Người viết thơ nằm Nguyễn Hữu Thịnh: Cây xương rồng trổ hoa

Thứ Sáu, 29/12/2017, 12:01
Bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ cha, ngay từ nhỏ Nguyễn Hữu Thịnh đã phải mang một cơ thể, hình hài tật bệnh. Nhưng với ý chí, nỗ lực sống mãnh liệt như cây xương rồng, Thịnh đã vươn lên và trổ những bông hoa thơ trong trẻo dâng cho đời. Người viết thơ trong tư thế nằm Nguyễn Hữu Thịnh là một trong những nhân vật để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.

Từ nỗi đau da cam

Một sáng đầu đông, trời se lạnh, tôi tìm về nhà của Nguyễn Hữu Thịnh ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Nhà Thịnh nằm ở giữa làng. Vào nhà, tôi thấy một người đàn ông nhỏ thó đang nằm trên tấm đệm trải dưới nền, đang lướt mạng bằng iPad.

Người đàn ông này còn trẻ, chỉ độ ngoài ba mươi, bị liệt 2 chân, 1 tay. Chân, tay teo tóp, dáng người cong vẹo, khiến anh rất khó trong việc cử động toàn thân. Chỉ có đầu và tay phải cử động được. Trong đầu tôi nghĩ chắc người viết thơ nằm Nguyễn Hữu Thịnh đây rồi. Khi nghe tôi hỏi để xác tín, anh ngước đầu, ánh mắt sáng và đầu gật gật như chào tôi.

Trò chuyện với Thịnh, tôi còn phát hiện ra giọng anh ồm ồm, phát không rõ âm, đứt đoạn, hụt hơi rất khó nghe. Nhìn Thịnh như vậy, tôi không khỏi rưng rưng xúc động.

Ngoài phòng khách, bố của Thịnh - ông Nguyễn Xuân Luật - pha trà và mời tôi ra uống nước.

Thời trẻ ông Luật đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, ông Luật xuất ngũ, đi học nghề và công tác tại một trường dạy nghề ở tỉnh Bắc Giang. Sau đó, ông lập gia đình và sinh được 3 người con, 2 trai, 1 gái. Nguyễn Hữu Thịnh sinh năm 1981 và là con thứ hai của vợ chồng ông.

Nguyễn Hữu Thịnh.

Vợ chồng ông Luật hài lòng với cuộc sống hiện có. Vợ ông ở quê tần tảo đồng ruộng chăm sóc các con còn ông dạy học trên Bắc Giang và cuối tuần nào cũng về thăm nhà, thăm vợ con. Cuộc sống đầm ấm, giản dị, hạnh phúc cứ thế trôi đi cùng sự khôn lớn, khỏe mạnh của các con.

Ông Luật tâm sự: “Khi sinh ra Thịnh khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, đi lại, chạy nhảy, nói cười. Đến đầu năm lớp 2, trong một lần bị ốm nặng, gia đình đưa Thịnh đi điều trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, ở địa phương rồi lên bệnh viện trên Hà Nội”.

Ông Luật nhớ lại hồi đó, vợ ông suốt ngày phải ở bệnh viện để trông con, còn ông ban ngày dạy học trên trường, chiều tối lại từ Bắc Giang đi xe máy về bệnh viện ở Hà Nội để thay vợ chăm con. Đến sáng lại từ Hà Nội đi về Bắc Giang làm việc. Cuộc sống ngày đó khó khăn vô cùng. Đồng lương giáo viên của ông không đủ để chữa bệnh cho con.

Trận ốm nặng của cậu con trai khiến vợ chồng ông Luật không khỏi đau lòng. Nhìn đứa con khỏe mạnh ngày nào nay chỉ nằm một chỗ không thể đi lại được, vợ chồng ông nhiều đêm rơi nước mắt vì thương con. Trận ốm đó khiến 2 chân và cánh tay trái của Thịnh bị liệt, lưỡi của Thịnh bị rụt lại khiến cậu nói và phát âm rất khó khăn. Cơ thể cậu teo tóp dần và không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

Do sức khỏe yếu, không đi được nên cậu đành nghỉ học. Ông Luật buồn rầu bảo: “Bác sĩ bảo cháu bị nhiễm chất độc da cam”.

