa thể biết. Trong cuộc sống bây giờ, mình làm được những điều thiện, nói những lời thiện, hoặc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mình giúp đỡ được ai thì hết lòng giúp đỡ, cuộc đời vốn công bằng...”.

Chính tâm thiện của anh đã giúp cho nhiều người lấy lại được niềm tin vào nghị lực và những điều tử tế, nhân nghĩa ở cuộc đời. Trong đêm giao lưu của câu lạc bộ thiện nguyện Từ trái tim đến với trái tim, anh Mai Anh Tuấn được nhận lẵng hoa và bằng khen. Trong những tin nhắn gửi đến nhân dịp sinh nhật của anh vừa qua, một bệnh nhân ung thư đã viết: “Anh lúc nào cũng rất chu đáo, tận tâm và nhiệt tình! Anh rất lạc quan, nghị lực và kiên cường đấu tranh với bệnh tật! Cuộc sống của một bệnh nhân chạy thận vốn rất khó khăn nhưng tháng nào anh cũng đều đặn gửi em 100k (100 ngàn đồng - PV) ủng hộ bệnh nhân ung thư. Em rất xúc động và trân trọng tấm lòng của anh. Em chúc anh tuổi mới nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc bên gia đình nhỏ anh nhé”.

Còn nhiều tin nhắn của các bệnh nhân ung thư khác nữa. Trong gia đình nhỏ bé ấy là một trái tim hồn hậu và biết yêu thương, sẻ chia của người chồng và tình yêu, sự thấu hiểu của người vợ. Người bạn đời đã cùng anh nếm trải cay đắng ngọt bùi của cả quãng đời khi anh lâm trọng bệnh, họ đã dắt tay nhau đi như thế trước sóng gió cuộc đời để về nơi cư trú ở miền an định.

Trần Mỹ Hiền
.
.