Nguy cơ hỏa hoạn từ những khu trọ giá rẻ

Thứ Hai, 24/09/2018, 12:16
Chiều tối ngày 17-9, tại khu vực nhà trọ ngay bên cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương (Đê La Thành, Hà Nội), một đám cháy đã bùng phát vào giờ cao điểm khiến hơn chục ngôi nhà bị cháy lan, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Cũng từ đám cháy này, nhiều người nhận ra rằng có quá nhiều nguy hiểm vẫn đang tồn tại từ những khu nhà trọ giá rẻ.


Vì chập điện hay vì ý thức?

Vài ngày sau vụ cháy kinh hoàng, khung cảnh khu trọ trong ngõ 879 Đê La Thành trở nên hoang tàn. Vẫn chưa người dân nào được vào, được tiếp cận hiện trường để tránh những nguy hiểm luôn rình rập từ những khung sắt, mái tôn đang trực chờ rơi xuống phía dưới.

Qua ghi nhận tại hiện trường, có hơn 20 căn nhà bị cháy lan cùng nhiều tài sản giá trị. Trong một số phòng trọ liền kề, nhiều đồ đạc biến dạng, tường ám khói đen, một số bình gas, bình khí vẫn vứt ngổn ngang tại những khu cầu thang chật hẹp.

Những người dân ở trọ trong "xóm chạy thận".

Sau khi vụ việc xảy ra, ngoài thiệt hại của các chủ trọ thì những người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là những người thiệt thòi nhất. Họ mất chỗ ăn, chỗ ngủ, đồ đạc và cả tiền bạc. Có một số người không tìm được chỗ ăn ngủ, phải ngủ lại ghế đá của bệnh viện để chờ tiếp tế.

Mặc dù đã nhận được sự giúp đỡ của UBND phường Ngọc Khánh, của Bệnh viện Nhi Trung ương và một số nhà hảo tâm khác, nhưng mất mát tài sản, mệt mỏi vì những đêm thức trắng cũng khiến họ không thể nào nguôi đi được sự đau khổ vì ngọn lửa quá bất ngờ đã "cướp" hết tài sản của họ trong chốc lát.

Sau vụ cháy, mặc dù cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ việc, nhưng mọi người phỏng đoán có thể do chập điện.

Trong những nhà bị hỏa hoạn tấn công có khu trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi). Người đàn ông thường được biết với cái tên Hiệp "khùng" là chủ của một khu trọ giá rẻ, mà mọi người gọi vui là "khách sạn 5 sao" cho người nghèo với sức chứa khoảng 120 người một lúc. Với 4 khu nhà, gần 30 phòng ngủ, ông Hiệp đã trang bị hàng chục thiết bị điện trong tất cả các phòng như tivi, wifi, truyền hình cáp, nồi cơm điện, quạt...

Một dãy nhà trọ cấp 4 gần Bệnh viện K Tân Triều.

Tuy nhiên, theo người dân ở đây cho biết, mặc dù ông Hiệp nâng cấp tiện nghi cho phòng trọ, nhưng cái quan trọng nhất cần nâng cấp đó là đường dây tải điện thì lại ít được quan tâm. Có lẽ cũng vì thế, nhiều người cho rằng, ngọn lửa gây cháy cho khu này xuất phát từ nhà ông Hiệp.

Trong vụ việc này, trước khi cơ quan chức năng công bố nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, không thể kết tội được bất cứ ai. Nhưng quả thật, ai đã từng đến khu trọ trong ngõ 879 Đê La Thành cũng có thể thấy sự xập xệ của đường dây tải điện, không chỉ riêng gì khu "nhà trọ 5 sao" nhà ông Nguyễn Thế Hiệp. Trong con ngõ nhỏ, tối tăm và san sát nhau như vậy, chỉ một ngọn lửa nhỏ thôi cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn thiêu trụi cả khu trọ trong ngõ.

Nguy hiểm từ khu trọ giá rẻ

Theo ghi nhận của phóng viên, gần Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều... có rất nhiều khu nhà trọ giá rẻ dành cho người nhà đến chăm bệnh nhân hoặc chính các bệnh nhân điều trị dài ngày thuê ở. Qua quan sát, chúng tôi ghi nhận được có nhiều khu nhà trọ là nhà cấp 4 hoặc nhà tập thể, cơ sở vật chất tồi tàn cũ kĩ bởi đều là nhà đã xây lâu năm. Mặc dù không có các khu nhà khung thép tạm bợ, tối tăm như trong khu nhà trọ của Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng ở một số khu trọ tại đây, cũng có nhiều mối nguy cơ cháy nổ không thể lường trước.

Bên trong một khu trọ giá rẻ tối tăm.

Khu nhà trọ giá rẻ trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị nổi tiếng với cái tên "xóm chạy thận" khi có hơn 100 bệnh nhân hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai lưu trú. Trong khu trọ này có hơn 60 phòng trọ, mỗi phòng chỉ rộng vài mét vuông với 4 dãy nhà chạy song song và ở giữa là lối đi nhỏ hẹp, chỉ đủ hai xe máy tránh nhau. Giá thuê trọ ở đây dao động từ 1-2 triệu/tháng, tùy theo tiện nghi trong phòng có những gì.

Ông Nguyễn Văn Ba (Bắc Giang), một "cư dân" của "xóm chạy thận" cho biết: "Ở đây cũng trang bị một số thiết bị phòng cháy nhưng cũng gọi là có. Mỗi dãy với cả chục phòng chỉ có vài cái bình chữa cháy. Nhưng thực sự giờ đưa tôi bình chữa cháy, tôi cũng không biết dùng thế nào bởi không được tập huấn. Nhiều bà con ở trong khu này cũng chẳng được tập huấn gì, thậm chí sức để bê cái bình lên còn không có thì làm sao có sức mà chữa cháy".