Tuy nằm liệt giường, không đi lại được nhưng cậu bé Thịnh không buông xuôi chấp nhận nỗi bất hạnh. Cậu luôn khát khao được trau dồi cho mình những kiến thức, kỹ năng khác để hòa mình vào đời sống. Khi nghỉ học, Thịnh mới học được ít buổi của chương trình lớp 2, khi đó vẫn chưa đọc thông viết thạo. Nếu không có ý chí, nỗ lực thì với kiến thức, kỹ năng ít ỏi đó, Thịnh sẽ bị mai một theo thời gian và dần trở nên vô minh với cuộc sống nằm bẹp ở nhà.

Thịnh không chấp nhận điều đó, cậu bảo bố mẹ mua sách về để cậu đọc và tập viết. Thịnh tâm sự: “Em đọc đủ mọi loại sách báo từ sách văn học, thơ ca đến các sách khoa học thường thức, thậm chí đọc cả sách báo dạy nấu ăn. Em đọc để thâu nạp, nâng cao kiến thức, trau dồi vốn ngôn ngữ”.

Khi lớn lên, gia đình mua cho Thịnh máy tính, truy cập mạng để cậu vào xem giải trí, giao lưu bạn bè, trau dồi kiến thức. Để có thể sử dụng máy tính, Thịnh phải tự học. Nghe Thịnh nói về máy tính, truy cập mạng, tôi rất ngạc nhiên và hỏi: “Việc biết sử dụng máy tính, truy cập mạng, lướt web có thể bình thường đối với những người khác nhưng với em chắc cả một sự nỗ lực không nhỏ?”.

Thịnh trả lời: “Vâng! Khi gia đình mua cho máy tính, em phải mầy mò tìm hiểu. Em nhờ người thân mua sách dạy vi tính. Và hàng ngày cứ nằm mày mò theo sách, làm quen từng phím và tìm hiểu chức năng từng thanh công cụ trên máy. Lướt web, lập các trang mạng xã hội cá nhân, e-mail em đều phải tự mày mò tìm hiểu và làm hết. Thậm chí em còn tự sửa máy tính nữa, anh ạ!”.

Thịnh chụp ảnh kỷ niệm với bạn nhân dịp anh ra mắt tập thơ mới.

Thấy tôi ngạc nhiên như chưa tin điều này, Thịnh tâm sự: “Trước, mỗi lần máy tính hỏng, phải nhờ thợ ở tận TP Hải Dương về sửa. Có khi vài ngày họ cũng chẳng về sửa được, đợi lâu quá thế là em lại nhờ người nhà tìm mua sách kỹ thuật về sửa chữa máy tính mày mò đọc, nghiên cứu và tự sửa. Bây giờ, máy tính bị hỏng nhẹ em có thể tự sửa và cài đặt lại chương trình mà không cần thuê thợ nữa”.

Nghe Thịnh nói, tôi cũng không thể mường tượng được một người chỉ có tay phải và đầu cử động được thì làm thế nào có thể sửa máy tính vốn đòi hỏi sự chi tiết, tỷ mỉ được nhỉ? Ý chí, nỗ lực và quyết tâm của Thịnh thật đáng khâm phục. Từ một cậu bé chưa học hết lớp 2, bị liệt phải nằm ở nhà đã tự học tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng để có thể tự làm chủ, sử dựng thành thạo các phương tiện, máy móc kỹ thuật cao như: laptop, máy tính bảng iPad.

Thơ tiếp thêm nghị lực

Mặc dù nghỉ học từ năm lớp 2 nhưng với nỗ lực tự học, đam mê đọc, tìm hiểu, nghiên cứu các kiến thức, trong đó kiến thức về văn, thơ của Thịnh khá vững. Cũng từ tiếp xúc với các tác phẩm văn thơ của các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước đã thấm đẫm tâm hồn chàng thanh niên có số phận không may mắn này. Và những tứ thơ đã nảy trong đầu Thịnh như một lẽ tất yếu.

Thịnh tâm sự: “Em đọc rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó em rất yêu thích thơ. Em đọc thơ của nhiều nhà thơ như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính..., trong đó em thích nhất là thơ Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính. Em thích thơ Hàn bởi cuộc đời ông cũng thiệt thòi, bệnh tật và thơ ông theo trường phái tượng trưng siêu hình. Còn Nguyễn Bính là nhà thơ của làng quê và em sinh ra và lớn lên ở làng quê nên đọc thơ ông cảm thấy gần gũi với cuộc sống của em. Thơ của các ông đã thấm đẫm tâm hồn em và tạo cho em cảm hứng, em bắt đầu làm thơ năm 1997”.

Cũng vì hâm mộ Hàn Mặc Tử nên Thịnh đã lấy bút danh mang họ Hàn là Hàn Tương Thi. Ngoài ra, Thịnh còn giao lưu kết bạn với một nhóm có chung hoàn cảnh thiệt thòi, khuyết tật và yêu thích thơ ca để thành lập nhóm thơ “Tam thi nhất mệnh” cùng lấy bút danh mang họ Hàn. Đọc thơ của Thịnh tôi cũng cảm nhận được nhiều bài thơ của chàng thi sĩ này mang âm hưởng, cảm hứng, ngôn từ, hình ảnh, không gian thơ thời Thơ mới, trong đó có Hàn Mặc Tử.

Theo Thịnh tâm sự, những ngày đầu đến với thơ, cảm hứng cứ đến dạt dào, ào ào như thác đổ khiến chàng thi sĩ này viết không kịp. Bài này chưa xong, cảm hứng bài thơ khác đã ầm ập đến. Sau này, Thịnh tiết chế dần cảm xúc, nét cảm xúc và tìm tứ, tìm câu đến khi nào chín mưng mức mới viết ra nên những bài thơ sáng tác những năm gần đây đằm hơn, hình ảnh, ngôn từ cô đọng, đắt hơn.

Ví như bài “Thu không”: “Sương ngày se vời vợi. Thu có hừng không em? Một màu tinh khiết đắm. Tiếng chim ngọt chừng men. Vườn nhà ương sắc lá. Hoa khế gội tím chiều. Gió đông hờn qua ngõ. Khâu vết buồn rong rêu. Rót chiều như không nắng. Giọt trăng liềm mỏng tang. Trôi ùn vầng mây trắng. Lang thang khắp đồng làng. Bước chân ngày quên lãng. Không quay về mùa xưa. Em đâu còn dĩ vãng. Để thu giờ đón đưa! Sương ngày se vời vợi. Se đầy lòng thu không”.

Thường những người chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh, khi làm thơ sẽ hay kể lể than thân trách phận, bi quan, bế tắc nhưng thơ của Thịnh lại không rơi vào trạng huống đó. Thơ anh luôn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu sống và muốn hòa mình vào thiên nhiên để hít hà “hương” trời đất, “hương” bốn mùa.

Nhiều bài thơ Thịnh có dùng từ “chết” nhưng ẩn sâu trong đó là niềm ham sống, yêu sống, níu sự sống được lâu hơn để nói lên nỗi niềm khát khao sống hòa cùng thiên nhiên, trời đất của mình. Chẳng thế mà khi đọc thơ Thịnh, tôi thấy đề tài chủ đạo, tạo niềm cảm hứng mạnh nhất trong thơ của anh là thiên nhiên, cảnh sắc, làng quê, là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và tình yêu.

Thịnh thường xuyên vào mạng để cập nhật tri thức.