Quả thật với những bệnh nhân chạy thận yếu ớt này, dù có được trang bị kĩ năng chữa cháy nhưng tại khu nhà được xây san sát nhau như vậy, chạy vẫn là lựa chọn tối ưu nhất khi ngọn lửa bùng phát.

Khi hỏi về nỗi lo của mình trước vụ cháy ở khu trọ giá rẻ gần Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Ba cho hay: "Tôi cũng đọc thông tin về vụ cháy đó và được xem trên mạng. Tôi nghĩ rằng khi đám cháy lớn đó xảy ra, nếu không có nhiều biện pháp khác nhau, chỉ dựa vào vài cái bình bọt này thì không giải quyết được gì. Việc này cần phải có sự phối hợp của chính quyền với chủ trọ, để trang bị thêm đồ phòng cháy và có biện pháp nào đó tăng cường kĩ năng phòng cháy, chữa cháy cho người thuê trọ".

Ông Ba cũng xác nhận rằng, ngoài yếu tố về kĩ năng thì ý thức phòng cháy của người dân thuê trọ cũng không được tốt, một phần do không được đào tạo, phần khác là do hoàn cảnh ép buộc. "Họ không có tiền thì họ phải nấu ăn tại nhà cho tiết kiệm. Mà đâu phải ai cũng có bếp điện để dùng. Tôi vẫn thấy nhiều người dùng bếp gas du lịch để nấu ăn trong nhà, việc đó rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Thế nhưng nghèo thì làm gì có lựa chọn nào khác, đành phải chấp nhận sống chung với nguy hiểm thôi", ông Ba tâm sự.

Khác với "xóm chạy thận", các khu trọ gần Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) nằm rải rác trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút. Mặc dù cơ sở vật chất có khá hơn nhưng cũng không thiếu những dãy nhà trọ cấp 4 tối tăm, chỉ độc nhất một lối đi.

Căn phòng trọ này được dựng lên bằng các miếng nhựa.

Theo chị Phượng, chủ một khu trọ giá rẻ cho biết: "Tại nhà tôi, người nhà bệnh nhân có thể thuê phòng riêng với giá 80 ngàn/ngày hoặc đóng 2 triệu/tháng. Điều hòa dùng đến đâu tính tiền điện đến đó chứ không tính gộp vào giá.

Khi nói về vụ cháy ở khu trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương, bà chủ khu trọ này tỏ ra rất lo lắng. Bà cho biết: "Ở đây nhà nào cũng như nhà nào thôi, việc phòng cháy chúng tôi cũng được tập huấn qua nhưng lâu dần cũng không còn nhớ. Còn trang bị phòng cháy thì người ta yêu cầu thế nào tôi mua thế đó, nhưng lâu rồi cũng không sử dụng vì chưa xảy ra cháy" (?!).

Tuy nhiên, qua quan sát, trong cả một dãy trọ gần chục phòng này, cũng chỉ có một chiếc bình chữa cháy đặt ở góc tối tăm của khu trọ. Và đảm bảo một điều rằng, nếu có hỏa hoạn xảy ra trong khu trọ này, bà chủ trọ cũng không thể nhớ nổi những kĩ năng về phòng cháy chữa cháy đã được tập huấn. Một con số thống kê từ cơ quan phòng cháy chữa cháy cho biết: "Thiếu ý thức và chủ quan chính là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ hiện nay. Trong đó, 74% các nguyên nhân gây cháy nổ là các sự cố về điện, đa phần là do sự bất cẩn của con người". Những thông tin nói trên đã phản ánh thực trạng trong các khu nhà trọ.

Ngoài ra nguy hiểm cháy nổ từ những khu nhà trọ  này còn nằm ở khó khăn trong việc chữa cháy. Hầu hết các khu trọ giá rẻ đều nằm trong ngõ sâu, góc khuất, nên việc chữa cháy trong các khu vực này hết sức khó khăn. Chưa kể tại các khu bệnh viện tuyến Trung ương luôn là điểm nóng của tắc đường, "kết hợp" cùng sự hiếu kì của người dân mỗi khi xảy ra hỏa hoạn khiến lực lượng chức năng phải rất vất vả mới có thể đưa được phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường.

Trong hơn một năm nay, các đội Cảnh sát phòng cháy trên địa bàn Hà Nội đã phải triển khai, đưa vào hoạt động các xe máy chữa cháy để khắc phục được những khó khăn nói trên. Nhưng với những khu trọ tạm bợ, được xây ghép bằng gỗ tấm và lợp nhựa, khi hỏa hoạn xảy ra, ngọn lửa bùng phát rất nhanh khiến lực lượng chức năng trở tay không kịp. Hầu hết trong những vụ việc như vậy, lực lượng phòng cháy chỉ có thể khiến ngọn lửa không thể cháy lan sang các nhà khác.

Sau vụ cháy lớn xảy ra tại khu nhà trọ trên đường Đê La Thành, nhiều chủ khu trọ dành cho người nhà bệnh nhân gần các khu bệnh viện như đều sốt sắng kiểm tra lại hệ thống điện và phòng cháy của mình. Không rõ đây là sự lo lắng trước nguy cơ cháy nổ hay là biện pháp đối phó, để tránh một đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng(?).

Còn đối với người thuê trọ, thông tin về vụ cháy được đăng tải rộng rãi cũng khiến nhiều bệnh nhân và người nhà đang thuê tại khu vực những nhà trọ cũ kỹ này vô cùng lo lắng về công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên khi được hỏi, nhiều người vẫn cho rằng dù có phòng cháy hay không thì vẫn phải ở vì họ không còn lựa chọn nào khác.

Phong Lê
.
.