Nhà báo, nhà thơ Việt Hòa, người viết lời bạt cho tập thơ mới nhất của Thịnh là “Gọi phía mùa thu”, xuất bản năm 2017 chia sẻ: “Ngay từ những lần đầu tiếp xúc với hồn thơ Hữu Thịnh, tôi đã thấy ngạc nhiên với năng lực tái hiện thế giới tự nhiên trong thơ anh. Dù không thể thường xuyên di chuyển nhưng thế giới ấy của anh vẫn phong phú và đầy mời gọi. Mỗi hình ảnh thiên nhiên trong thơ anh vừa chân thực lại vừa ẩn chứa những tấm tình xao động của một tâm hồn nhạy bén mong manh”.

Khi được hỏi điều này, chàng thi sĩ Hữu Thịnh cho biết: “Thơ giúp cho em hòa nhập vào đời sống, giúp em giao lưu, kết bạn được với nhiều người, thơ giúp em lạc quan, yêu đời hơn. Số bài thơ than thân trách phận rất ít. Nếu suốt ngày đắm chìm trong cảm xúc đau buồn, bi lụy đó, chắc em cũng chẳng thể yêu sống và chẳng thể làm thơ nhiều như vậy. Em muốn lấy thơ làm cầu nối với thế giới, với thiên nhiên, với đời, với tình yêu để nói lên khát vọng sống của mình”.

Đến nay, Thịch đã sáng tác được hơn một nghìn bài thơ, nhiều tác phẩm đã đăng tải trên trang mạng cá nhân của anh và đăng trên nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương thu hút nhiều người đọc, chia sẻ, động viên. Thịnh cũng đã xuất bản được 3 tập thơ riêng gồm: Tập thơ “Thương lắm mai sau” xuất bản năm 2010, tập “Hoài khúc Tương Thi”, năm 2014 và tập “Gọi phía mùa thu”, năm 2017 và 5 tập thơ in chung gồm: “Cây vẫn nở hoa”, “Khúc tao ngộ”, “Tam thi nhất mệnh”, “Trái tim hồng”, “Giấc mơ về nơi ấy”.

Năm 2015, anh được giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ VII 2011 - 2015 (Đây là giải thưởng lớn nhất của tỉnh Hải Dương về văn học nghệ thuật).

Thơ không chỉ giúp Thịnh vui sống mà còn như Thịnh khoe: “Nhờ làm thơ mà em có tiền mua được xe lăn đấy anh ạ!”. Thịnh cho biết, tập thơ “Gọi phía mùa thu”, ngay sau khi xuất bản hồi tháng 8 vừa qua, đã nhanh chóng bán hết, giúp Thịnh thu về một khoản tiền đủ mua xe lăn để anh có thể tự đi lại được.

“Chiếc xe trị giá mười mấy triệu đồng anh ạ! Có xe em vui lắm. Bây giờ, em có thể tự điều khiển xe lăn đi dạo quanh làng ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên quê hương và cảm nhận cuộc sống của người dân mà không còn phải nhờ bố đưa đi nữa”, Thịnh chia sẻ.

Nghe Thịnh nói, tôi thấy gương mặt anh rạng ngời phấn khởi. Anh cười rất sảng khoái. Tôi cũng mừng cho Thịnh. Bởi với việc tự đi lại trên chiếc xe lăn sẽ giúp Thịnh chủ động tiếp xúc giao hòa với đời sống, cảm thụ cuộc sống, thiên nhiên, biết đâu sẽ tạo cảm hứng để anh sáng tác được nhiều bài thơ hay.

Nhìn Thịnh, bất chợt tôi nhớ đến hình ảnh cây xương rồng. Dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, mưa dông hay hạn hán đến cằn khô, cây xương rồng vẫn từng ngày sống, vươn lên một cách mãnh liệt để trổ hoa cho đời. Hơn một nghìn bài thơ là hơn một nghìn bông hoa được kết tinh từ trong cuộc đời đau khổ, thiệt thòi, bệnh tật với ý chí, khát vọng, niềm yêu sống, yêu đời của Nguyễn Hữu Thịnh dâng hiến cho đời càng quý giá biết bao.

Việt Cường
.
.